Tại sao có những người rất dễ khóc

Khóc là một cách phản hồi tự nhiên với nỗi buồn, niềm vui, hoặc sự quá tải trong cuộc sống. Nhưng một số chúng ta không thể phủ nhận rằng chúng ta dễ rơi nước mắt hơn hẳn những người xung quanh. Đó là tôi - khi còn nhỏ, tôi nhớ mình kiềm chế nước mắt ở trường, trại hè, ngủ qua đêm, và bất cứ nơi nào với nhiều sự kích thích. Mặc dù những đứa trẻ khác thỉnh thoảng cũng sẽ khóc, tôi không thể lờ đi sự thật là chúng không khóc nhiều như tôi. 

Là một người trưởng thành, tôi cũng y hệt như vậy. Tôi thường khóc khi tôi cảm thấy [dù chỉ một chút] căng thẳng hoặc quá tải, khi tôi trải qua cơn đau thể chất, khi tôi nghe một bản nhạc hay, hoặc khi bạn bè tôi đang buồn. Hoặc như là chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua, tôi có thể thấy mình khóc lóc nỉ non ở Starbucks trong khi xem một video về một chú chó bị bỏ rơi được giải thoát. 

Con người không phải luôn luôn như thế. Tôi đã trải qua mọi thứ từ những trò trêu chọc vô hại từ bạn bè đến những lời từ chối thẳng thừng, đặc biệt là nếu tôi có bao giờ dám khóc ở chỗ làm [lưu ý: việc này không giúp người ta ngừng khóc!] Nhưng thì ra là nước mắt của tôi khá là bình thường. Các nhà tâm lý học tin rằng xấp xỉ một trong năm người - cả đàn ông và phụ nữ - được biết tới là những người cực kỳ nhạy cảm [highly sensitive people - HSPs]. Chúng ta cảm thấy và xử lý môi trường xung quanh sâu sắc hơn những người không phải HSP, bao gồm cả kích thích vật lý và tín hiệu cảm xúc. 

Nói cách khác: Chúng ta trải nghiệm một thế giới rất khác biệt so với mọi người. Cảm xúc thực sự tác động mạnh đến chúng ta hơn, và rất nhiều lần, chúng đến trong hình dạng những giọt nước mắt. 

Là một HSP được xem như là bình thường và khỏe mạnh - vậy vì sao một số trong chúng ta lại khóc nhiều đến thế? Hãy cùng nhìn vào những gì đang xảy ra phía sau những giọt nước mắt. Mặc dù không phải mọi HSP đều dễ khóc, tôi nghĩ có năm lý do lớn khiến nhiều người như thế. 

5 Lý Do HSPs Dễ Khóc Hơn 

1. Bộ não của chúng ta được thiết lập cho những phản hồi cảm xúc lớn hơn 

Bộ não của người HSP trải nghiệm cảm xúc rõ ràng hơn bộ não của người không phải HSP. 

Là người cực kỳ nhạy cảm có liên hệ với một loại gien có khả năng "kéo lên" việc chúng ta cảm thấy cảm xúc mạnh mẽ ra sao. Loại gien này cũng ảnh hưởng một vùng ở phía trước bộ não được biết tới là vỏ não bụng giữa trước trán [vmPFC], thứ ảnh hưởng tới việc quản lý cảm xúc. 

Điều này có nghĩa là chúng ta có thể cảm thấy cảm xúc của bản thân mạnh mẽ hơn. Niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận, và nhiều thứ nữa đều ập đến mãnh liệt với những HSP - và khóc là một cách tự nhiên để xử lý và giải phóng những cảm xúc đó. [Quan trọng: Những cảm xúc này được xem như bình thường. Việc bạn là một HSP không có nghĩa là bạn có vấn đề tâm lý - và trong nhiều trường hợp, sự nhạy cảm của bạn là một lợi thế.] 

