Asean 4 là gì

[TBTCVN] - Những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ về chính sách thuế, thủ tục hành chính [TTHC] thuế đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế và tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp [DN] phát triển.

Mục tiêu của việc cải cách thủ tục hành chính thuế là coi DN và người dân là đối tượng phục vụ.

Đồng thời, những cải cách thuế giúp Việt Nam tiến gần đến mục tiêu đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN-4 về TTHC thuế. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương [CIEM] với phóng viên TBTCVN.

* PV: Là một trong những đơn vị thường xuyên thực hiện theo dõi, đánh giá về việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, CIEM đánh giá thế nào về những cải cách trong lĩnh vực thuế thời gian qua, thưa bà?

- Bà Nguyễn Minh Thảo: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp về cải cách chính sách và TTHC thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Cải cách TTHC thuế được triển khai ở tất cả các lĩnh vực quản lý thuế như: Đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế... đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế.

Qua quá trình này, DN tiết kiệm được chi phí về thời gian lập, nộp và chi phí in ấn các bảng kê. Hiện nay, khoảng 99% DN đã thực hiện khai thuế điện tử và hơn 90% DN đăng ký nộp thuế điện tử. Hầu hết DN đều đánh giá cao những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế về kê khai và nộp thuế điện tử. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [năm 2015] đánh giá sự hài lòng của DN với cải cách TTHC thuế, 71% DN hài lòng với cải cách của cơ quan thuế, trong đó 92% DN đánh giá tích cực về những chuyển biến trong chính sách, pháp luật thuế.

Bà Nguyễn Minh Thảo

* PV: Bên cạnh những kết quả tích cực, theo bà đâu là những hạn chế mà ngành Thuế cần khắc phục để phục vụ tốt hơn nữa cho cộng đồng DN, người nộp thuế?

- Bà Nguyễn Minh Thảo: Một số vướng mắc còn tồn tại về chính sách và TTHC thuế đang gây khó khăn cho DN. Ví dụ như, chậm quyết toán thuế để thực hiện giải thể DN. Thời gian từ khi ban hành chính sách tới khi có hiệu lực thi hành thường ngắn; công tác tập huấn còn hạn chế dẫn tới DN không kịp cập nhật và không đủ thời gian điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Công nghệ thông tin đôi khi vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Tình trạng thông báo thuế sai vẫn còn xảy ra do lỗi hệ thống phần mềm…, gây khó khăn trong quá trình thực thi, tạo rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, đôi lúc, ở một vài nơi, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức ngành Thuế vẫn khiến DN e ngại.

* PV: Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Thuế đến hết năm 2016 phải đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN-4 về TTHC thuế, theo bà mục tiêu này có thực hiện được?

- Bà Nguyễn Minh Thảo: Tại Nghị quyết 19, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính thực hiện cải cách TTHC thuế để đạt trung bình ASEAN-4 trên 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Đây là 3 nhóm chỉ tiêu Ngân hàng Thế giới [WB] dự kiến sẽ bổ sung để đánh giá cho các nước trong Báo cáo Doing Business tới đây [công bố vào tháng 10/2016]. Hiện WB chưa công bố chính thức cách tiếp cận và cách tính điểm, xếp hạng đối với 3 nhóm chỉ tiêu này, do đó chúng ta chưa đủ thông tin để so sánh với các nước.

Tuy nhiên, theo tôi mục tiêu đạt ASEAN-4 là khả thi nếu những cải cách chính sách và TTHC thuế mà Bộ Tài chính đã làm trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh và được thực thi nghiêm túc, đầy đủ, theo hướng tạo thuận lợi cho DN, song vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý.

* PV: Để đạt được mục tiêu đã đề ra, đuổi kịp các nước trong khu vực, theo bà, đâu là những giải pháp mà Bộ Tài chính, ngành Thuế cần phải thực hiện?

- Bà Nguyễn Minh Thảo: Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, những cải cách về chính sách và TTHC thuế trong 2 năm qua đã đạt mục tiêu về thời gian đề ra, theo yêu cầu của Nghị quyết 19.

