Luyện tập sự điềm tỉnh

Có lẽ những ai đã từng tiếp xúc với mình trong những năm gần đây, đều sẽ có một cảm giác chung là trông mình có vẻ cứ nhẹ nhàng, và thanh thản với cuộc sống. Có cô bé từng bảo với mình là “chị Băng có có cảm giác như mẹ ấy, rất an tâm,” cũng có người nhận xét là mình trầm tĩnh và hiền hiền, thậm chí người hiểu mình nhất đã bảo là mình có “aura buồn ngủ và xoa dịu người khác.” Với mình thì, tất cả những điều mà mọi người cảm nhận được ở mình, hay là những gì mình đang lan toả ra bên ngoài, đều gói gọi trong một từ: điềm đạm.

Điềm đạm, không có nghĩa là thờ ơ và không có phản ứng với những gì xung quanh, không phải là thản nhiên với tất cả vui buồn cuộc sống. Mà sự điềm đạm trong mình là khả năng kiểm soát được cảm xúc, biết buông bỏ những xúc cảm tiêu cực như tức giận, biết tận hưởng vẻ đẹp của những điều bình dị nhỏ bé nhất, là luôn giữ trong mình sự điềm tĩnh và sáng suốt trong đa số trường hợp, là nhận thức được bản thân, và những tồn tại khác. Điềm đạm cũng là cách mình không để ý đến những điều vô nghĩa, xấu xí, hoặc sẽ có tác động không tốt đến mình. Ngoài ra, điềm đạm không phải là không có sự cháy bỏng của đam mê hay nhiệt huyết, mà trái lại, nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ được đẩy lên cao nhất bởi sự tập trung hết mình, nhận thức rõ rệt và sự nuôi nấng của một tính cách điềm đạm.

Để trở thành một người điềm đại không phải là một điều dễ dàng. Mình từng là một đứa nhỏ lông bông, thờ ơ, nóng tính, và không biết kiểm soát cảm xúc. Tất cả đều được thay đổi và cải thiện trong quá trình mình định nghĩa bản thân cũng như phát triển mọi khía cạnh của mình. Mình hiểu là để trở nên điềm đạm cần có một quá trình, với những cách thức rèn luyện riêng biệt. Và hôm nay, khi có thể chia sẻ những điều mình đã học được trong suốt quá trình thay đổi bản thân, mình hi vọng mọi người có thể tìm thấy một hai giá trị nào đó trong việc tu dưỡng tính cách điềm đạm. Từ đó mọi người sẽ có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, và có được sự tĩnh tại trong tâm hồn hơn.

Vậy, sự điềm đạm đã giúp gì cho mình?

Mỉnh hiếm khi tức giận, rất rất hiếm. Những lúc mình cảm thấy hơi bực mình vì điều gì đó, cảm giác ấy sẽ trôi qua rất nhanh. Khi mình không còn bực tức, mình sẽ không phá huỷ tâm trạng vui vẻ của mình lẫn của người khác. Mình sẽ không nói lời tổn thương người khác hoặc chính mình. Mình sẽ giải quyết vấn đề bình tĩnh và sáng suốt hơn.

Mình ít bị stress và lo âu bởi lượng bài vở hoặc công việc mà mình đang có. Mình từng đi làm 40/50+ tiếng một tuần, cộng với học bốn lớp toàn thời gian ở trường, và làm một số việc ngoại khoá khác nữa. Với lượng công việc vậy, mình vẫn cảm thấy ổn và có thể giữ bản thân không bị căng thẳng, không làm giảm chất lượng công việc. Mình cũng không lo lắng cho những gì xấu có thể xảy ra trong tương lai. Bản thân mình là người có chứng lo âu xã hội nhẹ, nhưng chính sự rèn luyện tính điềm đạm đã giúp mình tham gia các hoạt động xã hội và tương tác với nhiều người hơn.

Và chính sự điềm đạm ấy cũng đã khiến mình hiểu bản thân hơn, cũng như giúp mình tạo ra các giá trị mà mình có thể sử dụng để giúp đỡ người khác. Mình biết có thể có những bạn không có hứng thú với sự điềm đạm, nhưng mình nghĩ rằng khả năng kiểm soát cảm xúc, xoa dịu bản thân, hay bình tĩnh trước sóng gió luôn là điều chúng ta nên học hỏi, nhỉ?

Làm sao chúng ta có thể nuôi dưỡng sự điềm đạm trong con người?

Đầu tiên, là sự nhận thức. Ví dụ như chúng ta nhận thức rằng mình là người nóng tính, mình không thể kiểm soát cảm xúc, mình hay giận dỗi vô vớ, mình hay nói lời nặng nhẹ với người khác, vân vân mây mây. Khi nhận thức được điều đó và chúng ta bắt đầu muốn thay đổi, thì chúng ta có thể luyện tập bằng nhiều cách để trở nên trầm tĩnh hơn.

Thứ hai, là đọc sách. Mình luôn luôn muốn nhấn mạnh về sức mạnh của sách trong việc hình thành nhân cách tốt cho con người. Nếu chọn được sách đúng, sách hay, chúng ta hoàn toàn có thể nuôi dưỡng những giá trị đẹp đẽ, và cả sự điềm đạm từ trong những trang sách. Mình chọn đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh, của cụ Nguyễn Duy Cần, của bác Cao Huy Thuần, của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và còn hàng trăm nghìn quyển sách khác có thể giúp chúng ta trở nên điềm tĩnh hơn trước mọi điều.

