Tại sao con người lại phạm luật

Cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam 

1. Cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam

Bộ luật Hình sự năm 1999 ra đời thay thế Bộ luật Hình sự năm 1985 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là một tất yếu khách quan trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, thể hiện những đổi mới trong đường lối, chính sách phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm của Đảng và Nhà nước ta. Đáng chú ý là đã giảm dần các tội phạm có thể áp dụng hình phạt tử hình, tập trung quy định áp dụng hình phạt tử hình vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm ma túy, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, các tội phạm quốc tế. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được sửa đổi, bổ sung thì trong tổng số 267 điều luật có 30 điều có quy định hình phạt tử hình, chính sách hình sự về hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai phạm tội tiếp tục được kế thừa. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng hủy bỏ quy định về thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử trong trường hợp đặc biệt. Sau 10 năm thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 được ban hành có hiệu lực 1/1/2010 tiếp tục có những bước tiến về quy định hình phạt tử hình, đó là giảm dần các điều luật có quy định hình phạt tử hình từ 30 điều luật xuống còn 22 điều luật có quy định hình phạt tử hình, bỏ hình phạt tử hình ở 8 điều luật [Điều 111, 139, 153, 180, 197, 221, 289, 334]. Việc giảm dần các điều luật có quy định hình phạt tử hình đối với các tội trên là hợp lý, thể hiện sự tương xứng giữa chế tài áp dụng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp xu hướng chung trên thế giới thu hẹp dần, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về hình phạt tử hình thì thấy còn một số quy định còn bộ lộ những điểm hạn chế cần được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn.

Xu thế hội nhập, hợp tác về mọi mặt giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã trở thành yêu cầu mang tính tất yếu khách quan. Để hòa nhập với tiến trình phát triển chung đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự điều chỉnh về chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cho phù hợp, trong đó có sự tương thích các quy định về hình phạt tử hình.

