Ai ra đề thi đại học

Trong vòng một tháng, những thầy cô giáo 'bị bắt' đi ra đề, sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Kể cả người nhà cũng chẳng biết họ đi đâu. Chỗ họ ở bị bao bọc bởi hàng rào lưới, muốn ném giấy ra ngoài cũng không được.

>> Miss teen Xuân Mai lo lắng ngày 'vượt vũ môn'
>> Tâm sự của một 9x bỏ thi đại học
>> Sĩ tử cười tươi sau môn thi Văn và Sinh

Cô Quỳnh Anh, cựu giáo viên trường THPT Tây Hồ [quận Tây Hồ], đã có những chia sẻ về cách thức ra đề thi ĐH, khi cách đây vài năm, cô đã tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH môn tiếng Anh.

Vào cuối năm học, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng [Bộ Giáo dục và Đào tạo] sẽ lựa chọn các giáo viên tiêu biểu trên khắp cả nước, sau khi xem hồ sơ, Cục sẽ mời khoảng 5 giáo viên cho mỗi nhóm đề thi.

Trong năm học đó, nhóm ra đề Anh văn của cô Quỳnh Anh gồm 5 người, trưởng nhóm là một giảng viên của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bên cạnh đó là 1 giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong [TP HCM], một giáo viên trường THPT ở miền Trung và cô Quỳnh Anh [là giáo viên trẻ nhất, đại diện cho khu vực miền Bắc].

Thường, các giáo viên được lựa chọn ra đề thi sẽ tập hợp một tháng trước khi kỳ thi tuyển ĐH diễn ra. Tất cả mọi người sẽ được tập hợp trong một khuôn viên rộng, trên tầng thượng của một tòa nhà, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, thậm chí, xung quanh còn được bao bọc bởi hàng rào lưới, ai muốn ném một tờ giấy ra ngoài cũng không thể. Chính vì như thế nên các giáo viên ra đề thi thường gọi là “đi trại”.

Tại đó, mỗi nhóm phụ trách một môn, các giáo viên sẽ phụ trách từng phần trong một cấu trúc đề thi. Với đề tiếng Anh, có người phụ trách phần ngữ pháp, đọc hiểu, viết....

Giáo viên không trực tiếp nghĩ ra đề bài, mà Cục khảo thí đã có sẵn một ngân hàng đề được lấy từ nhiều giáo viên trong cả nước. Từ ngân hàng đề này, các giáo viên sẽ lựa chọn câu hỏi, rồi sau đó ghép lại thành một đề thi ĐH.

Thí sinh trước khi chính thức làm bài thi môn Ngữ văn khối D diễn ra vào sáng nay, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Quy trình tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực chất đó là một quá trình kéo dài khoảng 15 ngày, mỗi giáo viên sẽ nghiên cứu rất kỹ từng câu hỏi, rồi sau đó đưa ra thảo luận, và ghép các câu lại với nhau, tiếp theo đó, mỗi nhóm tiếp tục thảo luận về việc các câu hỏi đã sát với chương trình học chưa, đề ra có sự phân loại học sinh hay không, sự sáng tạo đạt đến đâu và tính logic giữa các câu hỏi đã chặt chẽ chưa….

“Đọc lại đề thi rất quan trọng, bởi chỉ cần đề sai hoặc nhầm một dấu phẩy thôi là ảnh hưởng đến tình hình và kết quả của các thí sinh. Chính vì thế, việc đầu tiên vào buổi sáng, khi mà trí lực của mọi người còn minh mẫn thì mỗi người cầm đề thi lên và đọc lại”- cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Khoảng 1 tuần sau đó, khi đề thi đã được chuyển đi, các giáo viên vẫn phải tiếp tục ở lại, chờ đến khi kết thúc kỳ tuyển sinh ĐH. Đó là để đảm bảo sự tối mật của đề thi. Hơn nữa, dù có môn thi trước, môn thi sau, nhưng tất cả đều “ra trại” cùng thời điểm, vì trong quá trình ra đề thi, các nhóm cùng ngồi trong một phòng lớn, giáo viên các môn cũng có mối giao lưu với nhau.

Đó cũng là thời điểm mà các giáo viên ra đề thi rất căng thẳng, lúc này, ở ngoài kia, hàng triệu sĩ tử đã bắt đầu làm bài thi, họ hồi hộp chờ đợi sự đánh giá của các em, của giới chuyên môn và truyền thông.

“Chỉ khi nào mà đại diện của Cục đến bắt tay và bảo “ổn” thì tất cả chúng tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm”- cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Trong suốt thời gian ra đề thi, các giáo viên hoàn toàn không có mối liên hệ nào với bên ngoài, không có điện thoại, không thư từ, có máy tính nhưng không kết nối Internet, thậm chí, người thân ở nhà cũng không biết cụ thể các thầy cô giáo đi làm công việc gì.

Cô giáo Đỗ Quỳnh Anh.

Hằng ngày, chỉ có người đưa báo mang đến những tờ báo phản ánh tình hình thi cử của thí sinh, ngoài ra, trong một tháng, có thêm khoảng 2-3 nhân vật quan trọng của Bộ giáo dục và Đào tạo đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo đang “đi trại”.

