Quá trình công nghiệp hóa đã làm biến đổi các chức năng của gia đình Việt Nam như thế nào

Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghiên cứu về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cần giữ gìn và phát huy, những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu; nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới, là những định hướng cho công tác nghiên cứu về gia đình đã được nêu trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để có thêm nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu về gia đình, chúng tôi xin giới thiệu kết quả nghiên cứu của Robert Cliquet, nhà tư vấn về dân số và chính sách xã hội, giáo sư nhân chủng học và sinh học xã hội của Trường Đại học Ghent [Bỉ] có tựa đề:“Những xu hướng chính ảnh hưởng đến gia đình trong thiên niên kỷ mới ở Tây Âu và Bắc Mỹ”. Nghiên cứu nêu lên thực trạng biến đổi về cấu trúc và chức năng gia đình ở các nước thuộc Tây Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ 20 và những xu hướng chính ảnh hưởng đến gia đình trong thiên niên kỷ mới. Những vấn đề nêu ra từ nghiên cứu này, tuy diễn ra ở các nước phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, nhưng rất có giá trị đối với các nước khác trên thế giới. Nghiên cứu được Liên hiệp quốc xem là một trong những tư liệu nền tảng khi nghiên cứu về sự phát triển của gia đình.

Về thực trạng biến đổi cấu trúc và chức năng của gia đình ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở những thập kỷ cuối, nghiên cứu cho thấy đã có ba thay đổi lớn:

- Thay đổi hành vi quan hệ: Tuổi bắt đầu quan hệ tình dục xảy ra sớm hơn, đầu những năm 90 là 16 – 18 tuổi trong khi đầu những năm 30 là 19 – 21 tuổi, quan hệ tình dục trước hôn nhân trở nên phổ biến và mặc dù có sự gia tăng sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả nhưng tình trạng mang thai ngoài ý muốn của vị thành niên vẫn tồn tại. Tuổi kết hôn lần đầu liên tục bị trì hoãn và số lượng hộ thanh niên độc thân gia tăng [tỷ lệ thanh niên 25-29 tuổi vẫn còn sống độc thân ở nhà cha mẹ đặc biệt cao ở các nước Nam Âu: 65% đối với nam và 44% đối với nữ; các nước Trung Âu [Pháp, Đức và Anh]: 20% đối với nam và 11% đối với nữ; ở Mỹ là 20% đối với nam và 12% đối với nữ. Tình hình ly dị đã gia tăng đáng kể; tỷ lệ ly dị ở hầu hết các nước Tây Âu là gần 30%, trong khi ở các nước Scandinavia, Mỹ, Anh gần 50% hoặc cao hơn; do đó, số gia đình có một cha hoặc mẹ, chủ yếu là mẹ, đã gia tăng.

Những thay đổi trong cấu trúc gia đình [gia đình có đủ 2 cha mẹ, gia đình chỉ có 01 cha hoặc mẹ] đã góp phần tạo ra những thay đổi về nội dung, chức năng và quá trình quan hệ. Mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái đã thay đổi nhiều về những giá trị ưu thế, về sự cân bằng quyền lực và việc ra quyết định và về tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Có sự thay đổi trong quan hệ vợ chồng từ bổ sung hướng đến bình đẳng, từ hành động có tính chuẩn mực hướng sang hành vi chọn lựa theo cá nhân, từ mệnh lệnh chuyển sang thỏa thuận đảm trách công việc nhà. Mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ cũng trải qua những thay đổi: Từ quyền lực thuộc về người cha chuyển sang quyền thuộc cả cha và mẹ, từ việc phải thưa trình chuyển sang tự phát triển, từ sự vâng lời chuyển sang thăm dò, từ việc truyền đạt giá trị và kiến thức một chiều chuyển sang hai chiều. Các mối quan hệ gia đình trở nên dễ bị tổn thương, ít ổn định và không hài lòng nhiều hơn.