Trong xã hội ngày nay khi mà nhân loại càng tiến bộ, xã hội càng phát triển thì phạm vi áp dụng hình phạt tử hình càng có xu hướng thu hẹp, tiến tới xỏa bỏ hình phạt tử hình. Theo pháp luật các quốc gia còn lưu giữ hình phạt tử hình, thì hình phạt này chỉ thường áp dụng cho các tội phạm có tính nguy hiểm đặc biệt cao, xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng hòa bình thế giới, các tội phạm ma túy, giết người…Vậy ở Việt Nam, hình phạt tử hình, có nên tiếp tục duy trì hay không? Nếu duy trì hình phạt tử hình có vi phạm nguyên tắc nhân đạo không? Vi phạm chuẩn mực quốc tế không? Nếu có duy trì thì có giảm bớt điều luật áp dụng tử hình hay là giữ nguyên? Xoay quanh vấn đề này trong khoa học pháp lý hình sự của Việt Nam cũng đã ghi nhận và theo đuổi những quan điểm khác nhau trên thế giới về vấn đề bỏ hay duy trì hình phạt tử hình trong luật hình sự. Những lập luận không ủng hộ hình phạt tử hình cho rằng: Tác dụng của hình phạt tử hình đối ngăn chặn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng giống như các loại hình phạt khác. Điểm khác biệt có chăng chỉ là tính tàn khốc và không thể sửa sai được khi có sai sót trong việc áp dụng hình phạt tử hình. Trong tất cả các hệ thống tư pháp hình sự đều tồn tại những vấn đề, những khả năng có thể sai sót luôn tồn tại một nguy cơ là có những người không có tội bị kết án tử hình, mà sai lầm đó thì không bao giờ khắc phục được. Do đó cần thiết phải xóa bỏ hình phạt tử hình để không bao giờ mắc phải sai sót đó. Đồng thời việc áp dụng hình phạt tử hình như là một sự tra tấn, vi phạm nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần con người, thể hiện sự phi nhân đạo. Hình phạt tử hình mang tính chất là một sự trả thù và lặp lại hành động của người phạm tội là sử dụng bạo lực để làm tổn hại người khác mà không thể làm cho người bị hại sống lại. Và thực tế còn cho thấy việc xóa bỏ hình phạt tử hình không có ảnh hưởng gì đến sự gia tăng của tội phạm, thậm chí còn góp phần gia tăng tỷ lệ tội phạm. Nếu người phạm tội biết được tội danh mình phạm mà luật quy định áp dụng hình phạt tử hình thì họ sẽ chống trả lại đến cùng bởi vì họ nghĩ rằng đằng nào cũng chết vì vậy thiệt hại gây ra sẽ càng nghiêm trọng, tội nọ tiếp nối tội kia. Trong khi đó xu thế xóa bỏ hình phạt tử hình là xu thế chung của các nước trong thời đại ngày nay, các nước khác không nên đi ngược lại xu hướng đó. Ngoài ra việc duy trì hình phạt tử hình còn là sự vi phạm quyền được sống của con người được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, việc không áp dụng hình phạt tử hình không có nghĩa bỏ qua tội ác của những người phạm tội và coi nhẹ nỗi đau của người bị hại và gia đình họ, mà có thể áp dụng hình phạt khác như tù chung thân. Đối lập với quan điểm không ủng hộ hình phạt tử hình, thì tư tưởng ủng hộ hình phạt tử hình lập luận rằng: Hình phạt tử hình là biện pháp có hiệu quả răn đe đặc biệt, không thể thay thế trong việc ngăn ngừa tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như giết người, khủng bố, ma túy… Giết một người để răn đe nhiều người. Tử hình một người phạm tội giết người hoặc gây ra những tội ác nghiêm trọng khác là phù hợp với công lý, đền bù thích đáng nhất cho sự mất mát, khổ đau của những nạn nhân và gia đình họ. Nếu việc áp dụng hình phạt tử hình bị coi là làm tổn hại phẩm giá, phi nhân đạo đối với người người phạm tội thì việc không áp dụng hình phạt tử hình cũng có thể coi làm tổn hại phẩm giá của người bị hại và phi nhân đạo đối với toàn xã hội. Hình phạt tử hình mang lại cho tất cả chúng ta, đặc biết với nạn nhân của tội phạm sự yên bình và không còn bị tội phạm tái xâm phạm. Chúng ta phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân của người phạm tội. Pháp luật quốc tế cũng không cấm hình phạt tử hình, mà chỉ khuyến khích các nước nên giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Việc áp dụng hình phạt tử hình cần nên duy trì, mọi người đều được pháp luật bảo vệ và đều bình đẳng trước pháp luật, những sai sót trong tố tụng thường không có và nếu có thì cũng rất nhỏ, không thể viện dẫn nguy cơ oan sai để xóa bỏ hình phạt tử hình. Việc áp dụng hình phạt tử hình là một biện pháp phòng chống tội phạm hữu hiệu. Như vậy trên những lập luận khác nhau đã tạo hai luồng quan điểm khác nhau liên quan việc có hay không duy trì hình phạt tử hình.

Theo chúng tôi, thì việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam phải trên cơ sở hai yêu cầu đó là phải tương thích với chuẩn mực quốc tế, thứ hai là phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu chống tội phạm tại Việt Nam, trong đó yêu cầu thứ hai là quan trọng hàng đầu, điều này lý giải tại sao có quốc gia sau khi xóa bỏ hình phạt từ hình trong một thời gian phải khôi phục lại hình phạt này do tình hình tội phạm gia tăng đột biến. Thực tế cho thấy nước ta đang phát triển nến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu đáng kể mà đất nước ta đạt được kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cũng đã làm nảy sinh những yếu tố tiêu cực, tác động đến mọi mặt của xã hội, trong đó có tội phạm. Đặc biệt thời gian gần đây các tội phạm về an ninh quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta; các tội phạm về ma túy, tội phạm tình dục, các tội phạm tham nhũng, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, gây ra nhiều tội phạm đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội. Đơn cử như vụ án ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, xảy ra vào ngày 4/7/2012 tại Sơn La được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Trong vụ án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã thu giữ 89 bánh hêrôin và 33.800 viên ma túy tổng hợp, 1 kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể. Đối với những vụ án này để phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả thì không thể không duy trì hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt.

