Môngtexkiơ là ai

Ch.S.Montesquieu - Nhà triết học khai sáng với tư tưởng đề cao “Tinh thần pháp luật”

Nguyễn Thị Thu HươngThạc sĩ, Trường Đại học Tây Bắc

09:09 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Chín, 2009

Charles de Secondat Montesquieu [1689 - 1755] - nhà triết học Khai sáng, nhà tư tưởng chính trị, nhà xã hội học và sử học người Pháp. Ông là nhà tư tưởng có dòng dõi quý tộc, sinh ngày 18 tháng 1 năm 1689 tại lâu đài La Brét ở Tây - Nam nước Pháp. Cha ông là Giắc đơ Sơcôngđa - một quý tộc bị sa sút và đã có thời gian làm đại úy vệ kỳ binh, sau đó lui về ở ẩn cho đến năm 1713 thì qua đời. Khi Montesquieu lên 7 tuổi thì mẹ ông mất. Montesquieu chịu ảnh hưởng nhiều của người chú ruột - Giăng đơ Sơcôngđa, người đã từng là Chủ tịch Nghị viện Boócđô.

Năm 1700, Montesquieu theo học tại một trường trung học do những người theo giáo phái Ôratoa tổ chức ở Guili gần Paris. Trong thời gian học trung học, ông đã thể hiện rõ lòng say mê văn chương, sử học và khoa học tự nhiên. Montesquieu đã viết một số tác phẩm mà nhiều độc giả thời đó rất ưa chuộng. Theo P.S.Taranốp - tác giả của công trình 106 nhà thông thái, sau khi kết thúc công việc học tập, Montesquieu đã quay trở lại lâu đài của người cha và tại đây, ông đã bắt đầu nghiên cứu luật học [1].

Năm 1714, Montesquieu vào làm việc tại Viện Boócđô và hai năm sau, ông trở thành nam tước De Montesquieu - Chủ tịch Nghị viện Boócđô. Năm 1716, Montesquieu trở thành thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Boócđô. Mặc dù nắm giữ cương vị là Chủ tịch Nghị viện và Chánh án Tòa án, song điều đó vẫn không lấn át được lòng say mê khoa học, văn chương và triết học ở Montesquieu. Mất khá nhiều thời gian cho những hoạt động chính trị, xã hội, song ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho những công trình nghiên cứu về những nguyên nhân của tiếng vang, về công dụng của các tuyến thận, về trọng lực, về lợi ích của các môn khoa học [2]. Tại Viện Hàn lâm Khoa học Boócđô, ông cũng đã trình bày một luận văn về đề tài tôn giáo của những người La Mã. Trong luận văn đó, ông đã chứng minh rằng, "tôn giáo là do các vua chúa và quý tộc La Mã bày đặt ra để làm chỗ dựa cho quyền lực của họ và tăng cường áp bức nhân dân"[3].

