Đánh giá thực trạng lỗi từ vựng tiếng Việt của trẻ ở trường mầm non

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐIỆN BIÊN
--------------------------------------------------------------------------------------
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Đoạt- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Địa chỉ: 
Số 867, đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Điện thoại: 02153 824 980 - 02153 831 439
Email: 

PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Làm quen với chữ viết là một trong những nội dung giáo dục của lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi. Đó là một nội dung vô cùng quan trọng và cần thiết đối với trẻ. Bởi vì đây là giai đoạn trẻ ở cuối độ tuổi mẫu giáo, chuẩn bị vào trường tiểu học. Việc chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1 là hết sức quan trọng, trong đó phải kể đến việc cho trẻ làm quen với chữ viết. Theo quy định của chương trình chăm sóc giáo trẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì một trong những kết quả mong đợi đối với lĩnh vực phát triển ngôn ngữ của trẻ 5-6 tuổi là phải nhận biết và phát âm chính xác 29 chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt. Mà để trẻ nhận biết và phát âm đúng 29 chữ cái là một việc làm không hề dễ dàng và đơn giản. Các chữ cái trong hệ thống Tiếng Việt của chúng ta có nhiều chữ phát âm khó, các chữ có cấu tạo gần tương đồng nhau, âm tiết gần giống nhau khó phân biệt. Trong đó có nhóm chữ m, n, l là nhóm chữ trẻ khó nhận biết và phát âm được chính xác nhất, đặc biệt là chữ n và l. Do nhóm chữ này đòi hỏi kỹ năng phát âm phải chuẩn. Trên thực tế, hiện nay nhiều trẻ em ở bậc tiểu học, trung học cơ sở hay người lớn vẫn có sự phát âm chưa đúng âm của chữ  n, l. Nhiều địa phương trở thành truyền thống phát âm sai và được quy chụp thành đặc điểm ngôn ngữ địa phương. Và chúng ta cùng hình dung xem khi trẻ được sinh ra và lớn lên ở những địa phương đó, được tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ có những người phát âm như vậy việc rèn cho trẻ phát âm chính xác âm của chữ m, n, l gặp khó khăn nhường nào. Nếu ngay từ những buổi đầu làm quen với chữ viết ở bậc học mầm non nếu trẻ không được nhận biết và phát âm chuẩn thì thói quen phát âm sai sẽ ăn sâu vào kỹ năng nói của trẻ. Điều đó sẽ rất khó cho việc đọc thông viết thạo của trẻ ở bậc học tiếp theo, ảnh hưởng đến khả năng nói, giao tiếp của trẻ. Nhiều trẻ sẽ bị mất tự tin trong giao tiếp khi trẻ biết mình phát âm không chuẩn các từ ngữ có âm n và l. Nhận thức được sự quan trọng và cần thiết khi dạy trẻ phát âm chuẩn các chữ cái trong Tiếng Việt tôi đã chọn đề tài “Một số giải pháp rèn kỹ năng nhận biết và phân biệt chữ cái m, n, l cho trẻ lớp mẫu giáo 5-6 tuổi B trường Mầm non Tiến Dũng” Nhằm đưa ra một số biện pháp giúp giáo viên mầm non áp dụng vào việc rèn kỹ năng nhận biết và phát âm chính xác nhóm chữ này. Đồng thời giúp trẻ ngay từ những ngày đầu làm quen với chữ viết phát âm chính xác âm của nhóm chữ mà xã hội hiện nay có nhiều người phát âm sai nhất, xóa đi quan niệm phát âm sai do đặc điểm ngôn ngữ vùng miền. Để trẻ lớp tôi phụ trách có quê hương là địa phương có truyền thống phát âm sai âm của chữ n, l sẽ phát âm chuẩn, chính xác âm của chữ m, n, l.

2. Mục đích nghiên cứu đề tài

- Giúp phụ huynh  học sinh và giáo viên mầm non nhận thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen với chữ viết ở bậc học mầm non từ đó có sự phối hợp kịp thời, tích cự trong quá trình giáo dục trẻ mầm non.

- Giúp giáo viên mầm non có một số biện pháp hiệu quả trong việc hướng dẫn trẻ 5- 6 tuổi làm quen với chữ viết nói chung đặc biệt là những nhóm chữ trẻ khó nhận biết và phát âm. Từ đó khắc phục được những hạn chế trong tổ chức hoạt động này.

- Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ ngay từ bậc học mầm non giúp trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ học tập ở trường tiểu học sau này.

3. Đối tượng nghiên cứu

- Trẻ lớp 5 tuổi B trường mầm non Tiến Dũng và khả năng nhận biết và phát âm chữ cái m, n, l của trẻ.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

        Nhiệm vụ chính của sáng kiến:

       - Khảo sát thực trạng: phát âm, nghe, nói các từ, tiếng có âm n, l…của trẻ để đánh giá thực tế khả năng phát âm nhóm chữ cái m, n, l của trẻ.

- Đánh giá thực trạng việc tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen nhóm chữ m, n, l tại trường, tìm ra ưu điểm, hạn chế trong phương pháp của các đồng nghiệp. Từ đó xây dựng các biện pháp phù hợp và hiệu quả giúp trẻ nhóm lớp mình phụ trách nhận biết, phân biệt và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để giải quyết được nhiệm vụ đề ra của sáng kiến tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau :

      * Phương pháp quan sát, ghi chép

      * Phương pháp nghiên cứu tài liệu.

      * Phương pháp làm mẫu.

      * Phương pháp thực hành

      * Phương pháp đánh giá

PHẦN II.  PHẦN NỘI DUNG

        1. Một số vấn đề có liên quan

        Như chúng ta đã biết trẻ giai đoạn 5 -6 tuổi là giai đoạn mang tính bước ngoặt của trẻ lứa tuổi mầm non. Giai đoạn này ngôn ngữ của trẻ đã phát triển mạnh, các nhà khoa học đã chứng minh trẻ có thể nói được hơn 8000 từ rõ ràng mạch lạc, kỹ năng nghe, nói giao tiếp của trẻ rất tốt. Trẻ có thể vận dụng khả ngăng giao tiếp phù hợp với hoàn cảnh, tình huống giao tiếp. Chính vì vậy, nhận biết và phát âm chuẩn 29 chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt là hoàn toàn phù hợp với khả năng của trẻ.