Về cơ sở pháp lý, theo tôi thì việc duy trì hình phạt tử hình cũng không trái pháp luật quốc tế và không vi phạm nhân quyền. Quyền được sống là quyền của mọi con người, mang tính phổ biến không ai có quyền tước đi. Những người ủng hộ quan điểm bỏ hình phạt tử hình dựa vào đó mà cho rằng hình phạt tử hình đã vi phạm quyền này của con người và dựa vào Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966, Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước này về việc xóa bỏ hình phạt tử hình [1989] để thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho việc xóa bỏ hình phạt tử hình. Điều 3 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền nêu "Mọi người đều có quyền sống, tự do và được bảo vệ an toàn”. Ngoài ra Điều 5 quy định: "Không ai có thể phải gánh chịu một hình phạt tàn khốc hoặc làm giảm phẩm giá của con người”. Theo đó các quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình giải thích rằng việc áp dụng hình phạt tử hình là vi phạm các nội dung nêu trên của tuyên ngôn, đồng nghĩa với việc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, thực tế không có một đoạn văn nào của tuyên ngôn cụ thể hóa việc làm như thế nào là vi phạm nhân quyền. Do đó nếu dựa vào Điều 3 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, theo các quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, để khẳng định rằng việc sử dụng hình phạt tử hình là vi phạm nhân quyền thì thật vô lý. Bởi vì, nếu tử hình một ai đó tức là vi phạm nhân quyền thì chúng ta cũng phải xóa bỏ các trại giam, nhà tạm giữ, trại tạm giam vì khi giam một ai đó cũng vi phạm quyền tự do. Bên cạnh đó dựa theo Điều 5 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, các quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình cho rằng hình phạt tử hình nên được xóa bỏ vì đó là một hình phạt tàn khốc nhất, vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người. Đây là sự đánh giá mang tính phiến diện, vì Điều 5 của Tuyên ngôn không có sự giải thích và áp dụng trong những trường hợp cụ thể nào được coi là vô nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người. Do đó không thể giải thích là hình phạt tử hình hoàn toàn có nội dung tàn khốc và hạ thấp phẩm giá con người.

Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1966. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 6 của công ước quy định: "Ở những quốc gia chưa xóa bỏ hình phạt tử hình thì chỉ được phép áp dụng đối với những tội nghiêm trọng nhất…”. Điều này cho thấy, công ước thừa nhận ở những quốc gia khác nhau, tùy theo điều kiện cụ thể của mình có thể duy trì hình phạt tử hình. Nhưng hình phạt tử hình phải được áp dụng đối với những người phạm tội nghiêm trọng nhất. Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết này. Đối với nghị định thư thứ hai về việc xóa bỏ hình phạt tử hình, thì cũng chỉ mang tính khuyến nghị mà không có tính bắt buộc cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Như vậy việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam hiện nay là cần thiết và không trái pháp luật quốc tế.

