Suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc xác định mục tiêu đúng đắn trong học tập

Th.S Hà Nhật Quang

Phòng sau Đại học

Từ xa xưa người Việt Nam đã quan niệm việc học là rất cần thiết cho con cái, cho nó biết cái chữ, cái kiến thức để sau này lớn lên hoặc thoát cảnh đói nghèo hoặc có được công ăn việc làm tốt đẹp. Tựu chung mục đích cuối cùng là để tốt cho tương lai của thế hệ sau. Thế nhưng cách giáo dục của từng nhà từng gia đình lại khác nhau. Trong đó lại có những cách tiêu cực như đánh đập, chưởi bới, treo tiền thưởng hoặc khóc lóc năn nỉ con cái làm cho bọn nhỏ có suy nghĩ lệch lạc là học để cho ba mẹ nở mày nở mặt, học để lấy khoe khoang, học để mà học... Vậy rốt cuộc học để làm gì? Đối với mỗi câu trả lời qua loa, nó sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy mà nghiêm trọng có thể dẫn đến sự bất mãn cho con em và không tiếp thu việc học là tốt cho mình. Ta có thể lấy ví dụ: Học để sau này đổi đời. Thực chất đổi đời ở đây là gì? Là giàu có, là hết khổ hay là được vô làm nhà nước có chức có quyền? Nếu là giàu có thì xung quanh có rất nhiều ví dụ không cần học đến cấp 2 vẫn giàu có như bán hàng online, trồng thanh long, live stream, chơi game... những hình mẫu nhan nhản khắp nơi trên mạng internet mà giới trẻ bây giờ dễ dàng tiếp xúc đến. Cho đến có chức có quyền, đó là một quá trình lâu dài phấn đấu mà đến cuối cùng chưa chắc có thể đạt đến. Vậy câu trả lời như thế có bao nhiêu sức thuyết phục cho con em chúng ta- thế hệ trẻ năng động và luôn muốn nắm giữ quyền chủ động cho tương lai mình?

Khi còn nhỏ ai cũng có mong ước trở thành người này người kia, thành bác sĩ, cô giáo... lớn lên rất nhiều người trong số họ sẽ phải làm một nghề khác mà có khi họ hoàn toàn không thích. Có người đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho ba mẹ vì ba mẹ họ mong muốn họ thế này thế kia... Thực tế cho thấy, đa số chỉ một lý do chung là vì họ học “chưa đủ”. Nếu bạn muốn trở thành thầy cô giáo mà rớt tuyển sinh sư phạm thì không thể nào đổ lỗi cho ai khác được. Chỉ có học thật giỏi, thật tốt mới làm cho bạn có quyền lựa chọn tương lai cho mình. Khi đó bạn được làm công việc mình đam mê, mình thích thì thời gian bạn bỏ ra để làm việc mới có ý nghĩa và đem lại cảm giác thành công.

Mặt khác, có nhiều người cho rằng học tập ở trường không quan trọng bằng ngoài đời vì có những dẫn chứng thành công như Steve Jobs, Bill Gates... Thực chất mọi người đã bỏ qua tiểu sử của họ, những nhân vật này thành công vì họ đã học, đã tiếp thu kiến thức đủ để bọn họ tự tin bay lượn theo con đường họ đã chọn. Như Steve Jobs bỏ ngang việc học ở Harvard, nhiều người chỉ biết rằng ông ngừng học đại học nhưng Harvard là một đại học bình thường sao? Đó là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới và mỗi năm có hơn hai mươi ngàn đơn xin dự tuyển và trong đó chỉ khoảng hơn hai ngàn đơn được chấp nhận. Tỉ lệ loại bỏ hơn 90%, không ngạc nhiên đây là một trong những ngôi trường khắt khe nhất thế giới. Họ, những con người bỏ học, thực chất đã sớm tìm hiểu kỹ càng và chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới. Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì cho mình? Hay chỉ là một người mơ mộng, lười biếng và trốn tránh trách nhiệm của mình?

Đối với một số lớn người ở Việt Nam thì việc học với bằng cấp lại gộp thành một. Ở một số trường hợp thì bằng cấp có thể đại diện cho thành tích học tập, kiến thức và trình độ nhưng không thể phủ nhận việc tự học tự mày mò ra kiến thức cho riêng mình thì không phải là “học”. Chúng ta cần nhấn mạnh nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm chính quy nhất để các em tiếp thu có hệ thống, loại bỏ những quanh co, sai lầm trong quá trình học tập chứ không phải là nơi “bán” bằng cấp. Do đó, học sinh sinh viên nên quan tâm đến vấn đề trau dồi kiến thức hơn là việc đối phó với những kỳ thi.

