Bé ngủ gật khi đi xe máy

Một clip được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua khiến nhiều phụ huynh giật mình về thói quen chở con mà không kiểm tra, lưu ý. Đoạn video dài 17 giây do camera một chiếc xe hơi ghi lại cho thấy một người lớn chở con đằng sau xe tay ga. Đứa bé ngủ gật đến mức nằm ngửa trên yên xe nhưng người chở vẫn không hề hay biết cho đến khi hai người đi xe máy đằng sau đuổi theo nhắc nhở, anh mới hốt hoảng dừng xe.

Hẳn các bậc cha mẹ sau khi xem video ai cũng sợ hãi thốn tim với những câu hỏi tự đặt ra: Liệu người đi đường không kịp nhắc nhở, cháu bé kia sẽ ra sao? Liệu yên xe không đủ to như trong hình, bé trượt người và văng xuống đường, những chiếc xe lớn trờ tới, có phải người bố kia hối hận cả đời không?

Ảnh cắt từ clip vụ cha chở con nhỏ ngủ gật

Trẻ nhỏ hay ngủ gật khi đi xe

Cha mẹ hãy nhớ điều này, những đứa trẻ nhỏ không biết sợ hãi, không thấy được nguy hiểm như người lớn nên chỉ làm theo bản năng. Leo lên xe máy, đặc biệt ban đêm trong tiết mát trời, các con rất dễ bị ru ngủ. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn hơn như có thể ngủ gật vì thức đêm học thêm, học bài. Khi các con ngồi phía trước, nếu ngủ gật cha mẹ cũng dễ nhận biết nhưng khi đã ngồi phía sau, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Cơn buồn ngủ kéo đến, tay của các con đã mất ý thức bám vào bố, mẹ đang chở mà chỉ làm theo bản năng muốn ngủ.

Ngoài việc hay ngủ khi ngồi sau xe máy mà không có người kèm, trẻ thường bị ngồi lệch, dễ ngã khỏi xe mỗi khi  đường xấu, có ổ gà. Đặc biệt, với những loại xe ga đời mới, yên xe thường bè rộng so với cơ thể các con, nên khi ngồi trẻ thường không có điểm tựa, không kẹp vào được, nên dễ bị rơi ra nếu dừng đột ngột.

Ngoài ra, vào những ngày lạnh, việc chở trẻ phía trước hoặc sau yên xe mà không mặc ấm đủ, thiếu giám sát dễ khiến con bạn bị lạnh lóng, thân nhiệt giảm có thể gây tử vong.


Cần mang đai, địu khi chở trẻ nhỏ sau lưng

Để an toàn khi chở con bằng xe máy

Do những lý do đã phân tích trên, các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ngồi một mình ở yên sau xe máy. Do quan sát không được, các con lại hiếu động quá mức, hoặc ngủ quên, xoay người mà không có sự kiểm soát của người lớn rất dễ gây ra tai nạn đáng tiếc.

Đối với những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cha mẹ nếu buộc phải một mình chở trẻ thì hãy dùng địu mang con trước ngực, mặt trẻ xoay vào trong người bạn. Trẻ lớn hơn có thể dùng ghế ngồi xe máy phía trước kèm dây thắt  an toàn, cổ xe đặt gối êm chắn để khi phanh gấp không gây nguy hiểm cho con bạn.

Từng có nhiều vụ trẻ nhỏ ngủ gật khi đi xe máy

Khi con được 3 tuổi trở lên, cần tập thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi ngồi xe máy lẫn xe đạp. Tốt nhất, trẻ nhỏ nên được ngồi giữa hai người lớn, tay chân thoải mái, không vung vẩy lung tung, không thò đầu ra ngoài với bất kỳ lý do nào để an toàn.

Trong những trường hợp bất đắc dĩ phải chở con sau lưng, phải dùng đai hoặc khăn, vải, áo quấn chặt giữa phụ huynh và con và đi thật chậm.

[VOV2] - Bất chấp nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn có thói quen để trẻ ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga khi đi xe máy.

Đỗ Hà

Chiều theo yêu cầu của trẻ: Yêu hay hại con?

Mỗi sáng, chị Mai Hoa ở Đông Anh Hà Nội đưa bé lớn lớp 3 đi học, còn ông xã chị - anh Hùng phụ trách đưa cháu nhỏ 3 tuổi đi học mẫu giáo. Thay vì cho con ngồi phía sau như những phụ huynh khác, anh Hùng thường cho bé đứng phía trước mình. Đây là điều chị Mai Hoa rất bức xúc và thường mâu thuẫn với chồng.

