Người giáo viên có vai trò và sứ mệnh như thế nào đối với quá trình giáo dục hs?

Ngày nay cụm từ Đổi mới, hay đổi mới giáo dục đang được sử dụng rất nhiều nếu như không muốn nói là lạm dụng thuật ngữ này? Mọi ngành nghề, mọi người, mọi nhà ngày nay đang cố gắng để đổi mới, đang hứa hẹn đổi mới, đang khuyến khích người khác đổi mới. Nhưng là một nhà giáo dục chúng ta đã thực sự hiểu về bản chất của việc đổi mới chưa? Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng 1 lần hoặc nhiều lần tìm hiểu về “Đổi mới giáo dục là gì” hay “Như thế nào là đổi mới” đúng không? Vậy theo thầy cô, đổi mới giáo dục là gì? và nó có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm giáo dục và học sinh của chúng ta. Hãy cùng nhau bàn luận, mổ xẻ và tìm hiểu cặn kẽ về điều này nhé, bởi đổi mới trong giáo dục là vấn đề rất quan trọng, chúng ta muốn chúng ta đổi mới và học sinh của chúng ta yêu thích học tập, đổi mới sáng tạo; chúng ta cần hiểu đúng về nó.

Dưới dây là những quan điểm cá nhân, có thể sai lệch hoặc phiến diện, rất mong nhận được các ý kiến góp ý của thầy cô, nhưng người làm giáo dục chuyên nghiệp.

Đổi mới giáo dục là gì?

Đổi mới giáo dục chính là khuyến khích giáo viên và học sinh khám phá, nghiên cứu và sử dụng tất cả các công cụ để tạo ra một cái gì đó mới hơn, sáng tạo hơn. Hay đó chính là việc sử dụng một cách linh hoạt những phương thức khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách tốt hơn. Quá trình tư duy này luôn được kích thích sẽ giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.

Giáo viên cần khơi gợi trí tò mò của học, và tìm cách gây hứng thú cho học sinh, từ đó học sinh phải tư duy và đặt ra câu hỏi để giải quyết vấn đề. Đổi mới không có nghĩa là tạo ra một cái gì đó mới hoàn toàn từ không có gì. Đổi mới có thể dựa vào việc nghiên cứu các giải pháp, công cụ hiện có để đưa ra một cải tiến tốt hơn. Vì vậy chúng ta phải biết rằng học sinh của chúng ta cần nhiều hơn các kỹ năng cần thiết để vượt qua các bài kiểm tra của thầy cô mà chúng ta cần phải cung cấp cho học sinh những công cụ, kỹ năng và năng lực để giúp chúng có thể làm việc hiệu quả và thành công hơn trong tương lai. 

Vai trò của thầy cô trong đổi mới giáo dục.

Khi nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục, nhiều người lầm tưởng rằng vai trò của giáo viên sẽ bị giảm nhẹ đi. Tuy nhiên trong bối cảnh đổi mới giáo dục nay thì vai trò của người giáo viên là cực kỳ quan trọng khi thầy cô phải đảm nhiệm nhiều hơn các vai trò khác nhau, và đương nhiên trách nhiệm của người giáo viên cũng sẽ nặng nề hơn. Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực học tập để tiếp cận các cộng nghệ giáo dục mới, thúc đẩy việc cá nhân hóa học tập, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong dạy học và đặc biệt người giáo viên trong thời đại đổi mới không chỉ là người thầy mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh.

Giáo viên cũng chính là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự đổi mới của hệ thống giáo dục quốc gia.

Vì vậy trong đổi mới giáo dục người giáo viên phải đáp ứng được 5 vai trò chính dưới đây:

1. Nhà giáo dục

Một trong những vai trò hàng đầu mà giáo viên phải đảm nhận đó chính là vai trò của một nhà giáo dục. Điều này khẳng định giáo viên chính là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh đạo và phát triển toàn diện thế thế tương lai của đất nước bằng năng lực tư duy và năng lực hành động.