Thực tế tình trạng học để mà học, học để mà thi đang rất phổ biến trong các trường đại học ngày nay. Các em không biết áp dụng kiến thức mình đã và đang học vào công việc vào cuộc sống như thế nào. Không phải ai cũng học một biết mười hay học một suy ra ba. Rất nhiều học sinh sinh viên cần giảng viên đưa ra nhiều ví dụ, nhiều kinh nghiệm, nhiều lần thực hành để thực sự nắm và vận dụng được những thông tin, kiến thức quan trọng. Đó là những sinh viên học sinh được đào tạo có hệ thống thì những người không có cơ hội đến trường lớp thì còn như thế nào? Trong thực tế có rất nhiều ví dụ thấy thì buồn cười nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì chắc nhiều người sẽ không cười nổi tiếp. Một lần tôi tò mò xem 1 anh học việc cứ loay hoay gắn 1 chi tiết chữ S lên khung cửa mà không khớp. Anh ta cứ lẩm bẩm là đã rõ ràng đo và cắt chính xác theo mẫu mà sao uốn nó không khớp. Anh ta cắt một khúc sắt khác và tôi thấy ngay anh ta lấy chiều dài của thanh sắt thẳng mà áp vào thanh chữ S. Rõ ràng thanh sắt uốn cong rồi bẻ thẳng ra đương nhiên sẽ dài hơn. Tôi thiết nghĩ tất cả các em tốt nghiệp cấp 2 hẳn phải biết điều này nhưng chắc nhiều em sẽ không liên tưởng đến áp dụng dài ngắn cong quẹo này vô việc gì. Như bác Hồ đã nói, học phải đi đôi với hành. Có lẽ thầy cô giáo nên cho các em biết ngay từ đầu là việc học là để biết lý lẽ, đúng sai rồi sau đó vận dụng vào cuộc sống để làm nó tốt đẹp hơn thì các em sẽ không “chán” và “nản” việc học hoặc cảm thấy nó là lý luận suông không cần thiết cho đời mình.

Tóm lại, mục đích việc học chúng ta có thể chia làm hai phần:

• Phần trước mắt - học là để thêm kiến thức: chúng ta cần phải tạo động lực, hứng thú và kích thích trí tò mò cho các em để các em không nhàm chán trong quá trình học tập. Nhiều gia đình thích mua cho các em đồ chơi, điện thoại, xe máy... khi các em đạt điểm cao. Cách này có lẽ thành công trong 1 số trường hợp nhưng cuối cùng sẽ làm cho các em quên mất học là để thêm kiến thức thêm hiểu biết. Động lực học tập phải là chính sự thành công của việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ sách vở và giáo viên sau đó biến nó thành của mình. Khi mà các em đắm chìm trong việc khám phá kiến thức và thích thú với những gì mình đạt được như việc vừa đọc xong một cuốn truyện hay, một bộ phim đặc sắc... thì lúc đó mới tính là chúng ta đã giáo dục thành công.

