Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội

QPTD -Thứ Năm, 23/09/2021, 08:31 [GMT+7]

Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động thích nghi trạng thái bình thường mới

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiệm vụ giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quyết định số 2320/QĐ-BQP, ngày 25/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh. Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của Trung tâm được triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, đáp ứng kịp thời sự phát triển, yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã, đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên nói riêng, đặt ra thách thức buộc Trung tâm phải vượt qua để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong trạng thái bình thường mới. Hai năm qua, Trung tâm triển khai kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Nhưng với quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng hệ thống chính trị và toàn dân chiến thắng dịch Covid-19, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã đề ra chủ trương thực hiện tốt “trách nhiệm xã hội, chung vai gánh vác trách nhiệm quốc gia” - một trong những giá trị cốt lõi của Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng thời, hoàn thành tốt chỉ tiêu các mặt công tác và chương trình, kế hoạch giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh. Để thực hiện quyết tâm chính trị đó, Trung tâm đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ, chuyển từ dạy - học theo hình thức quản lý tập trung sang tổ chức dạy - học trực tuyến, với phương châm “chủ động, sáng tạo để chiến thắng đại dịch Covid-19, học sinh, sinh viên tạm dừng đến Trung tâm, nhưng không dừng học tập giáo dục quốc phòng và an ninh”.

Trên thực tế, tổ chức dạy - học trực tuyến đã trở thành xu thế chung, được chú trọng triển khai thực hiện ở hầu hết các đơn vị thành viên, là nội dung chủ yếu trong việc chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, với Trung tâm đây là hình thức mới, chưa có tiền lệ trong dạy - học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, bởi môn học này mang tính đặc thù cao, nội dung chương trình liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi phải gắn lý thuyết với thực hành, kết hợp học tập với rèn luyện và hoạt động ngoại khóa trong môi trường có tính kỷ luật, nền nếp chính quy của Quân đội. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ “vừa mới, vừa khó” này, Trung tâm xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm cao, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm đến đâu hiệu quả đến đó, coi đây là đòn bẩy thúc đẩy hơn nữa việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới hoạt động giảng dạy của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025”.

Tập huấn ứng dụng các nền tảng số vào giảng dạy trực tuyến

Được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về tổ chức dạy - học trực tuyến nhằm ứng phó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung tâm khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ hỗ trợ, Tổ nội dung, bộ phận bảo đảm để thường trực chỉ đạo, điều hành xây dựng kế hoạch, điều chỉnh nội dung bài giảng, các phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án, phương án tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, v.v. Ban hành Quy định dạy - học trực tuyến môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, quy định rõ quyền, trách nhiệm của giảng viên, sinh viên, các bên có liên quan và tổ chức quán triệt, phổ biến cho các đối tượng. Đồng thời, phối hợp thống nhất với các trường liên kết xây dựng kế hoạch khóa học trực tuyến, biên chế sinh viên thành các đại đội do giảng viên trực tiếp làm đại đội trưởng, lập các phòng học trực tuyến, nhóm zalo lớp học, hướng dẫn sinh viên tiếp cận, sử dụng phần mềm MS Teams, hệ thống quản lý học tập Learning Management System [LMS] của Đại học Quốc gia Hà Nội; cấp tài khoản, phổ biến quy định và giải đáp, hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của sinh viên.

Để kịp thời củng cố, trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng viên, cán bộ quản lý, Trung tâm chủ động phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục và Viện Công nghệ Thông tin [Đại học Quốc gia Hà Nội] mở lớp tập huấn cho 100% cán bộ, giảng viên về vận hành, sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS, các kỹ thuật đăng tải, chia sẻ tài liệu, ra bài tập, kiểm tra sinh viên tham gia học tập, cách tương tác với sinh viên, các tình huống sư phạm trực tuyến,… đều được trao đổi, thảo luận, luyện tập kỹ lưỡng, tạo sự tự tin cho cán bộ quản lý, giảng viên trong giảng dạy trực tuyến, đáp ứng nhanh yêu cầu đòi hỏi đang đặt ra. Tổ hỗ trợ kỹ thuật được tập huấn chuyên sâu, làm nòng cốt trợ giúp, xử lý các tình huống kỹ thuật trong quá trình dạy - học trực tuyến. Ngoài ra, Trung tâm yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên tích cực nghiên cứu, khai thác sử dụng các nền tảng ứng dụng dạy - học trực tuyến khác đang phổ biến hiện nay để gia tăng chất lượng, hiệu quả giảng dạy, quản lý sinh viên. Đồng thời, đầu tư nâng cấp ngay một số hạng mục hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện dạy học cho các khoa, phòng và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên.

