Trong bài Tre Việt Nam nhà thơ Nguyễn Duy có viết

Tre Việt Nam là bài thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy. Nghĩa đen của nó là nói về loài tre, nhưng nghĩa rộng là nói về con người, về sự chịu thương chịu khó, nhất là nói về sức mạnh của đoàn kết.

Nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh internet

Nhà thơ Nguyễn Duy [sinh năm 1948], tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, quê tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn [nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa], tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Duy là gương mặt thơ tiêu biểu từ sau thời kỳ chống Mỹ đến nay. Thơ ông hóm hỉnh, sâu sắc. Nguyễn Duy từng được gọi là “thi sĩ thảo dân” cho thấy tính chất gần gũi trong thơ của ông với đại đa số tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Duy được đánh giá cao ở thể thơ lục bát. Ở thể loại này, Nguyễn Duy đã kế thừa những nhà thơ đi trước, đó là lấy cái vốn dân gian, đến ông, thì đưa thêm vào cái suy tư bình dân. Được biết, Nguyễn Duy còn viết nhiều thể loại văn học khác.

Bài thơ Tre Việt Nam thuộc chùm thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1973, trong đó có thêm bài Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Giọt nước mắt và nụ cười.

Chọn tre để viết thành thơ, và thành một bài thơ hay, đã cho thấy cái tài thơ của Nguyễn Duy. Tre là cây gần gũi với người dân Việt Nam, từ xa xưa ta có tích Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, hay trong truyện Cây tre trăm đốt.

Tre là cây gần gũi với người Việt Nam. Ảnh internet

Tre trong thơ Nguyễn Duy được nhân cách hoá lên. Từ những đặc tính như thân gầy, lá mỏng, rễ chùm, dễ sống, mọc thành quần thể, Nguyễn Duy đã khái quát nên đặc tính của con người.

Mở đầu bài thơ, tác giả hỏi:

Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Đương nhiên đây là câu hỏi không dễ trả lời. Nguyễn Duy hỏi như vậy để bắt đầu vào thơ một cách tự nhiên. Tre đã có từ trong cái chuyện ngày xưa. Thân gầy guộc, lá mong manh. Nhưng đặc tính gầy guộc đó lại không làm cho tre yếu thế đi, mà đã tạo nên luỹ, nên thành. Sức mạnh sự đoàn kết của tre đã được Nguyễn Duy dẫn giải ngay từ đầu.

Tre cũng được Nguyễn Duy đi từ đặc tính sinh học, đó là tre sống được trên đất khô cằn. Và dù có khô cằn sỏi đá như thế, tre vẫn xanh tươi.

Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

Ở đoạn thơ này, Nguyễn Duy cho thấy sự cần mẫn, chắt chiu của tre, cũng như cho thấy, dù sống ở đất nghèo, nhưng tre vẫn xanh tươi. Tre đương đầu với mọi thứ, không bao giờ chịu luồn cúi, hay đứng khuất trong bóng râm.

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con.

Đến đây, Nguyễn Duy bắt đầu đi sâu vào tính đoàn kết, liên kết của tre. Tre mọc gần nhau, bao bọc cho nhau, chỉ vì thương nhau, mà ở thành chòm. Rồi khi chẳng may gãy đổ, thì cái gốc vững chắc vẫn sinh ra một mầm măng mới, duy trì giống nòi.

Đoạn thơ hay nhất ở câu “Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Nguyễn Duy lúc này đã đi từ miêu tả tính cộng đồng, sang đến tình cảm mẹ con thiêng liêng. Nhiều người cho rằng, qua bài Tre Việt Nam, Nguyễn Duy nhằm ý ca ngợi những đặc tính tốt của người Việt Nam, đó là sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó, và trên hết là tính đoàn kết, yêu quê hương, đất nước.


Dưới đây là nội dung bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy:

Tre Việt Nam

Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con

Măng non là búp măng non

Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu

Mai sau,

Mai sau,

Mai sau...

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

Từ lâu, cây tre đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta.