Khí chất của chàng thanh niên Montesquieu ham tìm tòi, suy nghĩ với lòng khát khao hiểu biết trên nhiều lĩnh vực đồng thời lại trực tiếp tiếp xúc với thực tiễn chính trị - xã hội của thời đại ở một giai đoạn được coi là có sự bùng nổ của các cuộc đấu tranh quyết liệt chống phong kiến đã sớm nung nấu tinh thần của nhà triết học Khai sáng tương lai. Tư tưởng và tài năng của ông thực sự hòa làm một, kết tinh thành năng lực tư duy sáng tạo, khí phách kiên cường của nhà triết học Khai sáng. Vào năm 1721, Montesquieu đã cho ra đời tác phẩm đầu tay, tác phẩm được thừa nhận là đã gây chấn động dư luận không riêng gì ở Pháp, mà cả ở châu Âu - đó là tiểu thuyết bằng thư Những bức thư Ba Tư. Tác phẩm này ra mắt độc giả giữa lúc nước Pháp đang ngả nghiêng trong cơn khủng hoảng về kinh tế, chính trị của thời đó. Sự mục nát của chế độ quân chủ và mặt trái của nhà thờ đã được Montesquieu phơi bày trong Những bức thư Ba Tư qua sự nhìn nhận của hai người Ba Tư đến thăm nước Pháp sau khi đã đi qua một số nước châu Âu. Đây là một trong ba tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tạo của Montesquieu và là tác phẩm được công chúng Pháp nhiệt liệt hoan nghênh ngay khi mới ra đời. Mặc dù là tác phẩm văn chương, nhưng Những bức thư Ba Tư đã khiến nhiều người dân Pháp khi đó phải suy nghĩ nghiêm túc về nền chuyên chế, về giáo hội và giới giáo sĩ, về thân phận của con người trong sự cai trị độc đoán của chế độ độc tài, chuyên chế. Thông qua những bức thư của hai người Ba Tư đang lưu trú tại châu Âu gửi về quê hương, Montesquieu đã dựng lên một bức tranh về xã hội phương Đông và xã hội phương Tây. Thông qua hình tượng quan thái giám - kẻ tượng trưng cho những con người mà trong một xã hội chuyên chế, ngay bản thân họ cũng không thể tự bảo vệ được mình trước sự áp đặt của Nhà nước chuyên chế, Montesquieu đã cho thấy xã hội phương Đông khi đó là một xã hội mà ở đó , người ta đã "lấy từ thế giới này đem ném vào thế giới kia một người nào đó khéo chọn, người ấy cảm thấy rõ rệt tất cả cái phi lý mà chúng ta không cảm thấy, cái lạ lùng của tập quán, cái kỳ dị của luật pháp, cái đặc biệt của phong tục tình cảm, tín ngưỡng mà ai nấy đều thích nghi"[4]. Và, khi mượn lời hai vị khách Ba Tư, Montesquieu đã cho công chúng Pháp thấy hình ảnh thật của Lui XIV. Đó là một ông vua giàu có, tham quyền, xa hoa, trác táng..., người đã đẩy nhân dân Pháp vào cảnh cùng khổ và hơn thế nữa, còn là "ông vua quyền uy nhất châu Âu. Ông không có mỏ vàng như vua Tây Ban Nha láng giềng, nhưng lại có nhiều của cải hơn, bởi vì của cải của ông được khai thác trong cái hư danh của thần dân, là một thứ kho báu vô tận, hơn cả mỏ vàng...". Song, dưới con mắt của nhân dân Pháp và cũng là của Montesquieu, ông vua này chẳng qua chỉ là một nhà ảo thuật: "Ông ta áp đặt quyền lực vào ngay đầu óc thần dân. Ông bắt trăm họ suy nghĩ như ông muốn. Nếu trong ngân khố chỉ còn một triệu đồng ê quy, ông chỉ cần hạ lệnh rằng một đồng ăn hai đồng khi ông cần chi tới hai triệu êquy. Dân cũng cứ tin tưởng như vậy"[5].

Vấn đề tôn giáo cũng được Montesquieu đưa ra một cách không kém phần gay gắt. Nói tới nhà thờ Cơ Đốc giáo như một thiết chế xã hội với bộ mặt vô nhân đạo, đầy rẫy chuyện lụi bại, tàn bạo, đạo đức giả, thông qua hình tượng Lui XIV Montesquieu viết: "Ông ta làm cho mọi người tin rằng ba chỉ là một; rằng bánh người ta ăn không phải là bánh, hoặc rượu vang người ta uống chẳng phải là rượu vang và nghìn trò khác đại loại như thế”[6].

Mặc dù phê phán nhà thờ gay gắt, nhưng trên bình diện triết học, Montesquieu lại tỏ ra ôn hoà và thể hiện rõ ông là người theo thuyết tự nhiên thần luận. Ông phê phán thần học và nhà thờ, nhưng vẫn dành cho tôn giáo một vai trò nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội. Khác với các nhà triết học theo chủ nghĩa duy lý triệt để, khi phát triển tư tưởng về quy luật phổ biến mà các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội phải tuân theo, ông đã thừa nhận và khẳng định những tiền đề chung của lý luận về pháp lý tự nhiên mà theo đó, con người không thể dựa trên lý luận này để xây dựng một hệ thống vạn năng những quy luật xã hội.[7]

Sau khi tác phẩm Những bức thư Ba Tư ra đời, Montesquieu trở thành nhân vật nổi tiếng từ đấy và thường lui tới phòng khách của phu nhân De Lambert, gia nhập câu lạc bộ "Entresol" - một thứ hàn lâm viện tự do, để cùng nhau nghiên cứu các vấn đề khoa học về đạo đúc và chính trị" [8].

 Sáclơ Đờ Môngtexkiơ [1689 – 1775]

S.Đ. Môngtexkiơ [Montesquieu S.D.] là một trong những nhà sáng lập ra triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Ông sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp của nghị viện có tinh thần tiến bộ. Ngay từ nhờ ông đã say mê văn học cổ và luật học. Sau này, bên cạnh việc tham gia các công tác xã hội, như làm chủ tịch nghị viện Boócđô, ông còn đặc biệt say mê nghiên cứu các vấn đề triết học, vật lý. Năm 1728, ông được cử làm thành viên của Viện hàn lâm khoa học Pháp.

