Bé 2 tháng tuổi phát triển như thế nào năm 2024

Tháng tuổi thứ 2 được coi là dấu mốc phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh. Vậy chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng? Tùy thuộc vào thể trạng và thói quen của từng bé mà cha mẹ có thể thay đổi cách chăm sóc trẻ cho phù hợp.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi: Những thay đổi thú vị

Bước vào tháng thứ 2, trẻ sơ sinh đã có những thay đổi nhất định về thể chất và đang dần hình thành tính cách. Nếu sự thay đổi trong tháng đầu tiên còn chậm chạp do trẻ đang tập thích nghi với môi trường bên ngoài thì từ tháng thứ 2, bé đã lanh lợi hơn và nhận thức được nhiều điều. Cha mẹ nên lập sơ đồ theo dõi sự phát triển của trẻ theo từng giai đoạn, với những tiêu chí cụ thể như sau:

Về thể chất

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi tăng cân rất nhanh nên có thân hình mũm mĩm. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt chuẩn? Thông thường, cân nặng của bé sẽ tăng khoảng 150-200 gram/tuần và cao lên từ 2,5-3,8 cm/tháng. Cơ bắp phát triển cứng cáp khiến cánh tay và chân bé duỗi ra, di chuyển linh hoạt hơn.

Nếu thể chất của trẻ không tăng lên hoặc tăng chậm, mẹ đừng cảm thấy quá lo lắng. Bên cạnh chỉ số trên, cha mẹ cũng cần quan tâm tới những yếu tố khác như: Chu vi đầu, tình trạng sức khỏe, chiều dài cơ thể,...

///cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_phat_trien_cua_tre_so_sinh_2_thang_tuoi_co_gi_thu_vi_1_49cfbb62c9.png] Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi phát triển nhiều nhất trong lúc ngủ

Về giấc ngủ

Ở độ tuổi 2 tháng, bé cần ngủ trung bình từ 15,5-17 giờ mỗi ngày. Trong đó, 8,5-10 giờ vào ban đêm và 6-7 giờ trong ngày trải dài 3-4 giấc ngủ ngắn.

Từ giữa tuần thứ sáu đến tuần thứ tám, mẹ sẽ thấy bé ngủ dài hơn vào ban đêm và tỉnh táo hơn vào ban ngày. Một số bé sẽ có dấu hiệu buồn ngủ sau khoảng 30 phút sau bữa ăn. Vì vậy, mẹ cần cố gắng duy trì thói quen này cho bé, tránh để bé bị rối loạn giấc ngủ.

Về khả năng vận động

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã dần biết cách phối hợp hoạt động của chân tay. Ở giai đoạn này, bé sẽ không chịu nằm yên nữa mà bắt đầu khám phá thế giới. Thi thoảng, bé sẽ xòe rộng bàn tay và cầm nắm những vật xung quanh. Một số bé còn có sở thích cho tay vào miệng hoặc đá mạnh hai chân.

Đầu và cổ của bé cũng khỏe hơn rõ rệt. Mẹ sẽ thấy bất ngờ vì bé có thể nghiêng đầu sang hai bên, thậm chí là nâng đầu và ngực lên khỏi mặt đất.

///cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_phat_trien_cua_tre_so_sinh_2_thang_tuoi_co_gi_thu_vi_2_58ad325e4d.jpg] Trẻ 2 tháng tuổi đang tập những kỹ năng vận động thô

Về giác quan

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nổi bật nhất ở chức năng các giác quan. Cụ thể:

  • Thính giác: Bé đã bắt đầu có những phản ứng với âm thanh xung quanh. Một số bé còn tỏ ra thích thú với giọng nói của cha mẹ hoặc những vật tạo ra âm thanh.
  • Thị giác: Nếu để ý kỹ, mẹ sẽ thấy mắt bé đã mở to hơn và có thể nhìn rõ những vật ở xa hơn so với lúc chào đời. Bé thường có xu hướng tập trung ngắm nhìn chuyển động của mọi vật. Hơn nữa, ở tháng tuổi thứ 2, bé chỉ có thể nhìn rõ 2 màu là đen và trắng. Để bé phát triển tốt vùng thị giác, bạn có thể cho bé chơi đùa với đồ chơi nhiều màu sắc.
  • Xúc giác: Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi không thể tiếp cận và chạm vào đồ vật một cách dễ dàng. Vì vậy, bé thường thông qua cha mẹ để được đáp ứng nhu cầu sờ, nắm mọi vật. Bạn nên tập cho bé cảm nhận đồ vật với chất liệu, nhiệt độ và kết cấu khác nhau. Ngoài ra, ôm ấp và vỗ về bé nhiều hơn cũng là cách hiệu quả để phát triển khả năng xúc giác của trẻ.
  • Khứu giác và vị giác: Điều thú vị là trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã có thể nhớ được mùi hương quen thuộc của mẹ. Mùi hương của mẹ giúp bé ngủ ngon hơn, ít quấy khóc và cảm thấy an toàn hơn. Hơn nữa, bé cũng yêu thích vị ngọt và ghét vị đắng.

///cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_phat_trien_cua_tre_so_sinh_2_thang_tuoi_co_gi_thu_vi_3_b7be012542.jpg] Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi gắn liền với mùi hương của mẹ

Một số căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu nên bất cứ tác động nhỏ nào cũng khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi rất dễ mắc phải một số căn bệnh phổ biến. Cha mẹ nên tìm hiểu và lựa chọn cách xử lý phù hợp để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

  • Hắt hơi: Đường hô hấp non nớt của bé dễ mẫn cảm với những mùi hương quá nặng hay bụi bẩn trong không khí. Trong 2 tháng đầu, cha mẹ nên để bé tránh xa chó, mèo, đồng thời giữ môi trường sống luôn trong sạch, thoáng khí. Nếu bé hắt hơi quá nhiều kèm theo sổ mũi, cha mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế để vệ sinh đường thở thường xuyên.
  • Trào ngược dạ dày: Đây là tình trạng trẻ nôn ói do thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân là do chức năng dạ dày của bé chưa hoàn chỉnh và chỉ sau 6 tháng, hiện tượng sinh lý này sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày bệnh lý sẽ khiến bé quấy khóc nhiều hơn, sút cân, viêm phổi tái đi tái lại,... Lúc này, bé cần được thăm khám ngay lập tức và điều trị bằng những phác đồ đặc biệt,
  • Ho: Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho. Trong đó, phổ biến nhất là do cảm lạnh, hen suyễn, viêm phổi,... Cha mẹ nên cho trẻ mặc ấm, đặc biệt là giữ ấm phần lưng và bàn chân của trẻ.
  • Tưa miệng: Nếu thấy trong miệng bé xuất hiện nhiều mảng trắng và khó lau sạch, có thể bé đã bị tưa miệng. Tình trạng này do bé bị nhiễm virus hoặc do nấm Candida albican gây nên.

Để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện - Cha mẹ cần làm gì?

Nuôi dạy con cái là thiên chức cao quý của cha mẹ. Tuy nhiên, “Làm sao để đảm bảo sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi?” vẫn là thắc mắc chung của nhiều bậc cha mẹ. Ngoài quan tâm tới bữa ăn, giấc ngủ của trẻ, cha mẹ cũng cần ghi nhớ những bí quyết vàng dưới đây để quá trình nuôi con trở nên dễ dàng hơn.

Cho bé ăn thường xuyên

Khi đã 2 tháng tuổi, bé sẽ có biểu hiện đòi ăn nhiều hơn. Mẹ nên cho bé bú ngay mỗi khi bé đói, kể cả khi bé đòi ăn vào ban đêm. Ở thời điểm này bé ngủ rất nhiều, mẹ có thể tranh thủ thời gian này để ngủ bù và cho bé ăn 4-5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 5-6 tiếng. Tuy nhiên, mẹ cũng nên rèn cho trẻ thói quen bú nhiều hơn vào ban ngày và hạn chế bú vào ban đêm.

Quan tâm tới giấc ngủ của bé

Mỗi trẻ sơ sinh sẽ có một thói quen ngủ khác nhau. Một số trẻ có giấc ngủ liền mạch cả đêm, nhưng hầu hết trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ ngủ ngắt quãng 3-4 tiếng. Thông thường, bé sẽ bắt đầu vào cơn buồn ngủ chỉ sau 30 phút sau bữa ăn. Lúc này, cha mẹ nên vỗ về để bé dễ đi vào giấc ngủ. Phòng ngủ của bé cũng nên được dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng để bé có giấc ngủ ngon hơn.

Trò chuyện thường xuyên với bé

Hằng ngày, hãy thường xuyên nói chuyện, kể chuyện hoặc hát cho bé nghe. Thính giác của bé đang phát triển, bé sẽ nghe được và phản ứng bằng các âm thanh bập bẹ: “Ê…a…ou…”. Mặc dù âm thanh chưa rõ chữ nhưng đây cũng là cách để bé phát triển khả năng ngôn ngữ sớm hơn. Điều này cũng khiến bé cảm thấy thích thú khi được hòa mình với những âm thanh xung quanh.

Tiêm chủng đúng hạn cho trẻ

Tiêm vaccine đúng lịch sẽ giúp trẻ phòng ngừa được những căn bệnh nguy hiểm như: uốn ván, phế cầu khuẩn, bạch hầu và bại liệt. Các trung tâm y tế sẽ thông báo lịch tiêm phòng miễn phí vào một số ngày nhất định trong tháng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và đánh dấu vào nhật ký để bé được tiêm chủng đúng hạn.

Nuôi dạy con là cả quá trình vất vả, nhưng cũng mang tới nhiều niềm vui cho cha mẹ. Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi luôn cần có sự đồng hành của cha mẹ. Chúng tôi mong rằng qua bài viết trên, cha mẹ có thể trang bị cho mình một số kiến thức để chăm sóc con tốt hơn.

Chủ Đề