Bám sát quy định tại Thông tư số 05/2020/ TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Ban hành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học”, Trung tâm chỉ đạo các khoa đào tạo, phòng chức năng tập trung xây dựng, biên soạn tập đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo, ngân hàng câu hỏi, bộ đề thi, đáp án phù hợp với đào tạo trực tuyến và tổ chức nghiệm thu chặt chẽ, đúng trình tự, bảo đảm chất lượng. Trong đó, phần lý thuyết, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới theo hướng ngắn gọn, trọng tâm, cô đọng để người học dễ hiểu, dễ nhớ; giảm thời gian giảng bài, tăng thời gian thảo luận, kết hợp sử dụng các video clip, phim huấn luyện sát nội dung bài học và những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tổ chức, các khoa đào tạo phân công giảng viên chuẩn bị bài giảng, kế hoạch giảng bài, thường xuyên trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp thiết kế bài giảng gắn với kịch bản giảng dạy trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học. Lựa chọn giảng viên có trình độ, kiến thức, phương pháp sư phạm tốt chuẩn bị nội dung, thực hành giảng thử để rút kinh nghiệm, qua đó điều chỉnh, bổ sung nội dung bài giảng cho phù hợp, rèn luyện tác phong, phương pháp truyền đạt rõ ràng, mạch lạc, tạo hứng thú và truyền cảm hứng cho người học. Đặc biệt, các khoa đào tạo chú trọng thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử cả về nội dung, hình thức trình bày, thời lượng; tổ chức thẩm định, thông qua 100% bài giảng trước khi lên lớp, tránh sai sót trong giảng dạy trực tuyến. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu để giảng viên tiếp cận, sử dụng các công cụ và nội dung đưa vào giảng dạy trực tuyến; lựa chọn bộ đề thi, kiểm tra đánh giá kết quả bằng trực tuyến bảo đảm công bằng, khách quan; thống nhất quy trình, nội dung, phương pháp xử lý các tình huống có thể xảy ra; quy định lễ tiết tác phong, trang phục của giảng viên, sinh viên trong quá trình dạy - học trực tuyến. Hướng dẫn người học truy cập các loại tài liệu, lựa chọn giáo trình, tư liệu tham khảo, bộ câu hỏi ôn tập, nội dung thảo luận để nghiên cứu trước khi học tập.

Mặc dù phải gấp rút chuẩn bị, triển khai đồng thời nhiều công việc, song với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, dành nhiều công sức, trí tuệ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với công việc, sau gần một tháng chuẩn bị, ngày 23/6/2021, Trung tâm đã “ra quân trận đầu” với 08 phòng học trực tuyến, mỗi phòng có hơn 100 kết nối, bắt đầu giảng dạy cho sinh viên khóa 66 của Học viện Quản lý giáo dục và Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội theo đúng kế hoạch. Thực tế việc dạy - học trực tuyến cho thấy, đội ngũ giảng viên đã truyền đạt tốt nội dung bài giảng, làm chủ tương đối tốt các ứng dụng dạy - học trực tuyến; bước đầu phát huy được tính tích cực, chủ động, khả năng tự nghiên cứu, tự chịu trách nhiệm và tạo được môi trường tương tác tích cực, thường xuyên giữa giảng viên với người học; 100% sinh viên đăng ký đều có mặt học tập và chấp hành nghiêm các quy định dạy - học trực tuyến. Sau mỗi khoá học, Trung tâm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, liên tục cải tiến để không ngừng nâng cao chất lượng dạy - học. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành 04 khóa dạy - học trực tuyến các nội dung lý thuyết môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 4.000 sinh viên đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Thông qua khảo sát, Trung tâm nhận được phản hồi tích cực về nội dung, cách thức tổ chức, phương pháp, sự tương tác, tính chính quy, chuyên nghiệp trong công tác quản lý, điều khiển lớp học của đội ngũ cán bộ, giảng viên; đa số sinh viên hài lòng với việc dạy - học trực tuyến một số nội dung lý thuyết môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Kết quả đó khẳng định việc tổ chức giảng dạy trực tuyến nếu được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng thì hoạt động dạy - học môn học này không những không bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mà còn tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giảng viên bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện về kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, trình độ công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy của Trung tâm và mục tiêu chuyển đổi số của Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc dạy - học trực tuyến vẫn còn những hạn chế, khó khăn ở cả người học và người dạy, như: trục trặc kỹ thuật do kết nối internet; khả năng ứng dụng, làm chủ công nghệ thông tin của một số giảng viên có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu; thời lượng bài giảng còn kéo dài dễ gây ra tâm lý căng thẳng; việc điểm danh, quản lý, giám sát sinh viên trong quá trình học tập còn khó khăn, v.v. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nỗ lực hơn nữa, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế, tạo bước chuyển biến rõ nét, vượt bậc về trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý sinh viên. Tăng cường đầu tư học liệu, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG, Giám đốc Trung tâm

Video liên quan

Chủ Đề