Trước đặc điểm của trẻ mầm non khả năng tập trung còn chưa cao, trẻ dễ nhớ nhưng lại mau quên. Trẻ đang trong giai đoạn tiếp nhận, lĩnh hội ngôn ngữ qua giao tiếp, vui chơi và học tập. Do đó khả năng nghe, nói, phát âm của trẻ chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau: như môi trường giao tiếp, đối tượng giao tiếp hàng ngày, sự định hướng của giáo viên… điều đó dẫn đến kỹ năng nghe, nói, phát âm của trẻ cũng khác nhau. Không phải bất cứ trẻ nào cũng nghe tốt, nói rõ ràng mạch lạc, phát âm chuẩn.

 Đối với trẻ 5-6 tuổi ngoài các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp bằng ngôn ngữ trẻ còn phải nhận biết và phát âm chuẩn 29 chữ cái trong Tiếng Việt. Việc trẻ làm quen với 29 chữ cái trong Tiếng Việt được tổ chức trong hoạt động làm quen với chữ viết chủ yếu thông qua hoạt động có chủ đích hàng ngày ở trường mầm non. Giáo viên sẽ đưa các nhóm chữ cái có nhiều điểm tương đồng về cấu tạo để dạy trẻ và đưa vào các chủ đề để trẻ dễ nhớ và khác sâu. Qua thực tế công tác, bản thân tôi nhận thấy trong các nhóm chữ cái cho trẻ làm quen, có thể nói nhóm chữ m, n, l là nhóm chữ mà ngay từ ngày đầu làm quen có nhiều trẻ nhận biết và phát âm không chuẩn là nhiều nhất. Việc sửa lỗi phát âm nhóm chữ này cho trẻ khiến giáo viên vất vả nhất và nhiều giáo viên đã không đạt được kết quả như mong muốn. Cho nên rất cần những biện pháp để giúp giáo viên mầm non rèn kỹ năng cho trẻ nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l.

2. Thực trạng

Trường mầm non Tiến Dũng là một trường đạt chuẩn quốc gia, do đó cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định. Chính vì vậy chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường rất tốt. Nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc nên tạo được niềm tin yêu của đông đảo phụ huynh học sinh. Trường có 14 lớp mẫu giáo với 100% trẻ trong các độ tuổi ra lớp theo phổ cập giáo dục.

Năm học 2019-2020 tôi được nhà trường phân công phụ trách  lớp mẫu giáo 5- 6 tuổi B với 30 trẻ của Thôn Chùa và thôn Ninh Tiến, tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:

* Thuận lợi:

- Ban giám hiệu nhà trường luôn đặt sự quan tâm cho chất lượng giáo dục trẻ nên luôn có sự đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

- Bản thân tôi là tổ trưởng chuyên môn của tổ mẫu giáo có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ 5-6 tuổi. Bản thân tôi có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo và có sự sáng tạo trong thiết kế các nội dung, trò chơi cho trẻ làm quen với chữ cái. Do đó việc tổ chức hoạt động có chủ đích cho trẻ làm quen với chữ cái luôn phong phú, thu hút trẻ tham gia.

- 100% trẻ đã đi học từ 3-4 tuổi, 4-5 tuổi nên trẻ đã đạt chuẩn kiến thức theo độ tuổi, đó là tiền đề thuận lợi cho việc học tập của trẻ ở lớp 5-6 tuổi.

- Phụ huynh học sinh luôn ủng hộ cho công tác chăm sóc giáo dục của nhà trường, thường xuyên trao đổi, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc giáo dục trẻ.

* Khó khăn:

- Đặc điểm nhận thức của trẻ không đồng đều nên khả năng tập trung, chú ý và ghi nhớ các chữ cái của nhiều trẻ còn kém. Nhiều nhóm chữ cái dễ nhớ, dễ phát âm vẫn còn một số trẻ chưa nhận biết chính xác, phát âm còn chưa đúng. Do đó trẻ sẽ khó khăn hơn trong việc nhận biết và phát âm chính xác nhóm chữ m, n, l.

 - Khả năng nghe, nói, giao tiếp của một số trẻ trong lớp còn hạn chế như nói nhỏ, nói ngọng dẫn đến khả năng phát âm chữ cái của trẻ còn gặp khó khăn. Trẻ sẽ không mạnh dạn phát âm để cho cô giúp đỡ, sửa sai cho trẻ

- Một số trẻ trong lớp hiếu động, chưa chú ý tham gia vào các quá trình học tập ảnh hưởng đến việc rèn kỹ năng phát âm của trẻ.

- Một số trẻ có gia đình, người thân nói ngọng phát âm không chuẩn nên việc sửa sai cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Do trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ có người lớn phát âm chưa chuẩn, kỹ năng phát âm đó sẽ ăn sâu vào ngôn ngữ của trẻ, trẻ không phân biệt được đâu là phát âm chuẩn do đó khi sửa sai cho những trẻ đó sẽ mất nhiều thời gian hơn.

- Nhóm chữ m, n, l là một nhóm chữ phát âm khó, đòi hỏi kỹ năng phát âm phải chuẩn qua cách lấy hơi và sử dụng khẩu hình phù hợp. Điều này đòi hỏi bản thân người giáo viên cần phải phát âm chuẩn và có cách hướng dẫn trẻ sao cho trẻ dễ thực hiện. Tuy nhiên thực tế vẫn có một số giáo viên còn phát âm chưa chuẩn âm của chữ n và l.

Trước những thực trạng trên bản thân tôi qua nghiên cứu và thực hiện đã đúc rút, xây dựng các giải pháp để giúp trẻ nhận biết và phát âm chính xác âm của nhóm chữ m, n, l như sau:

3. Đề xuất các giải pháp

 * Giải pháp 1:  Khảo sát kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của trẻ

Để nắm bắt được chính xác khả năng nghe, nói, đọc, viết của từng trẻ để giáo viên đề ra biện pháp chung cho cả lớp và những biện pháp riêng phù hợp với từng cá nhân trẻ. Đây là việc làm đầu tiên và cũng không kém phần quan trọng khi cho trẻ làm quen với chữ viết. Nếu không có bước làm khảo sát trẻ, với những lớp có sĩ số trẻ đông giáo viên không thể bao quát và sửa sai cho hết các trẻ và dễ bỏ sót trẻ chưa nhận biết và phát âm tốt. Ngược lại, khi giáo viên đã khảo sát trẻ trước, đến giờ cho trẻ làm quen chữ viết giáo viên đã nắm được những trẻ còn hạn chế và quan tâm kịp thời đến những trẻ đó sửa sai và uốn nắn trẻ ngay và tận dụng được thời giân dành cho những trẻ đó nhiều hơn những trẻ có khả năng tốt rồi.

