Bạn thường đặt mua sản phẩm trực tuyến như thế nào?

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng lưới Internet, việc mua sắm của khách hàng không chỉ dừng lại ở việc đến các cửa hàng siêu thị mà đã được mở rộng ra thông qua phương thức mua sắm trực tuyến. Vậy mua sắm trực tuyến là gì? Ngoài những lợi ích mà phương thức này mang đến cho khách hàng thì nó có tồn tại những hạn chế gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Mua sắm trực tuyến là gì?

Khái niệm mua sắm trực tuyến là gì?

Mua sắm trực tuyến [Tiếng Anh: Online shopping] là quá trình người tiêu dùng trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ từ một người bán trong thời gian xác định thông qua Internet mà không có một dịch vụ trung gian nào. Mua sắm trực tuyến cũng là một tiến trình dùng để liệt kê hàng hóa và dịch vụ cùng với hình ảnh kèm theo được hiển thị từ xa thông qua các phương tiện điện tử. Khi sản phẩm hoặc dịch vụ được chọn, giao dịch sẽ được thực hiện một cách tự động bằng việc thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng tiền mặt.

Trên thế giới, có rất nhiều quan niệm khác nhau về mua sắm trực tuyến. Một số quan điểm của các tác giả tiêu biểu như:

Theo Monsuwe và cộng sự [2004], mua sắm trực tuyến là là hành vi của người tiêu dùng trong việc mua sắm thông qua các cửa hàng trên mạng hoặc website sử dụng các giao dịch mua hàng trực tuyến.

Theo Haubl và Trifts [2000] định nghĩa mua sắm trực tuyến đề cập đến giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bởi người tiêu dùng thông qua giao diện dựa trên máy tính bằng cách máy tính tương tác với các cửa hàng số hóa của nhà bán lẻ thông qua mạng máy tính của người tiêu dùng được kết nối.

Mua sắm trực tuyến theo định nghĩa của Mastercard Worldwide Insights [2008] là quá trình mua hàng hóa và dịch vụ từ các thương gia bán qua internet. Mua sắm trực tuyến cũng được biết đến với các tên gọi khác là mua hàng qua internet, mua sắm điện tử, mua hàng trực tuyến hoặc mua sắm qua internet.

Kim [2004] định nghĩa thêm về mua sắm trên internet là việc xem xét, tìm kiếm, duyệt hoặc xem một sản phẩm để có thêm thông tin với ý định mua hàng trên Internet. 

Bằng cách nhìn ở góc độ khác, Chiu và cộng sự [2009] coi mua sắm trực tuyến là sự trao đổi thời gian, công sức và tiền bạc để nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ.


Mua sắm trực tuyến là gì?

Bài viết cùng chuyên mục:

➣ Đề tài mẫu & hướng dẫn chi tiết cách viết Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh

Các phương thức thanh toán mua sắm trực tuyến phổ biến

Các phương thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến khá đa dạng tùy thuộc vào hệ thống thanh toán của người bán, bao gồm: Thanh toán qua thẻ ATM có đăng ký dịch vụ Internet Banking, thẻ tín dụng, cổng thanh toán trung gian [Ngân lượng, bảo kim,..], thanh toán qua điện thoại di động hoặc điện thoại cố định, thu tiền tận nơi, thu tiền hộ [COD], tiền điện tử [bitcoin] hoặc thẻ lưu giữ giá trị như voucher, coupon,…

Các phương thức giao hàng khi mua sắm trực tuyến là gì?

Sau khi khách hàng đã chấp nhận mua hàng và thanh toán, hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ được giao hoặc vận chuyển theo những cách sau đây:

  • Tải về: phương pháp này được sử dụng cho các sản phẩm số như phần mềm, nhạc, phim, hình ảnh,…
  • Vận chuyển: Sản phẩm được vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng hoặc bên thứ ba mà khách hàng chỉ định thông qua nhà vận vận chuyển. Các nhà  vận chuyển có thể là bưu điện, đơn vị chuyển phát nhanh,…thông qua đường bộ, đường thủy, đường hàng không,…
  • Nhận hàng ở cửa hàng gần nhất: Khách hàng sẽ đặt hàng qua mạng nhưng sẽ nhận hàng ở các cửa hàng gần nhất nằm trong hệ thống phân phối, không qua đại lý của nhà bán lẻ để tiết kiệm thời gian, tiền bạc,…
  • Cung cấp mã được in ra hoặc gửi email: Thường là các mã giảm giá, vé máy bay,…các loại vé và mã này có thể được mua lại tại các cửa hàng vật lý hoặc trực tuyến và được xác minh.
  • Giao hàng tận nơi [shipping]: Sản phẩm sẽ được gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng, được áp dụng với các khu vực gần nhà phân phối.


