Các đảo và quần đảo có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng

Những quyết sách lớn, quan trọng của Đảng ta về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Trước thềm thế kỷ XXI, nhân loại xác định, thế kỷ XXI là “Thế kỷ của đại dương”. Và sự thật, trong sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của thế giới, trước hết tại các quốc gia có biển và hướng ra biển, hơn một thập niên vừa qua, đã chứng minh rất sinh động và đầy thuyết phục điều dự báo ấy.

Đối với Việt Nam, nếu nhìn gần nhất, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, nghĩa là khoảng hơn hai mươi năm trước, Đảng ta đã hạ quyết tâm chính trị chiến lược và tổ chức phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng biển và kinh tế biển, đảo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng [tháng 6-1996], xác định: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế – xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”[1].

Tại Đại hội IX [tháng 4-2001], Đảng ta chủ trương: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu ki-lô-mét vuông thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”[2].

Tới Đại hội X [tháng 4-2006], Đảng ta khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế – xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”[3].

 Đặc biệt, ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X, ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% – 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…”[4].

Tiếp tục chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo được xác định trong các văn kiện trước đây của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm [2011-2020], được Đại hội XI của Đảng [tháng 1-2011] thông qua, nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi-măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”[5].

Trên đây là những quyết sách chính trị của Đảng có ý nghĩa mang tầm chiến lược, một cách toàn diện, thống nhất, đúng đắn và phù hợp với tình hình hiện nay, tạo niềm tin vững chắc, để chúng ta tiếp tục hành động chủ động và mạnh mẽ hướng tới tương lai.

Tiềm năng, cơ hội cho phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam

Nước ta có bờ biển trải dài 3.260km dọc Bắc – Trung – Nam, chủ quyền bao quát hơn một triệu ki-lô-mét vuông trên vùng Biển Đông [gấp ba lần diện tích đất liền], trên biển có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, với trữ lượng hải sản lớn và phong phú, trữ lượng khoáng sản, nhất là dầu khí to lớn, tiềm năng du lịch gắn với biển và trên biển dồi dào… Điểm nổi bật là, trong số mười tuyến đường biển lớn nhất hành tinh, có năm tuyến đi qua Biển Đông – một hướng chính chúng ta đang đi ra thế giới, đã và tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ mở rộng thông thương, thắt chặt và tăng cường các mối bang giao quốc tế, nhằm phát triển theo phương châm “tăng trưởng xanh” một cách chiến lược và đáng ghi nhận. Dọc bờ biển và trên biển Việt Nam có 29 tỉnh, thành phố, với 12 thành phố lớn, 125 huyện, thị xã ven biển, 100 cảng biển, khoảng 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá… Năm 2007, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp khoảng 49% GDP cả nước, trong đó riêng kinh tế trên biển chiếm khoảng 22%; các ngành kinh tế biển quan trọng như dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch biển đều tăng trưởng với nhịp độ cao… Quốc phòng, an ninh trên biển, đảo được bảo đảm; các lực lượng bảo vệ biển đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; ý thức của nhân dân bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển được nâng lên.

                Tiềm năng và thực tế đó đã và đang tạo nền tảng và cơ hội cho Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát triển và phát huy toàn diện các ngành nghề biển một cách phù hợp, với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển theo hướng nhanh, bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, những nỗ lực của chúng ta vừa qua chưa thật sự ngang tầm với các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh đó về biển, đảo và kinh tế biển, đảo; tình hình an ninh, quốc phòng ở một số khu vực biển, đảo của chúng vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, thậm chí có nơi, có lúc rất phức tạp, khó lường, ở chừng mực nào đó, khiến cho lộ trình phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng, chưa được như mong muốn.

Tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra, không ngừng phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Phát triển của kinh tế biển, đảo và những vấn đề liên quan đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của nước ta trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Phải tiếp tục làm gì và làm như thế nào nhằm chủ động khai thác tiềm năng biển, đảo để xứng đáng là một quốc gia mạnh về biển, giàu lên nhờ biển, đảo…, thực sự vẫn là vấn đề nan giải, cáp bách cần lời giải đáp một cách toàn diện, có tính hệ thống, phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Để phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tình thần Nghị quyết Trung ương 4 [khóa X] và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cần tập trung giải quyết thỏa đáng một số vấn đề cấp bách sau:

Thứ nhất, về tư duy và nhận thức.

Có tình trạng khiếm khuyết, hạn chế, thậm chí có phần lệch lạc trong tư duy, trong nhận thức đối với kinh tế biển, đảo và việc phát triển kinh tế biển, đảo gắn liền với an ninh, quốc phòng ở mức độ này hay ở mức khác không? Nếu không thì tại sao không ít người vẫn đang suy nghĩ và cho rằng, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ chỉ của các tỉnh, thành phố, huyện thị có biển hoặc của riêng các ngành như tài nguyên và môi trường, thủy hải sản, công thương, du lịch, dầu khí…? Và, có không sự tách rời kinh tế biển, đảo với kinh tế duyên hải, hoặc chỉ chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế mà buông lơi công tác an ninh, quốc phòng? Việc tiếp tục đổi mới tư duy về biển, đảo và kinh tế biển, đảo, gắn kinh tế với quốc phòng bao gồm những vấn đề gì, chúng như thế nào, để từ đó xác lập và thống nhất một tầm nhìn xa trông rộng, vững vàng tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương, để xây dựng và phát triển văn hóa biển, đảo – văn hóa hướng ra đại dương trong cả cộng đồng và mỗi con người nhằm phát triển một cách bền vững và ổn định.

