Thuốc điều trị đau nửa đầu migraine

Đau nửa đầu [migraine] là một dạng đau đầu rất đặc biệt, khá phổ biến, chiếm khoảng 15% trong số những người bị chứng đau đầu và nữ giới chiếm tỉ lệ cao gấp 3 lần nam giới. Chứng bệnh này tuy không gây tử vong, nhưng làm người bệnh khổ sở vì các cơn đau đầu tái diễn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, làm việc.

Nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu [ĐNĐ] chưa được giải thích rõ ràng, mà chỉ có một số giả thuyết cố gắng làm rõ một phần cơ chế bệnh sinh. Cơn đau xuất hiện có thể do sự tham gia của nhiều yếu tố như: mạch máu ở đầu [đau do co mạch, sau đó giãn mạch], các chất trung gian hóa học [trong đó có vai trò của serotonin], sự tích tụ bất thường canxi bên trong tế bào thần kinh, và sự thay đổi hormon [ở phụ nữ thời kỳ đầu tuổi dậy thì, thời gian trước hành kinh, mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai]. Thường bệnh bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên. Người ta cũng nhận thấy căn bệnh này có yếu tố gia đình [70 - 90%]. Các trạng thái thần kinh [căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên…] có thể làm xuất hiện bệnh, hoặc nặng thêm. Rượu và một số chất trong ăn uống cũng làm tăng bệnh.

Dùng thuốc thế nào?

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng đau nửa đầu, mà chỉ có các loại thuốc cắt cơn và thuốc phòng ngừa cơn đau tái phát. Cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng cơn, nhằm các mục tiêu giảm tần số, cường độ, thời gian và các triệu chứng kèm theo của cơn đau.

Thuốc điều trị cắt cơn

Đối với các thể nhẹ cơn đau xảy ra thưa, thời gian mỗi cơn ngắn, cường độ đau nhẹ hoặc vừa phải thì dùng các thuốc giảm đau thông thường không steroid [aspirin, indometacin, diclofenac …]; với người bệnh dạ dày thì dùng paracetamol.

Những thể nặng cơn đau dày có thể dùng thuốc sau:

Naproxen: Là thuốc chống viêm giảm đau không steroid dẫn xuất của acid propionic có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin làm hạ nhiệt giảm đau. Thuốc có tác dụng tốt cắt giảm cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, không được dùng cho người bệnh loét dạ dày, người hen suyễn, phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú, trẻ em dưới 15 tuổi.

Ergotamin: Là một ancaloid được chiết xuất từ nấm cựa gà [một loại nấm ký sinh trên các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch đen]. Thuốc chỉ dùng khi cơn đau nửa đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường và dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn. Nó có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch – phù hợp với cơ chế bệnh sinh của đau nửa đầu, nhưng không được dùng quá 7 ngày, nếu cần phải nghỉ mấy ngày mới được dùng tiếp. Khi người bệnh không dùng thuốc được theo đường uống, có thể dùng thuốc dạng viên đạn đặt trực tràng. Phụ nữ có thai, người bệnh tim, người suy gan thận nặng, xơ vữa động mạch, suy tuần hoàn ngoại vi không được dùng.

Thuốc điều trị dự phòng

Áp dụng cho những người có cơn đau dày, thể nặng để ngăn ngừa cơn đau nửa đầu tái phát. Các thuốc này có tác dụng trực tiếp đến các yếu tố tạo cơn đau. Có thể dùng một trong các thuốc sau:

Dihydroergotamin: Là thuốc hay được dùng hơn cả, nó có tác dụng duy trì thế cân bằng vận mạch ở não và kháng serotonin. Cụ thể: kích thích chủ vận một phần các thụ thể alpha-adrenergic, đặc biệt là hệ thống tĩnh mạch, ổn định tính tăng phản ứng ở các mạch máu, nhất là ở hệ thống động mạch cảnh ngoài. Phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú, người suy gan thận nặng … không được dùng.

Pizotifen: Chống lại sự tăng cường chất trung gian hóa học serotonin, điều trị cơ bản chứng đau nửa đầu, nhức đầu vận mạch hoặc sau chấn thương. Dùng liều tăng dần. Phụ nữ có thai, nam giới phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh tăng nhãn áp [glaucome] không được dùng.

Flunarizin: Ngăn chặn sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh. Chống chóng mặt do nguyên nhân ở trung ương thần kinh, và có tác dụng phòng bệnh đau nửa đầu.