Thế giới quan của Môngtexkiơ chủ yếu thể hiện trong các vấn đề xã hội. Khẳng định các quan niệm thần học về lịch sử chỉ là tầm thường hoá xã hội và con người, Môngtexkiơ ngay từ đầu đã tìm cách giải thích các hiện tượng xã hội một cách tự nhiên, khẳng định các hiện tượng xã hội và tự nhiên có sự thống nhất với nhau và đều tuân theo các quy luật nhất định. Nếu như nhà tư tưởng nổi tiếng Vicô coi nguồn gốc của sự phát triển xã hội – đó là lý tính Thượng đế, thì Môngtexkiơ, ngược lại, cho rằng tính quy luật của xã hội nằm ngay trong chính bản chất bên trong của xã hội, chứ không phải được áp đặt từ bên ngoài. Môngtexkiơ là một trong những người đầu tiên nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của sự phát triển kinh tế và sản xuất vật chất đối với đời sống xã hội. Theo ông, có hai dạng quy luật chi phối sự phát triển của lịch sử nhân loại. Thứ nhất, là các quy luật “tự nhiên“ xuất phát từ bản chất sinh vật của con người như kiếm sống, tìm thức ăn, bảo tồn nòi giống V.V.. Thứ hai, là các quy luật “đơn thuần xã hội”. Khác với Hốpxơ, Môngtexkiơ cho rằng cùng với sự ra đời của xã hội thì các cuộc chiến tranh giữa người với người càng phát triển mạnh. Các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp, những cuộc chiến tranh và xung đột đó hoàn toàn mang bản sắc xã hội. Nhưng chính sự có mặt của chúng “đòi hỏi phải thiết lập luật pháp giữa ngưòi với người”, trên cơ sở đó xuất hiện nhà nước. Nhà nước có nhiệm vụ điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia và giữa mọi người trong xã hội.

Tuy nhiên, quá nhấn mạnh sự thống nhất giữa tự nhiên và xã hội, Môngtexkiơ chưa đánh giá đúng mức đặc thù riêng của các quy luật xã hội: Điều này thể hiện rõ khi ông, một mặt, đề cao vai trò của sản xuất vật chất; mặt khác, lại khẳng định chính điều kiện địa lý đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của tiến trình lịch sử. Từ sự khác nhau về điều kiện địa lý ở các vùng trên trái đất dẫn đến sự khác nhau giữa các dân tộc, các quốc gia về chủng tộc, lối sống, văn hoá, và cả hệ thống luật pháp và thể chế xã hội V.V.. [Uy quyền của khí hậu, theo nhận xét của Môngtexkiơ, mạnh hơn mọi uy quyền”. Khí hậu là yếu tố địa lý quan trọng nhất quyết định sự phát triển của xã hội. “Chính sự nhu nhược của các dân tộc những vùng khí hậu nóng hầu như luôn luôn làm cho họ trở thành nô lệ, trong khi đó sự dũng cảm, kiên định của các dân tộc vùng khí hậu lạnh đã đem lại tự do cho họ”. Vì vậy mọi hình thức pháp luật, thể chế nhà nước, chiến lược và sách lược phát triển của các quốc gia đều cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở tính toán các điều kiện địa lý.

Đề cao vai trò của các phương pháp duy cảm trong việc phân tích các hiện tượng xã hội. Môngtexkiơ phê phán các quan niệm duy lý kinh viện chỉ bàn đến xã hội một cách chung chung, đưa ra các quan niệm xã hội một cách hồi hộp thiếu những cứ liệu phân tích cụ thể. đề nghiên cứu xã hội, theo Môngtexkiơ, chúng ta phải tính đến những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Thế giới quan của Môngtexkiơ chứa đựng nhiều tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Một mặt, ông phủ nhận sự hoàn toàn bình đẳng trong xã hội, vì thế xã hội sẽ không có cạnh tranh và do vậy không thể phát triển được mặt khác, ông phê phán sự bất công trong quan hệ giữa mọi người.

Từ đó Môngtexkiơ đề nghị các quốc gia không nên tiến hành chiến tranh, mà nên sử dụng các thành tựu khoa học vào sự phát triển xã hội. “Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi thành viên các phương tiện sinh tồn, thức ăn, quần áo – những thứ có lợi cho sức khỏe” . Các dân tộc hãy hướng tới hòa bình và công lý. “Luật pháp quốc tế, dĩ nhiên cần dựa trên nguyên tắc, theo đó các dân tộc khác nhau cần phải vì sự nghiệp hòa bình làm điều thiện cho nhau tới mức tối đa .. trong khi không từ bỏ những quyền lợi chính đáng của mình”. Những quan niệm trên đây của Môngtexkiơ thể hiện ý chí và khát vọng xây dựng một xã hội mới, đem lại tự do cho mọi người.

Video liên quan

Chủ Đề