 Việc khảo sát trẻ được tôi tiến hành  thông qua các bài tập, qua các hoạt động chung [kể chuyện, đọc thơ, hát, múa,…] và qua các hoạt động hàng ngày [hoạt động góc, hoạt động chiều,…] để từ đó đánh giá từng trẻ theo các kỹ năng, như:

+ Kĩ năng nghe: Nếu trẻ có kỹ năng nghe tốt trẻ sẽ nghe cô phát âm chính xác từ đó có thể phát âm chuẩn âm của của chữ cái. Do đó tôi cho trẻ nghe được các âm thanh, ngữ điệu, giọng nói khác nhau. Độ to, nhỏ, nhanh, chậm của giọng nói, giọng đọc, các từ khái quát, từ trái nghĩa… sau đó nhắc lại những điều mình nghe được.

  Nghe hiểu nội dung các câu đơn, câu ghép. Nghe hiểu thơ, ca dao, đồng dao, tục ngũ phù hợp với trẻ. Nghe và làm theo từ 2 lời chỉ dẫn liên tiếp nhau trở lên…

+ Kỹ năng nói: Trẻ có kỹ năng nói tốt sẽ có khả năng phát âm chuẩn cao hơn những trẻ có kỹ năng nói chưa tốt. Để nhận biết trẻ có kỹ năng nói tốt hay chưa tốt. Tôi chú ý đến cấc đặc điểm của trẻ: Trẻ có nói lắp, nói ngọng không? Trẻ có nói đủ câu, nói có mạch lạc không? Trẻ biết bày tỏ tình cảm, nhu cầu và kinh nghiệm của bản thẩn rõ ràng, dễ hiểu bằng các câu đơn, câu ghép khác nhau. Biết trả lời các câu hỏi về nguyên nhân, so sánh: Tại sao? Có gì giống nhau? Có gì khác nhau? Do đâu mà có? Đặt các câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Làm gì? Sử dụng các từ biểu cảm, có hình ảnh. Trẻ tự tin khi giao tiếp. Trẻ nói và thể hiện, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp. Đọc thơ, ca dao, đồng dao. Kể lại sự việc một cách mạch lạc, rõ ràng, diễn cảm. Kể lại truyện đã được nghe một cách rõ ràng, diễn cảm. Kể chuyện sáng tạo theo đồ vật, theo tranh, theo chủ đề, theo kinh nghiệm bản thân.

+ Kỹ năng đọc: trẻ có biết cách giở sách, có biết đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới? Có biết kể lại chuyện không? Có biết đọc thuộc bài thơ không? Tư thế ngồi đọc ngay ngắn, đọc ngắt nghỉ sau các dấu; phân biệt phần mở đầu, kết thúc của sách; đọc truyện qua các tranh vẽ; giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận... Các kỹ năng này liên quan đến việc thực hiện các trò chơi, các bài tập về chữ cái mà tôi cho trẻ thực hiện.

+ Kỹ năng viết: Trẻ có biết cầm bút đúng cách không? Có biết tô trùng khớp lên các nét không? Tư thế ngồi viết ngay ngắn. Làm quen với cách viết tiếng Việt: hướng viết từ trái sang phải, từ dòng trên xuống dòng dưới, hướng viết của các nét chữ. Qua khảo sát tôi thấy:

Các kỹ năng khảo sát trên trẻ

Mức độ đạt được trên trẻ

Tốt

Khá

Trung bình

Yếu

Kỹ năng nghe và hiểu người khác nói. Nghe và làm theo từ 2 lời chỉ dẫn liên tiếp

14/30

9/30

5/30

2/30

Nghe hiểu nội dung truyện kể, thơ, đồng dao, ca dao

10/30

9/30  

8/30

3/30

Kỹ năng nói: Nói mạch lạc rõ ràng, đủ câu, không nói lắp, ngọng.…

11/30

9/30

3/30

7/30

Kỹ năng đọc: biết cách giở sách, đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới…”Đọc” sách qua các tranh vẽ. Phân biệt phần mở đầu, kết thúc của sách.

8/30

7/30

6/30

9/30

Kỹ năng viết: Trẻ biết cách ngồi, cầm bút, để vở, tô chữ đúng quy trình

 3/30

6/30

9/30

12/30

Sau khi khảo sát trẻ, tôi thấy, những cháu giỏi về mặt này nhưng lại yếu về mặt khác, từ đó tôi có phương pháp dạy khác nhau với từng đối tượng trẻ.

Tôi nhận thấy biện pháp này không thể bỏ qua nếu người giáo viên muốn trẻ lớp mình phát triển ngôn ngữ tốt. Qua thực tiễn áp dụng tôi thấy rất dễ thực hiện và không mất nhiều thời gian của người giáo viên. Trong các hoạt động hàng ngày người giáo viên thường xuyên tiếp xúc, tương tác với trẻ. Chính vì vậy giáo viên có thể tận dụng các thời điểm, các hoạt động khác nhau để khảo sát trẻ. Điều quan trọng là giáo viên phải ghi nhớ được đặc điểm ngôn ngữ của trẻ qua khảo sát.

* Giải  pháp 2: Tổ chức hoạt động có chủ đích cho trẻ làm quen với chữ cái m, n, l hiệu quả

Với kinh nghiệm của bản thân nhiều năm trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ tôi nhận thấy hoạt động học có chủ đích chính là một hoạt động mà giáo viên cung cấp kiến thức cho trẻ một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất. Giáo viên có thể sử dụng phối kết hợp nhiều hình thức và phương pháp khác nhau để hoạt động đạt kết quả cao nhất. Phần lớn các kiến thức kỹ năng trẻ lĩnh hội được đều thông qua hoạt động có chủ đích.

Nhận thức được điều này bản thân tôi rất chú trọng đến việc tổ chức hoạt động học có chủ đích khi cho trẻ làm quen với chữ cái m, n, l sao cho thật hiệu quả. Và để đạt được đó trước tiên việc xây dựng kế hoạch cho hoạt động là hết sức quan trọng, kế hoạch dựa trên khả năng của trẻ từ đó đề ra các phương tối ưu cho hoạt động và những đồ dùng phục vụ cho hoạt động sao cho trẻ nhận biết, khắc sâu cấu tạo và âm của nhóm chữ m,n, l. Kế hoạch luôn được tôi xây dựng trước 5 ngày, được tổ chuyên môn duyệt trước sau đó mới tiến hành thực hiện.

