Đánh giá thí nghiệm khoa học cho trẻ mầm non

Khám phá khoa học là một trong những môn học mà trẻ thấy hứng thú và ưa thích nhất trong tất cả các môn học của lứa tuổi mầm non. Bởi khám phá đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của trẻ giúp trẻ được là chính mình, được đặt ra câu hỏi, được trả lời câu hỏi, được tự tay mình làm nên điều kì diệu như trong câu chuyện cổ tích mà chính trẻ cũng không ngờ đến

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

     I. Lí do chọn đề tài:

     Khám phá khoa học là một trong những môn học mà trẻ thấy hứng thú và ưa thích nhất trong tất cả các môn học của lứa tuổi mầm non. Bởi khám phá đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của trẻ giúp trẻ được là chính mình, được đặt ra câu hỏi, được trả lời câu hỏi, được tự tay mình làm nên điều kì diệu như trong câu chuyện cổ tích mà chính trẻ cũng không ngờ đến. Vì vậy trong chương trình giáo dục mầm non môn khoa học được đổi tên thành “Khám phá khoa học”. Môn học này giúp trẻ hình thành các nhận thức về sự vật hiện tượng xung quanh và quan trọng hơn là sự giáo dục thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên, với xã hội cho trẻ. Đồng thời môn học còn giúp trẻ phát triển toàn diện và hình thành các kỹ năng quan sát, tư duy, phân tích, tổng hợp khái quát các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ. Xã hội ngày càng tiên tiến, ngày càng văn minh bởi sự phát triển của khoa học và công nghệ, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục mầm non nói riêng cũng không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung dạy học để đáp ứng nhu cầu dân trí của thời đại. Chương trình đổi mới cho phép người giáo viên phát huy hết khả năng linh hoạt và sáng tạo của mình trong công việc vận dụng những hiểu biết, những tri thức khoa học vào việc giáo dục trẻ. Hơn thế, nhờ những thí nghiệm có tính minh chứng này, chúng ta có thể áp dụng vào việc giảng dạy để giải thích cho trẻ một cách rõ ràng và thuyết phục về đặc tính của sự việc, hiện tượng đáp ứng được nhu cầu khám phá của trẻ, vừa kích thích khả năng tư duy tiềm ẩn trong mỗi cá thể trẻ, vừa giúp cho trẻ có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn và khoa học hơn.

     Khi nghe nói đến “Trẻ mầm non khám phá khoa học” mọi người đều rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: “Trẻ mầm non khám phá cái gì?” Tôi cũng muốn phụ huynh trẻ trải nghiệm và trả lời câu hỏi đó bằng cách đã mời phụ huỳnh cùng tham gia giờ học “Khám phá khoa học” và dự giờ một số hoạt động khoa học của lớp mình. Đặc biệt là để chuẩn bị cho những giờ thí nghiệm tôi tìm hiểu kỹ xem đề tài nào phù hợp với trẻ và những kỹ năng, thao tác thí nghiệm nào phù hợp với lớp mình và tạo thành các hoạt động khám phá cho trẻ mẫu giáo bé. Tôi và trẻ cùng tham gia thí nghiệm, cùng chơi, cùng trải nghiệm và kết quả là các cháu thích học, tiết học vô cùng sinh động và đặc biệt với thí nghiệm đơn giản luôn tạo cho trẻ sự hứng thú, kích thích trẻ tích cực hoạt động, phát triển ở trẻ tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, phát triển óc quan sát, phán đoán và các năng lực hoạt động trí tuệ, từ đó mà nâng cao hiệu quả của quá trình tìm hiểu môi trường xung quanh.

