Lực lượng chính trị trong cách mạng tháng Tám

[LLCT] - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện vẻ vang, chói ngời nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thu được thắng lợi, trước hết là do sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có vấn đề xây dựng lực lượng chính trị.

1. Nhất quán chủ trương xây dựng lực lượng chính trị ngay từ khi Đảng ra đời

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã phát động cao trào cách mạng quần chúng rộng lớn long trời chuyển đất trong những năm 1930 - 1931. Nét nổi bật là phong trào của quần chúng phát triển thành cao trào cách mạng hết đợt này đến đợt khác, liên tục diễn ra suốt năm 1930 và kéo dài sang năm 1931. Đỉnh cao của cao trào cách mạng là Xôviết Nghệ - Tĩnh. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 hoàn toàn khác các cuộc bạo động của các hội kín, các chính đảng trước đó. Những cuộc bạo động trước đó chỉ do kế hoạch của những người thủ lĩnh và được thực hiện đơn thuần bằng biện pháp quân sự, không có quần chúng nhân dân lao động tham gia. Xôviết Nghệ - Tĩnh nảy mầm và phát triển trong cao trào đấu tranh cách mạng rộng lớn của quần chúng lao động, trước hết là công nông, tầng lớp đông đảo nhất, nghèo khổ nhất và bị áp bức bóc lột nặng nề nhất. Sự kiện đó thể hiện hùng hồn tính cách mạng và tính quần chúng sâu sắc của phong trào mà trong hơn một nửa thế kỷ kể từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên toàn bộ nước ta, chưa từng có phong trào yêu nước nào sánh được. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 phản ánh tính phong phú sáng tạo của phương pháp cách mạng vô sản, trong đó tiêu biểu là xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị ở thành thị và nông thôn, sớm hình thành khối liên minh công - nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Nét nổi bật của cao trào cách mạng 1930 - 1931 trong cả nước cũng như trong hai địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh là phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân phối hợp với nhau làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân khác. Đó là sự liên minh tự giác, có ý thức, có tổ chức giữa hai giai cấp dưới sự lãnh đạo thống nhất chặt chẽ từ trung tâm là Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sự ra đời và tồn tại nhiều tháng liền của Xôviết Nghệ - Tĩnh cũng chính là dựa trên cơ sở khối liên minh của hai giai cấp công nhân và nông dân.

Trong xây dựng lực lượng chính trị, Đảng linh hoạt tìm ra các phương pháp đấu tranh thích hợp để duy trì và phát triển phong trào quần chúng. Bên cạnh các tổ chức chính trị như Công hội, Nông hội, thanh niên, phụ nữ, học sinh, Đảng bộ các cấp ở Nghệ An, Hà Tĩnh còn linh hoạt trong việc duy trì những tổ chức truyền thống sẵn có của địa phương như các phường hội nghề - nghiệp, các tổ chức tương tế ái hữu, các hội buôn để tập hợp, hướng dẫn quần chúng đấu tranh theo khẩu hiệu của Đảng.

Sức mạnh của quần chúng được tổ chức và lãnh đạo đã trở thành sức mạnh của bạo lực cách mạng đập tan chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với sự xuất hiện và duy trì các Xôviết [9-1930 - 6-1931] bước đầu thấy rõ sức mạnh của đấu tranh chính trị và lực lượng chính trị. Lúc đó chưa phải là lúc phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa. Trung ương Đảng dự đoán các Xôviết sẽ không tồn tại lâu dài nên chỉ đạo uốn nắn phong trào, giữ vững khí thế cách mạng của quần chúng, duy trì lâu dài ảnh hưởng của cách mạng.

Vào những năm 1933 - 1935, trên thế giới, chủ nghĩa phát xít hình thành và phát triển. Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và tình hình cụ thể của Đông Dương, đối chiếu với những Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII cùng Ban chỉ huy ở ngoài tích cực cho việc triệu tập Hội nghị toàn quốc để bàn thảo nhiều vấn đề về chiến lược và sách lược của Đảng trong tình hình mới. Hội nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban chỉ huy ở ngoài do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong chủ trì [họp tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26-7-1936] đã quyết định chuyển hướng mục tiêu nhiệm vụ, phương pháp tổ chức và đấu tranh cách mạng cho phù hợp với thời kỳ mới.