Sau khi xây dựng kế hoạch xong, việc tổ chức hoạt động cho trẻ là nhân tố quyết định chất lượng của hoạt động. Để hoạt động đạt được kết quả cao tôi luôn đặt ra tiêu chí tổ chức hoạt động sao cho trẻ hứng thú tham gia. Khi trẻ đã hứng thú tham gia, trẻ sẽ lĩnh hội hội kiến thức của hoạt động một cách tự nhiên không áp đặt gò bó. Chính vì vậy phương pháp của tôi là việc sử dụng những đồ dùng hấp dẫn trẻ trong đó ứng dụng công nghệ thông tin là không thể thiếu. Việc tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường là ti vi, máy chiếu đã góp phần thu hút trẻ tham gia hoạt động tích cực. Đồ dùng cho cá nhân trẻ phải đầy đủ, đảm bảo tất cả các trẻ đều có, đặc biệt là các thẻ chữ cái m, n, l phải chuẩn, đẹp và đủ cho từng trẻ hoạt động. Tranh ảnh, các đồ dùng khác phục vụ cho các trò chơi với chữ m, n, l cũng hết sức phong phú và sinh động.

Ngoài việc sử dụng đồ dùng ra, khi tổ chức hoạt động việc phát âm mẫu cho trẻ là vô cùng quan trọng đặc biệt là đối với chữ cái n và l. Để có thể phát âm chuẩn bản thân giáo viên phải là người nói chuẩn, không bị ngọng và có kỹ năng phát âm tốt mới có thể làm mẫu chuẩn. Khi cô phát âm chuẩn và hướng dẫn trẻ cách phát âm sao cho đúng thì trẻ sẽ không bị nhầm lẫn âm của chữ n và l. Vì vậy khi phát âm mẫu cho trẻ nghe âm của chữ n và l tôi phát âm chậm dãi, to rõ ràng, sau đó hướng dẫn trẻ cách lấy hơi sử dụng khẩu hình để phát âm phù hợp và chuẩn âm của chữ n, l. Việc nhận biết mặt chữ đơn giản hơn, trẻ có thể nhận biết được ngay mặt chữ n và l, tuy nhiên việc phát âm hai chữ này lại không hề đơn giản đặc biệt là những trẻ ngọng, trẻ có thói quen nói ngọng những tiếng có âm n và l. Để khắc phục điều này và cũng qua khảo sát nắm bắt được đặc điểm ngôn ngữ của trẻ từ trước nên tôi luôn chú ý sửa sai trực tiếp cho những trẻ chưa phân biệt được âm của chữ n và l.

  Bên cạnh việc giúp trẻ nhận ra âm của hai chữ dễ nhầm lẫn là n và l việc khắc sâu biểu tượng chữ n và l cần được thực hiện song song. Trẻ ghi nhớ cấu tạo riêng của chữ và âm của chữ đó thì trẻ mới có thể phân biệt được hai chữ n và l từ đó trẻ không mắc sai lầm khi phát âm hai chữ đó. Để khắc phục điều này trong khi cho trẻ làm quen từng chữ tôi luôn cho trẻ phát hiện cấu tạo của từng chữ đó gồm có những nét nào tạo thành sau đó cho trẻ so sánh cấu tạo của hai chữ  với nhau. Như vậy trẻ hiểu sâu hơn, kỹ hơn về cấu tạo của chữ cái m, n, l.

Ngoài ra tôi còn sử dụng các trò chơi mang tính củng cố về cách phát âm và nhận biết chữ cái m, n, l cho trẻ khi tổ chức hoạt động có chủ đích. Theo quan điểm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm thì trẻ học bằng chơi, trẻ chơi mà học. Trò chơi là không thể thiếu được trong các hoạt động học có chủ đích của trẻ. Trò chơi chính là phương tiện giúp giáo viên kiểm nghiệm mức độ đạt được sau khi giáo viên cung cấp kiến thức mới cho trẻ đồng thời góp phần củng cố kiến thức mà trẻ đạt được bền vững hơn. Để tận dụng những ưu điểm mà trò chơi mang lại và để trẻ tham gia trò chơi một cách hứng thú tôi luôn sáng tạo thiết kế những trò chơi với chữ m, n, l hấp dẫn trẻ mang tính động tĩnh xen kẽ nhau. Khi thì trẻ say sưa xếp chữ, gép nét tạo thành chữ cái m, n, l từ hột hạt, que, dây, sợi… khi thì trẻ sôi động trong việc thi đua giữa các tổ nhóm tìm chữ đoán âm… trẻ thực hiện tốt những yêu cầu của trò chơi đồng nghĩa với khả năng nhận biết phát âm của trẻ tốt. Với những trẻ chưa đạt yêu cầu được tôi ghi chép đánh dấu và có biện pháp rèn luyện riêng.  

Qua việc sử dụng biện pháp tổ chức hoạt động có chủ đích hiệu quả tôi nhận thấy khả năng nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l của trẻ sau hoạt động đạt trên 80%. Số trẻ còn lại có sự nhầm lẫn về cách phát âm chữ n và l được tôi rèn qua các thời điểm sinh hoạt khác trong ngày và được áp dụng bằng các biện pháp khác phù hợp.

* Giải  pháp 3: Chú trọng rèn cá nhân trẻ

Đặc điểm của trẻ mầm non dễ nhớ nhưng lại nhanh quên, trẻ hay bắt chước nên khi tham gia hoạt động tập thể giáo viên khó đánh giá được chính xác mức độ đạt được của từng trẻ.  Có những trẻ do bắt chước cô, bắt chước bạn nhưng khi hoạt động riêng lẻ cá nhân lại không thể thực hiện được yêu cầu của giáo viên hoặc kết quả lại không đạt được theo yêu cầu của hoạt động. Chính vì vậy biện pháp chú trọng rèn cá nhân trẻ là không thể thiếu và rất hiệu quả khi dạy trẻ làm quen với chữ cái m, n, l.