“Chở con như thế nguy hiểm lại còn bụi bặm. Nhiều khi ông xã quên cũng chả có dây thắt an toàn gì cả, một tay giữ con, một tay lái xe. Em nói không được, ngang lắm”, chị Hoa bức xúc.  

Cho con đứng trên phần để chân của xe ga cũng là thói quen trước đây của bà mẹ trẻ Mai Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội. Thế nhưng, do một lần sơ ý, trong lúc dừng xe để nghe điện thoại, bé đã chạm kéo phải tay ga khiến chiếc xe lao thẳng vào tường. Rất may hai mẹ con chỉ bị xây xát nhẹ. Kể từ đó, chị Mai Anh không bao giờ dám cho con đứng phía trước nữa.

Theo thống kê, mỗi năm số vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 20% tổng số vụ xảy ra trong năm. Nguyên nhân của các vụ tai nạn đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người lớn.

An toàn nhất là cho trẻ ngồi sau người lái và sử dụng đai an toàn

Cho trẻ ngồi sau người lớn và sử dụng dây đai: vị trí an toàn nhất

Ngày 21/9 vừa qua, một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội được chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng chấn thương ngực kín, dập nhu mô phổi, chấn thương gan và vỡ xương sọ do trẻ bất ngờ vặn tay ga xe máy khi ngồi phía trước. Trước đó, nhiều vụ tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ cũng chỉ vì phụ huynh cho con đứng phía trước khi đi xe máy.

Theo chuyên gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em - BS. Nguyễn Trọng An, cho trẻ ngồi hay đứng phía trước người lái xe là hết sức nguy hiểm. Khi xảy ra sự cố bất ngờ, trẻ rất dễ bị đập ngực vào tay lái. Nguy hiểm hơn nữa là trẻ chạm vào tay ga khiến xe bất ngờ lao đi dễ gây tai nạn.

Khi cho trẻ nhỏ đi xe máy, tốt nhất là cho bé ngồi giữa hai người lớn. Nếu chỉ có một người, vị trí tốt nhất là cho trẻ ngồi sau người lái và sử dụng dây đai cố định trẻ với người ngồi phía trước. Trẻ đủ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Dù trẻ nhỏ có đòi bố mẹ cho đứng phía trước xe máy, tốt nhất không chiều theo ý trẻ. “Đã rất nhiều trường hợp em bé bật chìa khóa, bấm nút, bật ga, xe lao vút đi và nguy hiểm xảy ra. Đó là một sự cảnh báo cực kỳ nguy hiểm cho tất cả những cha mẹ cho trẻ đi xe máy đặt trẻ phía đằng trước lại để chìa khóa lúc đỗ xe”, BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Cách lựa chọn đai đi xe máy cho trẻ nhỏ

Trước khi mua, cần phải kiểm tra thật kỹ sản phẩm từ chốt, khóa an toàn của chiếc đai, khoảng rộng của những vị trí con đặt chân và tay sao cho vừa với bé để tránh hiện tượng bị chật, viền đai bị chà xát làm xước làn da của trẻ.

Lưu ý lựa chọn kích thước đai ngồi sao cho thật vừa vặn với cơ thể của bé. Nên đọc thật kỹ các thông số quan trọng như trọng lượng, trọng tải của đai có trên mác sản phẩm. Nếu như lỡ chọn phải những chiếc đai không vừa với bé thì bạn nên đổi lại ngay, đừng cố sử dụng. Bởi nếu đai không vừa, không chắc chắn thì bé có thể sẽ bị xô nghiêng hoặc bị ngồi lệch trên xe máy gây mất an toàn.

Với một số loại sản phẩm đệm đỡ cổ, phụ huynh phải chú ý khoảng cách an toàn so với mặt bé để phòng tránh được trường hợp nếu bé quay nghiêng hoặc ngủ gật rất dễ bị ngạt thở.

Chất liệu cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng và ảnh hưởng tới cảm giác của bé. Đai đi xe máy được làm bằng chất liệu đệm mút và vải mềm sẽ tạo được độ êm ái và ấm hơn nếu phải để bé di chuyển trên xe máy trong thời tiết lạnh.

Chủ Đề