Có nên tin vào Chúa

Thật sự ông đã tin như thế nào về tôn giáo và Thiên Chúa? Đây là một vài lời bình của ông:

Tại một bữa ăn tối khi được hỏi có phải ông là người có đức tin tôn giáo, nhà khoa học của chúng ta đã trả lời: «Vâng, các bạn có thể gọi như vậy. Thử dùng trí óc và những phương tiện hữu hạn của chúng ta để cảm nhận về sự huyền bí của tự nhiên, của vũ trụ, các bạn sẽ thấy bên cạnh những quy luật, những liên kết chúng ta có thể nhận thức được thì vẫn còn rất nhiều điều huyền ảo, không thể giải thích, không thể thấu hiểu được. Tôn kính một lực vượt quá những gì trí óc con người có thể hiểu thấu được, đó là tôn giáo của tôi. Diễn giải như vậy,  đúng thật, tôi là người có tôn giáo.»


 


Gia đình Einstein là người Do thái, thân phụ ông theo thuyết bất khả tri của Do thái giáo và gởi ông vào học trường Công giáo dành cho nam sinh. Ở trường Einstein say mê học cả giáo lý công giáo và cả các bài trong thánh kinh Do thái. Khi được hỏi Thiên Chúa giáo ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của mình, Einstein đã trả lời: “Khi còn là một đứa trẻ tôi đã hấp thụ giáo lý tôn giáo qua Thánh Kinh và sách Talmud của Do Thái giáo. Tôi là người Do Thái nhưng cuộc đời sáng chói của Đức Giê-su đã lôi cuốn tôi. Không ai lúc đọc Phúc Âm mà không cảm nhận được sự hiện hữu của Ngài. Nhân cách của Người ở trong từng câu chữ. Không một truyền thuyết nào có thể thêu dệt nên một cuộc đời như vậy được.”Khi được hỏi ông có thật sự tin vào Thiên Chúa không, ông trả lời: “Tôi không phải là người vô thần. Tôi cũng không nghĩ tôi là người theo thuyết phiếm thần. Điều này quá rộng lớn so với trí óc hạn hẹp của chúng ta; giống như đứa trẻ đi vào một thư viện rộng lớn chứa đầy sách đủ loại ngôn ngữ. Đứa trẻ biết chắc hẳn có một ai đó đã viết nên những cuốn sách này nhưng nó không biết tác giả là ai và được viết như thế nào. Nó cũng không thể hiểu ngôn ngữ viết trong các sách đó. Đứa trẻ lơ mơ hoài nghi về trật tự bí mật trong cách sắp xếp các cuốn sách nhưng vẫn không hiểu được trật tự bí mật đó là gì cả. Điều đó cũng giống như khi tôi bày tỏ quan niệm của mình về Thượng đế. Chúng ta nhìn ngắm vũ trụ được sắp xếp một cách tuyệt diệu và tuân theo những quy luật này, còn để hiểu thì chúng ta chỉ hiểu được một cách lờ mờ thôi.”

Có một lần Einstein đã viết một tín điều riêng cho mình. Và đây là một trong các nguyên tắc của ông: Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được đó là sự huyền bí của vũ trụ. Đó là cảm xúc nền tảng là chiếc nôi của khoa học và nghệ thuật chân chính. Ai xa lạ với cảm xúc này, không còn biết ngạc nhiên, say mê thì kể như họ đã chết, giống như cây nến bị dập tắt. Đằng sau tất cả những điều chúng ta có thể cảm nhận thì có một khả năng mà chúng ta khó có thể nắm bắt được, đó là cái đẹp cao cả, nó chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp: qua tôn  giáo. Trong nghĩa này, và chỉ trong nghĩa này, tôi là người có tín ngưỡng sâu xa. 


 


Vì thế ông thường khe khắc đối với người vô thần hơn là người có lòng tin. Điều gì đã chia cắt tôi khỏi cái gọi là những người vô thần, đó chính là cảm xúc tôn kính hoàn toàn khi đứng trước một vũ trụ hài hòa đầy những điều huyền bí mà trí óc con người không thể thấu hiểu được. Những người vô thần cố chấp là những người không có ý thức, không lành mạnh khi phản ứng với quá khứ của mình: những người vô thần cuồng tín tương tự như những người nô lệ vẫn còn cảm giác đè nặng của xiềng xích, cái mà họ đã quăng đi sau khi chiến đấu gian khổ cho tự do. Họ là những tạo vật – trong mối hận thù chống tôn giáo truyền thống như thuốc phiện của dân tộc – đã không thể nào nghe được âm nhạc của vũ trụ.  Tuy Einstein có những cảm nhận như vậy về tôn giáo, nhưng lòng tin của ông không theo truyền thống. Ông nghi ngờ sự kiện con Thiên Chúa làm người và ông cũng không tin con người bất tử.Vậy đâu thật sự là mảnh đất Thượng Đế và tôn giáo của Einstein?

Ông không nắm được một vài chuyện đúng, nhưng ai nắm được? Là tín hữu kitô, chúng ta tin rằng việc đầu tiên chúng ta cần khẳng định là Thiên Chúa là điều không thể diễn tả được. Chúa ở ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta… Có nghĩa là, dù chúng ta biết Chúa, nhưng chúng ta không thể tưởng tượng, không thể hình dung, không có bất cứ từ ngữ chính xác nào để có thể nói về Thiên Chúa. Thiên Chúa là đấng vô biên cách xa tất cả ý nghĩ và tưởng tượng của chúng ta. Việc chúng ta cố gắng tưởng tượng về Thiên Chúa cũng giống như cố gắng tưởng tượng về con số cao nhất, chuyện không thể làm được vì những con số không có giới hạn, lúc nào mình cũng có thể đếm thêm một số.


 


Một Thiên Chúa không thể tưởng tượng chính xác, và đó là tín điều của đạo Kitô. Công đồng Lateran Thứ Tư nói về tín điều rằng bất cứ chữ nào chúng ta dùng để nói về Thiên Chúa đều không chính xác hơn là chính xác, có phải Einstein cũng nói như vậy? Một cảm nhận khiêm tốn đứng trước các bí mật không dò tìm được của vũ trụ hài hòa.

Cá nhân tôi nhận thấy những cảm nhận của Einstein thật lành mạnh và tươi mát, đầy giá trị đối với niềm tin vào Thiên Chúa. Khi một người có thể nói là nhà khoa học lớn nhất lịch sử như Einstein nói với chúng ta rằng có một thứ trật không thể tưởng tượng được, tốt lành, khủng khiếp, điều khiển chúng ta từ rất xa thì chúng ta nên ngạc nhiên và tôn kính trước điều đó, thì các luận cứ của chúng ta về đức tin có vẽ như ngây ngô và dị đoan, khó thuyết phục được.

3010

Chúa đã lỗi thời? Mặc dù kết quả từ những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người ở các nước Phương Tây tin vào Đức Chúa Trời [trội hơn ở các nước Phương Đông], thì điều đáng kinh ngạc là không thể biết được có bao nhiêu lần bạn nghe người khác chối bỏ Đấng Toàn Năng với câu nói: “Thời nay bạn không thể tin vào Chúa.” Theo một ý nghĩa nào đó thì điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất bận rộn, và nhiều người trong chúng ta không có thời gian lẫn sở thích để tìm hiểu những chủ đề sâu sắc mà dường như không liên quan trực tiếp đến chúng ta. Nhưng sẽ ra sao nếu tồn tại một Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên chúng ta, yêu thương chúng ta, và sẽ xét đoán chúng ta? Nếu đó là sự thật, như Tiến sĩ Jowett, hiệu trưởng của một trường Đại học thuộc Đại học Oxford đã từng nói: “Không phải tôi nghĩ gì về Chúa, nhưng Chúa nghĩ gì về tôi đó mới là điều quan trọng.” Một lần nữa, ý niệm về Chúa đã bị lạm dụng rất nhiều trong quá khứ khiến chúng ta có xu hướng tránh né nó. Đức Chúa Trời được khắc họa như một người trên bầu trời với một cây gậy lớn. Chúng ta được dạy phải sống tốt và làm điều đúng bởi vì Đức Chúa Trời sẽ xét đoán nếu chúng ta phạm tội. Ý muốn của Đức Chúa Trời trở nên một công cụ rất hữu ích để khiến người ta an phận thủ thường theo cách:

Người giàu sống trong lâu đài,


Kẻ nghèo gác ngoài cổng;
Chúa dựng nên người cao sang cùng người thấp hèn,
Và chỉ định phần đất của họ.

Toàn bộ chế độ xã hội và áp bức chủng tộc đều đặt nền móng trên quan niệm này về Chúa [Một lời trong bài Thánh ca “Vạn vật tươi sáng đẹp đẽ,” giờ đây đều bị bỏ quên]. Thật vậy, ý muốn Chúa là một điều nào đó mà con người trong mọi thời đại có thể khẳng định chắc chắn khi họ gia nhập vào cuộc chiến tôn giáo, như là Thập Tự Chinh, hay là đàn áp tôn giáo, hoặc Tòa án dị giáo, để gán cho quan điểm của họ. Hơn thế nữa, Chúa được sử dụng như chiếc nút để lấp đầy những khe hở của kiến thức khoa học. Thậm chí Newton đã đặt ra định đề: Đức Chúa Trời giữ cho vũ trụ và các quy luật của nó hoạt động. Nhưng khi kiến thức khoa học gia tăng, các khoảng trống bị thu hẹp thì Chúa cũng bị thu hẹp.


Tất cả những lý do trên khiến Chúa trở nên lỗi thời. Tạp chí Thời đại từng đặt đầu đề trên trang bìa của họ số ra tháng Tư năm 1966: “Chúa đã chết!” Nhưng thật khó để biết chắc những việc như vậy. Sau đó trong số ra tháng Mười hai năm 1969, đầu đề Tạp chí Thời đại lại đặt ra câu hỏi: “Phải chăng Chúa sống lại một lần nữa?” Cuối cùng thì bạn chẳng tìm thấy trong Kinh Thánh sự biện hộ nào cho các cuộc chiến tôn giáo hoặc các tòa án dị giáo. Bạn sẽ không thấy cuốn sách cẩm nang Cơ đốc này xác nhận rằng bạn nên làm điều tốt nếu không Đức Chúa Trời sẽ hình phạt vì lỗi lầm bạn gây ra. Không nơi nào trong Kinh Thánh dùng Chúa để lấp đầy sự thiếu sót tri thức của con người: thay vào đó, Ngài là nguồn, là Đấng duy trì và là mục đích của cả hoàn vũ, trong đó có con người và sự hiểu biết của họ. Có lẽ chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn về lời tuyên bố: “ngày nay bạn không thể tin Chúa.” Điều gì thật đặc biệt trong thời hiện đại khiến chúng ta khó tin Chúa hơn thời của cha ông chúng ta?

Vấn đề khoa học. Đầu tiên, đó là sự thành công đáng kinh ngạc của khoa học. Toàn bộ khuôn mặt của thế giới đã thay đổi trong vòng năm mươi năm qua. Khi cha tôi còn trẻ lúc đó chưa có xe ô tô, máy bay, và hầu hết người ta không bao giờ đi quá xa ngôi làng của họ. Sự phát triển của du hành vũ trụ, công nghệ hạt nhân, và mạng công nghệ thông tin thế giới đều xảy ra trong thời của ông. Không có gì lạ khi con người trở nên bối rối. Khoa học dường như đã chiến thắng. Không có gì lạ khi người ta đặt hết hy vọng của họ vào khoa học và vứt bỏ quan niệm về Chúa. Bá tước Richard Gregory đã viết trên văn bia của mình:

Ông tôi giảng niềm tin của Đấng Christ.


Cha tôi giảng niềm tin của chủ nghĩa xã hội.
Tôi giảng niềm tin của khoa học. 

Trên thực tế, không có một cuộc chiến nào giữa niềm tin đúng đắn trong Chúa với những kết quả đảm bảo của khoa học. Cha đẻ của khoa học hiện đại như Kepler, Galileo, Copernicus và Bacon đều là những Cơ đốc Nhân sốt sắng trong Chúa. Họ nhận thấy sự bày tỏ của Chúa qua Kinh Thánh và trong thế giới tự nhiên như là phần bổ sung. Chẳng hạn như Kepler đã khẳng định: “Cái lưỡi của Chúa và ngón tay của Chúa không thể xung đột với nhau.” Phòng thí nghiệm Cavendish ở Cambridge đã khắc lên lối vào của họ: “Công việc Chúa thật tuyệt vời, được tìm thấy bởi những ai vui thích tại đó.” Và ngược lại với niềm tin của nhiều người, có một số lượng lớn những Cơ đốc Nhân tin kính giữa vòng những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Nhưng chẳng phải thuyết tiến hóa đã bác bỏ khả năng của một Đấng Tạo Hóa hay sao? Không chút nào. Thuyết tiến hóa nhằm giải thích những hình thái đa dạng của sự sống đã phát triển như thế nào qua hàng triệu năm từ những hình thái đơn giản. Niềm tin một Đấng Tạo Hóa nhằm giải thích ý thức vĩ đại đằng sau vật chất. Không có sự mâu thuẫn nào giữa hai điều trên cả. Điều đáng chú ý là ký thuật Kinh Thánh về câu chuyện Chúa sáng tạo cho chúng ta biết đôi điều về Đấng đã sáng tạo, và lý do Ngài làm như vậy. Nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta biết việc đó diễn ra như thế nào. Điều mà Kinh Thánh nói đó là đằng sau tạo vật đó là Đấng Tạo Hóa, và chúng ta chỉ là “bụi đất,” và là một phần của thế giới vật lý, nhưng theo một nghĩa khác chúng ta được truyền “hơi sống” và được tạo dựng theo ảnh tượng của Đấng Tạo Hóa. Không một phát hiện nào trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển của sự sống có thể bác bỏ tuyên bố trên. Nếu con người khám phá ra cách tạo dựng sự sống trong phòng thí nghiệm thì điều đó cũng không khiến Chúa bị phá sản. Đơn giản nó sẽ chỉ chứng minh rằng những bộ óc thông minh sử dụng vật chất [với vật chất sống thật để sao chép, một cách ngẫu nhiên] và sắp xếp chúng theo một cách đặc biệt, một tế bào nhỏ sự sống có thể được tồn tại. Nói cách khác, vật chất được sắp xếp bởi những khối óc thông minh có thể tạo ra sự sống. Đó chính là điều Cơ đốc Nhân luôn luôn tuyên bố về Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta tìm ra bí mật của sự sống, chúng ta sẽ chỉ nghĩ về những suy tư của Đấng Tạo Hóa mà thôi.

Không một phương pháp khoa học nào có thể chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của Chúa. Không gì đảm bảo, nhưng sự phỏng đoán căn bản của phương pháp khoa học xác nhận rõ ràng sự tồn tại của ý thức đằng sau vật chất. Hoàn toàn hiển nhiên đối với mọi câu hỏi khoa học rằng có sự trật tự và mục đích trong thế giới vật lý. Nếu thế giới nảy sinh từ sự tình cờ và hỗn loạn, vậy mục đích của nó là gì? Ngày nay có rất ít những người theo chủ nghĩa duy vật thuần khiết, bởi hoàn toàn hiển nhiên các quy luật phân tích vật lý và các nguyên tố hóa học không thể lý giải cho hành vi, lý lẽ, cảm xúc, sự ngạc nhiên, lời nói, đạo đức và hành vi thờ phượng của con người. “Có nhiều điều trên trời và dưới đất hơn triết học của chúng ta có thể tưởng tượng đến”. Những lời này của Shakespeare có thể thích hợp cho những ai cố gắng biến khoa học chủ nghĩa duy vật thành thẩm phán duy nhất của chân lý. Không gì trong tiến trình khoa học cần phải làm bối rối bất kỳ ai tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Thuyết tiến hóa lại càng không.

Vấn đề đau khổ bất hạnh Thứ hai – sự đau khổ bất hạnh – vấn đề rất đỗi khiếp kinh. Không phải vấn đề này lớn hơn bao giờ hết, nhưng nó đang ngày càng lớn hơn. Những điều như vậy xuất hiện trong phòng khách mỗi tối trên TV. Có thể nào có Đức Chúa Trời nếu Ngài cho phép mọi sự đau đớn khốn khổ xảy ra trên trái đất này?

Trong lúc này tôi không muốn thu nhỏ vấn đề này lại. Nó thậm chí còn vượt xa hơn những tranh luận gay gắt nhất phản đối sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy cứ cho rằng vấn đề về sự đau khổ khiến bạn chối bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời để tưởng tượng rằng những quái vật đang thống trị số mệnh của chúng ta hoặc rằng những ngôi sao định đoạt sự may mắn của chúng ta, điều đó sẽ giúp ta như thế nào? Có thể bạn sẽ bỏ qua vấn đề cái ác cùng nỗi đau khổ [dù bạn vẫn phải sống với nó] nhưng bạn đã thay thế điều đó với một vấn đề còn lớn hơn nữa – làm thế nào bạn có được sự tử tế và lòng nhân đạo, tình yêu và sự vô vị kỷ, tính hòa nhã và hào hiệp trong một thế giới bị cai trị bởi một quái vật đáng khiếp sợ hoặc những ngôi sao hững hờ. Không, cách đó không giúp được gì.

Trên thực tế, hơn bất kỳ ai, Cơ đốc Nhân có một cái nhìn thấu đáo vào sự đau khổ bất hạnh, là vấn đề vẫn không thể giải quyết được [và nó vẫn còn chưa giải quyết được, bất kể bạn theo đuổi triết lý sống nào đi chăng nữa]. Bởi Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời không lạ gì trước các nỗi đau. Ngài không khởi đầu thế giới này để rồi nhẫn tâm bỏ mặc chúng. Ngài không vui lòng làm chúng ta đau đớn và ham thích tra tấn chúng ta. Ngược lại. Ngài rất quan tâm đến sự đau đớn trong thể xác và tinh thần của con người trong thế giới, cái mà chính Ngài cũng bước vào một cách cá nhân. Ngài đã đến như một người ở giữa những con người. Ngài sống trong sự nghèo khổ và khó nhọc; Ngài biết đói và khát, từng trải đòn vọt và nỗi đau buồn, sợ hãi và thất vọng. Ngài kết thúc cuộc sống theo cách đau đớn nhất mà con người từng biết đến. Vậy đừng ai nói với tôi rằng Chúa không quan tâm đến con người! Xin đừng ai nói rằng ông chủ thì không quan tâm đến cuộc sống ở nhà xưởng như thế nào! Xin hãy nhìn kỹ lên thập tự giá. Qua thập giá Đức Chúa Trời đã nói với con người rằng Ngài quan tâm đến nỗi đau. Ngài quan tâm một cách mạnh mẽ và không vị kỷ. Sự quan tâm đó lớn đến mức Ngài đã đến để chia sẻ nỗi đau. Ngài muôn đời là Đức Chúa Trời chịu đau khổ. Thập giá chỉ cho tôi biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương tôi dù giữa cảnh đau khổ; dù mọi thứ trở nên đen tối vô vọng, Chúa Giê-su vẫn luôn là tình yêu thương lớn lao nhất từ Cha Thiên Thượng. Hơn thế nữa, qua cây thập tự tôi có thể mơ hồ nhận thấy một lẽ thật khác: Đức Chúa Trời sử dụng sự đau đớn. Ngài biến cái ác thành tốt lành. Bởi chính cái ác đã đóng đinh Chúa Giê-su. Song bởi cách Ngài tiếp nhận nó, Ngài đã chiến thắng cái ác; Chúa đã biến hận thù thành yêu thương cho ít nhất là những người đã bắt bớ Ngài. Ngài là mẫu mực của sự vô tội, tiếp nhận đau khổ không lời oán than. Mẫu mực ấy mãi từ đó đến nay đã truyền cảm hứng cho nhiều người và đã giúp cho những người như Giám mục Wilson. Với lòng dũng cảm, ông đã cảm hóa được tấm lòng của những người từng tra tấn ông tại một trại giam ở Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai. Điều gì khiến cho sự chiến thắng đau khổ như vậy có thể xảy ra? Thập giá của Chúa Giê-su đơn thuần không phải là một khuôn mẫu để làm theo. Giữa nỗi đau đớn tột cùng, một người cần nhiều hơn một khuôn mẫu. Có một điều gì đó từ thập tự giá đã thanh tẩy Cơ đốc Nhân khỏi những hận thù, đau đớn. Ấy là sự chiến thắng. Vào ngày Thương khó đầu tiên Đức Chúa Giê-su đã chết với tiếng la của sự chiến thắng: chiến thắng sự đau đớn, hận thù, đau khổ, sự chết. Nhưng đó không phải là sự kết thúc. Ngài sống lại từ sự giam cầm lạnh lùng của mộ phần vào ngày thứ ba. Từ thời khắc đó trở đi, lịch sử đã sang trang. Cơ đốc Nhân là những người đã đặt niềm tin nơi Chúa, nhận biết Ngài, và đã bắt đầu nếm trải năng quyền Chúa phục sinh cùng sự sống đời đời.

Làm thế nào những Cơ đốc Nhân đầu tiên có thể vui mừng đương đầu với cái chết tại đấu trường trước những con thú hoang và đấu sĩ hoặc bị nướng trên giàn hỏa? Đơn giản bởi vì họ tin chắc rằng cái ác và sự đau đớn đã chịu một thất bại mang tính quyết định qua việc Chúa đã làm trên cây thập tự tại đồi Gô-gô-tha và sự sống lại. Thậm chí sự chết cũng là kẻ thù bị đánh bại. Vậy nên các tín hữu ấy đã đối diện với sự đau đớn không phải như là một điều xấu hoàn toàn, nhưng là một điều xấu đã bị chế ngự bởi Đức Chúa Trời, Đấng chịu đau khổ và đã chiến thắng; một điều xấu mà Chúa có thể sử dụng để kỷ luật các tín hữu, để rèn luyện họ, và để trang bị họ trở nên hữu ích, giống Chúa càng hơn. Đức Chúa Trời chịu đau khổ nhưng đã đắc thắng. Đấng vô tội nhưng mang lấy tội lỗi. Tại cây thập tự của Đấng Christ, Ngài đã tiết lộ về bộ phim tương lai của Ngài. Những Cơ đốc Nhân đầu tiên này có thể an tâm để Chúa bày tỏ trọn vẹn ý nghĩa của tất cả sự đau khổ mà họ chịu đựng trong đời sau, biết rằng đó sẽ là một sự giải thích sâu hơn về điều bí ẩn của thập tự giá: chính giữa dòng lịch sử, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng Ngài quan tâm đến sự đau khổ, Ngài chia sẻ nó, và chiến thắng nó. Để chắc chắn, Cơ đốc Nhân không cần phải lo lắng rằng sự đau khổ trong thế giới này khiến cho niềm tin vào Đức Chúa Trời trở nên không thể trong thời nay. Chỉ duy niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng chịu khổ mới ngăn chặn chúng ta khỏi trở nên hoàn toàn nhẫn tâm hoặc bị mất trí vì tất cả những đau khổ đang đè nặng trên thế giới này.

[Còn nữa]

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien.

Các bài trước đây:

Khai Sáng Tâm Trí

//huongdionline.com/2015/09/30/niem-tin-cua-nguoi-vo-than/   

Video liên quan

Chủ Đề