     Quả đúng như vậy ở độ tuổi này cái mà các cháu cần chính là sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Vì vậy, tôi càng cố gắng học hỏi, cố gắng tìm tòi tham khảo qua sách báo, qua mạng để những tiết học: “Khám phá” được sinh động, hấp dẫn mới mẻ với trẻ, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu học mà chơi, chơi mà học cho trẻ những giờ thí nghiệm thật vui, thật bổ ích những gì trẻ suy nghĩ, những gì trẻ băn khoăn đều có câu trả lời xác thực. Trẻ phải suy nghĩ, phải bàn luận và đưa ra kết quả của mình, đối với người lớn điều đó tưởng chúng nhỏ bé, giản đơn, nhưng đối với trẻ đó là một quá trình lao động, suy nghĩ và làm việc rất sôi nổi. Thế nên tôi thấy tiết học “Khám phá khoa học” thực sự cần thiết cho trẻ mầm non. Bởi những điều hấp dẫn và thú vị ấy nên tôi xin được chia sẻ đề tài “Một số biện pháp ứng dụng thí nghiệm khoa học vào Hoạt động Khám phá cho trẻ Mẫu giáo bé 3-4 tuổi”.

     II. Mục đích nghiên cứu:

     Nhằm tìm ra những biện pháp sử dụng thí nghiệm, trò chơi hấp dẫn để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất hình thành những kiến thức về khoa học một cách chính xác và bền vững, khắc phục phần lớn những khó khăn chung đồng thời phát huy cao nhất được tính tích cực của trẻ.

     III. Đối tượng nghiên cứu:

     Đối tượng nghiên cứu là trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi [lớp C2] .

     IV. Kế hoạch nghiên cứu:

- Chọn đề tài                          : Từ tháng 11/2018 - Tháng 12/ 2018

- Xây dựng đề cương              : Từ tháng 11/2018 - Tháng 12/ 2018

- Sửa đề cương                       : Từ tháng 12/2018 - Tháng 01/ 2019

- Hoàn thiện các biện pháp    : Từ tháng 01/2019 -Tháng 02/ 2019

- Viết sáng kiến kinh nghiệm : Từ tháng 02/2019 - Tháng 03/ 2019

- Hoàn thiện sáng kiến           : Tháng 04/2019

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

      I. Cơ sở lý luận

     Trước tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục mầm non nói riêng cũng không ngừng nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung dạy học để đáp ứng nhu cầu dân trí của thời đại. Chương trình đổi mới cho phép người giáo viên phát huy hết khả năng linh hoạt và sáng tạo của mình trong việc vận dụng những hiểu biết, những tri thức khoa học vào việc giáo dục trẻ. Từ những tính chất vật lí, hoá học của những sự vật hiện tượng quen thuộc trong tự nhiên mà chúng ta có thể tiến hành những thí nghiệm nhỏ,những trò chơi khoa học vui. Qua đó, trẻ mầm non bắt đầu được tìm hiểu những điều kì thú trong thế giới xung quanh, được tận mắt nhìn thấy những biến hoá của sự vật hiện tượng mà có lẽ trẻ tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Hơn thế, nhờ những thí nghiệm có tính minh chứng này, chúng ta có thể áp dụng vào trong giảng dạy để giải thích cho trẻ một cách rõ ràng và thuyết phục về đặc tính của sự vật hiện tượng, đáp ứng được nhu cầu khám phá của trẻ, vừa kích thích khả năng tư duy tiềm ẩn trong mỗi cá thể trẻ. Từ đó giúp trẻ có nhiều kiến thức về hoạt động khám phá.

     II. Cơ sở thực tiễn

     1. Tình hình chung:

 - Địa bàn trường mầm non nơi tôi đang công tác có trình độ dân trí đa dạng, nhân dân hiếu học, Đảng và chính quyền, địa phương luôn coi trọng việc xây dựng và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.

 - Trường mầm non nơi tôi đang công tác là 1 trường nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiến tiến” và đã được phong tặng danh hiệu trường “Chuẩn quốc gia” năm học 2016-2017.

- Đặc biệt trường đã đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến xuất sắc” về thể dục thể thao trong 3 năm liên tiếp từ 2015-2018.

- Cơ sở vật chất của trường khang trang, thoáng, đẹp. Có sân chơi rộng, có khu vui chơi vận động, nhiều cây xanh, tạo điều kiện để trẻ hoạt động và vui chơi.