Ngoài ra, còn có thể dùng các thuốc khác như: atenolol, propranolol [thuốc ức chế bêta, thường được dùng trị tăng huyết áp], amitriptylin [thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng]…

Có nhiều loại thuốc được dùng để phòng ngừa cơn và việc lựa chọn thuốc thích hợp phải dựa vào kiến thức chuyên môn của y, bác sĩ. Thầy thuốc sẽ lựa chọn thuốc tùy theo thể trạng, sự dung nạp thuốc của người bệnh, vào hiệu quả của thuốc [làm giảm số lần lên cơn đau, cường độ đau] và tác dụng phụ của thuốc.

Hiện nay, việc nghiên cứu tìm kiếm thuốc mới, hoặc thiết bị điều trị chứng đau nửa đầu vẫn đang được tiếp tục. Chẳng hạn, thuốc rizatriptan của Canada... Hoặc thiết bị có tên cefaly dùng để phòng ngừa các cơn đau nửa đầu. Mới đây, cefaly đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ [FDA] cho phép lưu hành. Nó có thể giúp những bệnh nhân không chịu được các thuốc trị đau nửa đầu hiện hành, để phòng ngừa và điều trị các cơn đau …

Phòng ngừa cơn đau tái phát

Nhiều nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ chứng đau nửa đầu. Để phòng cơn đau, người bệnh cần lưu ý tránh các yếu tố khởi phát, hoặc làm tăng cơn đau. Phải biết cách giữ được tâm lý thoải mái, tránh mọi lo âu phiền muộn. Cố gắng tránh hoặc hạn chế các kích thích gây căng thẳng thần kinh [các stress]. Tránh động não quá mức, lao động thể lực quá sức. Không nên ngồi quá lâu trước máy vi tính và nghe nhạc quá to. Ngủ đủ giấc, nên ngủ 7 - 8 giờ mỗi ngày. Giữ phong cách sống lành mạnh, tập thể dục vừa sức và đều đặn hàng ngày để nâng cao sức khỏe và giảm căng thẳng thần kinh, tăng cường tuần hoàn, giảm các cơn đau nửa đầu do vận mạch. Cần có chế độ ăn uống thích hợp, tránh một số loại thức ăn có chứa nhiều chất tyramin có nhiều trong sữa, trứng, fomat, sôcôla … Không được dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, thuốc lào …


 1. Nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu?

Đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh đau nửa đầu vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có sự giãn nở các mạch máu não và phóng thích các chất hóa học như serotonin, dopamin, gây rối loạn chức năng não dẫn đến cơn đau đầu dữ dội.

Mặc dù đây là bệnh tự phát, nhưng ở một số người, có một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn Migraine như: Căng thẳng tinh thần, mất ngủ; thay đổi nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu [thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc dùng thuốc ngừa thai...]; thay đổi thời tiết; ánh sáng chói nhấp nháy; tiếng ồn; chấn thương đầu; khói thuốc lá; nước hoa đậm đặc; mùi hôi nồng nặc khó chịu; chocolate, phô mai, thức ăn đóng hộp, bột ngọt, đường hóa học, rượu…

Đây là bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Các khảo sát trong cộng đồng trên thế giới cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh chiếm khoảng 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Hơn 75% người bị bệnh đau nửa đầu thì trong gia đình họ cũng sẽ có người bị bệnh. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Độ tuổi thường gặp là từ 20 đến 50 tuổi. Hiếm khi bắt đầu sau 60 tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] xếp đau nửa đầu trong số 20 căn bệnh hàng đầu gây thương tật, làm mất sức lao động, tiêu tốn nhiều tiền và sẽ là vấn nạn lớn toàn cầu. Hiện nay, bệnh đau nửa đầu Migraine được coi là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ thường gặp ở người trẻ tuổi,

Cơn đau nửa đầu khiến bệnh nhân rất khó chịu.

2. Triệu chứng của đau nửa đầu

Đau nửa đầu thường giật từng cơn theo nhịp mạch có cường độ trung bình hoặc nặng. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi cường độ từ nhẹ [đau thoáng qua] đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.

Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: Hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau nặng lên khi người bệnh gắng sức: Di chuyển, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu…

Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.

3. Các bước điều trị đau nửa đầu

Bệnh đau nửa đầu dễ chẩn đoán, chủ yếu dựa vào đặc điểm cơn đau đầu, triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, bệnh migraine thường bị chẩn đoán nhầm là đau đầu do căng thẳng, thiếu máu não, rối loạn tiền đình… Do đó việc điều trị ít hiệu quả, dễ làm bệnh chuyển dạng nặng hơn, khó điều trị.

Dùng thuốc điều trị cắt cơn đau nửa đầu cấp tính phải hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh đau nửa đầu nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt. Do bệnh migraine có thể tái phát cơn gần như suốt đời, nên người bệnh cần phải biết rõ bệnh của mình và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Khi cơn đau đầu tái phát, người bệnh đến khám bệnh ở bệnh viện hay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tích cực.