- Thay đổi hành vi sinh sản: Hầu hết các cặp gia đình ở Tây Âu và Bắc Mỹ đều mong muốn và có con, nhưng với số lượng ít. Sau sự giảm mạnh ở những năm 60, 70 và ở một số nước là những năm 80, thì cuối thế kỷ 20, mức sinh tổng cộng có khuynh hướng ổn định dưới mức thay thế. Ở Châu Âu, mức sinh giữa các nước cơ sự thay đổi khác nhau, cao nhất ở các nước phía Bắc và Pháp, trong khi phần lớn Nam Âu có mức sinh là 60% dưới mức thay thế trong một thời gian dài. Ở Mỹ mức sinh tổng cộng là gần sát với mức thay thế là 2,03, ở

Canada là 1,5. Hầu hết các nước Châu Âu có mức sinh thực tế thấp hơn dự kiến, thậm chí ở một số nước là rất thấp và đi liền với việc gia tăng số cặp vợ chồng không con.

Độ tuổi trung bình sinh con và mang thai lần đầu từ giữa những năm 70 đã tăng liên tục. Ở nhiều nước, tuổi sinh lần đầu là giữa 25 và 29 tuổi. Việc trì hoãn sinh con cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ sinh giảm. Sự gia tăng các hình thức chung sống khác nhau và một mình làm mẹ ở nhiều nước đã làm tăng tỷ lệ sinh con không hôn nhân. Ở nước Mỹ, trẻ sinh của phụ nữ không kết hôn chiếm đến một phần ba tổng số trẻ sinh vào năm 2001. Ở một số nước Bắc Âu, một trong hai trẻ sinh ra lần đầu là con không hôn nhân, trong khi ở một số nước Nam Âu là một trên mười.

Ở Bắc Mỹ và Tây Âu đã có sự thay đổi, thay đổi lớn trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai; từ các phương pháp truyền thống và cơ học chuyển sang các phương pháp có hiệu quả cao hơn [triệt sản, sử dụng hormon, đặt vòng] trong giai đoạn từ giữa những năm 60 đến những năm 80.

- Thay đổi quan hệ giữa các thế hệ: Trong nửa đầu thế kỷ 20, số người có tuổi 65 trở lên trên tổng dân số đã gia tăng ở các nước có nền kinh tế thị trường tiên tiến nhất của Châu Âu và Bắc Mỹ [tăng 10-15% ]. Đầu thế kỷ 21, Châu Âu và Bắc Mỹ là những nơi có tỷ lệ người già trong dân số cao nhất thế giới. Áp lực của gia tăng tuổi thọ và giảm tỷ lệ sinh đã dẫn đến điều đó. Tỷ lệ tử vong, trước hết là ở trẻ em và thanh niên, tiếp theo là điều kiện sống của người trung niên và người già được cải thiện. Kết quả tạo ra là trong dân số có sự giảm quy mô trẻ em và tăng số người già.

Người Châu Âu và người Bắc Mỹ đang sống thọ và sống khỏe hơn. Hầu hết mọi người đều muốn cha mẹ và những người thân sống thọ và được sự chăm sóc khi cần thiết. Nhưng với cuộc sống hiện đại có số lượng anh chị em ít hơn, phụ nữ tham gia lao động kiếm sống nhiều hơn, việc thay đổi nơi ở và di chuyển– nhất là tại các nước lớn, đã thường xuyên ngăn cản sự hình thành gia đình mở rộng hay sự liên kết chăm sóc gia đình, đặc biệt là nhiều thế hệ cùng cư trú một nơi. Khi bệnh hoạn, đau yếu kéo dài, gánh nặng phụ thuộc sẽ phá vỡ toàn bộ gia đình. Làm thế nào để gia đình có thể duy trì việc chăm sóc người già, đảm bảo cuộc sống của hai vợ chồng và thực hiện trách nhiệm đối với con cái họ, trở thành vấn đề của xã hội, nhất là tại các nước có gia đình truyền thống chiếm ưu thế. Không chỉ là vấn đề tăng ngân sách phúc lợi và y tế người già, đặc biệt là những người già nhất, mà còn là vấn đề chăm sóc của những người thân trong gia đình có xu hướng ngày một ít đi. Gia đình truyền thống đã có nhiều thay đổi về mặt nhân khẩu và xã hội, quy mô hộ nhỏ hơn, số lượng con cái ít hơn và số lượng người thân [anh chị em, họ hàng] cũng ít hơn. Ly thân, ly dị kết hợp với những khác biệt về tình dục theo tuổi cũng góp phần tạo ra những hộ ít người nhiều hơn và cả những hộ chỉ có một người. Phụ nữ cao tuổi vẫn còn làm việc khiến cho việc thực hiện chức năng chăm sóc ở những giai đoạn sau của cuộc đời họ ít hơn. Ngoài ra, sự di chuyển về địa lý cũng góp phần làm giảm cơ hội tiếp xúc hàng ngày với những người thân. Và cuối cùng, trong những năm gần đây, hệ thống trợ giúp và chăm sóc sức khỏe đã phát triển với các sáng tạo công nghệ đắt tiền và hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp.