- Năm học 2018-2019 tôi được nhà trường phân công dạy lớp Mẫu giáo bé 3-4 tuổi với tổng số trẻ là 37 cháu, trong đó có 20 nữ, 17 nam. Lớp có 3/3 cô có trình độ chuyên môn đều đạt trên chuẩn, nắm được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

     Với đặc điểm, tình hình nêu trên, khi thực hiện đề tài: “Một số biện pháp ứng dụng thí nghiệm khoa học vào Hoạt động Khám phá cho trẻ Mẫu giáo bé 3-4 tuổi” tôi đã gặp một số thuận lợi và khó khăn sau.

     2. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm của phòng Giáo Dục và đào tạo, sự quan tâm Ban giám hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và luôn quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ, chỉ đạo sát sao về chuyên môn, luôn đóng góp ý kiến để nâng cao hình thức, nghệ thuật giảng dạy.

- Bản thân tôi là một giáo viên luôn nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có năng lực sư phạm bên cạnh đó tôi cũng rất thích những hoạt động thí nghiệm, thích tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh. Với tình yêu nghề mến trẻ, hăng say trong công việc tôi luôn nghiên cứu tìm tòi phương pháp giáo dục để trẻ lĩnh hội được kiến thức một cách tốt nhất, hiệu quả nhất thông qua hoạt động khám phá các thí nghiệm theo cách tốt nhất.       

- Phụ huynh lớp tôi đa phần rất nhiệt tình, tạo điều kiện cho cô và trẻ thực hiện các buổi hoạt động khám phá, tích cực tham gia trao đổi, trò truyện cùng cô giáo về tình hình trẻ đã làm được các kĩ năng và nhận thức ở trên lớp, ở nhà để cô giáo và phụ huynh có biện pháp giáo dục trẻ tốt hơn.    

     3. Khó khăn:

- Do đặc thù của công việc nên giáo viên có rất ít thời gian để sưu tầm, làm thử các thí nghiệm khoa học.

- Trẻ ở tuổi mầm non còn nhỏ chưa có kiến thức sâu rộng về các hiện tượng cũng như là sự biến đổi kỳ diệu của các chất, của các thí nghiệm.

     III. Các biện pháp thực hiện:  

     1. Biện pháp 1: Xây dựng cơ sở vật chất

      Khám phá khoa học không chỉ nói và phân tích là đưa ra được kết quả. Đặc biệt đối với trẻ mầm non, phải sử dụng đồ dùng trực quan và hành động, việc làm cụ thể mới thu hút được sự chú ý, tìm tòi của trẻ. Để làm được bất kì thí nghiệm nào đều cần phải có đầy đủ đồ dùng, dụng cụ của thí nghiệm đó. Hiểu rõ được tầm quan trọng của cơ sở vật chất trong việc tạo ra các thí nghiệm trực tiếp cho trẻ quan sát, ngay từ đầu năm học tôi đã thực hiện một số việc sau:

- Khảo sát cơ sở vật chất ngay từ khi được nhận lớp.

- Được nhà trường cung cấp cho một số đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho các giờ khám phá được sinh động và hấp dẫn. Trẻ thích thú với các đồ dùng hiện đại giúp trẻ hứng thú hơn trong hoạt động.

- Phối hợp với phụ huynh trong lớp bổ sung thêm một số đồ dùng phục vụ môn khám phá khoa học: Kính lúp, nam châm, tranh ảnh đặc thù…

- Tạo môi trường lớp học ngăn nắp gọn gàng, sắp xếp khoa học, sử dụng các sản phẩm của trẻ để trang trí lớp.

- Sưu tầm tranh ảnh, nhạc, video thực hành các thí nghiệm, các hình ảnh khám phá khoa học ngộ nghĩnh phù hợp với trẻ để trang trí lớp.