Thứ hai, về quy hoạch.

 Muốn phát triển toàn diện, đồng thời có chiều sâu và hiệu quả, bền vững, nhất thiết phải làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm cho sự phát triển một cách chủ động. Nhưng tại sao vẫn còn tình trạng phân tán, thậm chí khép kín, biệt lập giữa các ngành trong tỉnh, các địa phương, dù hầu như tỉnh ven biển nào cũng định hướng, quy hoạch, phác thảo chương trình, mô hình riêng của mình về xây dựng cảng nước sâu, về nhà máy lọc dầu, về khu công nghiệp, về cầu cảng hàng không…, trong khi rất cần một “nhạc trưởng” hay một trung tâm điều phối chung một cách tổng thể về năng lượng, về đất đai, về dân số, về môi trường, về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Và, để điều này không cản trở sức sáng tạo, phát huy năng lực, lợi thế của mỗi ngành, mỗi địa phương… thì cần phải làm gì và làm như thế nào? Phát triển toàn diện, thống nhất nhưng có trọng tâm, trọng điểm là như thế nào? Những câu hỏi này rất cần có lời giải một cách khoa học, cụ thể.

Thứ ba, về cơ chế phối hợp.

 Theo lẽ tự nhiên, sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có biển, đảo trong cả nước bằng những chương trình hành động cụ thể dựa trên từng lợi thế so sánh, trong tất cả các hướng chiến lược và kế hoạch của từng bước đi là việc tất yếu, là sự sống còn. Nhưng, vì sao lúc này, lúc khác các địa phương, các ngành vẫn hành động cục bộ, khép kín, mạnh ai nấy làm, thậm chí chưa thật sự bắt tay nhau để cùng tiến ra biển lớn? Vì sao như vậy và cần tiếp tục làm gì để dỡ bỏ những rào cản tâm lý địa phương và địa giới hành chính nhằm tăng cường sự phối hợp thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực từ Trung ương tới địa phương và sự ủng hộ của mỗi cộng đồng, của từng người dân? Ở tầm vĩ mô, đã tới lúc cần ban hành Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo chưa?

Thứ tư, về cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

 Đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của việc phát triển các ngành kinh tế biển, đảo. Thực tế triển khai Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong những ngành mũi nhọn: công nghiệp, tàu thủy, khai thác dầu khí trên biển, công nghệ lọc hóa dầu, kinh tế hải đảo, thông tin liên lạc biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển…, trong khi quy mô đào tạo, các ngành nghề liên quan tới kinh tế biển còn rất hạn chế.

 Phải chăng  việc cấp bách trước mắt là tập trung rà soát, dự báo dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực; tổ chức đào tạo những ngành mới có nhu cầu cao trên cơ sở cân đối tỷ lệ đào tạo theo bậc và ngành nghề; đa dạng hóa phương thức và quy mô đào tạo,…?

 Đây phải là công việc chung của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp… trong một cơ chế thống nhất, theo phương châm xã hội hóa mạnh mẽ, phát huy tính chủ động ngay từ cơ sở. Mặt khác, cần đổi mới chính sách liên kết, hợp tác vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động… Đồng thời, lấy kinh tế biển làm động lực cho sự phát triển của tất cả các địa phương có biển, đảo, tạo việc làm thu hút mạnh lao động. Nhưng, lộ trình, bước đi, phương thức cụ thể ra sao?.

Thứ năm, giải quyết hiệu quả vấn đề an sinh xã hội.

An sinh xã hội cần được đặt ở vị trí ngang tầm vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và động lực đối với lộ trình hướng ra biển lớn hiệu quả và gìn giữ sự bình yên của đại dương theo hướng kết hợp hữu cơ kinh tế biển, đảo với kinh tế duyên hải; phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh.

Việc có thể làm ngay là, phát triển mạnh khai thác thủy hải sản với hướng ưu tiên tập trung khai thác vùng biển khơi vừa phát triển kinh tế biển, đảo vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên vùng biển, trong đó chú trọng mở rộng năng lực đánh bắt xa bờ, hoàn thiện và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất thiết thực.

Đổi mới chính sách đầu tư, trước hết là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách tín dụng, hỗ trợ giá cả một cách cụ thể, hiệu quả, để đồng bào diêm dân khắc phục khó khăn, nỗ lực sản xuất. Tiếp tục xây dựng chương trình phát triển du lịch – dịch vụ, nhất là du lịch ven biển, hải đảo, tăng cường hợp tác liên doanh ở mọi cấp độ, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm. Chú trọng phát triển công tác giáo dục – đào tạo, y tế cơ sở ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.

Tăng cường sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các tầng lớp cư dân vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng để giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc…

Phát triển kinh tế biển, đảo gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm hướng tới khai thác, quản lý, giữ gìn và bảo vệ biển, đảo một cách bền vững nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương./.

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 1996, tr. 211

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2001, tr. 181-182

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2006, tr. 225

[4] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2007, tr. 76

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội – 2011, tr. 121-122

PGS, TS Vũ Văn Phúc

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đại tá Nguyễn Văn Kiệm – Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân phát biểu tại Lễ thành lập Hải đội tự vệ XN Biển Ðông & hải đảo tháng 05/2011

Video liên quan

Chủ Đề