Các phương thức giao hàng khi mua sắm trực tuyến là gì?

Lợi ích của mua sắm trực tuyến là gì?

Đối với người tiêu dùng

Tiết kiệm thời gian đi lại: Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, người tiêu dùng có thể lựa chọn và tiến hành mua bán tại nhà thông qua việc truy cập Internet với đầy đủ âm thanh, hình ảnh và các thông số kỹ thuật của sản phẩm. Khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp và tiến hàng thanh toán thông qua các hình thức đã được đề cập ở trên. Điều này rất thuận tiện và tiết kiệm nhiều thời gian hơn so với việc mua sắm truyền thống.

Đa dạng hàng hóa và nhiều nhà cung cấp: Mua sắm trực tuyến cho phép người tieu dùng có nhiều lựa chọn về hàng hóa vì được tiếp cận với nhiều nhà cung cấp hơn chỉ bằng một cú click chuột.

Giá cả và phương thức giao dịch phù hợp: Như đã đề cập ở phần trên, khách hàng có nhiều lựa chọn nên họ sẽ đưa ra quyết định về sản phẩm phù hợp với chi phí bỏ ra nhỏ hơn so với mua sắm truyền thống. Lí do là các nhà cung cấp tiết kiệm được nhiều chi phí cho việc thuê mặt bằng hay thuê nhân viên nên giá bán sản phẩm sẽ giảm . Ngoài ra, người mua có thể lựa chọn các phương thức thanh toán thích hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Chia sẻ thông tin: Với sự phát triển của công nghệ thông tin trên các mạng xã hội hay Internet đều vô cùng phong phú và đa dạng. Đa số các thông tin đều được truyền bá rộng rãi nên người tiêu dùng rất dễ nắm bắt và thu thập thông tin phù hợp với yêu cầu.

Đấu giá: Mô hình đấu giá trực tuyến cũng cho phép các mọi người có thể tham gia mua và bán trên các sản đấu giá hoặc tìm và sưu tầm những món hàng mà mình quan tâm ở mọi nơi trên toàn thế giới.

Mạng xã hội điện tử: Môi trường kinh doanh thương mại điện tử cho phép mọi người tham gia có thể phối hợp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm một cách hiệu quả.


Lợi ích của mua sắm trực tuyến đối với người tiêu dùng là gì?

Lợi ích đối với doanh nghiệp

Mở rộng thị trường: Với chi phí đầu tư nhỏ hơn nhiều so với phương thức bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm và tiếp cận nhà đầu tư cũng như khách hàng, đối tác mà không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ hay khu vực. Với mạng lưới nhà cung cấp và khách hàng được mở rộng cũng cho phép doanh nghiệp bán với giá thấp hơn và bán được số lượng nhiều hơn.

Cải thiện hệ thống phân phối: nhờ hệ thống bán hàng trực tuyến mà doanh nghiệp có thể giảm lượng hàng lưu kho và độ chậm trễ khi phân phối hàng. Hệ thống cửa hàng giới thiện sản phẩm cũng được thay thế hoặc được hỗ trợ bởi các gian hàng trên mạng.

Vượt giới hạn về thời gian: Nhờ việc tự động hóa các giao dịch thông qua hệ thống Website và Internet sẽ giúp hoạt động kinh doanh được thực hiện bất cứ lúc nào mà không cần thêm nhiều chi phí biến đổi.

Đẩy mạnh tốc độ tung sản phẩm ra thị trường: Nhờ tận dụng lợi thế về thông tin và khả năng phối hợp giữa các doanh nghiệp làm tăng hiệu quả sản xuất và giảm thời gian tung sản phẩm ra thị trường.

Giảm chi phí sản xuất: Chi phí sản xuất sản phẩm có thể được giảm bớt,trước hết là chi phí thuê văn phòng- yếu tố cấu thành trong chi phí sản phẩm như chi phí in ấn, tìm kiếm và chuyển giao tài liệu,... Nhờ vậy mà số lượng nhân viên văn phòng được giảm thiểu giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tiền lương.