     2. Biện pháp 2: Hướng dẫn trẻ làm thí nghiệm trong các hoạt động hàng ngày.

     Làm thí nghiệm ở trường mầm non được chúng tôi hướng dẫn trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Bởi nếu như khám phá chỉ được dạy ở một hoạt dộng trong tuần thì quá ít. Nó không thể nào kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Chính vì vậy tôi đã đưa những thí nghiệm đó lồng ghép vào các hoạt động hàng ngày như: hoạt động góc, hoạt động ngoài trời để trẻ được trải nghiệm, thí nghiệm nhiều.

     2.1. Trong giờ hoạt động học:

     a. Nến cháy nhờ gì?

* Mục đích – Yêu cầu:

- Cần cho trẻ nhận biết không khí xung quanh.

- Trẻ nhận biết nến cháy nhờ có khí ôxi. Khi khí ôxi hết thì nến sẽ bị tắt.

* Chuẩn bị:

- Nến, bật lửa, đất sét dẻo, chậu nước.

- Vại thuỷ tinh lớn và nhỏ.

* Tiến hành:

Bước 1:

- Cho trẻ quan sát và gọi tên các đồ dùng của cô đã chuẩn bị.

- Hỏi trẻ: gắn nến lên đĩa bằng cách nào?

- Sau khi gắn xong đặt đĩa nến vào 1 cái chậu.

Bước 2:

- Cô đổ nước vào trong chậu . Nến phải cao hơn so với mặt nước. Hỏi trẻ: vì  sao cây nến phải cao hơn mặt nước?[để khi đốt nến, nến  không bị nước làm tắt ]

- Cô lấy vại thuỷ tinh  nhỏ [ cao hơn cây nến ]. Gắn vào mép lọ 2 cục đất sét to.

- Hỏi trẻ: cô sẽ làm gì tiếp?

Bước 3: Cô thắp nến lên.

Cô đặt úp lọ thuỷ tinh  lên cây nến. Dùng bút lông đánh dấu mặt nước dâng lên trong lọ thuỷ tinh.

- Hỏi trẻ: vì sao phải gắn đất sét vào miệng lọ thuỷ tinh? [để nước tràn vào lọ]

- Cho trẻ quan sát hiện tượng xảy ra: cây nến cháy một lúc rồi sẽ tắt. Và nước trong lọ sẽ dâng cao lên trong lọ thuỷ tinh.

* Giải thích: khi nến cháy,nó chỉ lấy khí oxi trong lọ. Khi khí oxi cháy hết thì nến tắt, nước bị khí áp bên ngoài đẩy lên trong lọ.

- Cho trẻ thí nghiệm tương tự với lọ thuỷ tinh nhỏ hơn và to hơn. Quan sát và rút ra kết luận.

     b. Các lớp chất lỏng:

* Mục đích - Yêu cầu:

- Trẻ biết phân biệt lớp chất lỏng  khác nhau: dầu, nước, siro.

- Nhận biết lớp siro nặng hơn nước nên chìm xuống dưới. Lớp dầu nhẹ hơn nước và siro nên nổi lên trên cùng. Còn lớp nước ở giữa

- Nhận biết một số chất liệu: nhựa, gỗ, kim sắt, cao su nổi ở lớp chất lỏng nào : nước, siro, dầu để rút ra kết luận.

* Chuẩn bị:

- 1 chai dầu ăn, 1 chai nước, 1 chai siro, 3 ly thuỷ tinh, khay.

- Các vật liệu:cao su, sỏi, đồ nhựa, sắt.

- Các thẻ màu đỏ ,trắng, vàng.

* Tiến hành:

Bước 1:

- Cho trẻ quan sát và gọi tên 3 chai chất lỏng: dầu, nước, siro.

- Mỗi chất lỏng cô dùng 1 miếng nhựa màu tương ứng với màu chất lỏng: miếng nhựa đỏ, vàng, trắng.

Bước 2:

- Cho trẻ chọn chất lỏng thứ 1 nào đổ vào ly trước. Và chọn miếng nhựa có màu tương ứng gắn lên bảng.