Ngoài ra, mức độ nhận thức của trẻ không đồng đều, có những trẻ nhận thức nhanh, có những trẻ nhận thức ở mức trung bình, có những trẻ nhận thức chậm. Hơn nữa khả năng nghe, nói, phát âm của các trẻ cũng không giống nhau. Nên để  100% trẻ trong lớp đều nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l tôi đặc biệt trú trọng đến từng cá nhân trẻ. Với những trẻ nhận thức tốt, khả năng ngôn ngữ tốt mà tôi đã khảo sát trước hoạt động và qua thực tế trẻ tham gia vào hoạt động tôi nhận biết được khả năng và mức độ đạt được của những trẻ đó. Thông qua hoạt động làm quen chữ viết ở hoạt động học có chủ đích trẻ đã đạt mục tiêu mà tôi đề ra. Còn những trẻ nhận thức ở mức trung bình và chậm, khả năng nghe, nói hạn chế hơn, qua khảo sát và qua thưc tế tham gia hoạt động làm quen chữ viết. Tôi luôn dành cho những trẻ đó nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn như lần lượt từng trẻ đó được phát âm, được sửa sai, được hướng dẫn cụ thể tùy theo mức độcủa từng trẻ. Với những trẻ chưa phân biệt được âm của chữ n và l, dẫn đến phát âm sai và như chúng ta thường nói là ngọng n với l. Đó là do trẻ chưa có kỹ năng lấy hơi, sử dụng khẩu hình để phát âm chuẩn. Những trẻ này được tôi hướng dẫn từng trẻ một. cụ thể như chữ n, tôi hướng dẫn trẻ khi phát âm cần miệng khép nhỏ, lưỡi thẳng và đẩy hơi ra ngoài phát âm: nờ. Khi phát âm chữ l thì miệng mở rộng hơn đẩy lưỡi cong lên chạm với hàm trên và lấy hơi đẩy râ ngoài phát âm: lờ. Khi phát âm chữ m hai môi chạm khẽ với nhau và lấy hơi phát âm ra ngoài: mờ. Cứ như vậy từng trẻ được hướng dẫn, thực hành và sửa sai cho đến khi trẻ phát âm chuẩn.

Trường hợp trẻ có khả năng phát âm chuẩn nhưng chưa phân biệt được chữ m, n, l tôi phân tích cho trẻ hiểu cấu tạo của từng chữ và cho trẻ đó ghép các nét rời tạo thành các chữ. Khi trẻ ghép nhiều lần trẻ sẽ nhớ chữ nào có một nét sổ thẳng là chữ l, chữ có một nét sổ thẳng bên trái và một nét móc trên bên phải là chữ n, chữ có một nét sổ thẳng bên trái và hai nét móc trên bên phải là chữ m.

Nếu như sự trú trọng rèn từng cá nhân trẻ không thể thực hiện hết trong giờ học có chủ đích, các giờ sinh hoạt buổi chiều chính là thời gian lý tưởng để tôi quan tâm đến những cá nhân trẻ chưa đạt. Buổi chiều trẻ có khá nhiều thời gian để tham gia các hoạt động theo ý thích. Do đó tôi thường tận dụng các buổi sinh hoạt chiều để rèn cho các cá nhân trẻ chưa đạt. Trẻ không chỉ được tôi hướng dẫn mà còn được giao lưu, thực hành với các bạn đã phát âm tốt, chính xác. Và như vậy trẻ không cảm thấy bị áp lực khi tham gia rèn luyện.

Với những cá nhân trẻ sau khi áp dụng nhiều biện pháp mà trẻ chưa tiến bộ tôi trực tiếp gặp gỡ trao đổi với phụ huynh và hướng dẫn phụ huynh cách rèn để gia đình cùng phối hợp.

  Qua thực hiện, tôi nhận thấy biện pháp chú trọng rèn cá nhân trẻ mang lại hiệu quả rõ rệt khi giúp trẻ nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l. Nếu không có biện pháp rèn cá nhân thì những trẻ còn hạn chế về khả năng phân biệt hoặc khả năng phát âm sẽ dễ bị bỏ sót, hoặc để lâu không có sự quan tâm sửa sai kịp thời sẽ trở thành thói quen trong cách phát âm của trẻ, lâu dần sẽ khó sửa. Và để biện pháp này thực hiện thành công đòi hỏi người giáo viên như tôi phải hết sức kiên trì với từng trẻ. Không nóng vội với kết quả của trẻ, phải nhẹ nhàng, gần gũi, tạo bầu không khí thân thiện với trẻ, để trẻ tham gia học tập rèn luyện một cách tự nguyện. Luôn có hình thức động viên, khích lệ kịp thời trước những tiến bộ của trẻ. Với thời gian 4 tuần, nhóm chữ m, n, l được đưa vào chủ đề Thực vật, 80% trẻ nhận biết và phát âm chính xác chữ m, n, l qua hoạt động học có chủ đích, 20% trẻ còn hạn chế trong nhận biết, phân biệt hoặc phát âm chưa chính xác âm của nhóm chữ m, n, l đã được tôi áp dụng biện pháp rèn cá nhân đã đạt kết quả theo mục tiêu đề ra.

* Giải  pháp 4:  Xây dựng môi trường chữ viết phong phú

Môi trường chữ viết là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá  việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các trường mầm non. Như vậy chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường chữ viết cho trẻ.

Môi trường giáo dục trong lớp có tác dụng tốt đến quá trình giáo dục trẻ. Để trẻ được làm quen với chữ ở mọi góc trong và ngoài lớp, tôi luôn cố gắng tạo môi trường chữ viết thật đẹp để cuốn hút ở trẻ. Khi dạy trẻ làm quen với nhóm chữ m, n, l sẽ được thực hiện ở chủ đề thế giới thực vật. Chính vì vậy việc xây dựng môi trường chữ viết cho trẻ được tôi gắn với chủ đề thực vật. Ở trong lớp tôi trang trí các góc chơi bằng chính các sản phẩm của cô và với nhiều hình ảnh ngộ ngĩnh mang hình các loại hoa quả… có tên chữa các chữ cái m, n, l. Các khẩu hiệu, tên góc, tên bảng biểu… được tôi lựa chọn theo phông chữ đúng chuẩn phù hợp, không chọn những phông chữ mang tính chất trang trí, như vậy sẽ không tận dụng được môi trường chữ viết trong lớp. Các chữ viết trong lớp phong phú về màu sắc, to nhỏ khác nhau để thu hút trẻ tìm, trẻ phát hiện, trẻ phát âm. Việc trẻ tự tìm được chữ m, n, l sau đó trẻ tự phát âm hoặc cùng bạn tìm chữ và phát âm ở môi trường chữ viết xung quanh lớp sẽ giúp khắc sâu hơn chữ cái m, n, l.

