Bố đời mẹ thiên hạ là gì

"Thiên Hạ" Là Gì Mà Nhiều Người Sợ Thế?


30 tuổi chưa có người yêu về nhà bị bố mẹ mắng: Bố mẹ sợ thiên hạ nó cười vào mặt đây này, thiên hạ nó bảo con nhà ông bà bê đê.

Đang đi học mà có người yêu cũng bị bố mẹ nói: Thiên hạ người ta nói ầm lên kìa! Mới có tí tuổi mà yêu đương. Xấu mặt không cơ chứ.

Học kì này không được học sinh giỏi bố mẹ nói: Không tập trung học hành gì cả! Xấu hổ với thiên hạ.

Vào quán net để làm bài về nhà được nói: Thiên hạ nó đồn ầm lên đây này, không học hành chỉ chơi game.

Đang là sinh viên mà mua được xe máy SH, thiên hạ đồn: Ăn chơi bét nhè.

Chẳng may đứng cạnh biển nhà nghỉ, thiên hạ đồn: Hai đứa đó lại lôi nhau vào nhà nghỉ.

Làm gì cũng kín tiếng, rón rén vì sợ: Tao sợ thiên hạ nói, đồn ầm lên.

Thực tế là có rất nhiều bậc phụ huynh hay lấy thiên hạ để nạt con mình, và nạt chính bản thân mình làm cái gì cũng sợ thiên hạ nhìn vào, thiên hạ quở trách. Có những nỗi sợ đúng là đi trước đón đầu, nhưng cũng có những sự dè chừng đã vô tình ám thị lên con cái mình một bầu trời quyền lực phải khiếp sợ theo. Vậy thiên hạ là gì mà nhiều người lại sợ đến vậy? Phải làm gì để không còn sợ thiên hạ nữa? Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn gỡ rối phần nào.


THIÊN HẠ LÀ AI?

Thiên hạ là người ngoài, người không có mối liên hệ thân thích gì với mình [có thể là hàng xóm láng giềng, người của khu khác, bạn bè, bạn bè của bạn bè là những người thích những câu chuyện của người khác để truyền lại để biến hóa...] nhưng lại được bố mẹ và nhiều người thân mình kinh sợ và kính nể. Thậm chí đôi lúc có cả mình.


THIÊN HẠ CÓ SỨC MẠNH GÌ MÀ GHÊ GỚM VẬY?

Loa phát thanh ngầm. Phải nói rằng thiên hạ có một bộ loa ngầm được kết nối hết sức công phu và nhạy bén. Nó giống như một tấm mạng nhện, chỉ cần một người biết tin thôi là toàn hệ thống sẽ được kết nối truyền tin và độ phủ sóng thì cực lớn. Chính vì thế có nhiều việc bạn làm chỉ mới cách đó vài giờ nếu không may bị thiên hạ dòm ngó thì ngay lập tức vài giây sau câu chuyện của bạn đã được thổi phồng và lan truyền với tốc độ cực kỳ nhanh chóng.


Thích những câu chuyện giật gân. Thiên hạ rất thích những sự việc nóng hổi, giật gân, những sự việc có thể lấp đầy được sự tò mò, thích thú của người khác. Chẳng hạn như một thiên hạ nọ trong vai bà hàng xóm hôm nay thấy con trai nhà đối diện đi làm ăn xa trở về, người con trai đó có phần gầy gò ốm yếu thi thoảng lại hay thấy ho và hắt xì. Bà hàng xóm liền phán cho một thiên hạ khác rằng: Nó đi làm ăn xa, đi tứ xứ thế, khéo nó covid rồi. Thế rồi thiên hạ khác chỉ cần nghe cái tiêu đề covid thôi, rất giật gân và nóng hổi sẽ không khỏi băn khoăn và tò mò lao theo câu chuyện. Rồi từ đó những tiêu đề giật gân khác lại được sáng tác ra. Giống như những trang báo lá cải tiêu đề càng giật gân, gây tò mò thì lại càng được nhiều người đón đọc.


Siêu biến hóa. Ngoài việc thích những câu chuyện giật gân thì những thiên hạ này còn thích một thứ khác đó chính là thích biến hóa. Họ thích biến bé thành nhỏ thích biến có thành không, biến trai thành gái biến gái thành trai và thậm chí có một số người biến trái cả những quy chuẩn đạo đức xã hội. Mặc dù không phải thần thánh hay vị ảo thuật gia nào nhưng những người này lại tự cho mình những khả năng phi thường như vậy. Và cũng có rất nhiều người tin vào sự biến hóa diệu kỳ này của họ.


Chăm chỉ nhai lại một câu chuyện. Được sự ủng hộ của những người hay sợ mình thì những thiên hạ kia lại càng tỏ ra quyền uy và đầy sức mạnh. Và để củng cố sức mạnh của mình những thiên hạ này rất chăm chỉ nhắc lại chuyện đã qua. Chính vì thế mà có những câu chuyện tưởng đã đi vào dĩ vãng rồi lại được lôi ra nói lại mới như tinh. Có một cô bạn của tôi từng một lần chót dại yêu lầm kẻ xấu mà thi thoảng vẫn được một vài thiên hạ trong làng nhắc đi nhắc lại như là một tấm gương không thể sáng bóng hơn.