- Cô cho trẻ chọn chất lỏng thứ 2 và đổ vào ly. Và trẻ tự đoán nó sẽ đứng ở chỗ nào trong cái ly. Chọn thẻ nhựa có màu tương ứng gắn tiếp lên bảng. Cô cho trẻ quan sát lớp chất lỏng thứ 2 nó đứng ở vị trí nào trong cái ly có đúng như dự đoán của trẻ không.

- Làm tương tự  với chất lỏng thứ 3.

- Cho trẻ quan sát vị trí các lớp chất lỏng ở trong ly để rút ra kết luận: [lớp siro nặng hơn nước nên chìm xuống dưới cùng. Lớp nước nhẹ hơn siro nhưng nặng hơn dầu nên ở giữa. Lớp trên cùng là lớp dầu vì nhẹ hơn lớp nước và lớp siro].

Bước 3:

Cho trẻ chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm tự  chọn vị trí xếp thẻ nhựa khác với lúc đầu. Rồi mỗi nhóm sẽ đổ thứ tự các lớp chất lỏng theo như đã chọn và mang ly chất lỏng vừa đổ lên cùng quan sát xem các lớp chất lỏng có đứng ở đúng vị trí đó không?

- Trẻ tự rút ra kết luận: chất lỏng dù đổ loại nào trước thì nó vẫn đứng theo thứ tự siro, nước, dầu. Và trẻ lên gắn lại thứ tự thẻ nhựa theo đúng vị trí các chất lỏng trong ly.

*Mở rộng: Cho trẻ thả một số vật: cao su, nhựa, sỏi, gỗ, sắt và quan sát xem nó nổi hoặc chìm ở lớp chất lỏng nào và tự rút ra kết luận.

     2.2. Trong giờ hoạt động ngoài trời:

     a. Làm một cầu vồng:

* Mục đích - Yêu cầu:

- Ánh sáng đi xuyên qua nước[ chất trong suốt].

* Chuẩn bị:

- Một cái chậu, 1 miếng bìa trắng.

- Kính soi, kính lúp.

* Tiến hành:

Bước 1:

- Chọn 1 ngày trời nắng, đổ nước đầy vào trong 1 cái chậu.

- Để cái gương vào trong chậu nước. Để làm sao cho ánh sáng mặt trời rọi vào trong gương.

Bước 2:

- Đưa miếng bìa trắng ra trước cái gương và di chuyển nó cho đến khi cầu vồng xuất hiện trên tấm bìa [ hoặc điều chỉnh vị trí gương cho đúng]. Khi gương và tấm bìa đã đúng vị trí , ta có thể dùng đất sét gắn chặt cái gương lại.

- Hỏi trẻ:  thấy hình gì trên tấm bìa?

- Khi nào thì mới có cầu vồng?

* Giải thích: ánh sáng mặt trời rọi vào cái gương qua lớp nước bị tách ra thành các luồng sáng [ các màu ], phản chiếu ngược lại lên tấm bìa khiến ta nhìn thấy 1 hình ảnh giống như cầu vồng.

Bước 3:

- Thử thêm: để 1 kính lúp vào giữa gương và tấm bìa.

- Cho trẻ quan sát hiện tượng: cầu vồng biến mất.

* Giải thích: do ánh sáng phản chiếu lên tấm bìa bị chặn bởi kính lúp tạo thành một luồng sáng trắng [ mất màu ] nên cầu vồng biến mất.

     b.Thả cá vào chậu:

* Mục đích - Yêu cầu:

- Trẻ nhận biết với tốc độ nhanh, ánh sáng có thể làm ta không nhận rõ được các vật.

* Chuẩn bị:

- Vẽ hình 1 con cá và 1 cái chậu lên 2 mặt bìa hình tròn bằng nhau.

- 1 cây que, băng keo.

* Tiến hành:

Bước 1:- Dùng băng keo dán dính 2 miếng bìa con cá và cái chậu , kẹp cây que ở giữa.

Bước 2:

- Kẹp cây que vào lòng bàn tay. Xoay que chạy tới chạy lui thật nhanh. Kết quả là con cá xuất hiện trong cái chậu.

- Có thể cho trẻ làm nhiều hình khác nhau: con chim và cái lồng, con khỉ và cành cây.