Hội nghị nhận định: Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này không phải là bọn thực dân Pháp nói chung, mà là bọn phản động thuộc địa Pháp, tay sai của bọn phản động ở chính quốc, cũng không phải giai cấp tư sản và địa chủ nói chung, mà là một bộ phận tư sản mại bản, địa chủ tay sai đắc lực của bọn phản động thuộc địa: Chiến sách của Đảng là nhận rõ ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định sẽ tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh [[1]1].Ở Đông Dương, mặc nhiên đã hình thành rõ rệt hai lực lượng ngay trong những người Pháp ở Đông Dương: bọn phản động thuộc địa và khuynh hướng dân chủ chống phát xít, chống phản động thuộc địa. Hội nghị nhận định: xét tình hình quần chúng vận động hiện thời cả về chính trị và tổ chức chưa tới trình độ trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp, lập chính quyền công - nông, giải quyết vấn đề điền địa... Đảng cho rằng theo trình độ tranh đấu đặc biệt của quần chúng trong lúc hiện thời, theo chung quanh những điều yêu cầu ấy có thể hiệu triệu được toàn dân không kỳ giai cấp nào, đảng phái nào ra cùng nhau tranh đấu chống chế độ thuộc địa phản động[2]. Nhân dân Đông Dương cần ủng hộ chính phủ cấp tiến Pháp, liên hiệp hành động với cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống chủ nghĩa phát xít. Cần lợi dụng mọi khả năng công khai, hợp pháp để tập hợp quần chúng rộng rãi, đưa quần chúng đến chỗ có tổ chức thống nhất, tiến lên giác ngộ chính trị. Thông qua đó: Đảng có thể bồi dưỡng một tinh thần dân tộc giải phóng mạnh mẽ trong đám dân chúng bị áp bức không trái với nguyên tắc dân tộc tự quyết của Quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp[3]. Căn cứ vào lý luận Mác - Lênin: Giai cấp cách mạng cần phải chuẩn bị sẵn sàng để thay thế nhanh chóng và đột ngột một hình thức này bằng một hình thức khác[4], dưới ánh sáng của các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, căn cứ vào trình độ tổ chức và khả năng đấu tranh, Đảng đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và thay đổi sách lược, củng cố lực lượng cách mạng, chuẩn bị những điều kiện tiến tới hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Về nhiệm vụ, Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng ruộng đất, chỉ nêu mục tiêu trực tiếp là chống chế độ thuộc địa phản động, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Thực hiện nhiệm vụ này, Hội nghị thảo luận và nhất trí về sắp xếp lực lượng đấu tranh bao gồm giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những người tán thành dân chủ, kể cả người Việt và người nước ngoài, trong đó có người Pháp sinh sống ở Đông Dương: Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới lại bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có con đường tổ chức mới[[1]5].

Về phương pháp đấu tranh, Hội nghị quyết định kết hợp hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp với hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp lực lượng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó giáo dục và phát triển đội ngũ cách mạng.

Triệt để lợi dụng những khả năng tổ chức và đấu tranh công khai hợp pháp, nửa hợp pháp, Đảng đã liên hệ được với đông đảo nhân dân, từ đó giáo dục, tổ chức và phát động họ đấu tranh, phát triển đội ngũ cách mạng, nhằm phục vụ mục tiêu trước mắt. Hội nghị nhấn mạnh, tổ chức bí mật thì ảnh hưởng chính trị khó lan rộng, lực lượng tranh đấu không được mạnh, quần chúng rất ít người tham gia các tổ chức quần chúng bí mật dưới nhãn hiệu đỏ như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản. Đó là bệnh cô độc, hẹp hòi, chỉ muốn các tổ chức quần chúng đều có tính chất giai cấp và cách mạng rõ rệt. Đảng chủ trương tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức vô luận theo hình thức gì, lối gì, theo sản nghiệp hay nghề nghiệp, tên gọi là gì, các hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương, hội đồng minh, hội hợp tác xã, hội học sinh, hội phụ lão, hội thể thao, ban học tối, hội hát kịch, hội đưa ma, hội lợp nhà... để họ đoàn kết lại tranh đấu chống áp bức bóc lột, đòi quyền lợi thiết thực hằng ngày của họ[[1]6]. Đảng còn nhấn mạnh, không những tranh thủ tổ chức công khai và bán công khai mà còn phải biết liên hệ hoạt động bí mật với hoạt động công khai, như vậy Đảng mới không mắc bệnh công khai. Trong hoàn cảnh mới, Hội nghị đặc biệt chú trọng đến công tác cổ động, tuyên truyền, giáo dục làm cho ảnh hưởng chính trị và khẩu hiệu của Đảng lan rộng trong quảng đại quần chúng, tuyên truyền phải mật thiết liên lạc với quyền lợi hằng ngày của quần chúng[7].