Nói cách khác, mau nước mắt là một phần của giải phẫu não bộ người HSP. Vậy nên lần kế nếu bạn là người duy nhất khóc khi xem một bộ phim buồn, xúc động trước một tác phẩm nghệ thuật, hoặc bước qua một bên để kiểm soát những cảm xúc mãnh liệt ập đến giữa một dự án căng thẳng, hãy biết rằng bạn đang hoạt động đúng như cách bạn được thiết kế để hoạt động. 

2. Chúng ta cảm thông một cách tự nhiên - và cảm xúc của người khác có thể nặng nề

Những người cực kỳ nhạy cảm không chỉ cảm thấy cảm xúc của mình mạnh mẽ, mà họ còn "hấp thu" cảm xúc của những người xung quanh họ. Điều này khiến chúng ta cực kỳ giàu lòng cảm thông - có khả năng thấu hiểu và chia sẻ với cảm nhận của người khác. 

Một nghiên cứu năm 2014 được xuất bản trong tập san Brain and Behavior đã phát hiện những người cực kỳ nhạy cảm có nhiều hoạt động não bộ ở những khu vực nhất định khi họ nhìn những bức ảnh của người họ yêu thương. Các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng [fMRI] để nội soi bộ não của những người tham gia. 

Họ tìm ra rằng HSP - khi nhìn ảnh cha mẹ của mình hoặc người lạ thể hiện biểu cảm vui hoặc buồn - có nhiều hoạt động trong những vùng não liên quan đến lòng cảm thông và nhận thức. Họ cũng có nhiều hoạt động não ở những vùng liên quan tới sự chú ý và hành động. 

Đây là lý do vì sao chúng ta có thể dễ rơi nước mắt hơn khi nghe câu chuyện buồn của ai đó hoặc cảm thông với nỗi đau của một người thân thương. Tôi tin rằng phần này của một người HSP là một loại siêu năng lực thực sự. Trong khi nó có nghĩa là chúng ta có thể khóc dễ hơn khi người khác đang đau đớn, nó cũng khiến chúng ta trở thành những người vợ/chồng, cha mẹ, bạn bè cực kỳ tận tâm. 

3. Chúng ta dễ bị quá tải bởi môi trường của chúng ta hơn 

HSP nhạy cảm với kích thích từ bên ngoài hơn và dễ phản ứng lại với những thay đổi nhỏ nhất trong môi trường của chúng ta. Cảm thấy mọi thứ nhiều hơn cả so với những nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày có thể khiến bạn đuối sức nhanh chóng. Trong mắt người khác, chúng ta trông như thể đang làm quá hoặc trở nên không vui mà chẳng có lí do gì. Thực tế là, đó là một phản hồi tự nhiên đối với việc xử lý thông tin quá triệt để. 

Cá nhân mà nói, điều này có thể ảnh hưởng lớn tới tôi trong những tình huống kích thích cao như các bữa tiệc. Âm nhạc to, nhảy nhót, ăn uống, và vô số con người xung quanh tôi có thể dẫn tới một phản hồi rất xúc cảm - kể cả nếu tôi cảm thấy biết ơn khi được ở đó. Sự nhạy cảm cao của tôi thường khơi gợi lo âu xã hội, thứ có thể khiến tôi khóc nếu tôi cảm thấy có quá nhiều ánh mắt đang nhìn mình. Tôi được biết là sẽ bước ra ngoài hít thở không khí hoặc trở về nhà sớm. 

4. HSP có thể trở nên căng thẳng, lo âu, hoặc trầm cảm dễ dàng hơn

Dễ khóc có thể là triệu chứng của trầm cảm, lo âu, hoặc rất nhiều căng thẳng trong đời bạn. Bởi vì HSP cảm thấy nhiều thứ và có thể trải nghiệm cảm xúc quá tải, chúng ta nhạy cảm với những cảm xúc mạnh mẽ như trầm cảm hay lo âu hơn. 

Chúng ta có thể cảm thấy cô đơn trong sự nhạy cảm của chúng ta hoặc sẽ tự cách biệt bản thân để giảm thiểu những kích thích dư thừa. Thêm nữa, những biến động nhỏ trong cuộc sống có thể khó khăn hơn cho HSP bởi vì chúng ta dễ bị giật mình và thường chật vật với những thay đổi. 