     2.3. Trong giờ hoạt động góc:

a. Cuộc chạy đua cua ba cây nến:

* Mục đích - Yêu cầu:

- Cần cho trẻ nhận biết không khí xung quanh.

- Trẻ nhận biết nến cháy nhờ có khí ôxi. Khi khí ôxi hết thì nến sẽ bị tắt.

- Trẻ rút được ra nhận xét : cây nến nào cháy lâu nhất, tại sao ?

* Chuẩn bị :

- 3 cây nến, bật lửa.

- 2 vại thuỷ tinh lớn và nhỏ.

* Tiến hành:

Bước 1:

- Cho trẻ quan sát và gọi tên các đồ dùng của cô đã chuẩn bị.

- Hỏi trẻ: gắn cây nến lên đĩa bằng cách nào?

- Khi gắn xong đặt 1 đĩa nến ở ngoài, 1 đĩa còn lại được đậy bởi 1 cái vại nhỏ.

- Cô hỏi trẻ : hiện tượng gì xảy ra ? cây nến nào cháy lâu hơn ?

Bước 2:

- Cô tiếp tục đốt 1 cây nến nữa và úp lên bởi cái vại lớn. Cô hỏi trẻ : hiện tượng gì xảy ra ? cho trẻ dự đoán cây nến nào cháy lâu nhất trong 3 cây nến ?

Bước 3:

- Cô cho trẻ quan sát cho đến khi 2 cây nến ở trong vại tắt dần. Cho trẻ rút ra kết luận.

* Giải thích : Cây nến với nhiều không khí xung quanh có thể tiếp tục cháy sau khi hai cây nến ở trong vại đã tắt. Cây nến trong vại lớn có nhiều không khí hơn nên sẽ cháy lâu hơn cây nến trong vại nhỏ. \

     b. Thí nghiệm quả trứng quay:

* Mục đích - Yêu cầu :

- Trẻ nhận biết khi một vật đứng yên rồi bất ngờ chuyển động sẽ ngã về phía sau. Hoặc khi đang chạy dừng lại đột ngột thì sẽ bị chúi về phía trước [quán tính].

* Chuẩn bị:

- 1 quả trứng luộc và 1 quả trứng sống.

-  2 cái dĩa [2 khay].

* Tiến hành:

Bước 1:

- Cho trẻ quay tròn cùng lúc 2 cái trứng sống và luộc

- Cho trẻ quan sát và đoán xem là quả trứng sống hay quả trứng luộc quả nào quay lâu hơn [quả trứng quay lâu hơn là quả trứng luộc]

* Giải thích: lòng đỏ [trứng sống] có ruột là một khối chất lỏng sẽ dễ bị dồn về trước hoặc sau khi quay hơn lòng đặc [trứng luộc]. Sự kiện này làm chậm quả trứng sống lại nên nó ngừng quay trước quả trứng luộc.

Bước 2:

- Cho trẻ quay cùng lúc 2 quả trứng rồi dùng tay giữ chúng lại rồi thả ngay ra.

- Cho trẻ quan sát và đoán xem quả trứng nào quay lâu hơn [quả trứng sống quaylâu hơn, quả trứng luộc thì đứng yên]

* Giải thích: khi chặn 2 quả trứng lại và thả ra thì chất lỏng trong quả trứng sống vẫn còn chuyển động. Sự vận chuyển này khởi động cho quả trứng quay lại.

* Mở rộng:

Khi đi xe, nếu xe khởi động đột ngột. Sức quán tính của bạn kéo bạn giật ngược lại đằng sau [bạn chưa chuyển động và thân thể bạn muốn ở yên]. Nếu người lái xe dừng lại đột ngột, bạn sẽ bị chúi người về phía trước [vì quán tính của bạn cưỡng lại sự dừng, thân thể bạn không muốn dừng chuyển động]. Nịt ghế giúp giữ cho bạn vượt qua sức quán tính của bản thân và giữ chặt bạn với ghế ngồi.