 Góc học tập - sách là nơi lí tưởng để tôi tạo nhiều cơ hội cho trẻ ôn luyện, củng cố kỹ năng nhận biết, phát âm chữ m, n, l. Trước tiên là mảng tường mở với các bài tập sáng tạo, tái tạo để cho trẻ được tự do làm các bài tập theo khả năng, sở thích của mình, tự in, tô vẽ các chữ cái m, n, l, được tự ghi tên mình, tự vẽ các câu chuyện theo trí tưởng tượng sáng tạo và kể cho các bạn nghe. Sau đó là hệ thống các loại sách truyện, tranh ảnh được xếp trên giá ở góc để trẻ xem, phát hiện, tìm chữ theo hướng dẫn của cô.

Môi trường ngoài lớp học cũng là nơi mà tôi có thể tận dụng để phục vụ cho trẻ ôn luyện củng cố chữ cái m, n, l cho trẻ. Đó chính là mảng tường, khoảng không gian ở ngoài hiên. Các chữ cái m, n, l  được tôi gắn vào các loại quả, hoa, cây, các đồ vật ngoài hiên hay gắn vào các hình dán bàn chân lên các viên gạch trên hiên để trẻ bước vào và đọc lên rất thích thú… Trẻ có thể tham gia các trò chơi vận động trên hiên với các chữ m, n, l như bật vào ô mang chữ nào thì phát âm chữ đó…

Việc xây dựng môi trường chữ viết vừa mang tính trang trí cho lớp học sinh động lại vừa có tác dụng kích thích trẻ tham gia hoạt động với môi trường,  tạo cơ hội cho trẻ được nhận biết, phát âm chữ m, n, l một cách tự nhiên đầy hứng thú. Chỉ cần người giáo viên biết khéo léo tận dụng, biết hướng trẻ tham gia và sử dụng môi trường chữ viết đó thì việc nhận biết và phát âm nhóm chữ m, n, l của trẻ được cải thiện rõ rệt.

Sau  khi áp dụng biện pháp này tôi nhận thấy trẻ hứng thú với chữ viết, ngoài tác dụng củng cố các nhóm chữ m, n, l đang học, trẻ còn được ôn luyện các nhóm chữ cũ đã học thông qua các chữ cái có trong các từ, tên gọi, trong tranh ảnh… Hơn nữa hình thức ôn luyện này tự nhiên, không gò bó, áp đặt trẻ. Trẻ có thể ôn luyện theo nhóm, cá nhân trẻ, mọi lúc, mọi nơi đôi khi không cần đến sự hiện diện của giáo viên.

  * Giải pháp 5: Tích hợp cho trẻ làm quen với chữ m, n, l ở mọi lúc, mọi nơi

 Với mong muốn nhằm nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen chữ viết, tôi luôn cố gắng tranh thủ các hoạt động trong ngày để cho trẻ làm quen chữ viết một cách hợp lí:

+ Giờ đón, trả trẻ: có thể gắn ảnh có tên của trẻ, cho trẻ gắn thứ ngày tháng… xem tranh ảnh, đọc đồng dao, chơi theo ý thích với các nguyên vật liệu tự nhiên, tự tạo để ghép chữ, xếp chữ m, n, l…Khi trẻ ghép chữ, xếp chữ trẻ sẽ ghi nhớ cấu tạo của chữ từ đó sẽ phân biệt được mặt chữ và trẻ sẽ biết được chữ đó phát âm như thế nào mới đúng.

 + Hoạt động học: Ngoài hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái ra với tất cả các hoạt động học khác, nếu có thể tôi đều lồng ghép thêm các chữ cái m, n, l thông qua các tình huống phù hợp. Ví dụ với giờ làm quen với toán, đề tài sắp xếp theo quy tắc. Tôi lồng ghép việc làm quen chữ m, n, l bằng cách yêu cầu trẻ xếp theo quy tắc xen kẽ 1-1-1 các chữ cái m, n, l. Khi đó trẻ sẽ xếp theo quy tắc mà cô yêu cầu là: m - n - l- m - n -l…và trẻ sẽ nói lên cách xếp của mình. Như vậy để thực hiện được yêu cầu của cô trẻ sẽ phải nhận biết chính xác được chữ m, n, l và biết âm của các chữ cái đó trẻ mới nói lên được cách xếp của mình.

 + Giờ hoạt động góc: các góc chơi đều có môi trường chữ cho trẻ tự tìm hiểu như làm các bài tập gắn, đính , viết và gài chữ theo mẫu v.v… Khi trẻ chơi ở các

góc nghệ thuật, góc học tập, góc phân vai…tôi sẽ thiết kế cho trẻ chơi các trò chơi có liên quan đến chữ cái m, n, l như sưu tầm, cắt các chữ cái m, n, l từ tạp chí cũ, hay tô, nối chữ cái m, n, l. Qua đó trẻ vừa tham gia trò chơi lại vừa được củng cố biểu tượng các chữ cái m, n, l

+ Giờ hoạt động ngoài trời: Ngoài trò chơi với các loại thiết bị đồ chơi sẵn có trên sân trường, tôi còn chuẩn bị thêm các loại nguyên vật liệu khác để trẻ có thể chơi theo ý thích như: xếp sỏi, hột, hạt thành các chữ cái m, n, l hoặc trẻ pha màu nước tô vẽ, tạo hình chữ m, n, l theo mẫu. Qua thực tế thực hiện tôi nhận thấy có rất nhiều trẻ thích tham gia vào nhóm chơi này và mục đích lồng ghép cho trẻ ôn luyện chữ m, n, l của tôi đã đạt được

 + Giờ ăn: giải thích các món ăn, nhận khăn thêu bằng tên trẻ. Qua đó trẻ được nghe âm của chữ m, n, l trong các tiếng, nhận biết chữ m, n, l trong tên bạn, tên mình.

+ Giờ ngủ: Trước khi ngủ có thể bật nhạc - ngâm thơ, kể chuyện cho trẻ nghe. Qua đó giúp trẻ nghe và cảm nhận âm thanh, ngôn ngữ.

+ Giờ hoạt động chiều: Đây là thời điểm trẻ hoạt động và chơi theo ý thích. Để tạo tâm thế vui vẻ, phấn khởi, hào hứng chuẩn bị ra về tôi thường tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vui nhộn có lồng ghép ôn luyện, củng cố nhận biết và phát âm chữ cái m, n, l cho trẻ như trò chơi thi ai nhanh, về đúng nhà, tìm bạn thân, hoặc các trò chơi tĩnh khắc chữ, in chữ…

Đặc biệt tôi tận dụng những lúc trò chuyện, các tình huống xảy ra hàng ngày khi thấy trẻ phát âm sai các từ ngữ có chứa âm n, l tôi sửa sai cho trẻ ngay lúc đó. Muốn phát hiện và sửa sai được cho trẻ trong các tình huống đó tôi luôn quan tâm, chú ý, lắng nghe trẻ, dành cho trẻ thời gian để trẻ thực hành, tập luyện, động viên để trẻ mạnh dạn nói, phát âm theo hướng dẫn của cô.