Hầu hết người già không muốn trở thành gánh nặng cho con cái và gia đình của con cái, họ muốn có sự độc lập tối thiểu. Lối sống hiện đại có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống phong cách sống của nhiều người, cả già lẫn trẻ. Không phải người có tuổi nào cũng muốn trở thành người chăm sóc cháu và trông giữ nhà cho con cái của họ. Người già không muốn bị phiền não bởi phong cách sống khác biệt của con cháu họ. Người già tham gia các hoạt động tình nguyện giáo dục và tư vấn trong các cơ quan, tổ chức. Người già trở thành mục tiêu của công nghiệp quảng cáo, các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người già sẽ gia tăng cao trong tương lai. Ngoài ra, số lượng tài sản và tiền bạc lớn sẽ được chuyển giao giữa các thế hệ trong vài thập kỷ tới. Cấu trúc của gia đình hiện đại ngày càng ít có mối liên hệ tuổi tác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra xu hướng biến đổi gia đình ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong tương lai: Quy mô hộ gia đình trở nên nhỏ hơn nhưng đa dạng và phức tạp về cấu trúc và chức năng. Sự không nối kết về tình dục, hôn nhân và sinh sản sẽ tiến xa hơn, tạo nên sự tách biệt hành vi quan hệ và hành vi sinh sản. Nhiều người sẽ trải qua cuộc sống gia đình phức tạp, ít chung sống bền lâu.

Sự phát triển các hình thức gia đình trong những năm gần đây là cơ sở để một số nhà nghiên cứu xem xét lại các lý thuyết về gia đình và đưa ra những dự báo về tương lai của gia đình. Có 03 kịch bản có thể diễn ra:

- Sự “biến mất” của gia đình: Xu hướng biến đổi các chỉ số nhân khẩu học của gia đình gần đây dễ làm cho mọi người nhận thấy rằng gia đình truyền thống sẽ biến mất: Hôn nhân và sinh sản đang giảm xuống, trong khi chung sống đồng thuận, quan hệ không sống chung, đổ vỡ trong chung sống, gia đình một người đang gia tăng. Số trường hợp ly dị gia tăng cũng là mối đe dọa sự tồn tại liên tục của gia đình.

Sự giảm tỷ lệ sinh đã nhìn thấy rõ; nhưng các cuộc điều tra cho biết các cặp vợ chồng, có hay không kết hôn, đều muốn có con. Hầu hết phụ nữ đều lựa chọn có ít nhất một con; không có áp lực chống lại việc có con, vì thế giới hạn tỷ lệ sinh thấp có thể duy trì.

Các phân tích và dự báo về sự biến mất của gia đình chủ yếu dựa trên các số liệu thống kê. Tuy nhiên, trong thực tế văn hóa hiện đại có nhiều lựa chọn, thì đa số người dân tiếp tục muốn phát triển đa dạng các mối quan hệ trong lĩnh vực tình cảm, cũng như muốn sinh con và nuôi con. Đa số các cặp vợ chồng đều muốn có con và muốn được nuôi con của mình. 

