Biện pháp giảm thiểu tương tác thuốc

Thứ năm - 28/05/2020 21:03

Tiềm ẩn trong đó là nguy cơ xảy ra những phản ứng có hại không mong muốn do tương tác thuốc. Một phản ứng được coi là tương tác thuốc khi hiệu quả của thuốc này bị thay đổi do có sự hiên diện của một thuốc khác, thảo dược, thức ăn, thức uống hay các tác nhân hóa học trong môi trường.

Tương tác thuốc là một phản ứng có hại 

Về mặt cơ chế, tương tác thuốc được chia làm 2 loại, bao gồm tương tác dược động học và tương tác dược lực học:

Tương tác dược động học là sự tương tác làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc trong cơ thể, chẳng hạn như việc sử dụng các thuốc kháng acid trong điều trị viêm dạ dày sẽ làm giảm hấp thu mạnh các kháng sinh như levofloxacin, tetracycline, do sự hình thành phức chất giữa các hoạt chất có trong thuốc.

Tương tác dược lực học là sự đối kháng hoặc hiệp đồng về tác dụng dược lý của các thuốc với nhau, như việc sử dụng chung nhiều thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương,  gồm các thuốc kháng histamin H1, các thuốc giảm đau opioid, các thuốc chống trầm cảm hay thuốc ngủ… sẽ làm tăng tác dụng an thần quá mức dẫn đến tăng nguy cơ té ngã ở những bệnh  nhân cao tuổi.

Bên cạnh các tương tác giữa thuốc và thuốc, thức ăn cũng là một yếu tố có ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng thuốc trong điều trị: Các thức uống như sữa, trà khi dùng chung sẽ làm giảm hấp thu một số kháng sinh; caffein có thể làm tăng độc tính của thuốc trị hen theophylline; các thức uống có cồn như bia, rượu cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của các kháng sinh, các thuốc điều trị đái tháo đường hay các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, nguy cơ này cao hơn ở những người cao tuổi.

Hầu hết các tương tác thuốc có thể đưa đến một trong hai hệ quả sau: làm giảm nồng độ thuốc trong máu, giảm hiệu quả điều trị, hoặc ngược lại làm tăng nồng độ thuốc, tăng độc tính và các phản ứng có hại,  dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Trên lâm sàng, các bác sĩ luôn cân nhắc sao cho liệu pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất, đồng thời phải giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều tương tác nằm ngoài dự đoán của các bác sĩ do khả năng xảy ra tương tác còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: di truyền, sinh lý, bệnh lý..của từng bệnh nhân,  hoặc các tương tác chưa từng được ghi nhận trong y văn. Do đó, để giảm nguy cơ tương tác thuốc và các phản ứng có hại, nhân viên y tế cần lưu ý những điểm sau trên thực hành lâm sàng:

  • Luôn cân nhắc nguy cơ xảy ra tương tác thuốc khi sử dụng từ 2 thuốc trở lên. Tra cứu tương tác thuốc thông qua các công cụ trực tuyến, các phần mềm cài đặt sẵn hoặc các y văn.
  • Nâng cao cảnh giác dược, ghi nhận và báo cáo các phản ứng có hại trong quá trình điều trị để bổ sung dữ liệu an toàn của thuốc.
  • Tìm cách thay thế thuốc có nguy cơ tương tác bằng các thuốc khác có tác dụng dược lý tương tự. Đối với các thuốc tương tác với nhau về mặt hấp thu, thời điểm dùng của mỗi thuốc nên được cách xa nhau.
  • Điều chỉnh liều của thuốc tương tác. Ví dụ: giảm liều của thuốc có nguy cơ bị tương tác tăng nồng độ,  và theo dõi tính khả năng đáp ứng, tính an toàn của thuốc.
  • Khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.
  • Mặc dù cơ sở dữ liệu về tương tác thuốc khá phong phú, nhưng điều đó cũng không thể thay thế vai trò của dược sĩ lâm sàng trong việc tư vấn cho bác sĩ, điều dưỡng và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Yêu cầu này đòi hỏi người dược sĩ phải trang bị và thường xuyên cập nhật thông tin về tương tác thuốc để góp phần nâng cao sự hợp lý trong sử dụng thuốc.