Các thầy cô giáo cũng làm việc theo giờ hành chính, buổi sáng bắt đầu từ 8h và buổi chiều kết thúc lúc 17h. Buổi tối là khoảng thời gian mọi người rảnh, và đó là khoảng thời gian rất buồn tẻ, chỉ có thể tập thể dục, đọc sách, chơi cờ….[giờ đây, các giáo viên được mời ra đề thi đã rút kinh nghiệm, mang theo rất nhiều sách để đọc vào buổi tối].

“Tuy là cũng buồn, nhưng đó là cơ hội để những giáo viên trẻ như chúng tôi có những trải nghiệm rất thú vị. Bởi các giáo viên được lựa chọn ra đề thi đều là những bậc kỳ cựu ở các trường THPT, ĐH danh tiếng, làm việc cùng nhau, tôi được học hỏi rất nhiều điều bổ ích. Hơn thế, trải qua thời điểm đó, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc ra đề thi, của việc bám sát, am hiểu cách học của học sinh trong quá trình dạy dỗ các em”- cô Quỳnh Anh tâm sự.

Thủy Nguyên

Theo Bưu điện Việt Nam

LTS: Tiếp tục chủ đề về tuyển sinh đại học, thầy Trần Hinh hiện giảng dạy tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về chủ đề đề thi, chấm thi, điểm thi.

Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do toà soạn đặt.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

[Kỳ 1]

Đề thi là vấn đề muôn thuở. Trước đây, người ta đã từng bàn cãi và nay vẫn tiếp tục bàn cãi. Với hai cấp phổ thông và sau đại học, có lẽ vấn đề đỡ phức tạp hơn. Nhưng với cấp đại học, thì làm một đề thi sao cho chuẩn mực mà vẫn sáng tạo, vừa đảm bảo được tiêu chí kiểm tra kiến thức toàn diện của học trò, vừa phân loại, phát hiện được năng khiếu chuyên ngành của họ luôn là một thách thức.

Bởi lẽ, để có được những sinh viên chuyên ngành đại học giỏi, thì trước hết phải biết họ là những người nắm kiến thức nền [phổ thông] tốt; và cũng phải thể hiện được năng khiếu riêng nổi bật về một chuyên ngành nào đó.

Tất nhiên, tôi xin được nhắc lại điều đã khẳng định từ bài viết trước, ngay cả khi đã bước chân vào học đại học, việc học hành của sinh viên cũng chỉ là “vỡ vạc” bước đầu.

Đại học khác với phổ thông, đó là nơi sinh viên làm quen với kiến thức chuyên ngành nhưng lại trên diện rộng. Kiến thức chuyên ngành thì nhiều vô kể. Ngay cả một môn chuyên ngành cũng chứa đựng nhiều chuyên ngành nhỏ khác. Học đại học là thời điểm sinh viên tiếp tục khám phá tiềm năng, tư chất, sở trường của mình.

Cần phải lựa chọn ngành học như thế nào? Sở trường của mình thì học cái gì là thích hợp? Tôi nghĩ trong suốt quá trình học đại học và cao hơn nữa, người học sẽ phải không ngừng tự khám phá và phát hiện tiềm năng đó.

Đừng nói rằng, cứ vào học một chuyên ngành nào của đại học, thì khi ra trường phải làm đúng chuyên ngành ấy. Học một chuyên ngành đại học, không có nghĩa là đóng khung trong ngành học đó. Nếu suy nghĩ như vậy, nghĩa là người ta đã tự thu hẹp khả năng vốn có của mình.

Trên thực tế, tôi nhận thấy, không ít người học đại học một chuyên ngành này, mà khi ra trường lại làm việc ở một chuyên ngành khác. Có người vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp ở lĩnh vực vốn không thuộc môi trường đào tạo đại học của mình. Điều đó không hề mâu thuẫn gì cả.

Để có được một kết quả đại học tốt, trước tiên cần phải có sự trải nghiệm trên một bài thi tuyển sinh đại học thích hợp, sự đánh giá chuẩn xác của người thầy, đó chính là những mầm ươm được lựa chọn đúng đắn.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Vậy đề thi đại học bấy lâu nay ở ta như thế nào và việc chấm thi, điểm thi đại học ở ta ra sao? Làm thế nào để có được những đề thi phù hợp, chấm thi chính xác, điểm thi phản ánh đúng khả năng vào học đại học của học trò?

Là một giáo viên giảng dạy khoa học xã hội nhân văn, cụ thể là môn Ngữ văn, tôi không dám chắc mình có cái nhìn đầy đủ, toàn diện tất cả các môn thi đại học.

Nhưng tôi biết chắc chắn, kể từ năm 1970, thời điểm chúng ta chính thức thực hiện kì thi tuyển sinh đại học đầu tiên, phương thức thi, đề thi, chấm thi thay đổi khá nhiều, nhưng lại không căn bản.