Về dùng thuốc điều trị, mục tiêu là kiểm soát hoàn toàn cơn đau đầu. Trước hết cần phải chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của cơn đau để dùng thuốc điều trị hiệu quả ngay từ lần đầu.

2.1 Dùng thuốc cắt cơn đau nửa đầu cấp tính

Dùng thuốc điều trị cơn đau cấp tính để cắt cơn đau. Các thuốc cắt cơn đau được sử dụng theo 5 bước sau đây, tùy theo cường độ cơn đau đầu.

  • Đau vừa phải [bước 1].
  • Đau nặng [bước 2-3].
  • Đau dữ dội [bước 4-5].

Lưu ý là chỉ chuyển sang bước kế tiếp sau khi thất bại ở mỗi bước trong ít nhất 3 lần liên tiếp. 

Bước 1: Dùng thuốc giảm đau và chống nôn dạng uống.

Dùng thuốc giảm đau thông thường một trong các thuốc sau: Aspirine, paracetamol, ibuprofen, naproxen...

Phối hợp thuốc chống nôn: Metoclopramide hoặc domperidone. 

Lưu ý: Không dùng aspirine cho trẻ em dưới 16 tuổi; metoclopramide cho trẻ nhỏ.

Bước 2: Giảm đau và chống nôn qua trực tràng.

Bước dùng thuốc này đối với bệnh nhân đau và nôn, không phù hợp với việc dùng thuốc đường uống: Diclofenac và domperidone.

Thuốc không dùng các trường hợp loét dạ dày, bệnh lý đại tràng; đang tiêu chảy.

Bước 3: Sử dụng thuốc nhóm triptans có nhiều loại thuốc và mỗi loại thuốc đáp ứng với cơn đau thay đổi tùy bệnh nhân. Thuốc không hiệu quả khi uống lúc mới chớm có cơn đau nửa đầu mà chỉ uống khi có cơn đau nặng. Có thể phối hợp metoclopramide hoặc domperidone để tăng hiệu quả cắt cơn đau.Các thuốc thuộc nhóm triptans: Sulmatriptan, zolmitriptan, rizatriptan, naratriptan, almotriptan, eletriptan, fovratriptan.

Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm động mạch, trẻ em dưới 12 tuổi.

Bước 4 - Phối hợp bước 1 và 3: Phối hợp thuốc sumatriptan và naproxen hiệu quả hơn một thuốc đơn độc. Nếu không hiệu quả, tức là không cắt được cơn đau, có thể phối hợp bước 2 và 3.

Bước 5: Dùng thuốc diclofenac phối hợp chlorpromazine hoặc ‎metoclopramide.

2.2 Dùng thuốc điều trị cơn đau tái phát

Để điều trị cơn đau tái phát, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc thuộc bước 1 và 2 với liều tối đa theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân không tự ý tăng liều.

Nếu cơn đau kéo dài trên 3 ngày thì có thể phối hợp naproxen và diclofenac.

Với đau nửa đầu mãn tính, các chỉ định điều trị ngừa cơn đau cấp khi có một trong các yếu tố sau:

  •  Bệnh đau nửa đầu ảnh hưởng tới đời sống bệnh nhân mặc dù đã được điều trị cắt cơn.
  • Các thuốc cắt cơn có chống chỉ định, không hiệu quả, không dung nạp hay có tình trạng lạm dụng thuốc.
  • Có từ 2 cơn migraine trở lên mỗi tuần.

Thuốc phòng ngừa cơn đau nửa đầu có nhiều loại, nhưng một số thuốc chỉ dùng theo kinh nghiệm của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Bác sĩ đã theo dõi quá trình bệnh sẽ có kinh nghiệm dùng thuốc phù hợp nhất.

Mục tiêu điều trị đau nửa đầu mãn tính nhằm cải thiện các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân và giảm mức độ tổn thương. 

Các nhóm thuốc sử dụng:

  •  Thuốc chống động kinh [valproic acid].
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng [amitriptyline].
  • Thuốc ức chế bê-ta [propranolol].
  • Thuốc ức chế kênh canxi [flunarizine].
  • Thuốc kháng viêm non steroid [naproxen].
  • Thuốc đồng vận serotonin…

Ngoài các thuốc trên, hàng ngày bệnh nhân có thể bổ sung đầy đủ các khoáng chất, vitamin…

Một số thực vật như: Hạt hướng dương, ginkgo biloba, gừng, bạc hà… cũng có thể được sử dụng trong bổ sung trong đau nửa đầu. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa được đánh giá rõ rệt.

Một số bài tập yoga có ích cho bệnh đau nửa đầu.