     3. Biện pháp 3: phối kết hợp giữa cô giáo và phụ huynh.

- Đối với trẻ mầm non dễ nhớ lại nhanh quên, nếu không được luyện tập thường xuyên thì sau 2-3 ngày trẻ sẽ không nhớ được những điều cô dạy, hay chỉ nhớ chút ít. Vì thế tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh vào giờ đón trả trẻ để hiểu thêm về các con và phụ huynh cũng biết con mình được học gì và giúp con luyện tập thêm hay thực hiện một số thí nghiệm đơn giản ở nhà. Để bố mẹ và các con cùng được thử sức với thí nghiệm đó, bố mẹ cùng con cái chơi và làm thí nghiệm thì chắc chắn trẻ sẽ rất vui và thích thú. Vì vậy sau mỗi giờ học thí nghiệm tôi luôn ghi lại những đồ dùng cách thực hiện thí nghiệm đơn giản mà phụ huynh có thể chuẩn bị được để thực hiện ngay tại nhà. Tôi giới thiệu những thí nghiệm trẻ đã được làm trên lớp cho phụ huynh nắm rõ và về nhà cho trẻ thực hiện và trẻ được ôn luyện củng cố sâu hơn.

     4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm:

     Kết quả đánh giá sự phát triến của trẻ cuối năm đạt được như sau:

     Bảng tổng hợp kết quả khảo sát, đánh giá trẻ

STT

Hoạt động khám phá

Đầu năm

Cuối năm

Đạt

Chưa đạt

Đạt

Chưa đạt

1

Tư duy và khả năng phán đoán

Số lượng

17/37

20/37

33/37

4/37

Tỉ lệ %

45,9%

54,1%

 89,2%

10,8%

2

Kỹ năng hợp tác

Số lượng

19/37

18/37

34/37

3/37

Tỉ lệ %

51,4%

48,6%

91,9%

8,1%

3

Kỹ năng giao tiếp

Số lượng

15/37

22/37

33/37

4/37

Tỉ lệ %

40,5%

59,5%

89,2 %

10,8%

4

Sự tự tin

Số lượng

18/37

19/37

36/37

1/37

Tỉ lệ %

48,6%

51,4%

97,3%

2,7%

5

Kỹ năng giữ an toàn cá nhân

Số lượng

16/37

21/37

34/37

3/37

Tỉ lệ %

43,2%

56,8%

91,9%

8,1%

* Về phía trẻ:

- Cuối năm học trẻ lớp tôi có sự chuyển biến rõ nét, các cháu rất yêu thích bộ môn khám phá, có khả năng nhận biết, phán đoán 1 số sự vật hiện tượng  khá tốt.

- Trẻ tự tin khi giao tiếp, hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện tinh thần đồng đội, biết chia sẻ, cư xử với nhau một cách thân thiện, biết giải quyết vấn đề, Và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như: tính kiên trì, tính trung thực, biết nhường nhịn. Trẻ tự tin tham gia vào các hoạt động của trường, lớp. Điều này chứng minh rằng việc cho trẻ tham gia các hoạt động thí nghiệm, trẻ thực hành trải nghiệm cùng với các phương thức sử dụng đa dạng, linh hoạt đã giúp trẻ có kiến thức cho mình về các sự vật hiện tượng trong cuộc sống.

- Thông qua các hoạt động làm thí nghiệm trẻ không chỉ được phát triển nhận thức mà còn được phát triển các mặt khác:

+ Về mặt tình cảm quan hệ xã hội: Qua buổi hoạt động thí nghiệm như vậy trẻ rất phấn khởi vì được cùng nhau trực tiếp làm những thí nghiệm, được giao lưu với cô giáo và các bạn, tạo cho trẻ tính hợp tác và có kĩ năng xử lí tình huống.

+ Về mặt phát triển ngôn ngữ: Trẻ biết trao đổi với nhau về một vẫn đề, biết chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết với nhau, biết suy đoán những hiện tượng sắp xảy ra. Nắm được những điều giáo viên nói và biết đặt những câu hỏi “Tại sao”: Tại sao cây nến đó cháy lâu nhất?