Tuy có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng thứ hạng chỉ số nộp thuế của nước ta vẫn thấp [vị trí 168/189 nền kinh tế]. Trong báo cáo Doing Business 2016, WB đã ghi nhận thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam giảm 102 giờ, nhưng mới chỉ cải thiện 4 bậc xếp hạng. Vì vậy, để đạt mục tiêu cải thiện cả về thời gian và thứ hạng chỉ tiêu nộp thuế, cần tiếp tục duy trì nỗ lực cải cách như Bộ Tài chính đã thực hiện trong 2 năm qua. Đồng thời, ngành Thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi, nhất là nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thuế; coi DN và người dân là đối tượng phục vụ.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Thiện Trần

Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách về môi trường kinh doanh, song khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam so với nhóm nước ASEAN 4 đang ngày càng cách biệt trên nhiều chỉ số, do đó mục tiêu vào nhóm nước ASEAN 4 của Việt Nam đang dần trở nên thách thức hơn.

Đây là một trong những nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh [MTKD] và năng lực cạnh tranh [NLCT]: Kết quả, bài học và định hướng 2021 - 2025”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương [CIEM] tổ chức, ngày 21/1.

Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự cải thiện vượt trội

Trình bày báo cáo kết quả MTKD và NLCT giai đoạn 2014 – 2020, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu MTKD và NLCT, CIEM cho biết, sau hơn 5 năm đẩy mạnh cải cách MTKD, Việt Nam đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo đó, thứ hạng MTKD của Việt Nam đã tăng 8 bậc, từ thứ hạng 78 [năm 2014] lên thứ hạng 70 [năm 2019]. Trong đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội và chỉ số tiếp cận điện năng có sự cải thiện tốt nhất, đóng góp rất lớn vào việc cải thiện thứ hạng MTKD của Việt Nam trong những năm qua. Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2019, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng tới 64 bậc, từ vị trí 173 [năm 2014] lên vị trí 109 [năm 2019].

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực cải cách cũng được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Chẳng hạn, về cải cách điều kiện kinh doanh [ĐKKD], đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa một số lượng lớn ĐKKD. Cụ thể, nếu như năm 2015, có khoảng 6.000 ĐKKD trong tất cả các lĩnh vực, thì đến cuối năm 2019, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 50% ĐKKD. Đặc biệt, nhiều ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Hay trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành [KTCN] cũng ghi nhận nhiều chuyển biến. Theo đó, số lượng mặt hàng phải thực hiện quản lý, KTCN đã giảm được khoảng 12.600 mặt hàng, từ khoảng 82.698 mặt hàng [năm 2015] xuống còn 70.087 hiện nay. Cùng với đó, hầu hết thủ tục về quản lý chất lượng được chuyển sang giai đoạn sau thông quan. Đặc biệt, các quy định về KTCN đang từng bước được áp dụng theo nguyên tắc quản lý rủi ro…

“Hiện nay, thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện thủ tục KTCN đã được rút ngắn đáng kể. Trong đó, thời gian đăng ký KTCN phổ biến là trong ngày, thời gian KTCN [từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả] từ mức trung bình 7 ngày xuống phổ biến là 1 - 3 ngày… Những cải cách trên đã tiết giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp” - bà Thảo cho biết thêm.

Vẫn còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực

Mặc dù ghi nhận những cải cách về MTKD trong thời gian qua, tuy nhiên theo bà Thảo, MTKD của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khu vực ASEAN, hiện Việt Nam mới đang ở vị trí thứ 5. “Khoảng cách về chất lượng MTKD của Việt Nam so với nhóm nước ASEAN 4 đang ngày càng cách biệt trên nhiều chỉ số, do đó mục tiêu vào nhóm nước ASEAN 4 của Việt Nam đang dần trở nên thách thức hơn” – bà Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khảo sát của nhóm chuyên gia CIEM cũng chỉ ra, MTKD của Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều rào cản.

Đơn cử, ĐKKD vẫn còn là trở ngại đối với doanh nghiệp, biểu hiện năm 2019 vẫn có đến khoảng 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Hay trong lĩnh vực quản lý, KTCN, những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Đặc biệt, một số quy định đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng có văn bản lại gây trở ngại hơn; thậm chí, có quy định ở văn bản mới ban hành còn mâu thuẫn và trái với các quy định của pháp luật hiện hành…

Trước những tồn tại, hạn chế của MTKD, từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị, để tạo nên một MTKD thật sự thông thoáng, thuận lợi, trước hết cần tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình xây dựng luật theo hướng tăng cường sự minh bạch, chuyên nghiệp, chống xung đột, chống cài cắm lợi ích, nhất là cần tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định.

Ngoài ra, cần thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ, tăng cường kỷ luật thị trường; đồng thời, cần gia tăng bảo hộ quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả cho doanh nghiệp…./.

Diệu Thiện

Video liên quan

Chủ Đề