Giảm chi phí giao dịch: Thông qua Internet, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể giảm đáng kẻ thời gian và chi phí giao dịch [quá trình từ quảng cáo, tiếp xúc ban đầu, đặt hàng, giao hàng, thanh toán]. Thực tế cho thấy rằng, thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% so với giao dịch qua Fax, bằng 0,5% giao dịch qua bưu điện và chi phí giao dịch qua Intern chỉ bằng 5% giao dịch qua Fax hay bưu điện chuyển phát nhanh, chi phí thanh toán điện tử qua Internet cũng chỉ bằng 10-20% chi phí thanh toán theo các phương thức thông thường.

Giảm chi phí bán hàng và tiếp thị: Khi sử dụng Internet, một nhân viên bán hàng có thể giao dịch được rất nhiều khách hàng trong một không gian và thời gian ngắn. Chưa kể đến việc nhận các đơn đặt hàng được xử lý tự động nên chi phí thuê nhân viên bán hàng cũng giảm khá nhiều.

Lợi thế cạnh tranh: thông qua bán hàng qua mạng, doanh nghiệp sẽ cắt giảm được nhiều chi phí hơn so với việc bán hàng truyền thống nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ít gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn về vốn, thị trường, nhân lực và khách hàng sẽ được thu hẹp.


Lợi ích của mua sắm trực tiếp đối với doanh nghiệp

Lợi ích đối với xã hội

Nâng cao mức sống: Số lượng hàng hóa nhiều, nhiều nhà cung cấp sẽ khiến giá thành sản phẩm giảm, nên khả năng mua sắm của khách hàng cao hơn, từ đó nâng cao mức sống của mọi người.

Các nước nghèo có điều kiện tiếp cận nền kinh tế số hóa: các nước nghèo có thể tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ từ các nước phát triển thông qua Internet và thương mại điện tử. Đồng thời các nước này cũng có thể học tập được các kinh nghiệm, kỹ năng được đào tạo qua mạng. Nền kinh tế số hóa hay nền kinh tế ảo là xu thế phát triển trong tương lai gần của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Do đó, việc bán hàng qua mạng kích thích sự phát triển của ngành công nghệ thông tin là ngành có lợi nhuận cao và đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và thúc đẩy các nước sớm tiếp cận với nền kinh tế số hóa.

Cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn: Các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ công của chính phủ,…được thực hiện qua mạng với chi phí thấp và độ phủ sóng tốt hơn.

Nâng cao nhận thức: các kế hoạch mở rộng thị trường giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận nhanh với mua bán qua mạng để có phương thức kinh doanh và mua bán mới, hiện đại, hỗ trợ phát triển các hoạt động giao thương của doanh nghiệp trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn, từ đó nâng cao nhận thức về mua bán quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế. Thương mại điện tử ra đời đã hình thành nên một môi trường mới để làm việc, mua sắm và giao dịch,…từ xa, giảm thiểu đi lại, ô nhiễm và tai nạn.

Hạn chế của mua sắm trực tuyến là gì?

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích tích cực nhưng việc mua sắm trực tuyến cũng tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể:

Hạn chế mang tính kỹ thuật

  • Toàn vẹn dữ liệu: Bảo vệ dữ liệu và tính toàn vẹn của dữ liệu là một vấn đề quan trọng. Sự xuất hiện của các virus máy tính dẫn đến đường truyền dữ liệu bị nghẽn, các tệp dữ liệu bị phá hủy. Tình trạng các tin tặc truy cập trái phép hệ thống để lấy cắp thông tin, hủy hoại dữ liệu khiến khách hàng lo lắng khi sử dụng hệ thống thương mại điện tử.
  • Chi phí đầu tư máy chủ cao: Sau thời gian phát triển hệ thống website thương mại điện tử, số lượng khách hàng truy cập ngày càng cao sẽ khiến tốc độ truy cập chậm. Điều này có thể khiến khách hàng rời bỏ website nên các hệ thống thương mại cần thường xuyên nâng cấp hệ thống với chi phí khá lớn.
  • Chi phí kết nối và truy cập Internet có chất lượng chưa đảm bảo: Có thể thấy rằng tốc độ đường truyền Internet vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Các công cụ phần mềm mới bắt đầu được triển khai. Việc tích hợp các phần mềm mới, các ứng dụng và cơ sở dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.


Hạn chế của mua sắm trực tuyến là gì?