2. Người hỗ trợ

Người giáo viên phải đóng vai trò là người hỗ trợ khi học sinh cần sự giúp đỡ trong quá trình tiếp cận một kỹ năng mới hoặc quá trình hình thành năng lực. Sự hỗ trợ có thể đến dưới nhiều hình thức như huấn luyện viên, định hướng và thậm chí là cố vấn. Trong giới chuyên môn, giáo viên thậm chí có thể phải hỗ trợ các đồng nghiệp trong quá trình hoàn thiện năng lực chuyên môn. Giáo viên cũng chính là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự đổi mới của hệ thống giáo dục quốc gia.

3. Người cố vấn

Một trong những vai trò lớn nhất và quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục mà giáo viên có thể đảm nhận đó là vai trò cố vấn [mentor]. Đối với vai trò này người giáo viên là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này. Vai trò cố vấn của giáo viên là tư vấn về học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp cho học sinh..

4. Nhà nghiên cứu giáo dục

Đây cũng là một trong những vai trò quan trọng của giáo viên trong đối mới giáo dục. Giáo viên chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Giáo viên là người lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục.

5. Người học

Một vai trò quan trọng cuối cùng mà giáo viên phải thực hiện là vai trò của người học. Bất cứ ai đã tham gia vào giáo dục đủ lâu đều biết rằng luôn có một cái gì đó mới để học tập. Giáo viên phải là người luôn phát triển và không bao giờ ngừng học nhằm nâng cao năng lực. Năng lực tự học của giáo viên như một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh, người khác học tập.

Những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người giáo viên, đòi hỏi giáo viên cần phải đáp ứng được vai trò và trách nhiệm mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Trên đây chỉ là những quan điểm cá nhân giúp các thầy cô tham khảo và có thêm 1 góc nhìn về vai trò của mình trong đổi mới giáo dục…

Billy Nguyễn

Thời xưa, Thầy Khổng Tử từ hơn 2000 năm trước đã từng nói: “Làm Người thì khó!” Theo đó thì làm Thầy còn khó hơn nhiều, vì làm Thầy là dạy trò nên Người. Muốn đạt kết quả ấy thì điều đầu tiên ta phải nhận thức được vị trí, vai trò của Người Thầy trong xã hội.

Cách đây hơn 200 năm, ở thế kỉ XVIII, nhà giáo Võ Trường Toản, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ, nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” đã nói đến trách nhiệm và vai trò của người làm nghề giáo, đó là : “Lương sư, hưng quốc”. Ta nên hiểu quan niệm đó như thế nào? Nhà giáo cần mang những phẩm chất như thế nào để có thể “hưng quốc”? Tức là làm cho nước nhà hùng cường, thịnh vượng?

Ta mạn bàn một chút: “Lương” có nghĩa là lành, tốt, giỏi, khéo léo... Như vậy, “Lương sư” có nghĩa là Người Thầy có đạo đức, tốt bụng, yêu thương học trò, có tài trí trong nghề nghiệp lại còn biết khơi gợi nơi người học những cảm hứng tích cực, lương thiện... Để đánh giá một đất nước có thực sự hùng cường hay không, nhìn vào đội ngũ nhà giáo của nước ấy thì sẽ rõ - bởi vì họ là những người có ảnh hưởng rất quan trọng đến thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước.

Chính những vị “Lương sư” mang đủ những phẩm chất ấy mới có thể “trồng người” và tạo ra những thế hệ “hiền tài” - mà “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, đi lên; nguyên khí suy thì thế nước yếu, đi xuống”. Điều này cũng muốn khẳng định: muốn xây dựng đất nước hùng cường thì, một trong những sách lược quan trọng nhất của những nhà lãnh đạo là phải chăm lo đến đội ngũ nhà giáo - đảm bảo cho họ có thể sống bằng chính sức lao động và sự cống hiến của mình - tức là luôn biết cách thực hiện chiến lược Giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Trong thế kỉ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Thầy cô giáo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”- là người có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức chân chính, hệ thống giá trị và tinh hoa văn hóa dân tộc - nhân loại, bồi dưỡng cho học sinh những phẩm cao quí và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Qua đó, bồi đắp nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, làm cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng và cao cả mà xã hội đã tin tưởng trao gửi cho người thầy trong việc trồng người”.