Tại BVQT Minh Anh, dược sĩ lâm sàng có nhiệm vụ duyệt từng toa thuốc ngoại trú, khi thấy có tương tác thuốc, nếu không nguy hiểm sẽ dặn bệnh nhân lưu ý khi dùng thuốc, còn nếu nguy hiểm người dược sĩ sẽ báo ngay cho bác sĩ kê toa. Tuy nhiên điều này khó xãy ra, vì các tương tác nguy hiểm, dược sĩ lâm sàng đều phải báo cáo cho các bác sĩ biết trong các buổi giao ban, đồng thời sau đó sẽ gửi thêm tin nhắn đến từng bác sĩ.

Dược sĩ lâm sàng Nguyễn Huy Phúc báo cáo về các tương tác thuốc - một hoạt động thường quy trong giao ban BVQT Minh Anh

Thuốc là một điều trị cần thiết trong hầu hết các trường hợp, và  thường một toa thuốc là sự kết hợp của 2, 3 loại thuốc hoặc nhiều hơn. Để không gặp phải những tác dụng không mong muốn vì tương tác thuốc, về phía người bệnh cũng cần lưu ý những điểm sau đây:

  • Tuân thủ thời điểm sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Chỉ nên uống thuốc với nước lọc, không nên dùng chung thuốc với sữa, trà, cà phê hay các chế phẩm có cồn.

Nước dùng để uống thuốc tốt nhất là nước lọc

  • Thông báo với bác sĩ về tiền sử dùng thuốc, các tác dụng phụ trong quá trình điều trị để được xem xét và lựa chọn thuốc phù hợp.
  • Không tự ý dùng thêm thuốc hay các chế phẩm bổ sung, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu có thành phần hoạt chất phứctạp, các dữ liệu về độ an toàn, tương tác thuốc khi dùng chung với các tân dược còn hạn chế.

Sự tương tác có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của nhau hoặc làm tăng độc tính của thuốc với cơ thể. Ngay cả với các thuốc thông dụng, nếu không lưu ý cũng có thể xảy ra các tương tác bất lợi…

Dùng nhiều thuốc cùng nhóm: Tăng cả tác dụng chính và tác dụng phụ

Loại thuốc phổ biến nhất mà mọi người đều cần dùng đến đó là các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm: Paracetamol có tên gọi khác là acetaminophen. Trên thị trường, loại thuốc chứa hoạt chất này có nhiều tên thương mại khác nhau. Khi người bệnh bị sốt đã uống thuốc chứa acetaminophen, nhưng nghe ai đó nói dùng thêm viên sủi chứa paracetamol mới nhanh hết sốt, vậy là lại dùng thêm viên thuốc sủi nữa, mà không biết hai loại thuốc này là một, dễ dẫn đến quá liều. Paracetamol là một thuốc nói chung an toàn, nhưng khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan và độc với thận.

Người bệnh đang dùng thuốc chữa đau đầu chứa aspirin, lại dùng thêm biệt dược chữa thống kinh chứa diclofenac, hay đang dùng thuốc chứa hoạt chất ibuprofen chữa đau khớp, nghe mách thuốc diclofecnac tốt hơn lại dùng thêm... Các chất gốc có trong các biệt dược nói trên đều thuộc nhóm giảm đau, kháng viêm không steroid, có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày. Khi dùng trùng lặp coi như đã dùng một liều kháng viêm không steroid gấp đôi, tác dụng phụ sẽ hợp sức tăng lên mạnh, có thể gây xuất huyết dạ dày.

Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc dễ gây các tương tác bất lợi.

Việc dùng thuốc cùng nhóm gây các tương tác bất lợi cũng dễ xảy ra khi dùng các kháng sinh cùng nhóm: Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, người bệnh đã được tiêm gentamycin, người bệnh muốn khỏi nhanh, tự ý uống thêm kanamycin. Đây là hai loại thuốc kháng sinh cùng thuộc nhóm aminosid.  Đúng ra, dùng gentamycin đúng liều đã đủ nồng độ cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn. Việc dùng thêm kanamycin là không cần thiết mà lại làm tăng tác dụng phụ gây độc đối với tai. Người bệnh có thể bị suy giảm thính lực, nếu nặng có thể gây điếc không hồi phục.

