Tại sao nhớ người yêu cũ

Bạn vừa mới kết thúc mối quan hệ, trong nỗi đau đớn của một cuộc chia tay và mặc dù đã nỗ lực tất cả, bạn chỉ đơn giản là không thể ngừng nghĩ về người yêu cũ của mình. Mặc kệ nguyên nhân chia tay là gì, mắc kẹt trong suy nghĩ về “ex” chưa bao giờ là dễ chịu.

Tại sao ta không thể ngừng nghĩ về người yêu cũ của mình?

Có rất nhiều lý do khiến mối quan hệ cũ hiện ra trong tâm trí bạn, một bức ảnh, ngày kỉ niệm, những việc từng làm chung, nơi từng đến,,, ôi vô vàn. Hoặc ích kỷ hơn, chúng ta hẹn hò với một người mới mà không ngừng so sánh giữa hai người họ.

“Con người là sinh vật của thói quen, bên cạnh thói quen thực tế [ví dụ như lộ trình bạn đi đến văn phòng của bạn] và thói quen thể chất [ví dụ như cách bạn gõ chân hoặc nghịch tóc], chúng ta còn có thói quen cảm xúc,” chuyên gia trị liệu tâm lý Shadeen Francis giải thích. Có những lúc trong cuộc đời, khi chúng ta mong đợi cảm thấy hoặc hy vọng sẽ cảm nhận được, đó chính là thói quen của cảm xúc. Và thói quen cảm xúc là kiểu phản ứng chúng ta tạo ra một cách cố tình hoặc vô tình trong nỗ lực điều hướng và định hình thế giới xung quanh.

Và khi chia tay [tức là hoàn cảnh cho các thói quen cảm xúc đã thay đổi] chúng ta mới nhận ra điều này. Lúc này, ta nhận ra thói quen đó đã ăn sâu đến mức nào. Phải mất một thời gian để xoá bỏ cảm giác đau buồn khi nghĩ về người yêu cũ, chấp nhận nếm trải lại những ký ức vui vẻ xuất hiện trong quá trình xoá bỏ ấy. Hành trình buồn bã này có thể đến với bất kỳ ai, kể cả khi bạn là người chủ động chia tay hoặc dự đoán trước kết cục tan vỡ.

Bên cạnh đó, con người có xu hướng kiếm tìm sự an toàn, và đứng trước sự chông chênh của cảm xúc, việc não bộ tua lại khoảng thời gian hạnh phúc trước đó là hoàn toàn tự nhiên, không chứng minh được rằng bạn đang tiếc nuối về mối tình ấy.

Ta cần làm gì khi nghĩ về “ex”?

Khi bạn đột nhiên không thể ngừng nghĩ về người yêu cũ, bạn có thể bắt đầu tự hỏi liệu mình đã thực sự sẵn sàng cho mối quan hệ tiếp theo. Lúc này, đừng tránh né chuyện cũ mà hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Mỗi một tan vỡ trong quá khứ sẽ để lại bài học để bạn tiếp tục nuôi dưỡng các mỗi quan hệ trong tương lai, giúp bạn hiểu hơn về bản thân trong hiện tại.

Thậm chí, việc không ngừng nghĩ về “ex” cũng có điểm tốt. Bạn nên nhìn nhận thẳng thắn xem tại sao người này và những trải nghiệm của bạn với họ lại ảnh hưởng như bạn nhiều đến như vậy, từ đó, bạn có thể tìm kiếm điều đó trong những mối quan hệ khác như bạn bè, người thân, hay tự tạo cho chính bản thân mình mà chẳng cần tìm đến yêu đương.

Tuyệt nhiên, đừng bao giờ tìm cách quên sầu bằng việc tìm kiếm một mối quan hệ mới để khoả lấp chuyện cũ, bởi khi chưa sẵn sàng, bạn sẽ không lường trước kết cục liệu chuyện tình mới này có khiến bạn tổn thương một lần nữa hay không. Một kết nối mới không đủ để chữa lành vết thương cũ, và bạn sẽ chỉ loanh quanh trong cảm giác đau buồn không dứt. Khi bạn tìm một điều mới điều quên đi điều cũ, chứng tỏ bạn vẫn đang bị quá khứ kìm hãm. Hãy mạnh dạn nói chuyện với người yêu mới [tiềm năng] nếu bạn cảm thấy họ thực sự sẽ là một nửa hoàn hảo của mình trong tương lai.

Nếu khổ đau quá nhiều thì làm sao?

Hãy trò chuyện với những người thân yêu của bạn, tâm sự với chuyên gia tâm lý nếu bạn cần. Ngoài ra, việc tham gia vào các hội nhóm về một kỹ năng mới nào đó bạn muốn học cũng sẽ giúp bạn chữa lành vết thương lòng cũng như tạo một bầu không gian tích cực mới trong cuộc sống. Nghe nhạc, đọc sách, nuôi thú cưng, bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy vui vẻ.