- Trở về với gia đình truyền thống? “Gia đình truyền thống” là gia đình sinh học truyền thống, tồn tại dưới các điều kiện tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh cao thường tạo ra những gia đình chỉ có một cha hoặc mẹ và gia đình cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha? Gia đình kinh tế truyền thống với người cha là gia trưởng và người mẹ với vai trò nội trợ? Hoặc chỉ đơn giản là gia đình theo quan niệm truyền thống về tình dục, hôn nhân và sinh sản là không thể tách rời? Mô hình của một gia đình không tránh thai, không quan hệ tình dục trước hôn nhân, không chung sống không kết hôn và bắt đầu từ hôn nhân khác giới, sinh con và sống chung thủy suốt đời?   

Sẽ khó lập lại tình trạng tỷ lệ tử vong cao phổ biến để bù cho tỷ lệ sinh cao. Trong khi mô hình gia đình kinh tế truyền thống có sự phân chia vai trò và nhiệm vụ tách biệt rõ ràng dựa trên giới tính, vẫn được một số người ủng hộ, thì sẽ xuất hiện niềm khát khao của các thế hệ phụ nữ trẻ ở hầu hết các nước trong vùng muốn kết thúc điều này. Tất cả các cuộc điều tra gần đây cho thấy đa số phụ nữ trẻ đều muốn tham gia lực lượng lao động, kiếm tiền hay phát triển nghề nghiệp. Khát khao về sự nghiệp và gia đình bị ngăn cản bởi vai trò không cân xứng của phụ nữ.

Rõ ràng, gia đình truyền thống với người cha làm gia trưởng và người mẹ là nội trợ không thích hợp. Nền tảng về sinh học, kinh tế và văn hóa cho sự trở về đó là không còn hữu dụng nữa. Việc kiểm soát tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh và những cách nhìn mới về con người và xã hội đã làm xói mòn nền tảng chức năng các mối quan hệ truyền thống. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển gia đình hiện tại cũng gặp một số thách thức. Việc duy trì tỷ lệ sinh quá thấp, gia đình có một con phổ biến, có thể tạo ra những hậu quả xã hội không thích hợp việc phát triển lâu dài, nhất là khi xem xét đến tính liên tục giữa các thế hệ và sự chuyển giao giữa các thế hệ. Do đó, các thế hệ tương lai cần rút ra những bài học từ hành vi sinh sản của các thế hệ đi trước và gia tăng tỷ lệ sinh của họ một cách tự nhiên. Cố gắng ngăn ngừa tỷ lệ sinh quá thấp lâu dài và mở rộng hoặc tăng cường phạm vi các biện pháp hỗ trợ của gia đình. Nhưng số lượng con trong gia đình không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là sự phát triển trong vai trò của vợ chồng, ngay cả khi gia đình có 2 hoặc 3 con cũng không trở về gia đình truyền thống. 

- Biến đổi gia đình hiện đại. Sự đa dạng các kiểu gia đình sẽ được duy trì và gia tăng. Các mối quan hệ trở nên ngày càng phức tạp và khác biệt. Gia đình trở nên dễ bị tổn thương, có thể dẫn đến kết cục ly thân hoặc ly dị. Kiểu gia đình một cha hoặc mẹ, chủ yếu là mẹ, sẽ trở thành kiểu gia đình phổ biến. Sự cùng sống ở một nơi không cần thiết là một chỉ số tốt cho vai trò chức năng của cha mẹ. Mong muốn được sống thọ gia tăng có thể dẫn đến xuất hiện lại  mối quan hệ một vợ một chồng với những vấn đề tồn tại về các mối quan hệ, tuổi tác,… Chung sống không kết hôn, đặc biệt là giai đoạn tiền hôn nhân có thể tiếp tục gia tăng. Cơ hội nghề nghiệp của phụ nữ và tính di động gia tăng tạo điều kiện cho sự phát triển mối quan hệ không sống cùng một nơi. Các yếu tố về xã hội, kinh tế và văn hóa tiếp tục giới hạn sự sinh con, không nhiều hơn một hoặc hai con. Sự phát triển hệ thống an sinh xã hội và các hệ thống bảo trợ xã hội khác đảm bảo cho sự độc lập của gia đình lớn và ngay cả thay thế cho sự đầu tư chăm sóc cha mẹ của con cái…