Qua cao trào dân chủ 1936-1939, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng trong cả nước vào trận tuyến đấu tranh. Một đội quân chính trị đông hàng triệu người đã được hình thành, đoàn kết trong Mặt trận dân chủ Đông Dương, tạo nên khí thế đấu tranh chính trị rộng lớn chưa từng có khắp cả nước.

2. Xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Từ giữa năm 1939, khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ II sắp nổ ra, Chính phủ Pháp càng thiên về hữu ra mặt phản động và phát xít hóa. Ở Đông Dương bọn thực dân phản động quay ra đàn áp khủng bố phong trào dân chủ. Đảng chuyển vào hoạt động bí mật, hoạt động không hợp pháp, tiếp tục xây dựng đội quân chính trị trong thời kỳ mới.

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan mở màn cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Đông Dương từ đó bị cuốn vào khói lửa chiến tranh. Ngay sau khi lao vào cuộc chiến, đế quốc Pháp thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản và phong trào dân chủ tiến bộ ở trong nước cũng như ở các thuộc địa. Lường trước tình hình đó, ngay khi Chiến tranh thế giới sắp nổ ra, Đảng đã chỉ thị cho cán bộ, đảng viên đang hoạt động hợp pháp phải mau lẹ rút vào bí mật và giữ vững liên hệ với quần chúng, phải duy trì lực lượng ở thành thị, đồng thời chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, biến nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng.

Hai tháng sau, Hội nghị Trung ương 6 [11-1939] họp tại Gia Định do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc và phương pháp cách mạng trong tình hình mới.

Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đuổi đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Về phương pháp cách mạng, tiếp tục lợi dụng khả năng hoạt động công khai và nửa công khai để tranh thủ quần chúng bằng cách xây dựng các tổ chức hợp pháp đơn giản, đồng thời xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng bí mật như nông hội, công hội, thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế hoạt động bất hợp pháp, hướng tất cả các cuộc đấu tranh của quần chúng vào chống đế quốc và tay sai nhằm dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Đến tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương 7 họp tại làng Đình Bảng huyện Từ Sơn [Bắc Ninh], dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh. Hội nghị tiếp tục phát triển chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 và đặt hẳn vấn đề khởi nghĩa vũ trang vào trương trình nghị sự của cách mạng Đông Dương. Hội nghị nhận định, chúng ta chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng, song một cao trào cách mạng nhất định diễn ra. Nhiệm vụ trước mắt của Đảng là phải chuẩn bị để giành lấy cái sứ mạng thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập. Hội nghị đã thảo luận và quyết định hai vấn đề cấp thiết:

Thứ nhất, duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang công tác vừa chiến đấu chống địch, bảo vệ nhân dân vừa phát triển cơ sở cách mạng tiến tới thành lập khu du kích, lấy vùng Bắc Sơn - Vũ Nhai làm trung tâm. Đảng cho rằng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ngày 27-9-1940 dù chỉ tồn tại trong một tháng và diễn ra trong phạm vi một huyện nhưng có ý nghĩa lịch sử lớn. Nó mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc Đông Dương thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, đồng thời qua cuộc khởi nghĩa này Đảng ta rút được bài học quý giá về đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa vũ trang và chọn thời cơ.

Thứ hai, quyết định đình chỉ việc chuẩn bị phát động khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ vì chưa có điều kiện bảo đảm thắng lợi. Chủ trương của Trung ương vừa truyền đạt đến Sài Gòn thì đêm 23-11-1940 cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ và bị thất bại. Tiếp đó, cuộc nổi dậy của binh lính yêu nước trong quân đội Pháp ngày 13-1-1941 do Đội Cung chỉ huy cũng bị dập tắt. Cả ba cuộc nổi dậy diễn ra ở ba miền Bắc - Trung - Nam tuy bị dập tắt, song đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của quần chúng cả nước, nhưchim én nhỏ báo hiệu mùa xuân.

Mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Sau khi chuẩn bị mọi điều kiện, Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 [tại Hà Quảng - Cao Bằng]. Hội nghị tiếp tục phát triển tư tưởng của hai hội nghị trước, giương cao hơn nữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Để phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của các dân tộc ở Đông Dương, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật, Pháp. Ở Việt Nam Mặt trận có tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh [Việt Minh].

