Cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chỉ thị đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Đề án các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, các Sở GD&ĐT, các nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo tập trung thực hiện, nhằm khắc phục hạn chế, tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;

Đồng thời, đảm bảo đạt các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 trong năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Một trong những nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị là tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, đánh giá hiệu quả các hoạt động Đề án

Gắn công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án và Chương trình với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục; đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ, nhất là điều kiện đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; xác định đổi mới dạy học ngoại ngữ nhằm giúp giáo viên, giảng viên, và người học sử dụng được ngoại ngữ là một trong những khâu đột phá để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục.

Rà soát kỹ tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và Chương trình để có kế hoạch tiếp tục thực hiện, trong đó chú ý kết quả về đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của người học.

Đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời phổ biến cách làm hay, kinh nghiệm tốt của các đơn vị, cá nhân về đổi mới dạy và học ngoại ngữ.

Ban quản lý Đề án Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Đề án các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ để xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch, lộ trình triển khai Đề án của đơn vị trực thuộc phù hợp với năng lực thực tế tại địa phương.

Rà soát lại mục tiêu cụ thể của từng địa phương, yêu cầu có các chỉ số hoạt động cụ thể rõ ràng.Công tác triển khai cần linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ các biện pháp quản lý chất lượng đầu ra gắn với đảm bảo các điều kiện và quá trình thực hiện.3

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương, cơ sở giáo dục:

Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thanh tra giám sát tại địa phương, đơn vị;

Thành lập các nhóm chuyên gia thực hiện giám sát và đánh giá độc lập hiệu quả hoạt động triển khai nhằm kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc;

Công khai tiêu chí, công cụ và kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động triển khai của từng đơn vị, bao gồm cả kết quả đánh giá trong và đánh giá ngoài/đánh giá độc lập;

Công khai các sản phẩm, kết quả thực hiện hoạt động của Đề án tại từng đơn vị.

Rà soát, đánh giá và bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ của giáo viên

Hoàn thành công tác rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo.

Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của từng địa phương, trường học; lập kếhoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên theo hướng ưu tiên giáo viên, giảng viên cận chuẩn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh áp đặt và yêu cầu đồng loạt.

Gắn mục tiêu bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy với năng lực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Khuyến khích, hỗtrợ giáo viên, giảng viên tự chủ trong bồi dưỡng thông qua việc tự đăng ký kếhoạch bồi dưỡng để đạt chuẩn: thời gian tự bồi dưỡng để đạt chuẩn, bài thi sẽ sửdụng và cơ sở đánh giá [trong số các cơ sở đánh giá và bài thi được công nhận].

Đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, chuyên gia về giảng dạy, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ trong nước;

Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc huy động, sử dụng đội ngũ giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài và lựa chọn nội dung giảng dạy, bồi dưỡng, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện ngân hàng đề thi quốc gia; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên soạn câu hỏi thi, đội ngũ giám khảo phục vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thành lập và đưa Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia vào hoạt động. Từng bước hình thành mạng lưới cơ sở tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực ngoại ngữ;

Thống nhất quản lý chặt chẽ việc in ấn, cấp phát, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trước mắt có thể liên kết với các tổ chức khảo thí nước ngoài có uy tín để áp dụng các giải pháp tiên tiến về kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học.

Xây dựng và ban hành cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát độc lập hoạt động của các cơ sở tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực ngoại ngữ. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.

Tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững

Chỉ thị cũng nêu nhiệm vụ: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới dạy học ngoại ngữ; tổchức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trong nước và quốc tế nhằm tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững. Cụ thể:

Xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn thiết bị, các chương trình học trực tuyến, các nguồn học liệu mở phù hợp với yêu cầu đổi mới dạy học ngoại ngữnhằm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí;

Đảm bảo tính đồng bộ của thiết bị và các học liệu khác, tận dụng tối đa các thiết bị hiện có; tập huấn người dạy và người học biết sử dụng; thống nhất lựa chọn phần mềm quản lý, dạy và học ngoại ngữdùng chung cho toàn hệ thống và có tính đến đặc thù của cấp học.

Tận dụng các nguồn học liệu về dạy và học ngoại ngữ như sách giáo khoa, tài liệu dạy và học, phần mềm đã được phát triển bởi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nướccó uy tín.

Đẩy mạnh các hoạt động huy động các nguồn lực xã hội, các sáng kiến hỗtrợ thực hiện Đề án. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trong nước và quốc tế, hình thành môi trường học và thực hành, sử dụng ngoại ngữ sâu rộng trong cộng đồng.

Tổng kết, phổ biến kinh nghiệm xây dựng đơn vị điển hình

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; lựa chọn những đơn vị tiêu biểu để phổ biến, nhân rộng điển hình; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Để chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu:

Giám đốc các Sở GD&ĐT: Căn cứ tình hình thực tiễn, tích cực tham mưu với cấp uỷ và uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo Đề án của địa phương, đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ;

Tổ chức công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng bồi dưỡng tập trung; giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả bồi dưỡng;

Rà soát, đánh giá thực trạng thiết bị dạy học hiện có và các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo việc mua sắm, khai thác, sử dụng có hiệu qủa và tiết kiệm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả triển khai các hoạt động đổi mới dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn.

Chủ trì tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Đề án và Chương trình tại địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Thủ trưởng các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm tại đơn vị; kịp thời báo cáo, phản ánh tình hình, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp quản lý giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên theo hàng năm và từng giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ban chỉ đạo Đề án của các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tham gia triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị.

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 và Quyết định số 1210/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2015, Bộ GD&ĐT đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương triển khai Đề án và Chương trình theo mục tiêu và các nhiệm vụ đã đề ra.

Đề án đã triển khai được gần bốn năm [2011 - 2014]. Tính đến hết năm học 2013 - 2014 đã có 11 Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo; 53 tỉnh, thành phố có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án [trong đó có 11 Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, 45 tỉnh, thành phố có kế hoạch được phê duyệt];

Công tác bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ ở trong nước và ngoài nước đã được quan tâm ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương; bước đầu đổi mới chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ theo hướng hình thành năng lực sử dụng ngoại ngữ trong môi trường giao tiếp đa văn hóa, đa ngôn ngữ;

Quan tâm bổ sung cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngoại ngữ theo hướng hiện đại bằng các nguồn vốn của trung ương và địa phương, khai thác các nguồn học liệu nước ngoài, đặc biệt là qua internet để phục vụ dạy và học ngoại ngữ.

Tuy vậy, theo Bộ GD&ĐT, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án và Chương trình còn chậm và bộc lộ một số hạn chế, bất cập:

Hoạt động chỉ đạo của nhiều Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ban ngành.

Công tác lập kế hoạch, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án còn chậm. Trong nhiều bản kế hoạch, mục tiêu chưa cụ thể, thiếu các chỉ số hoạt động rõ ràng dẫn đến khó khăn trong phối hợp và đánh giá hiệu quả.

Việc rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông thiếu tính chuyên nghiệp.

Phương thức bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ  phổ thông chưa phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học của giáo viên; Còn lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng theo hình thức vừa làm vừa học, không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên chưa đạt yêu cầu.

Tại nhiều địa phương, việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; chi quá nhiều cho thiết bị; mua sắm không dựa trên đánh giá nhu cầu thực tế, không xem xét khả năng có thể khai thác tốt tại địa phương, đơn vị, vì vậy thiếu hiệu quả, không đồng bộ, lãng phí.

Công tác thông tin và truyền thông chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp quản lý và cộng đồng.

Page 2

Vietnamnet-Các đề án về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình và SGK; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là những nội dung chính trong phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào chiều 26/8.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm về phương án thi

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vừa qua Bộ GD-ĐT và các cơ quan truyền thông mới tập trung tuyên truyền vào thi môn gì nhưng còn 2 vấn đề khác là tổ chức thi như thế nào cho trung thực và quan trọng hơn là đổi mới rất lớn trong công tác sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia vào xét tuyển ĐH ít được góp ý.

Theo Phó Thủ tướng: “Việc học sinh sau khi có kết quả thi rồi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ là một đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng”.

Thủ tướng chỉ đạo phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chiều 26/8.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung”.

Trong đó, quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là 1 kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, làm cơ sở xét tốt nghiệp và xét tuyển cho các trường ĐH.

Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở 4 trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh, Bộ trưởng Bộ GD ĐT cho biết thêm,

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 1 bài thi tổng hợp trong kỳ thi sắp tới.

Đánh giá về phương án này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng các trường ĐHQG có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước.

ĐHQG Hà Nội cũng có thể làm việc với các cục, vụ chức năng của Bộ này để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐHQG Hà Nội ở mức độ nhất định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Đối với 3 phương án của Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân kể cả phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất. Từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản, tạo thuận lợi cho học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ, Thủ tướng nói.

Tách riêng chương trình và SGK

Góp ý về đổi mới chương trình và SGK, các thành viên Ủy ban đồng tình với chủ trương tách riêng hai khâu này. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.

Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng xin ý kiến về phương án Bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GDĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn.

Nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.

Chương trình ở bậc giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GDĐT, được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT.

Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.

Đổi mới hệ thống giáo dục

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.

Tới đây, bậc giáo dục phổ thông sẽ có nhiều thay đổi [Ảnh minh họa, ảnh: Văn Chung].

“Đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu.

Bậc giáo dục ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ứng dụng, thực hành, cần đáp ứng 2 yêu cầu: Tương thích quốc tế; đảm bảo tính liên thông mở để xây dựng xã hội học tập suốt đời”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề.

Trong báo cáo tóm tắt định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD-ĐT đã đề xuất giữ nguyên bậc học mầm non và phân tích những hạn chế, ưu điểm của một số phương án liên quan đến bậc học phổ thông.

Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cơ bản về hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

Theo đó, sẽ tiến hành sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp ở quận/huyện; các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; cao đẳng và cao đẳng nghề. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trường cao đẳng cộng đồng tại các địa phương, tổ chức đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ sơ cấp nghề; trung học nghề và cao đẳng nghề.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục ĐH sẽ được phân loại theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành; hình thành một số trường ĐH triển khai cả chương trình đào tạo theo cả 2 hướng trên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTBXH. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.

Page 3

Ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: Trước mắt chọn phương án ít gây xáo trộn cho nhà trường, người học

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là chủ trương đúng và là xu thế tất yếu.

Kì thi này trước mắt sẽ giảm tốn kém cho xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, học tập của giáo viên và học sinh.

Đây sẽ là một kì thi nghiêm túc vì những ưu điểm về tính nghiêm túc của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tác động tới một kì thi quốc gia, và còn tác động lại cả quá trình giáo dục.

Để thực hiện đổi mới kì thi quốc gia, cần nhanh chóng có những điều chỉnh mạnh ở tuyển sinh ĐH, CĐ, xóa bỏ việc thi theo khối.

Với phương án 1 mà Bộ GD&ĐT đề xuất có thể thực hiện được ngay trong năm 2015 mà không gây xáo trộn cho nhà trường và người học.

Phương án 2 đổi mới triệt để hơn, nhưng nếu áp dụng ngay năm 2015 sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh vì các em không kịp thích nghi.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các trường học cũng chưa triển khai dạy tích hợp nên có thể sẽ gây khó khăn cho các em học sinh trong việc làm bài thi.

Tôi đề xuất, năm 2015 sẽ thi theo phương án 1 của Bộ GD&ĐT đã đề ra. Vì với yêu cầu và thực tế triển khai dạy học ở các trường phổ thông hiện nay có thể đáp ứng ngay đối với phương án 1. Đến năm 2016 sẽ chuyển sang thực hiện phương án 2 và sau đó sẽ thực hiện phương án 3 nếu các điều kiện cho phép.

Về việc coi thi, chấm thi, cần tổ chức thi và chấm thi theo cụm để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra. Đã tổ chức thi theo cụm thì chấm thi cũng theo cụm, hoặc phải có một cách làm nào đó khác với việc chấm chéo trước đây.

Bên cạnh đó, kỳ thi quốc gia nên giao cho các trường ĐH, CĐ chủ trì. Hình thức tổ chức có thể là thành lập nhiều cụm thi tại một số địa phương. Chính quyền, ngành GD&ĐT địa phương chỉ làm nhiệm vụ phối hợp.

Trước đây tổ chức chấm chéo, nhưng giám khảo lại biết mình đang chấm bài cho tỉnh nào nên có sự “tranh thủ” lẫn nhau. Còn giờ phải làm sao để khiến cho người chấm không hề biết là mình đang chấm bài cho tỉnh nào.

Để có một kì thi nghiêm túc, cần sự vào cuộc của cả xã hội. Đội ngũ giáo viên sẽ là lực lượng quan trọng trong việc đổi mới thi cử trong thời gian tới.

Ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Cần Thơ: Thi theo phương án 1 phù hợp với mọi vùng miền

Ông Trần Trọng Khiếm

Đổi mới thi cử và kiểm tra đánh giá là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đã và đang được dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng. Đổi mới trong công tác thi cử có tác động tích cực đến dạy và học ở các nhà trường và địa phương.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố 3 phương án môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, theo tôi cả ba phương án này đều có thể triển khai được nhưng cần có lộ trình phù hợp.

Tuy nhiên nếu để lựa chọn thì tôi thấy phương án 1 là hợp lý nhất và phù hợp với học sinh mọi vùng miền trên cả nước. Điều quan trọng là, phương án này có thể tổ chức được ngay trong năm 2015.

Từ thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cho thấy, giáo viên và học sinh đã bắt đầu làm quen và dần thích nghi với những đổi mới trong thi cử. Nếu chúng ta lựa chọn một phương án nào khác e rằng sẽ gây “sốc” cho cả giáo viên và học sinh, nhất là đối với thầy, trò vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, hiện nay trong nhà trường hầu hết các giáo viên vẫn giảng dạy theo từng môn mà chưa có sự tích hợp liên môn. Học sinh học các môn vẫn tương đối độc lập, tách biệt nhau.

Chính vì vậy, nếu bây giờ thi theo phương án tích hợp và tổ chức thành nhóm các môn thi thì cả giáo viên và học sinh đều chưa được chuẩn bị kỹ, khó có thể bắt kịp. Do đó, phương án 2 và 3 đều rất tốt nhưng cần có thời gian chuẩn bị.

Xuất phát từ những lý do trên, tôi cho rằng, thi theo phương án 1 là hợp lý nhất, bởi không có sự xáo trộn lớn về mặt tâm lý cũng như là cách dạy và học của giáo viên, học sinh. Ngoài ra, thi theo phương án này học sinh cũng giảm nhiều áp lực và có nhiều cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng hơn.

Về vấn đề tổ chức thi, tôi cho rằng thi theo cụm ở địa phương vẫn đảm bảo được tính nghiêm túc, trung thực nếu chúng ta làm khách quan, chặt chẽ tất cả quy trình từ tổ chức, coi thi và chấm thi.

Ngoài ra, thi theo cụm sẽ bớt tốn kém hơn cho xã hội, học sinh không phải di chuyển nhiều. Nếu có sự tham gia của các trường đại học vào công tác tổ chức thi cũng sẽ rất tốt để kỳ thi đạt chất lượng, hiệu quả và thực chất hơn.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Lựa chọn các phương án theo lộ trình

Ông Nguyễn Văn Huấn

Trong tình hình dạy học hiện nay, phương án 1 thi theo môn là phương án khả thi nhất vì các lí do sau đây:

Việc dạy học, kiểm tra, đánh giá ở các trường chưa được triển khai theo hình thức tích hợp, liên môn, giáo viên, học sinh chưa được chuẩn bị tốt, nên sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi tổ chức ôn tập, thi, chấm thi theo hình thức này.

Nếu việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hình thức tích hợp, liên môn chưa được thực hiện ở các trường phổ thông thì đề thi theo môn sẽ phù hợp hơn.

Phương án thi theo bài thi tích hợp, liên môn khi chưa có sự chuẩn bị sẽ gặp khó khăn trong ra đề, chấm thi [đề thi tích hợp, liên môn nếu chỉ là sự cộng lại các câu hỏi riêng lẻ của các môn sẽ không hiệu quả].

Nếu các trường đại học, cao đẳng vẫn còn tuyển sinh theo khối thi gồm các môn thi thì việc thi theo môn sẽ thuận lợi hơn cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, phương án 2 thi theo bài là phương án tốt, có thể thực hiện sau khi đã có sự chuẩn bị, tức là khi đã triển khai tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hình thức tích hợp, liên môn.

Về coi thi, có thể tổ chức thành các cụm coi thi trên địa bàn tỉnh. Mỗi tỉnh chỉ có một hội đồng coi thi là không khả thi vì không nơi nào trong tỉnh có thể đáp ứng nổi các yêu cầu về ăn, ở cho giám thị và thí sinh, cơ sở thi với quy mô quá lớn [Bến Tre có khoảng 12.000 thí sinh].

Vì vậy, chỉ có thể tổ chức coi thi theo cụm 1 hoặc 2 huyện cho một số trường trên địa bàn huyện thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu tổ chức coi thi.

Lãnh đạo hội đồng coi thi chỉ nên là lãnh đạo các trường THPT, trung tâm GDTX vì không thể có đủ lãnh đạo hội đồng coi thi là lãnh đạo các trường đại học và lãnh đạo sở GD&ĐT với nhiều hội đồng coi thi như trên.

Về chấm thi: Có thể tổ chức chấm thi theo các cụm vùng, miền. Tuy nhiên việc tổ chức chỉ có một hội đồng chấm thi cho nhiều tỉnh là không khả thi.

Chẳng hạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành thì không thể bố trí chỉ một hội đồng chấm thi vì sẽ gặp khó khăn trong tổ chức với quy mô quá lớn [trên 100.000 thí sinh], phải điều động số lượng lớn giám khảo, khó đáp ứng yêu cầu về ăn, ở cho giám khảo.

Vì vậy, nên bố trí trong mỗi vùng, miền thành một số cụm chấm thi với quy mô nhỏ hơn và có thể hoán chuyển giám khảo giữa các cụm sao cho không chấm bài của học sinh mình. Với việc tổ chức chấm thi theo các cụm vùng, miền có thế bố trí lãnh đạo hội đồng chấm gồm lãnh đạo trường đại học và sở GD&ĐT.

Đề thi: Nội dung câu hỏi của đề thi có thể ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Các mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm tỉ lệ khoảng 60%; mức độ vận dụng khoảng 20% và vận dụng cao khoảng 20%, sao cho học sinh có học lực trung bình có thể làm được 50% - 60% nội dung câu hỏi, có thể đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT;

Phần còn lại dành để phân hóa cho học sinh khá, giỏi làm cơ sở tuyển sinh đại học. Hiện nay chưa thể yêu cầu kiểm tra kiến thức liên môn vì các trường chưa tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hình thức này.

Việc đưa trở lại môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc là một quyết định đúng vì như thế sẽ nâng cao vị thế môn ngoại ngữ và góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án ngoại ngữ 2020.

Tuy nhiên, khi quy định những học sinh không được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án [gồm 2 môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn] sẽ tạo kẽ hở cho việc các trường, các địa phương bỏ thi môn ngoại ngữ.

Điều kiện không thi ngoại ngữ như trong dự thảo: “Học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học” dễ tạo kẽ hở.

Ngoài ra, học sinh không thi ngoại ngữ chỉ thi 3 môn thi/bài thi sẽ tạo ra sự không công bằng và không đồng đều so với các thí sinh phải thi 4 môn thi/bài thi, trong đó có môn ngoại ngữ, được xem là môn khó đối với học sinh.

Nên chăng bắt buộc tất cả các học sinh đã học ngoại ngữ đủ ở các lớp đều phải thi ngoại ngữ. Đối với học sinh học ngoại ngữ trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì ra đề ở mức độ dễ hơn.

Học sinh không học ngoại ngữ [kể cả học sinh GDTX] hoặc học không đầy đủ [số lượng không nhiều] thì chọn thêm một môn tự chọn khác thay thế cho đủ 4 môn thi/bài thi tối thiểu.

Page 4

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của giáo viên THCS.

Thông tư này quy định tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của giáo viên THCS, bao gồm: giáo viên THCS hạng IV, giáo viên THCS hạng III và giáo viên THCS hạng II.

Thông tư này áp dụng đối với giáo viên THCS trong các trường công lập có cấp trung học cơ sở đồng thời có thể áp dụng đối với giáo viên THCS trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở bao gồm: nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Giáo viên THCS hạng IV yêu cầu tối thiểu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;

Ứng dụng được công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học và giáo dục học sinh; có trình độ ngoại ngữ bậc 1; giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 2 hoặc biết sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy, giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số;

Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đạt loại trung bình trở lên...

Giáo viên THCS hạng III tối thiểu có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;

Ứng dụng hiệu quả và hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học và giáo dục học sinh;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 2; giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 2 hoặc biết sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy, giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số;

Có chứng chỉ bồi dưỡng Tiêu chuẩn chức danh giáo viên THCS hạng III; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đạt loại khá trở lên; có thâm niên ở chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng IV từ 3 năm trở lên…

Giáo viên trung học cơ sở hạng II tối thiểu có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;

Có khả năng phổ biến kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học và giáo dục học sinh THCS cho đồng nghiệp;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 2; giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 3; hoặc sử dụng tốt tiếng dân tộc trong giảng dạy, giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số;

Có chứng chỉ bồi dưỡng Tiêu chuẩn chức danh giáo viên THCS hạng II; thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đạt loại giỏi; có thâm niên ở chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III từ 3 năm trở lên.

Page 5

Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm

Theo TS Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, năm nay đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, có một số câu hỏi ra theo hướng mở.

Hội đồng Chấm thi Sở GD&ĐT Bến Tre đã quán triệt cho giám khảo thực hiện đúng quy định tại hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT. Chấm thi theo hướng dẫn chấm và biểu điểm của Bộ GD&ĐT cung cấp.

Hội đồng Chấm thi không làm lại hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ GD&ĐT mà chỉ chi tiết hóa, có hướng dẫn cụ thể hơn cho giám khảo về hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ.

Hội đồng chấm thi cũng lưu ý giám khảo linh hoạt trong vận dụng hướng dẫn chấm và biểu điểm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Liên quan đến việc chấm thế nào để thực sự mở, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng:

Khi đề thi ra theo hướng mở thì hướng dẫn chấm không thể quy định cứng nhắc, gò vào khung những ý theo quan điểm của người ra đề, nên hướng dẫn chấm phải được làm theo hướng mở.

Đặc biệt môn Ngữ văn năm nay có một số câu hỏi ra theo hướng mở, liên hệ với những vấn đề thời sự của đất nước.

Tôi cho rằng thực tế bài làm của thí sinh đối với các câu hỏi mở loại này sẽ rất phong phú và đa dạng do suy nghĩ, nhận thức khác nhau của thí sinh.

Hướng dẫn chấm cũng có thể chưa dự kiến hết tất cả các tình huống. Do vậy vai trò của giám khảo hết sức quan trọng.

Giám khảo phải vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, cho phép thí sinh được triển khai ý tưởng của mình, lưu ý những bài làm có sáng tạo, cảm xúc, miễn sao ý tưởng của thí sinh không đi lạc với yêu cầu của đề thi, không trái với thuần phong, mỹ tục, không trái đạo lý truyền thống, pháp luật là có thể cho điểm.

Coi trọng suy nghĩ chín chắn, bản lĩnh

Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm, cô Lê Thị Thúy Hoàn - Trung tâm GDTX B Ý Yên [Nam Định] cho rằng, mỗi thầy cô giám khảo chấm Văn có sự cảm nhận khác nhau.

Chính vì vậy, tổ chấm cần có sự thảo luận bàn bạc thống nhất ở câu hỏi về đoạn văn và đặc biệt là phần viết văn bản vì đáp án không xác định rõ các ý chính có cơ số điểm là bao nhiêu.

Các giám khảo chấm cũng cần trao đổi đối với các bài văn của học sinh có sự sáng tạo khi khớp điểm mà có sự chênh lêch. Trên cơ sở đáp án của Bộ GD&ĐT, tổ chấm cần có tiêu chí cụ thể cho từng phần của câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh - nhận định: Ở phần I, câu 1 và câu 2 chấm khá dễ, không có vấn đề gì đáng bàn vì đáp án đã nêu khá rõ.

Câu 3 khó chấm hơn vì là một vấn đề mở và thí sinh được quyền trình bày những suy nghĩ riêng của mình.

Tuy sự "bày tỏ thái độ", theo như đề bài yêu cầu, đã mở ra một không gian khá tự do cho người viết nhưng người chấm tất nhiên cũng có những cái "chuẩn" nhất định để đạt đến sự đồng bộ trong cách đánh giá, tránh được sự chênh lệch giữa các giám khảo.

Chắc chắn, trong tuyệt đại đa số bài thi đều bày tỏ thái độ phê phán những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một bài hay, bên cạnh nhiệt tình của tuổi trẻ đối với đất nước, còn cần thể hiện một độ chín chắn, bản lĩnh trong suy nghĩ.

Nghĩa là, bên cạnh sự phê phán đanh thép, kiên quyết và đầy lý lẽ [chứ không phải bồng bột, "đao to búa lớn" nhưng không có sức nặng thuyết phục] biểu lộ một tình cảm yêu nước nồng nhiệt, một ý thức chủ quyền sâu sắc, còn cần bày tỏ những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người, trong đó có bản thân mình, đối với hiện tình đất nước.

Đấy là quan niệm không chỉ nói suông mà cần phải làm. Việc làm thiết thực nhất của tuổi trẻ cho đất nước không chỉ là sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần mà còn là tích cực học tập, rèn luyện tài năng và phẩm chất để góp phần làm cho nội lực dân tộc hùng mạnh, từ đó đẩy lùi được tham vọng của ngoại bang.

Hiếu Nguyễn

Page 6

Bentre.gov.vn-Ngày 21/5/2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tri tổ chức Lễ biểu dương học sinh giỏi cấp trung học cơ sở năm 2013-2014.

Tham dự lễ biểu dương có ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Trai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Bùi Văn Trung - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri, cùng 77 em học sinh giỏi cấp trung học cơ sở, thầy, cô giáo các trường tham dự.

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục huyện đã tích cực đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác quản lý giáo dục nâng cao chất lượng quản lý dạy bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhờ đó, học sinh trên địa bàn huyện đã đạt kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tiêu biểu, tại cuộc thi học sinh giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia, Ba Tri có 2 học sinh tham gia và đều đoạt giải với 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích.

Đối với các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho khối Trung học cơ sở, Ba Tri đạt 86 giải ở 3 nội dung thi. Đặc biệt, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, Ba Tri có 74 học sinh đạt giải trong tổng số 119 em tham gia dự thi, với 10 giải nhì, 28 giải ba, 36 giải khuyến khích. Với kết quả đó, Ba Tri xếp thứ hai toàn tỉnh, chỉ sau Thành phố Bến Tre.

Tại buổi lễ, Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri đã tặng giấy khen cho 3 em học sinh giỏi, 11 giáo viên; Phòng Giáo dục và Đào trao tặng giấy khen cho 77 em học sinh đã đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2013-2014.

Được biết, đây là lần thứ nhất huyện Ba Tri tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng học sinh giỏi với mục đích tuyên dương, khen thưởng, khuyến khích tinh thần học tập của các em. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo trong phát hiện, bồi dưỡng kiến thức; các địa phương, ban, ngành đoàn thể, phụ huynh đã tạo điều kiện, giúp học sinh tham gia các kỳ thi đạt kết quả cao.

Page 7

  • Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014 tiếp tục được khẳng định trong công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
  • Trong đó nói rõ đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời, không máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.

Theo PGS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục [Bộ GD&ĐT], chủ trương đổi mới này dựa trên định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của HS theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn Ngữ văn trong các nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta [thực tế cho thấy học sinh thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này và đã đạt kết quả khá cao]; dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây - Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Được biết, định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng cũng đã được chỉ rõ trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014.

Với các câu hỏi được ra theo dạng “đề đóng” như lâu nay, tính tích hợp [giữa các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học và liên môn] chưa cao. Các câu hỏi chủ yếu đánh giá HS ở hai mức nhận biết và thông hiểu, mức vận dụng hầu như chưa có.

Có 2/3 câu kiểm tra kiến thức về văn học, về những văn bản [VB] đã học trong chương trình và sách giáo khoa [SGK]. Để làm bài, HS thường phải ghi nhớ máy móc nội dung của các bài học, học bài văn mẫu...

Như vậy, đề thi chưa giúp đánh giá được năng lực Ngữ văn của học sinh cuối cấp THPT.

Đề thi sẽ nâng cao dần yêu cầu qua từng năm và tập trung vào kiểm tra đánh giá 2 kĩ năng quan trọng mà HS cuối cấp THPT phải đạt đến độ thuần thục qua môn ngữ văn, đó là kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết. Cụ thể là:

+ Kĩ năng đọc hiểu: Thực tế, năng lực đọc hiểu rất quan trọng đối với mỗi người. HS đã được rèn luyện và kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu từ bậc Tiểu học.

Ở Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kì, học kì, GV đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong SGK. Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn Ngữ văn để đạt mục tiêu tốt nghiệp THPT, HS đã có khả năng đọc hiểu tốt.

Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu trong kì thi tốt nghiệp THPT là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.

Điểm mới chỉ là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung đã đọc hiểu về những văn bản có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong SGK nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài/chủ đề…

Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của HS; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.

+ Kĩ năng viết: HS cũng đã được rèn luyện kĩ năng viết từ bậc Tiểu học. Đề thi của các năm trước rất coi trọng kĩ năng này [cả 3 câu trong đề thi đều yêu cầu HS trình bày bằng hình thức viết].

Đề thi mới vẫn coi trọng kĩ năng này. Hơn nữa, đề thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng “mở” và tích hợp kiến thức liên môn chứ không đưa ra những câu hỏi “đóng” [và cả đáp án “đóng”], yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những khuôn mẫu có sẵn như trước.

Cách làm mới cho phép HS bộc lộ những suy nghĩ riêng, sáng tạo của bản thân; vận dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề cụ thể của đời sống hoặc văn học một cách sáng tạo và độc lập nhằm đánh giá đúng năng lực viết của các em.

Đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn trong vài năm gần đây đã bắt đầu đổi mới theo hướng này.

Với cấu trúc như trên, dung lượng đề thi năm nay sẽ giảm bớt để phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút.

Page 8

NLD-Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2013 có thể sẽ đỗ tốt nghiệp năm 2014 mà không cần phải thi. Đó là bất cập trong quy định mới liên quan đến thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT 2014, phụ lục 5 về chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD-ĐT] ban hành đã tạo kẽ hở giúp nhiều thí sinh không thi mà vẫn đỗ tốt nghiệp.

Quy định… buồn cười

Điều 33 Quy chế thi tốt nghiệp THPT, mục công nhận tốt nghiệp đối với giáo dục thường xuyên [GDTX] quy định thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm sau đó.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, TP HCM trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, theo hướng dẫn chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp ở GDTX trong kỳ thi năm 2013 nếu có điểm bảo lưu của cả 4 môn đăng ký thì không phải dự thi. Bộ GD-ĐT cũng nói rõ nếu thí sinh đã đăng ký bảo lưu điểm thi thì không được dự thi các môn này.

Theo phân tích của một chuyên gia, quy định này là một kẽ hở trong thi cử. Ví dụ, một thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2013 vì không đủ 30 điểm/6 môn, tuy nhiên, các môn ngữ văn, toán, hóa học, vật lý của thí sinh này vẫn đạt 5 điểm thì em này đương nhiên đỗ tốt nghiệp trong năm 2014. “Với cách thi cũ, thí sinh sẽ phải thi lại nhưng rõ ràng với cách tính mới, 2 môn bắt buộc và tự chọn đều trên 5 điểm thì thí sinh đương nhiên có được tấm bằng tốt nghiệp mà không phải dự thi. Tôi thấy quy định này không công bằng và có thể gây ra nhiều thắc mắc” - chuyên gia này nói.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, cho rằng việc đổi từ cách thi cũ sang cách thi mới chắc chắn không tránh khỏi những trục trặc. Tuy nhiên, PGS Cương cũng thừa nhận ông thấy quy định này buồn cười vì thí sinh năm ngoái trượt, năm nay bỗng thành đỗ mà không cần phải vất vả thi cử. “Điều này cho thấy chắc chắn năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn năm ngoái nhiều” - PGS Cương dự đoán.

Thiếu công bằng

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 25-4, các trường THPT sẽ tiến hành thu phiếu đăng ký dự thi môn tự chọn tốt nghiệp của học sinh. Ngày 7-5 là hạn cuối để học sinh đăng ký; sau thời gian này, thí sinh không được đổi môn thi tự chọn. Học sinh có thể lựa chọn 2 môn thi trong số các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học và ngoại ngữ.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay học sinh phải đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng ký dự thi ở cơ sở giáo dục khác. Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông. Đối với thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi trong những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong những năm trước nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp GDTX nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GDTX. Về quy định này, PGS Văn Như Cương cho rằng đó là một bất công. “Trong khi thí sinh hệ THPT trượt tốt nghiệp phải thi lại cả 4 môn theo tư cách thí sinh tự do thì việc thí sinh GDTX an nhàn tốt nghiệp là không công bằng cho các em” - PGS Văn Như Cương nhận xét.

Không ép học sinh thi môn tự chọn

Sở GD-ĐT Bình Dương vừa có công văn hướng dẫn chọn môn thi tự chọn gửi các trường THPT. Theo đó, nhà trường phải tư vấn cho học sinh tự chọn môn thi dựa trên kết quả học tập, khối thi ĐH-CĐ, đặc điểm môn học, lịch thi, chất lượng đội ngũ và các điều kiện khác của nhà trường.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn tư vấn cho học sinh mà mình phụ trách tự chọn môn thi. “Việc đăng ký môn thi tự chọn phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trong trường hợp ban giám hiệu, giáo viên phụ trách nhận thấy học sinh đăng ký không phù hợp thì cần tổ chức tư vấn thêm cho học sinh nhưng tuyệt đối không được ép buộc học sinh” - ông Phương chỉ đạo.

Tại TP HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương yêu cầu các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của sở, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Các trường phải tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.

Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả để tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ, cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.

“Các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải” - ông Chương yêu cầu. G.Thùy - H.Lân

Page 9

Thi tốt nghiệp 4 môn

Theo thông tư trên, môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông [THPT] gồm 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ."

Thời gian làm bài đối với môn thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; Lịch sử và Địa lí: 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ: 60 phút.

Tổ chức Hội đồng coi thi

Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi để thực hiện các công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi.

Trong mỗi Hội đồng coi thi, việc lập danh sách thí sinh dự thi ở mỗi phòng thi được thực hiện như sau:

Xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,.. đối với các thí sinh không đăng ký thi Ngoại ngữ;

Xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... và theo thứ tự môn thi Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật đối với các thí sinh đăng ký thi Ngoại ngữ.

Mỗi thí sinh có một số báo danh. Số báo danh của thí sinh gồm 6 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng coi thi, đảm bảo trong Hội đồng coi thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Phòng thi được xếp theo môn thi; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, riêng phòng thi cuối cùng của Hội đồng coi thi, được xếp đến 28 thí sinh.

Đối với Hội đồng coi thi có từ hai trường phổ thông trở lên, không được xếp thí sinh của các trường khác nhau trong một phòng thi, trừ phòng thi cuối cùng.

Đối với môn Ngoại ngữ, được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau trong cùng phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn.

Số phòng thi của mỗi Hội đồng coi thi được đánh từ số 001 đến hết.

Giấy chứng nhận hưởng chế độ ưu tiên

Các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ cộng điểm khuyến khích [nếu có] gồm: Chứng nhận nghề phổ thông;

Chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi do Ngành Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông, gồm: thi học sinh giỏi các môn văn hoá; thi thí nghiệm thực hành [Vật lí, Hoá học, Sinh học]; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế.

Họp rút kinh nghiệm sau mỗi môn thi

Cũng theo thông tư này, cửa vào phòng thi phải niêm yết: Bảng danh sách thí sinh trong phòng thi theo từng môn thi; Quy định về vật dụng được mang vào phòng thi.

Trước khi tiến hành buổi thi đầu tiên, Hội đồng coi thi phải tập trung toàn bộ thí sinh và toàn thể Hội đồng coi thi để tổ chức khai mạc kỳ thi. Từ môn thi thứ 2, trước mỗi môn thi phải họp Hội đồng coi thi để rút kinh nghiệm coi thi môn trước, phổ biến những việc cần làm và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

Giám thị trong phòng thi phải niêm phong các đề thi không sử dụng đến [đề thừa] và bàn giao cho thư ký Hội đồng coi thi ngay tại phòng thi.

Sau mỗi môn thi, Hội đồng coi thi phải niêm phong ngay bài thi và các bì đề thừa của môn thi đó trước tập thể Hội đồng coi thi.

Niêm phong và gửi bài thi

Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến túi số 1 và túi số 3.

Cụ thể, túi số 1: đựng bài thi và 1 Phiếu thu bài thi theo phòng thi của mỗi môn thi. Giám thị trong phòng thi thu bài, nộp bài thi cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi ủy quyền;

Xau khi thu nhận và kiểm tra số lượng bài thi, số tờ giấy thi của phòng thi, người nhận bài thi trực tiếp niêm phong túi số 1 trước hai giám thị nộp bài thi, rồi cùng ký vào mép giấy niêm phong bên ngoài túi;"

Túi số 3: đựng hồ sơ coi thi, gồm bảng ghi tên, ghi điểm đã có chữ ký của các thí sinh dự thi, 1 phiếu thu bài thi theo phòng thi của mỗi môn thi, các loại biên bản lập tại phòng thi và biên bản của Hội đồng coi thi; các đề thừa đã niêm phong. Bên ngoài túi số 3 có chữ ký vào mép giấy niêm phong của 1 đại diện giám thị, 1 thư ký và Chủ tịch Hội đồng coi thi.

Miễn thi tốt nghiệp

Đối tượng miễn thi là: Người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hoá;

Người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ và người học khuyết tật.

Về điều kiện, đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung: Học hết chương trình trung học phổ thông; đủ điều kiện dự thi theo quy định của Quy chế; Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung: Được Hiệu trưởng trường phổ thông nơi đăng ký học tập xác nhận kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân từng năm ở cấp THPT; Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cộng điểm khuyến khích

Đoạn đầu của điểm b khoản 1 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b] Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành [Vật lí, Hoá học, Sinh học]; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do Ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông:"

Điểm xét tốt nghiệp, điểm xếp loại tốt nghiệp

Điểm xét tốt nghiệp [ĐXTN] được tính như sau:

Điểm xếp loại tốt nghiệp [ĐXL] được tính bằng [Điểm trung bình 4 bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12] chia 2.

Công nhận tốt nghiệp


Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2014.

Xem toàn văn Thông tư TẠI ĐÂY

Page 10

Tuyển chọn qua 2 vòng: sơ tuyển và thi tuyển

Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Tuyển sinh vào lớp đầu cấp trường chuyên

1. Nguyên tắc tuyển sinh

a] Tuổi của học sinh trường chuyên thực hiện theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

b] Đảm bảo lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả học tập xuất sắc ở cấp trung học cơ sở, đủ năng lực học lớp chuyên;

c] Bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng.

2. Kế hoạch tuyển sinh hằng năm

a] Trường chuyên thuộc tỉnh: Sở giáo dục và đào tạo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;

b] Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học: Hiệu trưởng trường chuyên trình người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;

c] Chậm nhất trước ngày thi tuyển 60 ngày, trường chuyên thông báo tuyển sinh bằng văn bản đến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học có đối tượng dự thi và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển

Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên [gọi chung là cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên] quy định về việc đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển.

4. Tổ chức tuyển sinh

a] Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 3 Điều này;

Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau:

Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế;

Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực 4 năm cấp trung học cơ sở;

Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở;

Kết quả đánh giá các chỉ số thông minh [IQ], chỉ số xúc cảm [EQ], chỉ số vượt khó [AQ] và các chỉ số đánh giá trí tuệ khác [nếu có tổ chức đánh giá].

Cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quy định cách thức quy ra điểm và mức điểm sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí để chọn học sinh vào thi tuyển vòng 2.

b] Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.

Việc thi tuyển có thể tổ chức độc lập hoặc kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp đầu cấp THPT hàng năm.

Cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quy định: môn thi, hình thức thi và thời gian làm bài của mỗi môn thi theo từng lớp chuyên; hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển vào lớp chuyên và lớp không chuyên thuộc trường chuyên.

Người đứng đầu cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên ra quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo.

Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi được vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành.

Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên duyệt danh sách học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.

5. Báo cáo kết quả thi tuyển sinh

Chậm nhất vào ngày 30/8 hằng năm, cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên báo cáo kết quả tuyển sinh với Bộ GD&ĐT.

Hồ sơ báo cáo gồm: Kế hoạch tuyển sinh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo kết quả tuyển sinh gồm: môn thi, hình thức thi và số lượng học sinh trúng tuyển vào mỗi lớp chuyên; cách thức xét tuyển và số học sinh trúng tuyển vào lớp mỗi lớp không chuyên [nếu có]; đánh giá kết quả tuyển sinh [ưu điểm, hạn chế] và những đề xuất với Bộ GD&ĐT.

Có thể tổ chức thi tuyển bổ sung vào các lớp chuyên

Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 24. Tuyển bổ sung vào lớp chuyên

1. Hằng năm, trường chuyên có thể tổ chức thi tuyển bổ sung vào các lớp chuyên.

2. Người đứng đầu cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quyết định việc tuyển bổ sung, quy định về điều kiện dự tuyển bổ sung, môn thi và tổ chức thực hiện".

Page 11

[Website UBND tỉnh Bến Tre]-Phòng GD-ĐT huyện Thạnh Phú vừa triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2014 đến các trường học trực thuộc trên địa bàn.

Theo đó, trong năm 2014 này, ngành GD-ĐT huyện tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT.

Thi tìm hiểu ATGT là một trong những hoạt động giúp học sinh nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật ATGT. [Ảnh: QV]

Trong đó, giải pháp được đưa ra là các trường chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường công tác phối hợp trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, nhắc nhở, giáo dục học sinh tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; làm tiêu chuẩn đánh giá chuẩn mực đạo đức của học sinh hàng năm. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với Đội CSGT trật tự Công an huyện trong việc tuyên truyền pháp luật ATGT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Bắt buộc phụ huynh học sinh cấp THCS ký cam kết không giao xe gắn máy cho con em điều khiển khi đi học, đi xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, đi đò ngang phải mặc áo phao cứu hộ...

Mặt khác, các trường tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên tại đơn vị; thông qua đó, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức đoàn thể và cán bộ, giáo viên, nhân viên tại đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự ATGT...

Việc đảm bảo trật tự ATGT năm 2014 nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh các trường trong huyện Thạnh Phú thực hiện tốt các tiêu chí về văn hóa giao thông; có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Đồng thời, có thái độ ứng xử văn hóa, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông; chấp hành tốt các quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.

Quốc Vinh

Video liên quan

Chủ Đề