Mặc dù có thể xuất hiện tình trạng một số chức năng kinh tế và xã hội truyền thống của gia đình bị suy giảm hay thậm chí biến mất, nhưng do bản chất con người, gia đình vẫn tiếp tục giữ vai trò nền tảng thể hiện các mối quan hệ vợ chồng lâu bền,  trong việc sinh đẻ và xã hội hóa của con cái.

Nghiên cứu cũng đề cập đến các chính sách gia đình trong tương lai. Các chính sách liên quan đến sự phát triển gia đình trong tương lai thuộc nhiều lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: Các mục tiêu xã hội tổng thể, quyền con người của cá nhân, bình đẳng giới, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thế hệ, dân số và các mô hình gia đình. Các nước xem xét vấn đề này với nhiều cách nhận thức khác nhau: Khái niệm gia đình và mục đích của chính sách gia đình; mục tiêu của chính sách [cá nhân, trẻ em, phụ nữ, gia đình]; vai trò của nhà nước; tình hình và mô hình kinh tế; thái độ hướng về các vấn đề bình đẳng giới, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thế hệ; và vai trò của công dân và nhà nước trong sự nối tiếp giữa các thế hệ của xã hội. Sự đa dạng và cạnh tranh giữa các tư tưởng này ở các nước phương Tây có thể là nguyên do dẫn đến sự thiếu rõ ràng trong các mục tiêu chính sách liên quan đến xây dựng gia đình, bình đẳng giới và mô hình việc làm. Mục tiêu của chính sách đề cập đến những vấn đề vĩ mô như độ tuổi dân số do mức sinh thay thế thấp và mối liên quan với các quan hệ về giới và mô hình việc làm. Chính những sự đa dạng nhận thức và vô số vấn đề có liên quan đến gia đình-dân số-chính sách đã giải thích tại sao rất khó phân biệt rõ các loại chính sách.

Ba lĩnh vực lớn thuộc về cấu trúc và chức năng gia đình cần quan tâm là: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ với con cái và quan hệ giữa các thế hệ nhất là việc chăm sóc người già. Một chính sách gia đình toàn diện phải giải quyết cả ba lĩnh vực đó và chú trọng nhiều hơn đến tương tác qua lại giữa chúng. Mục tiêu cuối cùng của chính sách gia đình là tạo lập, khuyến khích, góp phần hay bảo đảm cả về chất lượng và số lượng quá trình mang thai và nuôi con ở các mức độ tương ứng khác nhau liên quan đến cá nhân, gia đình và xã hội.

Không chỉ quan tâm các mục tiêu của chính sách gia đình mà còn quan tâm đến các điều kiện và biện pháp thực thi chính sách đó có hiệu quả.

Tóm lại, qua nghiên cứu của Robert Cliquet, chúng ta thấy được gia đình có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia; dưới tác động của hiện đại hóa, cấu trúc và chức năng gia đình đã có nhiều biến đổi, cả thuận lợi và không thuận lợi; sự phát triển gia đình trong tương lai phụ thuộc nhiều yếu tố [sinh học-xã hội, kinh tế-xã hội và văn hóa-xã hội] và mỗi quốc gia cần xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách gia đình phù hợp để đảm bảo gia đình tồn tại và phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cliquet, R. [2003]. Major Trends Affecting Families in the New Millennium: Western Europe and

North America. In: United Nations, Major Trends Affecting Families. A Background Document. Prepared by the Programme on the Family. New York: United Nations, 1-26.

Video liên quan

Chủ Đề