Hãy nhớ rằng, việc chia tay là có lý do

Người ta thường lý tưởng hóa các mối quan hệ trong quá khứ [ngay cả những mối quan hệ tồi tệ]. Bất cứ khi nào những hồi ức quay lại, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân rằng người yêu cũ [và vấn đề của họ] là lý do mà hai người tan vỡ. Nếu cần thiết, bạn có thể lấy giấy bút ra và liệt kê lại.

Cho dù vừa mới chia tay hay hiện đang ấm êm trong một mối quan hệ mới, thì việc nghĩ về người yêu cũ là một phần của quá trình hàn gắn trong lòng bạn, giống như việc ăn kem, khóc lóc hay say sưa xem các bộ phim buồn. Đừng hốt hoảng khi vô tình nghĩ lại chuyện cũ mà hãy chuyển hướng đến kết cục: Suy cho cùng, sự chia tay đã đưa chúng ta đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn, và chúng ta xứng đáng có được điều này.

Sau khi chia tay, phụ nữ chúng ta hay cảm thấy nuối tiếc và đau buồn vì mất đi một người quan trọng. Tình trạng “thất tình” này sẽ hiện hữu trong khoảng thời gian dài hoặc ngắn, tùy thuộc vào cảm xúc và độ sâu đậm của mỗi người. Trên thực tế, không phải ai cũng dễ dàng thoát khỏi hình bóng của người yêu cũ. Có người sẽ nhanh chóng phát hiện bản thân đang mãi hoài niệm và cố tình né tránh chúng đi, nhưng cũng có người hoàn toàn không biết mình đang lưu giữ ký ức về người cũ và tình cảm mình dành cho người yêu cũ vẫn chưa hề phai nhạt. Sau đây là các dấu hiệu chứng tỏ bạn vẫn còn tình cảm sâu nặng với người yêu cũ.

1. Liên tục theo dõi tài khoản người yêu cũ trên mạng xã hội

Dẫu biết sau hành động này chúng ta sẽ cảm thấy “nhói lòng” hay thất vọng hơn về mối tình đã qua, tuy nhiên, hầu hết ai cũng từng đôi ba lần tìm kiếm tài khoản người yêu cũ để cập nhật cuộc sống của họ. Đây có thể chỉ là hành động trong vô thức, thế nhưng theo chuyên gia tâm lý Guy Winch, bạn nên ngừng theo dõi, ngừng kết bạn hay thậm chí là “block” họ trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích nhanh chóng thoát khỏi hình bóng người yêu cũ. Việc làm này thoạt nhiên nghe có vẻ vô tình nhưng chúng là phương pháp hữu hiệu nhất giúp bạn xóa sạch hình bóng của họ ra khỏi tâm trí.

2. Bạn bị ám ảnh bởi giây phút chia tay

Thông thường, chúng ta hay bỏ mặc cảm xúc và sức khoẻ của bản thân để chạy theo hình bóng người yêu cũ. Bạn có thể nuối tiếc khoảng thời gian cả hai từng bên nhau hay suy nghĩ liệu mình có phải là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa này hay không. Tuy nhiên, đừng để chúng “nuốt chửng” bạn. Câu chuyện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Bạn nên hướng tâm trí mình vào những điều tươi sáng hơn, điển hình như bạn vừa chấm dứt một câu chuyện buồn tưởng chừng không hồi kết hay sự chia ly này sẽ là cơ hội giúp bạn có thể nhìn nhận lại bản thân. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian chăm sóc cho chính mình cũng như “refresh” lại tâm trí trước khi bước vào cuộc hành trình mới.

3. Trốn tránh cảm xúc thật

Như từng đề cập phía trên, việc để nỗi buồn lấn át tâm trí chưa bao giờ là điều sáng suốt, tuy nhiên, bạn cũng không nên vì thế mà không dám đối diện với chúng. Thay vì tỏ ra là một cô gái mạnh mẽ, bạn có toàn quyền trong việc thả trôi cảm xúc của mình. Bạn có thể khóc, có thể giận dữ với mọi thứ liên quan đến người yêu cũ nhưng sau khi trút mớ cảm xúc tiêu cực ấy ra khỏi cơ thể, bạn hãy tìm đến các nguồn năng lượng tích cực từ mọi người xung quanh. Hẹn hò bạn bè và thoải mái mua sắm những gì mình thích – đây là một ý kiến không hề tồi để quên đi người yêu cũ.

4. Bi kịch hóa nỗi đau

Có muôn vàn lý do để hai người đang yêu nhau nay bỗng hóa kẻ xa lạ. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà “ôm ấp” nỗi đau trong lòng. Càng nghĩ về sự chia ly, bạn càng tự đẩy mình vào những luồng suy nghĩ tiêu cực. Không những thế, hành động này còn vô tình dẫn dắt chúng ta đến các kết luận chủ quan và có phần “hoang tưởng”. Khép ký ức lại, đặt chúng vào một góc nhỏ trong tim và bắt đầu một cuộc sống mới – đó mới là những gì bạn nên làm trong lúc này.