Về mặt lý luận, theo chúng tôi thì hình phạt tử hình không trái với nguyên tắc nhân đạo. Hình phạt tử hình là nghiêm khắc nhất, tước đi quyền sống của người phạm tội. Đây là hình phạt chỉ có tác dụng trừng trị mà không có ý nghĩa cải tạo, giáo dục người phạm tội. Cũng vì thế các quan điểm chống lại hình phạt tử hình thường chỉ trích rằng nó vô nhân đạo đối với người phạm tội. Chúng ta cần phải hiểu rằng tính nhân đạo của pháp luật biểu hiện ở sự dung hòa lợi ích của xã hội và lợi ích của người phạm tội. Việc đề cao lợi ích của người phạm tội mà quên đi lợi ích của toàn xã hội không thể xem là thỏa mãn nguyên tắc nhân đạo của pháp luật. Một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt cho xã hội và còn tiếp tục đe dọa đến sự an toàn của xã hội thì việc nhân đạo đối với họ chính là vô nhân đạo đối với toàn thể cộng đồng xã hội. Đứng ở góc độ xã hội, cần phải có một hình phạt nghiêm khắc hơn đó là hình phạt tử hình để đảm bảo mục đích phòng ngừa của hình phạt. Như vậy, hình phạt tử hình đã thể hiện tính nhân đạo một cách tương đối thông qua khía cạnh xã hội là loại bỏ mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội, răn đe và giáo dục người khác không phạm tội hay từ bỏ ý định phạm tội. Ngoài ra hình phạt tử hình góp phần nâng cáo phẩm giá con người, đảm bảo chất lượng cuộc sống và đảm bảo an toàn xã hội. Nâng cao phẩm giá của con người cũng chính là lý do được quan điểm chống lại hình phạt tử hình viện dẫn cho việc xóa bỏ hình phạt này. Quan điểm này cho rằng việc áp dụng hình phạt tử hình là sự không tôn trọng phẩm giá con người khi đã tước đi quyền sống của một con người, là một hình phạt mang tính chất nhục hình. Chúng ta phải xác định rằng bảo vệ phẩm giá của con người ở đây là của người bị hại và của cả cộng đồng, tội phạm đang diễn ra hết sức phức nghiêm trọng, nhất là đối với tội phạm về tham nhũng, ma túy, hiếp dâm, giết người, cướp tài sản. Trong những vụ phạm tội này, người phạm tội đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước từ các vụ tham nhũng, nhiều gia đình tan nát vì vướng phải ma túy, nhiều trẻ em bị khủng hoảng suốt đời vì bị hiếp dâm... Trong trường hợp đó, vai trò của pháp luật là bảo vệ và nâng cao phẩm giá của người bị hại và của cả cộng đồng chứ không phải giữ gìn và nâng cao phẩm giá của người phạm tội và hình phạt tử hình sẽ làm tốt được điều này. Mặt khác trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà tội phạm còn tồn tại và tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống yên bình của bất kỳ thành viên nào trong xã hội thì hình phạt tử hình tồn tại là rất hiệu quả. Chúng ta hãy hình dung đối với một người phạm tội đặc biệt nguy hiểm nhưng không bị áp dụng hình phạt tử hình. Ở trong trại giam, người này có thể đe dọa về tính mạng cho những phạm nhân khác. Đó là chưa kể người này thoát khỏi sự kiểm soát của trại giam, cả cộng đồng đặt trong một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Kể cả khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt [tù chung thân mà được giảm án], và một ngày họ sẽ được trở về. Khi đó những người từng làm chứng chống lại họ, những đối thủ của họ, thậm chí cả những người đã từng xét xử họ… sẽ không có được cuộc sống yên ổn vì lo âu, sợ hãi, sợ một ngày nào đó bị trả thù. Do đó, hình phạt tử hình được xem là điều kiện tốt để mang lại một cuộc sống có chất lượng và an ninh cho toàn xã hội. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, khi các điều kiện chưa cho phép thì không nên nghĩ đến việc xóa bỏ hình phạt tử hình. Bởi vì, sau khi xoá bỏ hình phạt tử hình, họ phải khôi phục lại hình phạt tử hình nhằm trấn áp, răn đe tội phạm vốn chưa được kiểm soát nay có điều kiện phát triển bởi không còn sợ nguy cơ bị xử phạt tử hình. Ngoài ra hình phạt tử hình đảm bảo mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm của hệ thống hình phạt. Hiện nay quan điểm bỏ hình phạt tử hình cho rằng việc duy trì hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm mà thậm chí còn làm tăng tội phạm. Chúng ta đều biết, tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm của hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng phụ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia như: Kinh tế, văn hóa, trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân…Ở những quốc gia cho rằng hình phạt tử hình không làm giảm tội phạm đa số các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, ý thức pháp luật cao. Trước khi xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật, đã có một thời gian dài họ không hề áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế. Do đó, việc họ còn duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật đã không còn ý nghĩa đến sự tăng hay giảm tội phạm. Trong khi ở Việt Nam, nền kinh tế vẫn còn đang phát triển, trình độ văn hóa chưa cao, ý thức pháp luật vẫn còn rất kém. Việc chạy theo xu thế của nước các nước phát triển để xóa bỏ hình phạt tử hình là chưa thể làm ngay được. Dựa trên số liệu thống kê về tình hình tội phạm qua các năm để kết luận rằng dù có duy trì hình phạt tử hình thì tội phạm vẫn tăng và do đó hình phạt tử hình là không cần thiết là sai. Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, trong khi luật còn duy trì hình phạt tử hình mà tội phạm vẫn càng tăng như thế, nếu hình phạt tử hình được xóa bỏ thì tội phạm sẽ tăng như thế nào? Phải thừa nhận rằng, hiện nay ở nước ta, nhiều người phạm tội vẫn có biểu hiện hết sức nghiêm trọng, ngoan cố, bất chấp tất cả hậu quả, dù đó là cái chết. Đối với những người đó, nếu không loại khỏi xã hội thì khả năng nguy hiểm là rấtcao. Như thế mục đích phòng ngừa của hình phạt sẽ không đạt được. Người phạm tội dù tàn ác, ngoan cố đến đâu vẫn còn có lý trí để suy nghĩ và cân nhắc trước khi phạm tội về những vấn đề khi phạm tội mình được gì, cái giá phải trả cho việc phạm tội, khả năng thành công trong việc thực hiện tội phạm, khả năng trốn tránh pháp luật... Nếu cái giá phải trả càng thấp so với việc phạm tội đạt được thì khả năng thực hiện ý định phạm tội càng cao. Nhiều người phạm tội thổ lộ do nghĩ đến việc bị tử hình nên hành vi phạm tội được dừng lại và không tiếp diễn nghiêm trọng hơn.