Hiệu quả của biện pháp này chính là tận dụng các tình huống trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ để giáo viên củng cố biểu tượng chữ m, n, l, sửa sai và rèn cho trẻ kỹ năng phát âm chính xác âm của chữ m, n, l. Sau k hi áp dụng biện pháp này tôi nhận thấy ở mọi lúc, mọi nơi trẻ đều cần đến giao tiếp bằng ngôn ngữ, giáo viên sẽ dễ dàng nhận thấy những trẻ phát âm chưa chính xác sẽ bộc lộ ra khi tương tác với bạn bè, cô giáo. Khi ấy việc sử dụng biện pháp này vô cùng hợp lí và hiệu quả.

4. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng

Sau nhiều ngày kiên trì, áp dụng các giải pháp mà tôi đã nêu trên kết quả đạt được như sau.

+ So với khi chưa áp dụng sáng kiến

Số trẻ nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l ngay sau khi được làm quen chữ cái ở giờ hoạt động chung đạt 85 % và đạt 100% sau khi kết thúc chủ đề thực vật mà trẻ đang khám phá.

Khắc phục được tình trạng trẻ nói ngọng các từ ngữ có âm n, l. Không có trẻ nói ngọng các từ ngữ có âm n, l trong giao tiếp hàng ngày tăng 30 % so với khi chưa áp dụng sáng kiến.

+ Đối với trẻ

- Trẻ có kỹ năng lấy hơi, sử dụng khẩu hình đúng cách để phát âm chính xác âm cuẩ nhóm chữ m, n, l.

- Trẻ phát âm rõ rầng, mạch lạc âm của nhóm chữ m, n, l.

- Những trẻ có thói quen phát âm sai âm của chữ n, l đã phát âm chuẩn, chính xác.

- Trẻ tự tin trong giao tiếp khi đã biết phất âm chính xác âm của nhóm chữ này.

- Sau khi áp dụng sáng kiến 100% trẻ có kỹ năng nhận biết, phân biệt được chữ cái m, n, l và phát hiện ra những bạn, người thân phát âm chưa đúng vầ biết sửa sai cho bạn, cho người thân.

+ Đối với giáo viên

- Giáo viên nắm bắt được khả năng nghe, nói, phát âm của từng trẻ.

- Giáo viên biết cách rèn kỹ năng phát âm cho trẻ hiệu quả hơn.

- Tạo cho giáo viên biết kiên trì, tin tưởng vào sự tiến bộ của trẻ.

- Giúp giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy trẻ phát âm chuẩn âm của các chữ cái trong hệ thống chữ cái Tiếng Việt.

+ Đối với phụ huynh

Tạo được sự phấn khởi đối với phụ huynh khi trẻ nhận biết được chữ cái đặc biệt là những phụ huynh nói ngọng chữ n, l và không biết cách rèn con em mình nói chuẩn.

+ Ứng dụng

Sáng kiến được áp dụng với nhóm chữ m, n, l và có thể áp dụng với các nhóm chữ khác trong hệ thống Tiếng Việt vẫn đạt được hiệu quả cao, giúp cho các giáo viên mầm non phụ trách chăm sóc giáo dục trẻ lớp 5-6 tuổi có thêm phương pháp để áp dụng vào quá trình tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với chữ viết đạt kết quả cao.

Sáng kiến này được tôi áp dụng với lớp 5 tuổi B của trường mầm non Tiến Dũng. Đó là sự trải nghiệm và đúc rút qua thực tiễn giảng dạy của tôi. Vì vậy sáng kiến có thể áp dụng với các lớp 5 tuổi khác trong trường và với các trường mầm non khác.

PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Giai đoạn trẻ lứa tuổi mầm non là giai đoạn mà trẻ đang phát triển mạnh về ngôn ngữ. Việc dạy trẻ nghe, nói, diễn đạt là hết sức quan trọng. Khi trẻ đã có những kỹ năng này thì trẻ có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập, vui chơi… điều đó góp phần giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Do đó người giáo viên phải nhận thức được vai trò của mình trong việc dạy trẻ các kỹ năng đó đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi có sự chuẩn bị vào lớp 1. Nếu người giáo viên không nhận thức đúng đắn, không xác định đúng mục tiêu và có phương pháp phù hợp trong giáo dục trẻ đặc biệt là phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của trẻ sau này ở các bậc học tiếp theo. Nhận biết và phát âm chuẩn 29 chữ cái trong Tiếng Việt không thể coi nhẹ và thực hiện qua loa được. Nhiều giáo viên không kiên trì trong việc dạy trẻ nhận biết và phát âm chữ cái, vẫn còn để trẻ nhận biết theo khả năng của trẻ và phó thác cho gia đình trẻ. Nhiều trẻ sau 5-6 tuổi sau khi kết thúc năm học vẫn chưa thuộc hết mặt chữ cái, nhiều chữ còn phát âm sai, chưa chuẩn. Nguyên nhân do các giáo viên đó chưa có sự đầu tư sáng tạo, tìm tòi ra các phương pháp để rèn trẻ hiệu quả, đặc biệt là những nhóm chữ khó phát âm, những nhóm chữ trẻ hay nhầm lẫn.