Hạn chế về mặt thương mại

  • Bảo mật thông tin: Đây là vấn đề lớn đối với thương mại điện tử vì nhiều khách hàng ngần ngại không muốn cung cấp số thẻ tín dụng qua Internet bởi vấn đề bảo mật thông tin khách hàng chưa được đảm bảo.
  • Không được xem xét sản phẩm một cách trực quan: Khi lựa chọn sản phẩm, khách hàng chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh mà không thể xem chất liệu, thử sản phẩm trước khi mua. Do đó, các vấn đề về hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng lo ngại.
  • Khả năng lừa đảo qua thanh toán trực tuyến: kiểu lừa phổ biến nhất là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước, giao hàng sau rồi chiếm đoạt tiền của người mua. Ngoài ra, người bán có thể lợi dụng các cửa hàng trực tuyến uy tín để chiếm đoạt tài sản hay mạo danh khách hàng đặt hàng đến cửa hàng nhận đồ.
  • Gánh chịu các khoản chi phí phát sinh: Người dùng rất dễ gánh chịu thêm các khoản chi phí phát sinh nếu không tìm hiểu thông tin chi tiết. Chi phí phát sinh thường xảy ra khi mua sắm trực tuyến nước ngoài hoặc người bán không công khai thông tin để thu hút người mua bởi giá rẻ như tiền vận chuyển, thuế, phí thu hộ,…
  • Chưa chiếm được sự tin tưởng của khách hàng: Khách hàng không thể xác nhận được họ đang giao dịch hay mua hàng với ai khi mua sắm trực tuyến nên họ sẽ không hoàn toàn tin tưởng vào người bán.
  • Vận chuyển: Trong quá trình vận chuyển dễ xảy ra tình trạng hư hại hay thất lạc đơn hàng đặc biệt với các sản phẩm dễ hư hỏng bởi yếu tố bên ngoài như đồ điện tử, thủy tinh, thực phẩm,…
  • Thói quen mua hàng trực tuyến còn thấp: Nhiều khách hàng ngại thay đổi thói quen mua hàng truyền thống và khả năng sử dụng Internet còn hạn chế. Để thay đổi điều này cần nhiều thời gian và truyền thông tích cực hơn.
  • Các vấn đề về pháp luật và chính sách mua hàng chưa được giải quyết: Các quy định về pháp luật và chính sách mua hàng của nhà nước còn tồn tại nhiều bất cập.
  • Các phương thức thanh toán trực tuyến còn hạn chế: Việc thanh toán trực tuyến vẫn chưa thực sự phát triển, các doanh nghiệp chưa theo kịp các phương thức thanh toán tiên tiến nên việc giao dịch quốc tế còn khó khăn.

Sự khác nhau giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm truyền thống là gì?

Để có thể phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm truyền thống, cùng theo dõi bảng phân biệt mua sắm trực tuyến với mua sắm truyền thống thông qua bảng so sánh dưới đây:

Mua sắm trực tuyến

Mua sắm truyền thống

Mua sắm trực tuyến là hoạt động mua hàng hóa và dịch vụ qua internet

Mua sắm truyền thống là hoạt động ghé thăm cửa hàng và mua hàng.

Có xu hướng thuận tiện hơn vì khách hàng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi

Tốn thời gian và kém tiện lợi hơn

Khách hàng không có cơ hội nhìn thấy trực tiếp hoặc chạm vào các mặt hàng họ đặt hàng

Khách hàng thực sự có thể xem trực tiếp những gì họ đang mua trước khi họ thanh toán

Có nguy cơ gian lận trực tuyến và các vấn đề bảo mật trực tuyến

Tương đối an toàn hơn

Cho phép khách hàng so sánh giá và tìm sản phẩm rẻ nhất

Khách hàng khó có cơ hội so sánh giá cả một cách dễ dàng

Việc hoàn trả lại sản phẩm có thể phức tạp hơn

Tương đối dễ dàng để trả lại sản phẩm

Phân biệt mua sắm trực tuyến với mua sắm truyền thống

Việc mua sắm trực tuyến là một xu hướng tất yếu của thời đại mới mà các doanh nghiệp cần ứng dụng để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tiếp cận đến đông đảo khách hàng hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên tiếp cận với phương thức này để có nhiều lựa chọn khi mua sắm sản phẩm. Trên đây chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu mua sắm trực tuyến là gì? Những lợi ích và hạn chế của mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống.

Video liên quan

Chủ Đề