Với bệnh nhân không thể dùng thuốc, hoặc không đáp ứng điều trị với thuốc, có thể áp dụng một số biện pháp để giảm cơn đau cấp: Tư vấn tâm lý, giảm stress; tập yoga; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ; tránh các chất phụ gia thực phẩm; tránh các mùi nồng độ nặng; tránh nơi ồn ào…

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị đau nửa đầu

Do bệnh đau nửa đầu rất khó chịu, hay tái phát nên bệnh nhân có xu hướng lạm dụng thuốc, tự ý tăng liều. Đây là điều rất nguy hiểm, không những tác dụng phụ của thuốc tăng mà việc điều trị lần sau sẽ khó hiệu quả hơn. Do đó cần dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ.

Với điều trị phòng ngừa có thể kéo dài hơn 3 tháng, bệnh nhân nên kiên trì dùng thuốc.

Ngoài việc dùng thuốc người bệnh có thể thực hiện các biện pháp giúp giảm cơn đau đầu như: 

  • Nằm nghỉ trong phòng tối, yên lặng với đầu kê gối.
  • Đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau.
  • Tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc.
  • Thư giãn  và ngủ nếu có thể.
  • Tập các bài thiền, yoga.

Ngoại trừ một số thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, người bệnh có thể tự mua uống để giảm tạm thời cơn đau đầu. Các thuốc đặc trị bệnh khác cần được bác sĩ kê toa. Bệnh nhân cần tái khám đều đặn để bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh theo dõi trong thời gian dùng thuốc một cách cẩn thận, nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng cách, làm bệnh chuyển sang dạng nặng, và khó trị.

Việc điều trị và theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Người bệnh nên hợp tác tốt với bác sĩ điều trị bằng cách dùng đúng thuốc theo toa, dùng đủ liều bác sĩ chỉ định, tái khám đúng hẹn và kiên trì cho đủ thời gian điều trị.

4. Phòng tránh bệnh bằng cách nào?

Đảm bảo ngủ đủ: Thời gian ngủ của người trưởng thành trung bình khoảng 7 - 8 giờ mỗi ngày. Với thời gian nghỉ ngơi như vậy vừa đủ để cơ thể hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc và sẵn sàng cho một ngày lao động mới.

Thực tế, nhiều người vì áp lực và khối lượng công việc quá lớn nên không còn đủ thời gian ngủ nghỉ. Tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều và bất lợi cho sức khoẻ của họ. Nếu không được điều tiết một cách hợp lý, không chỉ mắc phải chứng đau nửa đầu, chóng mặt... người bệnh còn nhiều bệnh nguy hiểm khác, nhất là trong tình trạng thần kinh luôn căng thẳng. 

Trải qua một giấc ngủ đầy đủ, giấc ngủ sâu và êm đềm có thể loại trừ được những mệt mỏi của não và các áp lực phát sinh trong quá trình làm việc, học tập và lao động của con người. Vì thế, giấc ngủ cũng rất quan trọng như không khí chúng ta đang hít thở.

Phối hợp vận động: Kết hợp giữa lao động chân tay, lao động trí óc, luyện tập và nghỉ ngơi, không nên để cơ thể mệt mỏi quá sức chịu đựng hoặc mệt mỏi thường xuyên. Cần phải cân đối, điều hòa chế độ lao động chân tay, trí óc, luyện tập thể dục thể thao và nghỉ ngơi sao cho hợp lý.

Tìm cách giải tỏa stress: Cường độ làm việc và những áp lực tinh thần ngày càng tăng khiến nhiều người dễ bị stress. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi góp phần làm bộc phát hoặc làm nặng thêm một số bệnh của hệ thần kinh… Đồng thời, nó còn làm hạn chế hiệu quả điều trị bệnh đau nửa đầu. Mỗi cá nhân sẽ có những cách thức riêng để thoát khỏi tình trạng stress. Dù là biện pháp nào đi chăng nữa thì cũng đều cần thiết để cơ thể được thư giãn và tránh hoặc hạn chế được những hậu quả do căng thẳng tinh thần gây ra.

Thay đổi lối sống, thói quen có hại: Đối với những người mắc bệnh migraine không nên uống rượu, bia và hút thuốc lá, không lạm dụng bột ngọt, chocolate, phô-mai. Không nên ở nơi giá lạnh, nơi ồn ào, ngột ngạt hoặc môi trường có ánh sáng chói lòa.

Một số dược phẩm có thể gây ra nhức đầu nhưng có phải là đau nửa đầu Migraine hay không cần phải hỏi ý kiến của các bác sĩ điều trị. Người bệnh không nên tự ngưng các thuốc giãn mạch khi đang điều trị các bệnh phối hợp khác như tăng huyết áp hoặc đang điều trị bệnh động mạch vành.

Mời bạn đọc xem thêm video:

Một Tuần Có Hơn 300 F0 Cộng Đồng, Hà Nội Thay Đổi Phòng Chống Dịch Thế Nào? | SKĐS

BS. Lê Anh Tiến

Video liên quan

Chủ Đề