Chính vì vậy với sáng kiến này của tôi đã góp phần giúp các giáo viên phụ trách chăm sóc giáo dục trẻ lứa tuổi 5-6 tuổi đang bế tắc trong cách rèn các nhóm chữ khó phát âm, hay nhầm lẫn trong đó có nhóm chữ m, n, l có nhiều biện pháp để áp dụng vào trẻ của nhóm mình phụ trách. Mỗi một biện pháp trong sáng kiến có thể không xa lạ với những giáo viên có nhiệm vụ dạy trẻ làm quen với chữ viết nhưng trong quá trình thực hiện áp dụng các biện pháp đó mới thấy sự khác biệt. Các biện pháp được xây dựng theo một thể thống nhất, biện pháp này liên quan, hỗ trợ cho biện pháp kia. Muốn trẻ đạt được kết quả toàn diện cần hiểu được bản chất của từng giải pháp và biết cách áp dụng chúng. Từ việc làm đầu tiên, đơn giản nhưng cần thiết và không thể thiếu đó là khảo sát trẻ. Nhiều giáo viên có thể cũng khảo sát trẻ nhưng cách khảo sát như thế nào, khảo sát điều gì thì chỉ là làm cho có và mang tính qua loa. Bản chất của biện pháp khảo sát trẻ chính là hướng dẫn người giáo viên nội dung khảo sát, cách thức khảo sát đúng trọng tâm, tận dụng các tình huống để khảo sát vừa nắm bắt được khă năng của trẻ lại vừa tiết kiệm thời gian, đồng thời đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện với 100% trẻ trong lớp, không được bỏ sót trẻ nào. Nhiều bài học cho thấy việc khảo sát qua loa, bỏ sót dẫn đến nhiều cá nhân trẻ có hạn chế không được giáo viên quan tâm, tương tác phù hợp, các kỹ năng trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ còn hạn chế.

Khi đã khảo sát trẻ rồi trẻ người giáo viên cần tổ chức dạy trẻ làm quen với chữ m, n, l thông qua hoạt động chủ đích sao có hiệu quả nhất. Việc chuẩn hóa kiến thức đạt được rất cao thông qua hoạt động học có chủ đích. Bản chất của giải pháp thứ 2 chính là giúp người giáo viên cách tổ chức hoạt động học làm quen với chữ viết khoa học, hiệu quả từ việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đồ dùng cho hoạt động đến các hình thức tổ chức sao cho thu hút trẻ. Chính vì vậy người giáo viên không thể coi nhẹ việc xây dựng kế hoạch cho hoạt động có chủ đích. Kế hoạch tốt sẽ là con đường đường dẫn tới thành công của mọi việc. Bên cạnh đó, việc vận dụng linh hoạt, khéo léo các phương pháp giáo dục của giáo viên cùng với việc sử dụng đồ dùng có hiệu quả cùng với cách xử lí tình huống trong việc tổ chức hoạt động học có chủ đích sẽ giúp giáo viên đạt được mục tiêu đề ra của kế hoạch.

 Giải pháp rèn cá nhân trẻ đòi hỏi người giáo viên quan tâm đến từng cá nhân trẻ mới biết trẻ nào phát âm tốt, trẻ nào phát âm chưa đúng, chưa rõ.., để từ đó có biện pháp rèn riêng phù hợp cho từng trẻ. Giải pháp này nhắc nhở giáo viên phải biết tôn trọng sự khác biệt của từng trẻ mà không được đề ra yêu cầu quá cao với tất cả mọi trẻ. Khi rèn cá nhân trẻ không thể ép trẻ phải đạt kết quả như các bạn trong lớp ngay mà cần phải cho trẻ thời gian và cơ hội. Sự động viên và khích lệ khi sử dụng giải pháp này là không thể thiếu được. Sự kiên trì và cổ vũ, động viên kịp thời của giáo viên sẽ giúp trẻ tiến bộ trong các hoạt động nói chung và trong nhận biết phát âm cái m, n, l nói riêng

Xây dựng môi trường chữ viết hay dạy trẻ làm quen chữ viết mọi lúc, mọi nơi là các giải pháp giúp giáo viên biết tận dụng môi trường giáo dục, các tình huống giáo dục để làm tốt nhiệm vụ dạy trẻ nhận biết và phát âm chính xác âm của chữ m, n, l đạt hiệu quả.  

Sáng kiến cũng góp phần xóa đi những suy nghĩ không thể sửa lỗi phát âm nói ngọng chữ  n, l cho trẻ và để trẻ lớn lên, trẻ hiểu biết mới sửa được. Khi áp dụng các biện pháp trong sáng kiến mà tôi đề ra hoàn toàn có thể sửa được lỗi phát âm của trẻ bằng cách cô phát âm mẫu chuẩn và hướng dẫn trẻ cách lấy hơi, sử dụng lưỡi khi phát âm đúng cách, rồi cho trẻ thực hành nhiều lần…

Sáng kiến góp phần vào việc rèn luyện những phẩm chất quan trọng cho người giáo viên như tính kiên trì, yêu thương, tôn trọng trẻ, hết lòng vì trẻ mới có thể giúp trẻ thực hiện tốt những yêu cầu học tập, từ đó mới giúp trẻ có được kiến thức đạt chuẩn theo độ tuổi quy định.

Sáng kiến đã góp phần nâng cao chất lượng lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi và chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1. Nhận biết và phát âm chính xác các âm của các chữ cái trong Tiếng Việt của trẻ từ bậc học mầm non góp phần to lớn vào việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt.

2. Kiến nghị

* Đối với giáo viên

- Nhóm chữ m, n, l là nhóm chữ khó nhận biết, phân biệt và phát âm đối với trẻ. Chính vì vậy để trẻ phát âm chính xác các chữ cái n, l thì bản thân mỗi giáo viên phải có kỹ năng phát âm chuẩn mới có thể rèn cho trẻ được. Giáo viên phải tự bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ giáo dục trẻ.

- Muốn 100% trẻ đạt được kết quả mong đợi khi tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen chữ cái m, n, l thì giáo viên phải kiên trì khi rèn trẻ đặc biệt là những trẻ kỹ năng phát âm hạn chế.

 * Đối với nhà trường

- Hiện nay vẫn còn tình trạng một số giáo viên “nói ngọng” các từ có chứa âm n, l. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ hàng ngày khi giao tiếp với cô giáo. Đề nghị nhà trường có biện pháp để các cô sửa lỗi phát âm đó.

Trên đây là sáng kiến về “Một số giải pháp rèn kỹ năng nhận biết và phân biệt chữ cái m, n, l cho trẻ lớp mẫu giáo 5-6 tuổi B trường Mầm non Tiến Dũng” mà tôi đã nghiên cứu và ứng dụng tại lớp mẫu giáo 5- 6 tuổi B trường mầm non Tiến Dũng. Qua bản sáng kiến không tránh khỏi những sai sót, tôi mong Hội đồng thi đua chấm sáng kiến kinh nghiệm giúp đỡ để tôi thực hiện tốt hơn nữa./.

Tôi xin chân thành cảm ơn !

             Tiến Dũng, ngày 26 tháng 5 năm 2020

                                                                                     Dương Thị Thoa

Video liên quan

Chủ Đề