Là một HSP, tôi có thể cảm thấy ủ rũ, căng thẳng, hoặc lo âu từ những khoảnh khắc nhỏ gộp lại suốt tuần, ví dụ như:

- Giúp đỡ một người bạn vượt qua điều gì đó khó khăn và hấp thu nỗi buồn của họ. - Nhận được phản hồi từ công việc mà bộ não của tôi không ngừng nhai đi nhai lại. - Ở gần quá nhiều người và cần thời gian ở một mình. - Cảm thấy quá cô lập và mưu cầu những kết nối sâu sắc hơn. - Uống quá nhiều caffeine, thứ có thể gây lo âu ở một vài HSP. 

- Suy nghĩ quá nhiều về quá khứ hoặc tương lai. 

Trước khi biết rằng mình là một người cực kỳ nhạy cảm, tôi đã tự hỏi vì sao chỉ cần một chút là mình đã cảm thấy quá tải bởi công việc, các mối quan hệ, hoặc chỉ đơn giản là cuộc đời. Tôi được biết tới là sẽ bắt đầu khóc từ giữa tuần chẳng vì lý do gì và tự hỏi là chuyện gì đang xảy ra với mình. 

Nhưng bây giờ, tôi biết là tôi chỉ dễ bị quá tải hơn - và điều đó ổn. Tôi biết đào sâu hơn và chỉ ra căng thẳng hay lo âu đến từ đâu. Sau đó, tôi có thể tiếp cận điều gì gây ra nó. 

[Nếu bạn thấy mình khóc bởi vì bạn căng thẳng hoặc lo âu, việc có một nơi trú ẩn cho HSP để rút về có thể mang lại lợi ích. Đây là cách làm thế nào để tạo một cái cho riêng mình.]

5. Chúng ta thường cần nhiều sự quan tâm cho bản thân hơn là người khác - và khóc có thể là một dấu hiệu 

Phần lớn xã hội của chúng ta không được xây dựng cho những người nhạy cảm cao. Nhịp sống nhanh và đầy kích thích có thể rất khó khăn cho nhiều người trong số chúng ta. Cho đến khi chúng ta hiểu được nhu càu của mình, chúng ta có thể cảm thấy phải "cứng lên" hoặc tránh né cảm xúc của mình để trở nên ít nhạy cảm hơn. Trớ trêu là, việc này chỉ dẫn tới nhiều quá tải hơn khi chúng ta cố gắng ép mình vào một chiếc khuôn không tự nhiên dành cho chúng ta. Tôi nhận thấy chính mình khóc nhiều hơn khi cuộc sống thường nhật không phù hợp với bộ não HSP của mình. 

Đây là lí do vì sao sự quan tâm đến bản thân - và tìm đến hỗ trợ khi cần thiết - lại quan trọng đến vậy cho HSP. Nếu chúng ta nhận thấy bản thân khóc thường xuyên, nó có thể là dấu hiệu chúng ta phải giải quyết những mối lo cụ thể trong cuộc sống của chúng ta hoặc phải điều chỉnh công việc thường ngày để phù hợp với nhu cầu của chúng ta hơn.

Tôi đã từng xem tính khí thiên về nước mắt của mình là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Nhưng bây giờ thì tôi đã biết nó chỉ là một phần của con người tôi, một người cực kỳ nhạy cảm. Tôi trân trọng mọi liên kết mong manh của mình với mọi xúc cảm con người, và tôi không còn sợ phải bày tỏ chúng. Nếu bạn cũng dễ khóc, tôi mong bạn có thể nhận ra vẻ đẹp ấy trong chính mình.  

----------

Dịch giả: Nhạn Hành - ToMo - Learn Something New 

[*] Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nhạn Hành - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

[**] Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

[***] Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: //bit.ly/ToMo-hiring.

5,110 người xem

Video liên quan

Chủ Đề