5. So sánh “người mới” với người yêu cũ

Khi bạn có được điều gì đó hoàn hảo với tiêu chuẩn của chính mình, bạn thường đem chúng ra để so sánh với các sự lựa chọn khác, người yêu cũng thế. Trong tình huống này, bạn không những đang bị ám ảnh bởi hình bóng người yêu cũ mà tất cả những gì thuộc về anh ấy bạn cũng đang “chật vật” để quên chúng đi. Nếu bạn đang bước vào một mối quan hệ mới nhưng bất kể những gì người yêu nói hay làm đều khiến bạn nhớ về người yêu cũ, thì tốt nhất bạn nên dừng chuyện tình này lại. Sự so sánh khập khiễng này sẽ từng ngày huỷ hoại tình cảm vừa mới chớm nở của bạn, làm đau bạn cũng như đối phương. Bên cạnh đó, bạn nên nhớ rằng không ai hoàn hảo. Thay vì so sánh người mới với người yêu cũ, bạn nên cho chàng cơ hội được thể hiện mình cũng như bản thân nên mở lòng hơn với chàng.

6. Lưu giữ các đồ vật của người yêu cũ

Người con trai ấy từng tặng bạn một đôi bông tai, trùng hợp thay đó là món phụ kiện bạn vô cùng yêu thích và vì thế bạn quyết định giữ chúng lại bên mình dù cả hai đã chia tay. Thoạt nghe, đây là lý do vô cùng hợp lý nhưng cũng là cái cớ “muôn đời” của các nàng khi không đành lòng vứt đi các món đồ kỷ niệm. Bạn hoàn toàn có thể giữ chúng bên cạnh nếu lòng bạn vốn không còn vấn vương người yêu cũ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bản thân chưa đủ tự tin thì tốt nhất bạn nên cất chúng vào một góc tủ.

7. Vẫn tin rằng anh là “Mr. Right” của mình

Đây là suy nghĩ của phụ nữ chúng ta sau khi trải qua sự chia ly trong hòa bình. Tìm được người yêu đúng nghĩa không phải chuyện đơn giản, thế nên khi có ai đó phù hợp với mình, ắt hẳn chúng ta đều không mong muốn chuyện này xảy ra. Luôn có các tình huống yêu lại người yêu cũ, tuy nhiên nếu đã xác định quay về “chốn xưa” thì bạn và cả người ấy phải thật sự có suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Trước khi trở về mối quan hệ như trước, bạn nên chuyện trò thẳng thắn với chàng, nêu ra những mâu thuẫn vốn chưa thể giải quyết để từ đó tránh việc cả hai lại chia ly lần nữa.

8. Không ngừng suy nghĩ về người yêu cũ

Mặc dù đã chia tay khá lâu nhưng bạn vẫn không thể nào quên được bóng hình của anh ấy. Buổi sáng thức dậy bạn chợt nghĩ về anh ta, trước lúc đi ngủ bạn trằn trọc không biết ngày hôm nay của anh ấy như thế nào. Bạn lục lại những hình ảnh của người yêu cũ và ngắm nhìn. Một ngày của bạn thật “bận rộn” khi tâm trí của bạn không thể nào nguôi ngoai mỗi khi nghĩ về anh ta. Ngay lúc này, bạn nên bật dậy trang điểm thật đẹp và ra ngoài, có thể đi mua sắm, xem phim hoặc tụ tập cùng bạn bè. Hãy nhanh chóng thoát khỏi suy nghĩ về người yêu cũ, có như vậy bạn mới thực sự đủ tỉnh táo để làm việc và duy trì cuộc sống.

9. Lên kế hoạch gặp người yêu cũ theo cách “vô tình”

Bạn suy nghĩ và lập nên những kế hoạch theo kiểu “định mệnh khiến ta gặp nhau một lần nữa” hay “thật trùng hợp” để kiếm cơ hội tiếp cận người yêu cũ. Nhưng ngày qua ngày, rồi bạn sẽ mệt mỏi khi cứ phải cố gắng một cách vô ích như thế. Người ta vẫn nói “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, hãy cứ xem như bạn và người ấy không có duyên nợ trong kiếp này và ngừng trông chờ, chạy theo hay níu kéo những điều viển vông nữa. Thay vào đó hãy xem tất cả như một kỉ niệm đẹp và tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

10. Cảm thấy mình như một người thua cuộc

Bạn cảm thấy mình là một người thua cuộc vì không thể nắm giữ một mối quan hệ. Cảm giác tự ti và tức giận khiến mọi thứ trước mắt bạn trông xấu xí, giả dối hơn. Bạn dần đánh mất cá tính cũng như tính cách của mình chỉ vì một một cuộc tình đã qua. Nếu bạn không dừng lại những suy nghĩ tiêu cực ấy thì bạn không thể đón nhận mối quan hệ tiếp theo cũng như sẽ không phát hiện được những người xung quanh đã đối xử tốt với bạn như thế nào.

Xem thêm:

Có nên nói lời chia tay khi đối phương có những dấu hiệu bất thường?

10 lời ngụy biện thường gặp khi chia tay của các chàng trai

Video liên quan

Chủ Đề