Trên cơ sở phân tích như trên thì việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam là cần thiết khách quan và không trái với chuẩn mực quốc tế.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện liên quan hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam

Trên cơ sở Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã chỉ đạo: "Xây dựng đề án thay đổi việc tổ chức thi hành án hình phạt tử hình và nghiên cứu hạn chế tử hình trong Bộ luật Hình sự”. Tiếp đó, NQ 49 – NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định: "Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội đặc biệt nghiêm trọng”. Cũng như để phù hợp với chuẩn mức quốc tế liên quan hình phạt tử hình, theo chúng tôi trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề sau liên quan việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình:

2.1. Về phạm vi điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình

Thực tế cho thấy việc duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình đối những tội phạm cụ thể chúng ta dựa trên những tiêu chí nhất định như căn cứ vào tầm quan trọng của khách thể mà hành vi phạm tội xâm hại, quan điểm nhân đạo, trình độ dân trí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, xét thấy không cần duy trì hình phạt tử hình đối với một số tội, nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; các tội phạm mà bằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, có thể hạn chế được sự gia tăng tội phạm, hạn chế tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, có thể khắc phục được hậu quả do tội phạm gây ra và có thể loại trừ nguyên nhân và điều kiện phạm tội; các tội phạm kinh tế hoặc các tội chỉ xâm phạm đến tài sản mà tài sản bị xâm hại có khả năng thu hồi và áp dụng các hình phạt khác đối với người phạm tội như tù chung thân không được giảm án, không được đặc xá, phạt nặng về tiền và tịch thu tài sản… nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả công tác phòng ngừa chung; các tội quy định hình phạt tử hình, nhưng thực tiễn không xảy ra hoặc tuy xảy ra, nhưng chưa bao giờ áp dụng hình phạt tử hình; các tội phạm mà đa số các nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình. Trên cơ sở những tiêu chí này, theo chúng tôi với quy định về hình phạt tử hình như hiện nay ở 22 điều luật thì cần tiếp tục bỏ hình phạt tử hình ở một số tội. Cụ thể:

- Bỏ hình phạt tử hình ở Điều 157 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, bởi vì việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội này chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của Nhà nước ta trong công cuộc phòng ngừa đấu tranh chống loại tội phạm. Yêu cầu của hoạt động phòng ngừa tội này không chỉ là trừng trị, răn đe người phạm tội mà đòi hỏi nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật các loại hàng hóa kể trên của cơ quan chức năng liên quan. Bởi sự nới lỏng quản lý trong hoạt động này của cơ quan nhà nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm gia tăng. Do đó một khi các cơ quan chức năng chưa nỗ lực hết sức trong thực thi đúng pháp luật thì chưa thể phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Cũng như cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật thì đồng thời cũng chính là lỗ hổng nhận thức tạo điều kiện cho tội phạm thực hiện. Thực tiễn cũng cho thấy chưa vụ án nào người bị kết án về tội này bị áp dụng hình phạt tử hình. Vì vậy để răn đe, phòng ngừa đối vơi tội này thì chỉ cần áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân cũng đủ sức trấn áp tội phạm, đồng thời vẫn thể hiện được chính sách nhân đạo, công bằng của Nhà nước ta.

- Bỏ hình phạt tử hình ở Điều 231 về tội phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia: Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội này là chưa phù hợp. Bởi vì, so sánh đối với tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Điều 85 thì tội ở Điều 231 không nguy hiểm bằng. Hai tội này chỉ khác nhau mục đích, tội ở Điều 231 không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì tội ở Điều 85 có mục đích nào và là dấu hiệu bắt buộc trong cải cách tư pháp. Tuy nhiên hình phạt cao nhất của hai tội này đều là tử hình, như vậy chưa thể hiện sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật. Về mặt thực tế thì những người phạm tội ở Điều 231 chủ yếu xuất phát từ nhu cầu lợi ích cá nhân mà phạm tội và họ thường thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của các công trình an ninh quốc gia, do đó việc áp dụng hình phạt tử hình đối tội này là không cần thiết.

- Bỏ hình phạt tử hình ở Điều 316 [tội chống mệnh lệnh], Điều 322 [tội đầu hàng địch]. Bởi lẽ thực tế chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nào phạm tội này bị kết án tử hình, đồng thời xét hành vi chống mệnh lệnh, đầu hàng địch chủ yếu xảy ra trong thời chiến. Do đó cần bỏ hình phạt tử hình đối với những tội này để đảm bảo tính thực tiễn của pháp luật.

Đối với các tội này, chỉ cần quy định loại hình phạt cao nhất là hình phạt tù chung thân mà vẫn đảm bảo mục đích của hình phạt và đáp ứng được công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

- Đối nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia mà điều luật có quy định hình phạt tử hình theo chúng tôi vẫn cần tiếp tục duy trì bởi lẽ đó những tội phạm có hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất vầ toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước, xâm hại sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đây là những khách thể có tầm quan trọng đặc biệt được luật hình sự bảo vệ. Chỉ nền an ninh quốc gia được ổn định, vững mạnh thì mới có thể đảm bảo sự tồn tại và phát triển các quan hệ xã hội khác. Do đó việc quy định hình phạt tử hình trong các điều luật này đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa trong tương lai để không cho nó xảy ra hoặc hạn chế đến mức thấp nhất.

- Về nhóm tội về ma túy có điều luật quy định hình phạt tử hình cũng cần tiếp tục duy trì bởi vì các tội này xâm phạm chế độ quản lý độc quyền của Nhà nước đối các chất ma túy là loại chất gây nghiện nguy hiểm, không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất ma túy của Nhà nước mà còn góp phần tạo ra một lớp người nghiện, qua đó đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của nòi giống cũng như ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt giới thanh thiếu niên. Do đó cần hình phạt nghiêm khắc nhất để phòng ngừa, đấu tranh chống các tội này.

- Đối nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người mà điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình cũng cần tiếp tục duy trì. Chúng ta cũng biết con người được coi là vốn quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được luật hình sự bảo vệ nói riêng cúng như pháp luật nói chung bảo vệ. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và tự do của họ, vì đó là những điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với con người. Điều này cũng lý giải tại sao Bộ luật Hình sự năm 1999, tiếp theo việc quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì nhà làm luật quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người. Do đó cần có chế tài là hình phạt tử hình để trừng trị người phạm các tội này, đồng thời rắn đe, phòng ngừa chung.