Dùng thuốc có cùng tác dụng, nhưng lại đối kháng nhau

Đây là tình huống dễ xảy ra khi dùng thuốc chữa ho và dị ứng. Chẳng hạn như người bệnh bị ho có đờm, đang uống acetylcystein là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài khi ho khạc. Khi dùng thuốc, người bệnh sẽ ho tăng lên - đây là phản xạ tốt sau khi dùng acetylcystein vì đờm bị thuốc làm loãng ra sẽ được các cơn ho đánh bật ra khỏi đường hô hấp. Nếu không ho hoặc giảm khả năng ho thì đờm loãng ứ trong phế quản sẽ cản trở hô hấp, nhiều trường hợp phải hút đờm ra. Thế nhưng khi thấy ho tăng lên, người bệnh nghĩ là mình không hợp thuốc này, nên còn ho nặng hơn, vậy là tự ý dùng thêm thuốc giảm ho dextromethorphan. Khi dùng chung hai thuốc này với nhau, thì thuốc long đờm acetylcystein sẽ bị mất tác dụng. Trong khi đờm bị acetylcystein làm loãng ra đang cần ho để tống ra ngoài thì dextromethorphan lại kìm hãm phản xạ ho, khiến lượng đờm đọng lại trong các phế nang sẽ ảnh hưởng hô hấp và chứng ho sẽ càng nặng hơn. Sự phối hợp này có thể rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì các bé chưa biết khạc, đờm nhớt sẽ ứ lại không thoát ra được khỏi đường hô hấp, sẽ làm tắc và nhiễm khuẩn nặng hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự khi dùng acetylcystein cùng chlorpheniramin. Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin, chống dị ứng, đồng thời cũng được phối hợp với các thành phần khác trong viên thuốc trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Trong thời gian điều trị bằng acetylcystein, người bệnh không được dùng đồng thời các thuốc giảm ho hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản. Vì dùng thuốc như vậy sẽ công nhau, hai tác dụng của thuốc đối kháng nhau và giảm tác dụng của nhau. Trong khi acetylcystein đang làm loãng đờm thì chlorpheniramin lại làm tác dụng ngược lại là giảm tiết dịch và quánh đờm lại. Như vậy, cùng là thuốc có công dụng giảm ho nhưng tác dụng trên phế quản lại đối kháng nhau, khiến thuốc sẽ mất tác dụng, không mang lại hiệu quả điều trị.

Dùng đồng thời các thuốc khác nhóm chữa bệnh nhưng cùng tác dụng

Thường gặp tương tác này khi người bệnh đang dùng thuốc chữa bệnh mạn tính lại dùng thêm  thuốc chữa bệnh cấp tính khác. Điều này dễ xảy ra trong các trường hợp:

Người bệnh đang dùng thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển lisinopril, lúc bị bí tiểu lại dùng thêm thuốc lợi tiểu spironolacton. Hai thuốc này đều cùng giữ kali, chúng hiệp đồng với nhau làm tăng mức kali máu lên quá ngưỡng an toàn, gây bất lợi cho tim mạch.

Người bệnh đang dùng chất ức chế đông máu dự phòng nghẽn mạch warparin, lúc bị đau khớp lại dùng thêm kháng viêm không steroid [aspirin] cũng có tác dụng ức chế đông máu. Dùng 2 loại thuốc này làm tăng việc chống đông máu, gây chảy máu.

Dùng các thuốc có tương tác về dược lý

Tình huống khác, người bị tăng huyết áp đang dùng thuốc chứa nifedipin để kiểm soát huyết áp. Lúc bị ho lại dùng thêm biệt dược có chứa  pseudoephedrin, phenylpropanolamin hay lúc bị hen lại dùng thêm thuốc giãn phế quản ephedrin. Pseudoephedrin, ephedrin, phenylpropanolamin là những thuốc cường giao cảm làm tăng huyết áp, đảo ngược tác dụng hạ huyết áp của adalat.

Người bệnh Parkinson đang dùng levodopa, khi mất ngủ lại dùng thêm thuốc ngủ chlordiazepoxid thì thuốc ngủ này lại đối kháng lại làm giảm tác dụng của levodopa.

Cần làm gì để ngừa tương tác bất lợi của thuốc?

Ðể phòng tránh các tương tác thông thường của thuốc, mọi người không dùng quá nhiều thuốc, vì sự tương tác thuốc tăng lên khi tăng số lượng các loại thuốc dùng cùng... Khi đang dùng thuốc chữa bệnh này, nếu phải uống thuốc chữa một bệnh khác thì nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc. Sự tương tác thuốc nói chung rất phức tạp. Nhưng trong điều trị vẫn phải cần đến phối hợp thuốc. Do đó, thầy thuốc sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phối hợp thuốc là có lợi hay giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Ðặc biệt, mọi người không được tự ý dùng thuốc, không dùng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Việc dùng thuốc bừa bãi là nguyên nhân chính gặp những tương tác bất lợi của thuốc.


Video liên quan

Chủ Đề