Dđề cương các ngành công nghiệp văn hóa năm 2024

[LĐ online] - Sáng 22/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Lâm Đồng

Cùng dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ quan khác hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; một số chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Văn hoá Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về nguồn lợi kinh tế.

Các đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Cùng với sự quan tâm của các cấp các ngành, công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943”.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật: Năm 2022, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 4,04% GDP; giai đoạn [2018 - 2022], giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng [44 tỷ USD].

Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, cả nước có 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế. Công nghiệp văn hoá cũng góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Những kết quả đạt được nhờ sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược; không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại các sản phẩm dịch vụ văn hóa; phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, ngoại giao văn hóa.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đi sâu đóng góp nhiều ý kiến, nêu nhiều vấn đề cụ, những bất cập, hạn chế, khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp sáng tạo văn hóa.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả rất đáng trân trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực [âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…] ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế; nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả…

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế [như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí], để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, binh đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Riêng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.

Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo: Tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa với đam mê sáng tạo không có giới hạn.

Chủ Đề