+ Về mặt thể chất: Trẻ được trực tiếp làm những thí nghiệm đó nên trẻ sẽ biết cách sử dụng đồ dùng an toàn và hợp lý.

* Về phía giáo viên:

- Sau khi tiến hành những biện pháp trên tôi đã tạo được môi trường học tập và vui chơi cho trẻ trong và ngoài lớp có khoa học. . Giáo viên yên tâm, phấn khởi, có kinh nghiệm hơn, biết cách lập kế hoạch  khi tổ chức các hoạt động khám phá.

- Bổ xung được nhiều đồ dùng, đồ chơi cho tiết dạy.

* Về phía phụ huynh:

- Phụ huynh hưởng ứng, thường xuyên trao đổi và cùng phối kết hợp với giáo viên để cùng giúp con mình học tốt hơn và rất tin tưởng cô giáo bởi họ tự nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của con mình.

- Một số phụ huynh trước đây có sự giáo dục khập khiễng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, không cho con làm những việc mà giáo viên giao cho trẻ thực hiện khi về nhà nay đã nhận thức được vấn đề, họ đã rất nhiệt tình phối hợp và rất yên tâm khi đưa con tới lớp.

- Ngoài ra, qua những buổi làm thí nghiệm đó, khoảng cách giữa cô và trò xích lại gần nhau hơn. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, giữa phụ huynh và học sinh thêm củng cố.

C. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

     I. Kết luận:

     Trong quá trình thực hiện, tôi thấy trẻ rất hứng thú, phát triển khả năng tư duy cao. Trẻ biết đặt ra những câu hỏi “Tại sao” trước những hiện tượng lạ, từ đó thu nhận được những hiểu biết, những vốn kinh nghiệm nhất định để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Hầu hết tất cả các trẻ đều háo hức chờ đón những giờ thí nghiệm, tập trung cao độ để quan sát hiện tượng xảy ra, kiên nhẫn chờ đón kết quả. Qua đó khơi gợi ở trẻ nhu cầu khám phá. Trẻ bắt đầu để ý những biến đổi của sự vật hiện tượng xung quanh, biết tự khám phá bằng nhiều giác quan và có sự trao đổi với cô, với bạn.

     Thu được những kết quả tích cực trên trẻ, tôi càng nỗ lực học hỏi, tìm hiểu và  mong ứng dụng được nhiều hơn những tri thức về khoa học trong công tác giảng dạy của mình. Những điều kì thú trong khoa học vô cùng phong phú, song không phải bất cứ hiện tượng khoa học vui nào cũng có thể ứng dụng trong việc dạy trẻ mầm non. Việc lựa chọn cũng như thực hiện những thí nghiệm khoa học phải đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với lứa tuổi và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trẻ. Qua đó giáo dục trẻ biết tự khám phá trong khả năng của mình, tránh những trường hợp tò mò hiếu động gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

     II. Khuyến  nghị:

- Nhà trường tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên về chuyên đề khám phá để giúp giáo viên nắm bắt, tiếp cận những vấn đề đổi mới.

- Tổ chức các nội dung thi dạy để các giáo viên có điều kiện phát huy trao đổi, rút kinh nghiệm về khả năng tổ chức cũng như sử dụng các biện pháp dạy học phù hợp.

 - Bổ sung hỗ trợ tài liệu mới trong và ngoài nước để giáo viên được học hỏi, tiếp cận những cái mới.

- Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên tham quan, học hỏi dự giờ những tiết dạy mẫu, dạy giỏi để nâng cao trình độ.

- Tích cực học tập, học hỏi để nâng cao trình độ tay nghề.

- Chịu khó sưu tầm, nghiên cứu để tìm những hình thức tổ chức cũng như các biện pháp dạy học phù hợp nhất với mỗi tiết dạy.

- Kết hợp với phụ huynh để có biện pháp giáo dục trẻ một cách tốt nhất ở gia đình và nhà trường.

Chủ Đề