• Phần thứ hai - học là để có thể chọn lựa tương lai cho chính mình: Theo tháp nhu cầu của Maslow [tiếng Anh: Maslow's hierarchy of needs] thì có được việc làm ổn định chỉ là tầng thứ hai trong năm tầng nhu cầu của một con người. Như vậy để đánh giá sự thành công của một người, chúng ta cần đi sâu hơn thế nữa. Ngày thường chúng ta chỉ nói với con em chúng ta rằng không học là không kiếm được việc làm, không có tương lai... nhưng thực tế cho thấy rất nhiều người không học cao vẫn kiếm được việc làm và thu nhập ổn định. Như vậy sẽ dễ dàng làm cho con em ngộ nhận về mục đích của việc chúng ta bắt chúng đi học. Thực ra 12 năm học bắt buộc từ tiểu học cho đến THPT chỉ là đặt nền mống cho các em, để các em có đầy đủ thông tin kiến thức mà lựa chọn con đường mình sẽ đi. Khi các em không học tập cho thật giỏi thì các em đã đánh mất quyền lựa chọn trường đại học cho mình đồng nghĩa với việc rất nhiều cánh cửa đã khép lại như sư phạm, y dược... những ngành đòi hỏi sự cần cù trong học tập và gia tăng kiến thức. Hơn nữa một việc làm đúng sở thích, đúng sở trường sẽ mang ý nghĩa rất lớn vì khi đó các em sẽ không thấy rằng công việc nhàm chán lãng phí thời gian của mình. Nó sẽ đem lại cho các em cảm giác thỏa mãn và thành công đích thực mà không phải là đi làm vì kiếm sống. Như UNESCO đã phát biểu, mục đích cuối cùng của học tập là để tự khẳng định chính mình, tự tạo vị trí trong xã hội, thể hiện giá trị bản thân và sự tồn tại có ý nghĩa của mình. Nó cũng thuộc về những cấp bậc cuối cùng của tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu tối cao của con người sau khi đạt được những nhu cầu cơ bản như ăn uống, làm việc... Đó là tự thể hiện bản thân, có khả năng sáng tạo, trình diễn những kiến thức, kỹ năng của mình và đạt được xã hội công nhận. Ta có thể lấy ví dụ về một chủ tiệm sửa xe và kỹ sư. Một người chủ tiệm sửa xe có thể giàu có nhưng chỉ có thể đóng góp rất hạn hẹp cho cả xã hội như là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, quyên góp và làm từ thiện. Nhưng nếu đổi lại là một kỹ sư ô tô không ngừng trau dồi kiến thức kỹ năng, anh ta sẽ đem lại những phát minh mới sáng tạo mới như tiết kiệm nhiên liệu, nguồn nhiên liệu mới, chống hao mòn... có thể ảnh hưởng cả một nền công nghiệp. Do đó anh ta không chỉ là được tôn trọng mà còn tự khẳng định mình và biết giá trị bản thân cũng như đóng góp giá trị đó cho xã hội. Đó là những cái tên như Isaac Newton, Einstein rồi đến những cái tên đường quen thuộc mà chúng ta đi qua hàng ngày... Có bao giờ các bạn suy nghĩ sẽ có 1 ngày tên các bạn được đặt cho 1 con đường nào đó ở Việt Nam hay được cả thế giới nhắc đến do những thành tựu trong đời mình?

Tổng kết lại, mục đích học tập cuối cùng là đạt được quyền lựa chọn rộng lớn hơn, tự khẳng định chính mình, được sống thành đạt và mọi người khẳng định sự thành đạt đó. Đó là sự thành công về cả 2 mặt vật chất lẫn tinh thần và là nền móng vững chắc cho những thành tựu và những đóng góp to lớn cho xã hội. Và đó cũng là phương châm của trường DLA, học là để Tri, rồi Hành và cuối cùng là Đạt nhân.

Th.S Hà Nhật Quang

B. Dàn ý chi tiết

a. Mở bài

  • Học tập là nhiệm vụ suốt đời của con người “người không học như ngọc không mài”. Đúng vậy nếu không học tập con người sẽ không có tri thức, không tiếp thu, theo kịp được những tiến bộ của thế giới.
  • Tuy nhiên để học tập một cách khoa học và hiệu quả cần phải xác định được mục đích đúng đắn của việc học. Hiểu được điều đó UNESCO đã từng đề xướng : “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

b. Thân bài

  • Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:
    • Học là gì:
      • Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống “trường đời”.
    • Học để biết:
      • “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống…
      • Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc…
      • Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”, biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho “Đắc nhân tâm”…
    • Học để làm:
      • “Học để làm” là mục đích tiếp theo của việc học. “Làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – “Học đi đôi với hành”.
      • Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội.
      • Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ… đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
      • Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.
    • Học để chung sống:
      • Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. “Chung sống” là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc “biết”, “làm”.
      • Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.
    • Học để tự khẳng định mình:
      • Là mục đích sau cùng của việc học. “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.
      • Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…
  •  Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
    • Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.
    • Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.
    • Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa…
  •  Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:
    • Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy “làm người”…
    • Mục đích học tập này giúp người học:
      • Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.
      • Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.
      • Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.

c. Kết bài

  • Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.
  • Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?