Thêm một lần nhà thơ Nguyễn Duy khẳng định điều này bằng những hình ảnh giàu sức khái quát và bằng cách nói dí dỏm, hợp với sự tiếp nhận của cả các bạn đọc nhỏ tuổi. Qua bài thơ, tre Việt Nam đã hiện lên với tất cả những đặc tính của dân tộc Việt Nam: cần cù, lạc quan, đùm bọc thương yêu và kiên cường bất khuất. Từng bước, từng bước tác giả đã chứng minh cho chúng ta hay điều đó.

Kể cũng lạ: Thuộc vào loại thân gầy lá mỏng, vậy mà sức chịu đựng của tre thật kỳ diệu! Tre có thể mọc ở bất kỳ đâu trong điều kiện đất đai cằn cỗi như thế nào mà vẫn tươi xanh lạ thường! Tác giả đã lý giải khả năng tồn tại này hoàn toàn phụ thuộc vào sự siêng năng của bộ rễ:

Rễ siêng không ngại đất nghèo

tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Thực tế từng cho thấy: thế giới có một số nước không được ưu đãi về tài nguyên khoáng sản, lại luôn chịu hiểm họa của động đất, núi lửa, vậy mà, bằng cách này cách khác, họ đã vươn lên, trở thành nước có đời sống cao và có nền công nghiệp tiên tiến. Rõ ràng, biết khắc phục hoàn cảnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Mà cách khắc phục trước nhất vẫn là sự cần cù chăm chỉ…

Tre Việt Nam không những “cần cù” mà còn biết nén chịu tủi cực riêng mình với một ý hướng giáo dục “con cháu” khá rõ rệt. Thân cây có thể nghiến kèn kẹt một cách chịu đựng để lá cành phấp phới trong luồng gió. “Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành” mà. Không những thế, tre lại còn rất biết đoàn kết với nhau. Cứ quan sát từ một khóm tre, hẳn các bạn đọc nhỏ tuổi của chúng ta sẽ nhận ra hiện tượng “thân bọc lấy thân”, “tay ôm tay níu” của tre, cành tre là một sự thực dễ thấy. Và cũng chính vì thế mà họ hàng nhà tre có thể kết hợp nên thành nên lũy, là trường hợp duy nhất trong các loài cây được con người gọi kèm chữ “lũy”: Lũy tre.

Tuy nhiên, sự đời có gì bền vững mãi: Tre già thì măng mọc. Điều quý nhất là tre đã kịp để lại “cái gốc” cho con cháu noi theo. Mà sự quan tâm săn sóc của tre đối với lớp măng non cũng cảm động làm sao “lưng trần phơi nắng phơi sương/ có manh áo cộc tre nhường cho con”. Bạn đọc đã khi nào nhìn thấy những lớp vỏ bao quanh búp măng non kia chưa? Nhà thơ Nguyễn Duy đã xem như chiếc áo cộc của măng tre đấy. Thật là một cách nhìn độc đáo. “Măng non là búp măng non”, vậy mà ngay từ khi ấy, nó “đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”, đã tiếp thu được truyền trống bất khuất của ông cha, cái “nòi” không chịu mọc cong bao giờ!

Vậy nên “năm qua đi tháng qua đi”, họ nhà tre cứ thế mà truyền nối nhau, đời đời kiếp kiếp – những đức tính quý báu nhất để duy trì nòi giống. “Ngày xưa đã có bờ tre xanh”. Hôm nay, rồi cả mai sau “đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”. Phải chăng đó là một huyền thoại mà nhà thơ Nguyễn Duy đang kể với chúng ta. Huyền thoại về cây tre Việt Nam và cũng là huyền thoại về sức sống của con người Việt Nam từ ngày xửa ngày xưa cho đến hôm nay và mãi mãi về sau

Nguyễn Mạnh Nhiên

Nguồn: cand.com.vn

Môn Ngữ Văn Lớp 5 Trong bài “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy có viết: Bão bùng thân bọc lấy thân Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm Thương nhau tre chẳng ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người. Hãy nêu lên vẻ đẹp của đoạn thơ trên? Giúp em bài này với ạ em cần gấp, đừng copy nguồn trên mạng nha. Em xin cảm ơn thầy cô và các bạn nhiều.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề