Chính sách đối ngoại của Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15 với Lào Chăm-pa Chân Lạp là

“Loạn 12 sứ quân” là tình trạng của đất nước ta dưới thời nhà Ngô sau khi

Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ sơ khai hình thành dưới các triều đại nào?

Bộ luật được ban hành dưới thời Lê có tên gọi là

Thể chế quân chủ chuyên chế có nghĩa là

14 Tháng 12 2008 - Cập nhật 14h48 GMT

Một chuyên gia Hàn Quốc đã mạnh dạn đụng đến một chủ đề nhạy cảm khi ông nói hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là "chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược".

Giáo sư Song Jung Nam, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, đặt vấn đề này tại Hội thảo Việt Nam học 2008, khi phân tích tính chất mở rộng lãnh thổ trong thời Hậu Lê, giai đoạn mở mang được cho là mạnh nhất trong lịch sử.

Mở rộng lãnh thổ

Công cuộc Nam tiến bắt đầu từ năm 1069 khi nhà Lý buộc Chiêm Thành nhường ba châu, đưa cương vực tiến tới tỉnh Quảng Trị ngày nay.

Tiến sĩ Song Jung Nam lưu ý ngoài chuyện gả Huyền Trân công chúa cho vua Champa để nhận hai châu Ô - Lý, sau đó, thời nhà Trần "không nhận được một tấc đất nào từ Champa", mà còn "vài lần phải lâm vào thế tự vệ".

Năm 1402, nhà Hồ đánh Chiêm Thành, mở rộng ra đến Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Đến khi quân Minh xâm lược và chiếm Việt Nam, khu vực này bị Chiêm Thành lấy lại.

Theo chuyên gia Hàn Quốc, triều Hậu Lê, bắt đầu từ Lê Lợi, là triều đại "có được nhiều lãnh thổ nhất".

Năm 1470, Lê Thánh Tông đem 26 vạn quân chiếm Chiêm Thành, lấy lại bốn châu bị mất trong thời gian quân Minh cai trị.

Qua cuộc viễn chinh này, Việt Nam cũng mở rộng lãnh thổ tới Bình Định ngày nay.

Ngoài lãnh thổ chiếm được, nhà Lê chia Chiêm Thành thành ba khu vực để "có thể dễ dàng hợp nhất vùng này vào bất kỳ lúc nào".

Tác giả ghi nhận Chiêm Thành, trong thế kỷ 15, còn "ở vùng đệm nên có thể duy trì quan hệ đối ngoại giữa Thái Lan, Campuchia với Việt Nam."

"Nhưng thời kỳ sau, đối tượng mở rộng lãnh thổ đến cả Campuchia, quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia hay Việt Nam - Thái Lan trở thành mối quan hệ đối lập sâu sắc, thậm chí Campuchia là trục chiến lược trong sự cạnh tranh của Việt Nam và Thái Lan."

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh

Việc mở rộng lãnh thổ diễn ra "sôi động, nhanh và rộng nhất là vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh".

Theo tác giả: "Việc mở rộng lãnh thổ ở thời kỳ sau phân chia Nam Bắc được thực hiện thông qua việc hợp nhất hoàn toàn Chiêm Thành và sự mở rộng về phía Campuchia đã kéo theo sự căng thẳng sâu sắc trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia và dĩ nhiên ảnh hưởng tới cả quan hệ Campuchia và Thái Lan."

"Kết quả là ngày nay, đối ngoại giữa 3 nước, đặc biệt Việt Nam - Campuchia hay Thái Lan - Campuchia vẫn còn chịu ảnh hưởng không nhỏ".

Khác với thời kỳ trước, đặc trưng giai đoạn trong thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn đi xuống phía Nam, là "chiếm lĩnh đồng thời sát nhập và hợp nhất lãnh thổ".

Tháng Tám năm 1692, chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu, chiếm Chiêm Thành và đến năm sau đổi tên thành Thuận Thành, xóa bỏ sự tồn tại của Chiêm Thành với tư cách một quốc gia.

Kể từ lúc đó, Chiêm Thành đã "trở thành một dân tộc thiểu số của Việt Nam".

Việc hợp nhất hoàn toàn Chiêm Thành năm 1697 thể hiện "sự vững vàng của một quốc gia thống trị nhưng cũng cho thấy đây là một mắt xích trong việc thực hiện dư định hợp nhất Campuchia có chung đường biên giới".

Tác giả Song Jung Nam nhắc lại năm 1621, chúa Nguyễn đã "yêu cầu vua Campuchia cho người Việt Nam di trú tự nhiên, di trú Thủy Chân Lạp với những hình thức miễn thuế, thương mại, phát triển. Kết quả là việc di trú đến Campuchia của người Việt được bắt đầu từ tỉnh Đồng Nai và Mũi Xoài thuộc Bà Rịa, Vũng Tàu bây giờ".

Lúc này, Campuchia muốn thoát khỏi ảnh hưởng của vương quốc Ayuthaya của Thái Lan, nên đã "mượn sức mạnh của Việt Nam để thoát khỏi sự cai trị của Thái, Việt Nam đã có được cơ hội tiến vào Campuchia một cách hợp pháp và đồng thời trên cơ sở đó, đã có được cơ hội tuyệt vời để có thể cản trở sự tiến vào Campuchia của Thái và xâm chiếm lãnh thổ Campuchia".

Năm 1658, lần đầu tiên Việt Nam "có cơ hội gửi quân đội theo yêu cầu của Campuchia để giải quyết phân tranh vương vị và kết quả là nhận được sự cư trú hợp pháp ở Mũi Xoài, Đồng Nai và nộp cống, thần phục từ Campuchia".

Năm 1679, Việt Nam "đem 50 chiến thuyền với hơn ba ngàn quân, lợi dụng những người quản lý của nước Minh Trung Quốc đầu hàng như Dương Ngan Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình … tiến hành thực hiện việc phát triển Mỹ Tho và Biên Hòa".

'Hỗ trợ và vũ lực'

Tác giả nhận xét việc hợp nhất ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Hà Tiên diễn ra khác phương pháp hợp nhất Chiêm Thành.

"Khi hợp nhất lãnh thổ của Chiêm Thành, đa số dùng phương pháp chiếm bằng vũ lực nhưng khi hợp nhất lãnh thổ Campuchia thì lợi dụng người trong nước hay người nước ngoài trước hết là khai thác, rồi lợi dụng khi quyền lực cai trị của Campuchia yếu đi thì hợp nhất một cách tự nhiên."

"Không những thế, ở đây còn cho thấy sự ưu tiên phương pháp nhận lãnh thổ bằng cách hỗ trợ giải quyết nội chiến của Campuchia hơn là dùng vũ lực trực tiếp."

Riêng đến khi hợp nhất Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, chúa Nguyễn chuyển sang dùng vũ lực bằng ba lần thu phục năm 1732, 1753 và 1757.

Công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam vẫn tiếp tục dưới triều đại cuối cùng, nhà Nguyễn.

Năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng, danh tướng Trương Minh Giảng tiến quân sang Campuchia, đổi tên Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, sát nhập vào Đại Nam.

Tuy vậy, "cuộc xung đột dành quyền cai trị Campuchia giữa Việt Nam và Thái kéo dài, cộng với việc phản đối sự cai trị của Việt Nam trên toàn Campuchia và các cuộc phản loạn trong nước nên đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi".

Năm 1847, nhà Nguyễn ký hiệp định với Thái và rút quân.

Tác giả cho rằng: "Mở rộng lãnh thổ của Việt Nam bị kiềm chế bởi Thái và Pháp. Nếu giả định trường hợp Pháp không tiến hành xâm lược hay không có mâu thuẫn với Thái thì Việt Nam đã có được một vùng rộng lớn trong lãnh thổ của Lào và Campuchia".

TS. Song Jung Nam kết luận: "Việc mở rộng lănh thổ của Việt Nam cho thấy một quy luật điển hình trong lịch sử nhân loại là cá lớn nuốt cá bé. Việt Nam đă không ngừng đấu tranh trong trường kỳ lịch sử để sinh tồn bên cạnh một Trung Quốc mạnh hơn mình nhưng ngược lại cũng tiến hành chinh phục Chiêm Thành và Campuchia yếu hơn."

"Điều này thể hiện hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược."

"Việt Nam đã trải qua quá trình dân chủ đấu tranh và bồi dưỡng sức mạnh quốc gia rồi trên cơ sở đó hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược và kết quả là xác lập được lãnh thổ phía Nam bây giờ."

Ông nói thêm việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cũng minh chứng cho quy luật lịch sử "giữa các láng giềng không có quan hệ tốt".

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc tái lập năm 1991, trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia cũng không mặn mà từ sự kiện Việt Nam đem quân vào Phnompenh cuối thập niên 1970.

Sang thập niên 1980, quan hệ giữa Hà Nội và Bangkok cũng căng thẳng xung quanh vấn đề Campuchia.

Như trong một hội thảo mới đây về Vương triều Nguyễn, quan điểm chính thống hiện nay là các chúa Nguyễn đã "có công mở rộng lãnh thổ về phía nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long và xác lập chủ quyền vững chắc trên vùng đất mới" [GS. Phan Huy Lê trong hội thảo tháng 10 ở Thanh Hóa].

Diễn giải về quá trình "xâm lược" của Việt Nam trong lịch sử chắc khó lòng nhận được tán đồng từ người Việt Nam.

Dẫu sao, nó cho thấy người bên ngoài có những cái nhìn khác mà bên trong có thể không [muốn] thấy.

Việc bài của GS. Song Jung Nam được đưa vào Hội thảo Việt Nam tháng 12 tại Hà Nội, cũng như một số nhận định trái chính thống về Hồ Chí Minh, là dấu hiệu không khí học thuật trong nước đã thoải mái và thoáng hơn so với những năm trước đây.

Sand
Tôi đồng ý với bạn Trần Nam. "Mở mang bờ cõi" hay "xâm lược" bản chất đâu có khác gì nhau. Cũng giống như "ngoan cường" với "ngoan cố" ấy mà.

Bây giờ Việt Nam lúc to mồm phản đối, lúc lại rụt vòi đối với vấn đề Trường Sa. Nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn, và chẳng có nước nào trên thế giới muốn dính vào chuyện này.

Chỉ khi bản thân ta mạnh lên thì đương nhiên các nước khác cũng phải nể trọng. Vấn đề là liệu người Việt Nam có đoàn kết lại cùng nhau, hướng tới tương lai, nhìn tới cái lợi xa hơn được hay không?

Trần Nam
Việc VN chiếm các quốc gia ở phía nam thì cũng có khác gì việc TQ "nam chinh"? Tại sao một cái thì gọi là "xâm lược" một cái lại gọi một cách hoa mỹ là "khai hoang" hay "sáp nhập"?

Chiêm thành có phải đất hoang đâu mà "khai", họ cũng có liên hệ gì với VN đâu mà "sáp nhập". Rốt cuộc thì vấn đề này một lần nữa chỉ minh chứng cho một chân lý duy nhất có ý nghĩa trên thế giới này là "chân lý thuộc về kẻ mạnh", cho dù nhiều người dị ứng với cái chân lý này.

Thật ra rất đơn giản, bạn đã yếu thì đừng có nói chữ, nói đạo lý làm gì cho mất công, cũng chả có tác dụng gì.

Chỉ có nội lực mạnh mới quan trọng, chỉ có mạnh lên thì mới cách duy nhất để phát triển. Khi đã mạnh rồi thì chả phải sợ ai, và lâu lâu nếu cần thì sẵn sàng dùng vũ lực để giành lại quyền lợi cho dân tộc, quốc gia. Đó mới là cái chân lý để trường tồn.

Hùng, Mỹ
Kinh nghiệm từ bài nghiên cứu này là hành động "chiếm đóng" một lãnh thổ không phải lúc nào cũng xấu và Việt Nam cũng đã từng "xâm lược" các vùng lãnh thổ khác.

Hiểu được thực tế này sẽ tránh được những "bức xúc" không cần thiết khi theo dõi thời sự quốc tế.

Có nhiều nguời ở Việt Nam vẫn rất nhạy cảm khi nghe tin Mỹ hoặc một nước phương Tây đem quân vào lãnh thổ một nước khác. Họ không nghĩ rằng Việt Nam cũng đã từng làm như vậy gần đây và nhiều lần khác trong lịch sử.

Điều đáng quan tâm hơn là những kẻ "xâm lược" để lại gì sau thời gian chiếm đóng. Mỹ, Canada, Úc, Hongkong, đều là những vùng lãnh thổ thuộc đế quốc Anh hiện nay hoặc trong quá khứ. Kinh tế, xã hội ở các vùng này đều thuộc loại tiên tiến hàng đầu thế giới sau khi người Anh rút đi.

Người Pháp đô hộ Đông Dương nhưng họ mang lại chữ quốc ngữ mà Việt Nam ta ngày nay vẫn dùng, cũng như đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc, đường xá, cồng cống mà đến nay vẫn không thể thiếu được trong đời sống kinh tế của Việt Nam.

Có khi chúng ta phải nghĩ lại, nếu chúng ta là họ, chúng ta đã có thể làm được gì cho những vùng bị ta chiếm đóng?

Hồng Lam
Tôi nghĩ, chúng ta không nên qua nặng nề với việc sử dụng thuật ngữ văn học như từ "xâm lược".

Việc mở mang bờ cõi đôi khi như là một việc sáp nhập các vùng, chứ không hẳn là xâm lược và đó là hình thức phổ biến của lịch sử phát triển các quốc gia trên thế giới, nhất là nơi nhiều binh biến như nước VN.

Vi Vu
Bạn gì nói là ngày xưa Việt Nam dài đến Trường Giang, không hiểu bạn nói ngày xưa là xưa khi nào? Có phải khi Triệu Đà bỏ chạy loạn Hán Sở mà chiếm Ba Thục, Ngô Việt không?

Nếu thế chắc bạn lầm rồi vì ngoài Lý Thường Kiệt đốt thành U Thương và Quang Trung bạo phổi đòi Quảng Tây hình như VN chưa bao giờ lấy gì được của TQ cả!

HT
Khi xưa không có ranh giới rõ ràng giữa các nước, đa phần đất là đất hoang không chủ cho nên việc các Vua Chúa VN ngày xưa mở rộng về phía nam nên gọi là đi "khai hoang" chứ không thể gọi là đi xâm lược.

Sau này KHKT phát triển, người đông cho nên các nước xác định ranh giới rõ ràng với nhau. Khi đã có ranh giới rõ ràng rồi mà anh lại lấn sang đất, nước của người khác thì mới gọi là xâm lược; giống như TQ đang lấn đất lấn biển VN hiện nay.

Bill
Bạn Nguyên và Rocket nên học lại lịch sử và học hỏi về tinh thần dân tộc của các nước láng giềng Nhật Bản, Trung Quốc.

Thử hỏi Nguyên chứ cuộc chiến tranh nào không tàn bạo? Nếu không tàn bạo thì đất nước Việt nam hay Mỹ đi chăng nữa có còn tồn tại không? Mỹ có cảm thấy ô nhục cha ông họ trong trận chiến ở Việt nam không?

Còn Rocket thử nghĩ xem dân Mông Cổ có cảm thấy ô nhục khi Khả Hãn xâm chiến các vùng đất không thuộc lãnh thổ của mình không?

Tuấn
Trình độ của vị Giáo sư, tác giả bài viết này thực ra chỉ tương đương với những người VN bình thường mà có chút kiến thức về lịch sử. Việc VN xâm lược Chiêm Thành, Campuchia đều được sử sách ghi nhận rồi.

Ai mà chẳng hiểu "mở rộng lãnh thổ" thì có nghĩa là phải chiếm đất của người khác. Vì tiếng Việt [thực ra là Hán Việt] xâm lược có nghĩa xấu chứ còn dùng theo tiếng Anh là "invasion" thì có sao đâu.

Ngoài ra việc đánh CPC năm 78 là việc nên làm. Chỉ có điều là ta ở lại lâu quá nên không tránh khỏi việc bị coi như quân xâm lược.

Bạn nào cứ nói chuyện thử với những người lính đã từng ở bên đó thì sẽ hiểu. Cũng chẳng khác lính Pháp, Mĩ ngày xưa đâu. Còn bạn nào đó bảo lãnh thổ VN ngày xưa đến nam sông Trường giang thì tôi không hiểu bạn không biết LS hay bạn là người Trung Quốc vậy.

Quang
Bạn Nguyên có ở Campuchia ngày nào không mà nói vậy. Bạn đã nhìn thấy cánh đồng chết chưa, bạn đã từng chứng kiến đồng bào mình bị tàn sát thế nào chưa, bạn đã thấy Polpot chặt đầu nhà tu hành chưa mà bạn có nhận xét kỳ lạ vậy.

Cato
Tôi đồng ý việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia để đánh đuổi tàn quân Khơme đỏ vì đó là một việc làm chính nghĩa, nếu trưng cầu ý kiến ở liên hiệp quốc thì theo luật quốc tế Việt Nam hành động như vậy là đúng.

Không cần nói nhiều về chuyện này nữa nếu chính phủ Campuchia hiện nay đưa các cựu chỉ huy Khowme đỏ ra xét xử tội diệt chủng thì tôi nghĩ cộng đồng quốc tế cũng nên truy cứu trách nhiệm liên đới vì tội hỗ trợ Khơme đỏ của Trung Quốc và Thái Lan gây ra thảm cảnh diệt chủng.

Còn việc mở rộng lãnh thổ thì đó là lịch sử thời phong kiến đã qua rồi, bây giờ chỉ nên áp dụng đường biên giới lãnh thổ có được theo quy định về phân chia lãnh thổ trên đất liền và trên biển của Liên hiệp quốc sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Tôi cũng muốn hỏi bạn Nguyên bạn biết gì về Việt Nam tại Campuchia, bạn cứ post bài chi tiết ra chứ nói chung chung thì chẳng ai biết, việc nào đúng nói đúng việc nào sai nói sai thời đại bây giờ phải công khai sự thật.

Nobody
Có lẽ nhìn đi nhìn lại cũng phải nhìn 2 mặt của vấn đề. Phải nhìn từ 2 phía nếu không thì rất có thể sẽ bị nhầm lẫn.

Với người Việt, Trung Quốc chiếm đất VN thì người Việt gọi là Xâm Chiếm. Nhưng người Việt chiếm đất thành Chiêm thì lại bảo là Mở Mang Bờ Cõi. Cốt lõi đều như nhau, nhưng lịch sử nước nhà thì nước nào chả phải ghi lợi cho lịch sử, lợi cho chính trị nên điều tất yếu thì 2 nước khác nhau viết về cùng 1 vấn đề sẽ khác nhau.

Vậy nên để thống nhất Lịch sử thì Thế Giới nên mở ra tổ chức ghi lại lịch sử thế giới qua các nhà sử học của từng nước, như thế mới có thể thống nhất được Lịch Sử. Vả lại Lịch Sử vốn là thứ khó chứng thực nên khó mà tranh cãi.

Sincerity
"Mở mang bờ cõi" là từ né tránh của "xâm lược". Các vị chúa Nguyễn đã mở mang bờ cõi về phương Nam, đã thôn tính Chiêm Thành và chiếm một phần đất của Campuchia- điều đó là sự thật.

Có điều lịch sử hình thành một quốc gia khó có thể đảo ngược được. Chiêm Thành hiện nay đã là dân tộc thiểu số, đang sống "vui vẻ, hòa hợp một nhà" với anh em Kinh chúng ta. Còn Campuchia thì vẫn luôn căm thù việc VN lấy đất của họ.

Trước 1975, Lon Nol đã cho "cáp duồn" dân miền Nam VN tàn bạo như thế nào thì ai cũng rõ. Sau 1975, vào năm 1977-78 Khờ-Me đỏ cũng đã xua quân [với sự hỗ trợ của TQ] đánh thốc mạn sườn VN để mong chiếm lại phần đất đã mất trước đây và kết quả bị đánh tan tác ra khỏi Pnompenh như ta đã biết.

VN đem quân qua Campuchia năm 1978 đánh đuổi Khờ Me đỏ là "cứu giúp" dân ở đó thoát khỏi diệt chủng hay "xâm lược"?

Muốn hiểu thế nào cũng được. Chỉ có điều muốn giữ được phần đất miền Nam [trước đây của Campuchia] thì đem quân qua tận Pnompenh là "cần thiết", không thể làm khác được.

Năm 1979, để "trả thù" cho đàn em Khờ Me đỏ, TQ đã cho quân tràn qua biên giới "xâm lược" VN với cớ "dạy cho VN một bài học"?

Rocket
Đọc bài viết này lãnh đạo Đảng CS có thấy ngượng với cha ông không? Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc có lúc thịnh suy nhưng chúng ta vẫn luôn giữ được chủ quyền, thậm chí mở rộng sang cả chăm pa, Campuchia.

Vậy mà tiền đồng VN thấy có mỗi đại diện của CS in trên đó nhưng họ cũng là đại diện lãnh đạo duy nhất làm cho chủ quyền cha ông mấy ngàn năm giữ gìn bị mất.

Trà My
Ngược dòng lịch sử, chúng ta phải nói là tàn bạo quá, xóa sổ cả một dân tộc, máu quân Chiêm chảy thành sông.

Có vay có trả cho nên đất nước ta, con cháu Việt phải trả, nào là chiếm tranh nhồi da xáo thịt, nào là huynh đệ tương tàn, nào là thiên tai địch họa, nào là giành quyền lực. Cha làm con hưởng là chuyện đương nhiên.

Hiếu
Lịch sử hình thành các quốc gia khác có lẽ cũng giống VN. Trung quốc, Thái Lan cũng thôn tính các dân tộc nhỏ, thống nhất lãnh thổ.

Kể cả Campuchia cũng mở rộng bờ cõi bằng cách đánh chiếm các vùng đất phía nam. Nên dùng từ "thống nhất lãnh thổ" hay "mở rộng lãnh thổ" thì hay hơn.

Tất nhiên, đó là chuyện của quá khứ. Bây giờ chúng ta sẽ không chấp nhận khái niệm mở rộng lãnh thổ theo kiểu dùng vũ lực nữa.

Nhưng hiện tại đang xuất hiện kiểu mở rộng lãnh thổ bằng các biện pháp kinh tế, chính trị. Là người chứng kiến sự tàn ác của Khơme đỏ đối với dân Việt nam ở biên giới, tôi tán thành việc chúng ta đưa quân vào Campuchia năm 1978 để chấm dứt chế độ diệt chủng.

Chúng ta đã rút quân trả lại quyền hành đầy đủ cho người Campuchia. Giờ đây không nhà nước nào cho rằng chính quyền hiện tại của Campchia là bù nhìn của VN. Chúng ta đã có biên giới hòa bình, yên ổn phía tây nam.

Hình như đang có 1 số thế lực muốn khơi gợi lại các mâu thuẫn cũ của VN, kích động nội chiến, kích động các dân tộc thiểu số vùng lên đòi độc lập kiểu Kosovo. Hòng làm cho VN suy yếu, và họ sẽ thừa nước đục thả câu.

Nguyên
Hình như bạn Pinochio không biết hay cố tình không biết những điều mà quân đội Việt Nam đã làm trong những năm chiếm đóng Campuchia?

Tôi là người Việt Nam nhưng tôi thấy xấu hổ vì những gì người Việt mình gây ra với nhân dân Campuchia, đó là lý do vì sao cho tới bây giờ người Campuchia vẫn còn rất ghét và coi khinh người Việt chúng ta. Phải rất lâu nữa mới xóa được quá khứ ô nhục này.

Minh, Úc
Các sự kiện VN xâm chiếm dần Chiêm Thành và Campuchia không phải là điều gì mới mẻ. Trong giai đoạn trước thì xâm chiếm lãnh thổ của nhau là chuyện bình thường, xảy ra đối với mọi quốc gia.

Có điều tôi không thấy có mối liên hệ nào giữa các sự kiện nêu ra và lập luận cho rằng "chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lượng" là đặc trưng của lịch sử VN. Nếu nước nào ở hoàn cảnh VN cũng chống xâm lược và đi xâm lược nước khác thì đó không phải là đặc trưng.

Someone
Về nội dung bài viết thì sử sách đã nói và không có gì mới cả nhưng tác giả dùng từ “xâm lược” về việc mở rộng lãnh thổ của VN diễn ra từ thế kỷ 11 liệu có phù hợp hay không?

Tôi không nghĩ đây là vấn đề nhạy cảm, chúng ta phải chấp nhận lịch sử. Mỗi thời kỳ lịch sử có mỗi trật tự sắp xếp khác nhau, vào thời đó việc thôn tính lãnh thổ là điều bình thường diễn ra ở hầu hết các quốc gia.

PPT
Đây là một quá trình lịch sử mà chính sử Việt Nam công nhận chứ không chối bỏ. Quá trình lịch sử thì không đảo ngược được.

Nhưng các chính phủ phải hợp tác với nhau để tìm ra cách ứng xử hợp lí và cũng để ngăn cản xảy ra một quá trình tương tự.

Vấn đề bây giờ là trách nhiệm của nhà cầm quyền mỗi nước bảo đảm công bằng cho tất cả mọi người mọi thành phần dân tộc dựa trên căn bản bình đẳng nhân quyền và mọi quyền dân sự. Các xung đột nếu có là do cung cách đối xử bất bình đẳng mà ra.

Trên thực tế, nhà nước Việt Nam hiện nay không có các phân biệt dân sự và chủng tộc đối với các nhóm thiểu số và vẫn dành cơ hội ưu tiên cho các dân tộc ít người bắt kịp đà tiến chung của xã hội Việt Nam.

Tình, Vũng Tàu
Các chi tiết tiến sĩ Song Jung Nam đề cập không phải là mới, đã được người Vietnam thế hệ U30 trở lên biết rõ. Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng về sự phát triển của lịch sử và chấp nhận nó một các khách quan còn tùy thuộc vào tri thức của từng người, của từng nền văn hóa. Bây giờ người Mỹ khi nói về lịch sử của mình cũng chỉ là sự ca ngợi khai phá công thổ và truyền bá văn minh mà thôi.

Nobody
Hành vi thì giống nhau, nhưng có lẽ chỉ khác nhau về danh xưng. Ví dụ như đối với Ta thì là "Mở mang bờ cõi", nhưng với Địch lại là "Xâm lược". Cũng thế đối với "đi nghĩa vụ quân sự" là "đi Quân dịch"; "Phục viên" và "Giải ngũ", còn hàng lô từ ngữ khác tương tự, mong các bạn tìm tòi đóng góp.

Thuận
Vấn đề này chúng ta cần nhắc lại cho con cháu chúng ta biết nguồn gốc đất nước để cùng nhau cố gắn xây dựng và gìn giữ đất nước.

Chúng ta thấy ông cha ta đã gian nan mở mang đất nước như hiện nay và đến nay chúng ta cần minh bạch rỏ ràng để tôn thờ nhà Nguyễn đã có công rất lớn cho đất nước hiện nay. Đối với một người dân Việt, họ rất muốn biết nguồn gốc đất nước, và khi họ hiểu được nguồn gốc họ mới thấy giá trị của từng tất đất mà ông cha ta mở mang và họ sẽ quyết đấu tranh để bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ.

Khoa
Việc mở rộng lãnh thổ bằng việc xâm chiếm Chiêm Thành là một sự thật lịch sử mà Việt Nam không hề che dấu.

Tôi ủng hộ việc đưa các nội dung này ra thảo luận và phân tích. Nhưng tôi cực lực lên án cách lập luận lập lờ của người viết khi đánh đồng các nội dung bài viết với việc Việt Nam sang cứu nhân dân CPC năm 1978.

Thử hỏi không có Việt Nam thì ai sẽ là người cứu nhân dân CPC khỏi họa diệt vong. Đó là hành động tự vệ hoàn toàn hợp pháp.

Ý kiến
Các học giả chỉ bàn đến chuyện biên giới VN được mở rộng dần ở phía nam nhưng lại không ai bàn đến ở phía bắc VN mất dần với TQ ngày càng nhiều.

Nước VN ta ngày xưa phía bắc còn kéo đến tận bờ nam sông Trường Giang của TQ bây giờ cơ đấy. Ngay như hiện nay thôi các vị có bàn đến thác Bản Dốc, Hữu Nghị Quan không? Biết nhưng lờ đi với nhau cả chứ gì? Khoa học phải đảm bảo tính công bằng và trung thực đấy nhé!

Độc giả
Nguời Việt mình phải tưởng nhớ công lao chúa Nguyễn cho xứng tầm. Xem ra cuộc chiến Trịnh Nguyễn đem lại cho Việt nam vùng lãnh thổ rộng lớn, còn cuộc chiến Bắc Nam về ý thức hệ chỉ đem lại đau thương và mất đi vùng đất Hòang sa, Ải nam quan, Trường Sa và cả vùng biển rộng lớn.

Pinochio
Tôi không là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho nên tôi không thấy có gì khó chịu hay sai trong việc TS Song Jung Nam nói VN xâm lược hay mở rộng lãnh thổ, đó là việc tự nhiên và thường xảy ra giữa các quốc gia ở mọi thời kỳ.

Vấn đề nhạy cảm vẫn còn đến ngày hôm nay khi VN nhân danh giúp đỡ Nhân Dân Campuchia để đưa quân vào hạ bệ Khơ-me đỏ và chiếm đóng một thời gian dài trên đất nước đó.

Là người dân đồng bằng sông Cửu Long-nơi chứng kiến sự tàn ác của Khơ-me đỏ với dân vô tội cả 2 nước ở vùng biên giới-tôi ủng hộ việc đưa quân tấn công qua Campuchia để giữ yên nền độc lập của nước tôi và bảo vệ dân tôi được quyền sống hòa bình hơn là để xảy ra một cuộc chiến biên giới dai dẳng.

Video liên quan

Chủ Đề