Bài văn mẫu

Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Gợi ý làm bài:

Cuộc sống ngày càng phát triển không ngừng và chóng mặt, con người cũng không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức của mình để hòa nhập và không bị lạc hậu. Một trong những điều làm nên thành công và là tiền đề vững chắc để ta vươn lên đạt được những mục tiêu đề ra đó chính là con đường học tập. Đối với cuộc đời mỗi người học tập là một trong những điều quan trọng nhất. Đã có biết bao câu hay ý đẹp nói về việc học tập. Trong đó, mục đích học tập mà UNESCO đề xướng: “ Học để tự khẳng định mình” để lại ấn tượng nhiều nhất với tuổi trẻ ngày nay. Vậy thế hệ thanh niên chúng ta có ý nghĩ gì về quan niệm trên.

Học tập là con đường muôn đời, không bao giờ ngừng phát triển. Trước hết ta cần tìm hiểu cho thấu đáo “học” là gì và có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc sống? Học là quá trình học hỏi, tiếp nhận kiến thức, kĩ năng để phát triển tâm hồn, trí tuệ và nhân cách. Ở bất cứ nơi đâu ta cũng có thể học hỏi, học ở trường lớp, thầy cô, bạn bè, từ những thế hệ trước và cả ở ngoài đời sống xã hội. Học tập còn là sự tích lũy, nâng cao và tìm tòi thêm nhiều tri thức xung quanh ta. Đó là sự tự nguyện xuất phát từ chính bản thân ta làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng, đem lại nhiều thú vị và ý nghĩa cho cuộc sống. Học để tự khẳng định mình là học để nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực trong đởi sống xã hội. Từ đó rèn luyện cho mình bản lĩnh trong mọi tình huống, có phương pháp giải quyết mọi việc một cách phù hợp, khoa học nhất. Sự khẳng định mình chính là khẳng định “ cái tôi” của mỗi người có cá tính riêng, bản lĩnh riêng, tài năng riêng, không ai giống mình và mình không giống ai. Đó còn là học để biết đúng, biết sai, thế nào là tốt và xấu để ta từng bước hoàn thiện nhân cách bản thân mình.

---Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến---

Đã có biết bao người đã khẳng định được cái tôi của mình, được nhiều người biết đến và đem lại niềm tự hào, hạnh phúc cho bản thân, gia đinh và xã hội. Nhờ những nỗ lực, đóng góp của họ mà xã hội này, thế giới này toàn diện và tốt đẹp hơn. Những người ấy sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng và lấy đó làm gương. Thế nhưng bên cạnh đó còn có những người chưa xác định cho mình mục đích học tập rõ ràng. Họ không biết nhiều kiến thức, không có khả năng vận dụng vào cuộc sống, khó chung sống với mọi người và khó thành công. Hơn nữa, còn có nhiều người quan niệm rằng học để kiếm điểm, để lấy bằng mà không cần nắm kiến thức. Những “tiến sĩ giấy” ấy sẽ bị mọi người khinh rẻ, xem thường và phê phán. Họ cần xem xét lại động cơ học tập của mình và học hành nghiêm túc hơn nữa.

Để thực hiện mục đích học tập trên chúng ta cần có những mục tiêu như thế nào? Trước hết, ta cần phải xác định mục đích, xây dựng lí tưởng một cách đúng đắn, cao đẹp vì có lí tưởng cao đẹp và những kiến thức mình biết ta mới có thể đặt chân lên con đường mang tên thành công. Nếu mục đích không đúng đắn sẽ dẫn đến nhưng hậu quả khôn lường và hủy diệt cả nhân loại. Xã hội ngày càng vươn lên và vươn cao, càng có nhiều cơ hội và điều kiện để mỗi người có thể tự khẳng định chính mình. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội ngàn vàng ấy để khẳng định cái tôi cá nhân của chính chúng ta. Riêng em, em sẽ học hành thật tốt, rèn luyện nhân cách, đạo đức và xác định mục tiêu đúng đắn cho bản thân để từ đó tự khẳng định bản thân mình.

Một nhà văn nào đó đã viết: “Lí tưởng là ngọn đèn soi sáng”, việc xác định mục đích học tập của mỗi người cũng quan trọng như việc xác định lí tưởng sống. Phương châm: “ Học để tự khẳng định mình” của UNESCO đề xướng thật sự là kim chỉ nam, là con đường để dẫn dắt tôi, bạn và chúng ta đi tới thành công.

-- MOD Ngữ văn Chúng tôi [tổng hợp và biên soạn]

Video liên quan

Chủ Đề