Thứ ba, là hiểu rằng cuộc đời này quá ngắn cho những gì vô nghĩa, và ngưng than phiền. Gary Vayneychurck từng nói rằng: “Nếu như bạn biết bạn sẽ chết vào tuần này, bạn có còn than phiền về ngày thứ Hai chết tiệt của bạn? Tôi cá bạn sẽ không?” Mình chưa bao giờ than phiền về thứ Hai, về mớ công việc lộn xộn chưa thành, về việc mình không được đi đây đi đó, về việc mình không mua được cái này cái kia. Mình không hề tìm thấy giá trị trong việc than phiền, mà ngược lại, than phiền còn khiến chúng ta cảm thấy phiền muộn hơn, và không nhìn thấy những điều tốt đẹp hơn mà thôi. Thay vì nhìn vào những cái vô nghĩa và xấu xí, mình nhìn thấy những điều đẹp đẽ, nhìn thấy hi vọng, và những cơ hội thay đổi. Mình tin rằng, chúng ta có thể chia sẻ những khó khăn đang gặp phải với những người thân yêu, để cảm thấy nhẹ nhàng và từ đó tìm cách để vượt qua là một điều rất tốt. Nhưng than phiền và liên tục bất mãn? Rõ ràng thì cố gắng làm việc và hành động để thay đổi là một hướng giải quyết tốt hơn. 

Thứ tư, là tìm thấy vẻ đẹp của người khác, là hiểu rằng họ cũng là một con người đang tồn tại với một mớ bòng bong có khi chẳng hề dễ chịu. Đây là lúc mình học được nhiều về sự bao dung, về mở lòng, về vị tha. Mình từng đọc rất nhiều bài chia sẻ của các bạn trẻ về những điều mà họ gặp phải, và rất nhiễu nỗi đau của con người đều xuất phát từ việc những người xung quanh không hề thấu hiểu, lắng nghe, và thông cảm cho nhau. Mình học được rằng khi chúng ta bắt đầu biết nhìn nhận sự tốt đẹp và giá trị của người khác, ngừng phán xét và bắt đầu biết tha thứ cho nhau, thì lúc đó chính mình mới có thể buông bỏ được những thái độ, phản ứng, suy nghĩ xấu xí có tác động tiêu cực đến bản thân mình lẫn người khác.

Thứ năm, nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn. Khi đó, chúng ta mới có cơ hội hiểu thêm về người khác, có cơ hội luyện tập khả năng lắng nghe cũng như sự kiên nhẫn trong một cuộc hội thoại. Lắng nghe nhiều hơn giúp chúng ta có suy nghĩ đa chiều, cũng như biết cách phản ứng sao cho phù hợp để tạo nên kết quả tốt nhất. Đồng thời, nghe nhiều hơn cũng có nghĩa là học được nhiều hơn. 

Thứ sáu, chọn lọc những gì mình đưa vào tâm trí. Mình đã từng viết một bài về làm sao chúng ta có thể đưa những gì tốt đẹp vào tâm trí của mình. Đây cũng là cách mình giữ cho bản thân điềm đạm. Mình không thích đọc những gì tiêu cực trên mạng, cũng không thích tham gia vào những cuộc bút chiến. Mình chỉ thích đọc, xem, và lắng nghe những gì tốt cho sức khoẻ tinh thần của mình thôi. 

Thứ sáu, chăm sóc bản thân. Việc chăm sóc bản thân xuất bản từ tình yêu thương bản thân, và khi bản thân mình được chăm sóc để luôn cảm thấy khoẻ mạnh và thoải mái, chúng ta ít có xu hướng bộc lộ cảm xúc thái quá, làm những việc bốc đồng và giận dữ hơn. Tập thể dục, yoga, thiền, ăn uống lành mạnh, không dùng “thức ăn rác,” ngủ đủ và sâu, đi chơi với bạn bè, tất cả những điều đó đều góp phần giúp chúng ta trở nên khoẻ mạnh, hạnh phúc, điềm tĩnh hơn. 

Và cuối cùng, là sự nhận thức được vẻ đẹp của những gì mình đang có trong cuộc đời, để từ đó mỉm cười nhiều hơn, biết ơn nhiều hơn. Với mình, hình ảnh bầu trời in dấu xuống đồng ruộng là một cảnh rất đẹp, hai ba nhúm hoa trắng nhỏ bên đường cũng đẹp, ánh nắng hắt lên tách trà rất dễ chịu, hương bạch đàn rất thơm, trà nhài rất dịu, giọng nói bi bô của em trai nhỏ rất đáng yêu, nhỏ bản thân chịu khó chở mình đi ăn rất tốt bụng, sự cố gắng của những người anh người chị rất đáng ngưỡng mộ, những gì mình đang làm đều mang đến cho mình hạnh phúc. Và còn trăm ngàn điều khác nữa mà mình cảm thấy vô cùng dễ thương và biết ơn khi có thể tồn tại trong cuộc sống này. Mình biết mình may mắn, nên mình càng trân trọng cuộc sống này hơn, và muốn được giúp đỡ người khác nhiều hơn.

Còn bạn thì sao? Bạn tìm thấy giá trị nào của sự điềm đạm? Bạn có muốn trở thành một người điềm đạm không?

Chủ Đề