Còn trong xã hội ngày nay, thời đại 4.0, đây là giai đoạn thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện về hiệu quả và chất lượng giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; chuyển sang nền giáo dục phát triển toàn diện về cả phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, biết định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. [Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018].

Để thực hiện được mục tiêu của chương trình, nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi - là trung tâm văn hóa giáo dục của địa phương. Trước những thay đổi của giáo dục trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đã đặt ra những yêu cầu mới với Người Thầy, đòi hỏi Người Thầy phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo: 

   1. Người Thầy là tấm gương học tập suốt đời.

  1. Người Thầy là nhà giáo dục chuyên nghiệp: Người Thầy trước hết là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi là dạy học và giáo dục.
  2. Người thầy là nhà nghiên cứu thực hành: người thầy là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục ở nhà trường.
  3. Người Thầy là người canh tân xã hội: giáo dục là phương pháp cơ bản của tiến bộ và cải cách xã hội - giáo dục bản thân nó là để làm thay đổi, làm mới người học và qua đó làm mới xã hội theo hướng tăng trưởng, tích cực.

Bên cạnh thái độ trân trọng biết ơn, đề cao những tấm gương Người Thầy đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng trước thái độ thiếu tôn trọng, đánh giá sai, đưa thông tin sai lệch của một số bộ phận trong xã hội về hình ảnh Người Thầy - trước những hiện tượng tiêu cực – con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta không khỏi hoang mang, lo lắng, đau lòng trước những hiện tượng đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc - hạ thấp uy tín, danh dự và vai trò của Người Thầy. Đó là hiện tượng cần lên án, phê phán, vì đạo lý tốt đẹp của dân tộc không được tôn trọng, học tập. Khi đối diện trước những thông tin chưa có tính xác thực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Người Thầy, chúng ta cần bình tâm, cân nhắc khi chia sẻ, bình luận, tránh sa vào các thông tin sai lệch, thiếu tinh thần xây dựng hoặc những mục đích vụ lợi, thiếu công bằng.

Có thể nói, dù ở bất cứ thời đại nào, Người Thầy vẫn luôn được cả xã hội trân trọng, đề cao, đặt ở vị trí quan trọng trong giáo dục. Trong giai đoạn hiện nay, thầy giáo không phải là người trao truyền kiến thức mà là người biết khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh. Và để trở thành người dẫn đường, người truyền cảm hứng cho học sinh, Người Thầy cần hội tụ nhiều năng lực và phẩm chất cao quí:

  1. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về giáo dục.
  2. Có đức, có tài: gương mẫu về đạo đức, có tình yêu thương học trò, tận tâm, tận lực với nghề, giỏi chuyên môn, có năng lực sư phạm chuyên sâu để truyền lửa cho thế hệ mai sau. 
  3. Học tập suốt đời: không ngừng học tập, rèn luyện, hoàn thiện lối sống, nhân cách, có trách nhiệm.
  4. Là người kết nối các lực lượng cùng tham gia vào giáo dục, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với mọi người xung quanh, với học sinh, làm công tác định hướng tư tưởng để khai mở những tiềm năng vốn có của học sinh, khích lệ để học sinh vượt qua giới hạn của chính bản thân, để mỗi ngày học sinh có cảm hứng và hành động tích cực.

Và hơn lúc nào hết, để góp phần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước theo hướng đổi mới, hội nhập quốc tế, chúng ta luôn nỗ lực để xây dựng một đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đủ năng lực, phẩm chất, ra sức rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục còn bao khó khăn vất vả nhưng cũng hết sức vẻ vang như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Anh chị em là những người “ vô danh anh hùng”. Tuy vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em...”

Biên tập : GV Đỗ Thúy Hằng - Tổ Xã hội

                             Ảnh: Lớp 9A11 trường THCS Ngô Sĩ Liên

Video liên quan

Chủ Đề