- Đối nhóm các tội phạm quốc tế mà điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình theo tôi cần tiếp tục duy trì mặc dù thực tế chưa ghi nhận trường hợp nào phạm tội này bị áp dụng hình phạt tử hình, tuy nhiên quy định như vậy sẽ có tính răn đe, phòng ngừa cao. Trong khi đó, các tội phạm này khi xảy ra thì hậu quả mang lại đặc biệt lớn, không chỉ gây nguy hiểm cho một hay nhiều quốc gia mà chúng có thể gây nguy hiểm cho toàn thể cộng đồng thế giới trong phạm vi toàn cầu, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Đặc biệt trước yêu cầu toàn cầu hóa hiện nay, thì việc bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và quyền con người luôn được quan tâm hơn bao giờ hết. Chính vì vậy cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối các tội này trong luật.

2.2. Về phạm vi đối tượng được loại trừ áp dụng hình phạt tử hình

- Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành thì người già, người bị thiểu năng trí tuệ hoặc bị hạn chế lớn về năng lực hành vi thì vẫn có thể bị áp dụng hình phạt tử hình. Theo chúng tôi xuất phát từ đặc điểm của người già là sự suy giảm các chức năng của cơ thể, thần kinh ức chế biểu hiện suy nghĩ hỗn độn hay lo âu, trầm cảm. Do đó ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội, đồng thời đối với đối tượng này thì khả năng tiếp tục phạm tội là thấp vì vậy chỉ cần quy định hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tù chung thân là đủ, qua đó cũng thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với đối tượng này. Việc quy định không áp dụng hình hình phạt tử hình đối với người già cũng đã được nhiều quốc gia ghi nhận như Trung Quốc, LB Nga… thậm chí trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam tại Điều 16 Bộ luật Hồng Đức cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 90 tuổi trở lên. Vì vậy cần quy định người già thuộc đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và theo chúng tôi thì người già là người tử 70 tuổi trở lên.

- Đối với người bị thiểu năng trí tuệ hoặc bị hạn chế lớn về năng lực hành vi theo chúng tôi cũng cần quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với những đối tượng này. Bởi vì đối với những người này thì việc thực hiện hành vi phạm tội cũng bị ảnh hưởng nhất định về mặt tâm thần hoặc thể chất, đồng thời đối với những đối tượng này thì tâm lý rất dễ bị hoảng loạn, lo sợ trước sự tác động bên ngoài, khi đó họ có những phản ứng khó kiểm soát. Ngoài ra, khả năng tái phạm tội của những người này là rất thấp. Chính vì vậy việc áp dụng hình phạt tử hình đối với họ là không cần thiết. Do đó cần quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người này qua đó thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với NQ 2005/59 ngày 20/4/2005 của Ủy ban quyền con người thúc giục các quốc gia không được tuyên hoặc thi hành án tử hình đối với bất kỳ người nào bị thiểu năng trí tuệ hoặc tâm thần. Như vậy Điều 35 cần sửa đổi như sau: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuối hoặc đối với người già, người bị thiểu năng trí tuệ hoặc hạn chế lớn về năng lực hành vi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già, người bị thiểu năng trí tuệ hoặc hạn chế lớn về năng lực hành vi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển sang tù chung thân”.

Tài liệu tham khảo:

[1] Sửa đổi, bổ sung các quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 của tác giả PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh trong tạp chí Tòa án nhân dân năm 2009; Việc duy trì hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam của tác giả Phạm Văn Beo, Tạp chí Nhà nước và pháp luật năm 2006.

[2] Philippin sau nhiều năm không áp dụng hình phạt tử hình đến năm 1993 quốc hội nước này đã quyết định đưa hình phạt tử hình trở lại Bộ luật Hình sự.

[3] Theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án nhân dân năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012.

[4] Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966; Bình luận số 6 [1982] của Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc.

[5] Xem Luật người cao tuổi; Nghị quyết số 01/2006/NQ – Hội đồng Thẩm phán ngày 12/5/2006.

Nguyễn Ích Sáng

Nguồn://www.moj.gov.vn [Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp]

Chủ Đề