Về vấn đề dân tộc: Hội nghị chủ trương giải quyết theo tinh thần dân tộc tự quyết. Theo đó, không giữ khẩu hiệu thành lập chính phủ Liên bang Cộng hòa Dân chủ Đông Dương mà giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước. Ở Việt Nam, sau khi giành được chính quyền, sẽ thành lập một Chính phủ của toàn thể nhân dân, trừ bọn cam tâm làm tay sai cho đế quốc, mà hình thức là Dân chủ cộng hòa.

Về phương pháp cách mạng:Hội nghị chỉ rõ cần xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại. Căn cứ điều kiện cụ thể của nước ta, dựa vào kinh nghiệm của Xôviết Nghệ - Tĩnh và các cuộc khởi nghĩa năm 1940, Hội nghị chỉ rõ, khi thời cơ đến thì với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành thắng lợi mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn.

Về chuẩn bị lực lượng: Đảng coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang và các căn cứ cách mạng. Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên làm nơi xây dựng khu căn cứ du kích. Cuối năm 1941, hai trung tâm đầu tiên đã được xây dựng là khu căn cứ Cao Bằng và khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai. Tại hai căn cứ trung tâm này có hoạt động của đội vũ trang Cao Bằng và đội Cứu quốc quân.

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 dự đoán diễn biến Chiến tranh thế giới thứ II. Theo Hội nghị, từ tháng 6-1941, khi Liên Xô tham chiến, lực lượng dân chủ trong khối Đồng minh ngày càng mạnh và cuối cùng Liên Xô và các lực lượng dân chủ sẽ thắng; sẽ thúc đẩy cho cách mạng bùng nổ tại nhiều nước.

Về phương hướng xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới, Hội nghị nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị và vận động công nhân, vì nếu thiếu lực lượng này thì cuộc khởi nghĩa khó nổ ra ở nơi huyết mạch của quân thù và do đó quân thù không bị tê liệt. Cuộc khởi nghĩa chỉ có tính chất địa phương, không lan ra toàn xứ, toàn quốc, quân thù có thể tập trung lực lượng đàn áp, các đội du kích sẽ thiếu chiến sĩ hiểu biết kỹ thuật phá hoại, chế tạo và sửa chữa vũ khí. Hội nghị chỉ rõ tư tưởng chỉ đạo của Đảng là toàn bộ công tác lúc này phải nhằm vào chỗ chuẩn bị tổng khởi nghĩa để một khi tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện thì kịp thời lãnh đạo đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu giành chính quyền.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943, trong hai năm 1943-1944, phong trào cách mạng trong nước ngày càng lên cao. Ngày 7-5-1944 Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Tiếp sau đó, ngày 10- 8-1944 Trung ương Đảng ra lời kêu gọi Sắm vũ khí đuổi thù chung. Tất cả đều nhằm chuẩn bị về tinh thần cũng như vật chất cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp tới. Khắp nơi hưởng ứng, không khí cách mạng sôi sục ở nhiều tỉnh, nhất là ở các căn cứ địa cách mạng, quần chúng đã sẵn sàng nổi dậy. Tuy vậy, lúc này vẫn là thời kỳ tích trữ lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, tình thế cách mạng chưa chín muồi. Do đó, tháng 7-1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nhận định các điều kiện để phát động đấu tranh vũ trang đã chín muồi, dự định triệu tập cuộc họp cuối cùng quyết định ngày giờ hành động. Đúng lúc đó, Hồ Chí Minh từ Trung Quốc về nước đã kịp thời đình chỉ cuộc khởi nghĩa, tránh cho phong trào Cao - Bắc - Lạng những tổn thất lớn. Theo Người: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự[8].

Người nhấn mạnh: cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên[9].

Trong Cách mạng Tháng Tám, xây dựng lực lượng chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp nổi dậy của quần chúng với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, trong đó quyết định là các cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Thắng lợi giành được trong Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh kinh tế và chính trị, hợp pháp và không hợp pháp của quần chúng, từ vài địa phương lan ra cả nước, từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa, lập ra bộ máy nhà nước của nhân dân, trong đó việc xây dựng lực lượng chính trị là một yếu tố quyết định thắng lợi của tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

[1], [2], [3], [5], [6], [7] ĐCSVN:Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.141, 144, 147, 222, 154, 157.

[4] V.I.Lênin:Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.197.

[8] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.83.

[9] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.356.

PGS,TS Vũ Quang Vinh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Văn Dũng

Trường Đại học sư phạm Hà Nội II

Tags: lực lượng chính trị, Xây dựng lực lượng chính trị

Video liên quan

Chủ Đề