LÀM GÌ ĐỂ HẾT SỢ THIÊN HẠ?

Nói lỗi tại thiên hạ làm ta sợ cũng không đúng hoàn toàn mà phải nhìn lại từ các bậc phụ huynh mình. Nhiều khi chính các bậc phụ huynh đang tiếp tay cho thiên hạ làm nhiễu. Nhiều nhất là những trường hợp các bậc phụ huynh đổ tại thiên hạ để mượn cớ để dạy con cái, răn đe người khác.

Sự thực là: không phải các bậc phụ huynh sợ thiên hạ hoàn toàn mà nỗi sợ của họ là chính bản thân mình, sợ sẽ không bằng người ta, sợ mất đi uy tín danh dự Cũng có thể một số khác chỉ coi đó là câu cửa miệng thích thì nói thành thói quen mà thôi. Vậy phải làm sao để đập tan nỗi sợ này?Một vài gợi ý sau có thể giúp bạn:

Kết nối thương yêu, hiểu nhau hơn. Với những người thân yêu hãy cố gắng hiểu nhau hơn đồng cảm với nhau bởi lẽ chỉ khi hiểu nhau con người ta mới có thể đặt trọn niềm tin và tình yêu thương sẽ chở che đi qua mọi khó khăn và những nỗi sợ viển vông.


Làm đúng, làm thật, tự tin với chính mình. Chỉ khi làm đúng và thật thì bạn sẽ chẳng bao giờ sợ thiên hạ nói gì nghĩ gì. Bởi chẳng ai có thể biến hóa được mãi một sự thật đúng đắn mãi. Và khi bạn biết cách làm đúng và thật thì khi đó sự tự tin của bạn sẽ tăng lên phần nào hơn thế bạn còn lấy được lòng tin của người khác về mình. Tự tin rồi bạn sẽ chẳng còn để ý người ta nghĩ gì nữa.


Không tiếp nhận. Đừng bao giờ cổ vũ, tiếp tay cho những thiên hạ đang cố ý đồn thổi thông tin xấu, tiêm nhiễm vào đầu người khác nếu không mạng lưới của những chiếc loa phát thanh ngày càng nhiều lên. Tập thói quen bỏ ngoài tai với những người không mang đến những điều tích cực. Hơn nữa khi bỏ ngoài tai bạn sẽ thấy cuộc đời an nhiên hơn không còn phải vướng bận những chuyện không đâu.


Dằn mặt. Một khi bạn tiếp nhận nỗi sợ đó một lần thì sẽ có lần thứ hai, thế nên khi nó mới xuất hiện hãy ra đòn dằn mặt ngay lập tức không cho có cơ hội phát triển.

Ví dụ như anh hàng xóm nọ khi bị đồn thổi gầy gò có khả năng bị covid thì có thể nói luôn: Bác nói linh tinh là dễ bị lên phường lắm đó.

Bị hàng xóm nói là đồng tính nam: Bác nói thế mai cháu tán trai bác nhé.

Bị đồn là vừa béo vừa xấu như xe lu: Nhà cháu chăm cháu tốt nên thế đấy ạ.

Nên nhớ: dằn mặt văn minh và tinh tế thì mới có hiệu quả nếu không sẽ ngược tác dụng.

Tạo niềm tin. Để tạo được niềm tin cần cả một quá trình, đó là quá trình bạn sống tốt bạn sống đúng và thật để tạo được những niềm tin dù là nhỏ nhoi cho những người thân yêu của mình thấy. Có như vậy những người thân yêu của mình sẽ không con sợ người khác nghĩ gì về bạn, sẽ không còn bảo vệ bạn bằng cách sợ thiên hạ nhìn vào bạn rồi phán xét.

Không những thế niềm tin này còn lan truyền cho những người khác về tư chất của bạn và họ sẽ chẳng mảy may nghi ngờ gì những gì người khác đồn thổi, áp đặt lên bạn mà ngược lại còn ra sức bảo vệ bạn trước những thứ mà thiên hạ mang đến.

Hãy chú ý rằng: Nhiều khi con trẻ được nghe những lời sợ thiên hạ đó sẽ khiến cho họ cũng phải sợ theo, phải nể theo phần nào bởi nó sẽ giống như một kiểu ám thị. Và đừng bao giờ chỉ vì sợ thiên hạ mà kìm hãm đi sự phát triển cá nhân của con cái mình, kìm hãm những cái đúng, những đặc điểm cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ và kìm hãm đi sự tự do của một cách không chính đáng.

Tác Giả: Anh Nguyen
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link://www.facebook.com/anhnguyenna16
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng [tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards] và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN?Xem chi tiết tại link://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

[*] Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại //bit.ly/YBOX-Partnership

Video liên quan

Chủ Đề