Cụ thể, trong khoảng từ 1970 đến 2015, ở nước ta, kì thi tuyển sinh đại học bao giờ cũng được tiến hành ngay sau kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Các kì thi khi được tiến hành tại trường chuyên ngành, khi thì được tổ chức thi tại địa phương.

Đến năm 1981, khi hệ thống giáo dục chuyển từ hệ 10 sang 12 năm, lớp vỡ lòng được bỏ, chương trình giáo khoa đổi mới, việc thi đại học, cao đẳng lại có những tiêu chí mới: mỗi học sinh chỉ được phép lựa chọn duy nhất một nguyện vọng, tùy theo năng lực và sở thích của mỗi người.

Kỳ thi này được duy trì đến 1989. Từ 1990, việc tuyển sinh đại học lại một lần nữa thay đổi: các trường được tự chủ tổ chức kỳ tuyển sinh riêng, không cùng thời gian. Đề thi lấy sẵn theo Bộ đề chung do Bộ biên soạn và quản lý.

Thời kỳ đó, chỉ những trường có đủ năng lực như Đại học Tổng hợp hay Đại học Sư phạm, mới có quyền tự ra đề thi.

Nhiều kỳ thi được tổ chức ở những thời điểm khác nhau cũng giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội vào đại học: trong một thời gian ngắn, học sinh có thể tham gia thi tuyển vào nhiều trường đại học khác nhau.


Học sinh rối bời khi quá nhiều phương thức tuyển sinh

Tôi nhớ, hồi đó, để cẩn thận, thậm chí có những học sinh “chạy xô” dự thi lên tới tới 5 hay 6 trường. Cũng từ đó, việc dạy và học luyện thi phát triển như “vũ bão”, chẳng khác gì cảnh “trăm hoa đua nở”. Đang sôi nổi, ồn ào như thế, đến năm học 2002, một lần nữa, Bộ lại tiến hành thay đổi kỳ thi.

Sau “thi riêng”, kỳ thi lần này có tên “ba chung” [chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển]. Do hình thức tổ chức thi theo khối [A,B,C,D], nên kỳ thi này diễn ra trong hai đợt. Nghĩa là mỗi thí sinh vẫn có đủ hai cơ hội tham gia. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được duy trì. Chỉ những học sinh đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp mới đủ điều kiện thi tuyển sinh đại học.

Thế nên mới có chuyện dở khóc, dở cười: có những học sinh đã thi đỗ đại học nhưng vẫn không được thừa nhận, vì không đạt kết quả thi tốt nghiệp. Kỳ thi “3 chung” được duy trì cho đến hết năm 2014.

Do hệ quả khôn lường của nó [tình trạng luyện thi diễn ra tràn lan, việc học tủ, học lệch của thí sinh, tiêu cực trong chấm thi của các thầy cô giáo], một lần nữa, hình thức thi tuyển sinh đại học lại thay đổi.

Chính thức từ 2015, Bộ chỉ còn giữ duy nhất một kỳ thi với mang tên “hai trong một”, hay còn gọi là “2 chung”: một kỳ thi duy nhất nhưng nhắm tới hai mục đích, xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Trong hai năm đầu [2015-2016], kỳ thi Trung học phổ thông gồm 8 môn [Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ].

Đến năm 2017, 8 môn thi cũ được rút gọn trong 4 môn, có 3 môn riêng biệt là Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai môn tổ hợp khoa học tự nhiên [Lý, Hóa, Sinh], và khoa học xã hội [Sử, Địa, Giáo dục công dân].

Tưởng thế đã ổn, nhưng dư luận nói chung vẫn không ngừng băn khoăn: một kỳ thi với chủ đích chính là xét tuyển tốt nghiệp, liệu có thể đáp ứng việc xét tuyển đại học.

Những người có trách nhiệm giải thích: chỉ cần một đề thi với hai phần, phần cơ bản dành để xét tốt nghiệp, phần nâng cao khó hơn dành tuyển chọn vào đại học. Nghe có vẻ xuôi.

Sau hai năm kỳ thi được tiến hành, dư luận nói chung cũng tỏ ra hài lòng. Không ngờ, đến kỳ thi 2018, bất ngờ xảy ra vụ “khủng hoảng điểm thi” tại một số địa phương [Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La], thì người ta không còn tin nữa. “Hai chung” đã chính thức bị bãi bỏ.

Từ 2019, giáo dục Việt Nam chỉ còn giữ lại duy nhất kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài phương án tự chủ riêng của một số trường đại học, phần lớn các trường còn lại đều xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp này.

Những “vấp váp” không ai ngờ tới trong kì thi 2018, chắc chắn không chỉ từ năm này. Nó có thể đã xảy ra từ trước đó. Chỉ có điều, đến thời điểm đó, “vụ việc” mới “vỡ lở”, người ta đã buộc phải nhìn lại.

Trong cái sai của việc tuyển sinh, ngoài vấn đề phương thức tổ chức, sắp xếp con người, tiêu chí xét tuyển, còn có cả vấn đề nội dung đề thi.

Do không nắm vững các môn khoa học tự nhiên, tôi chỉ xin được phép đi sâu vào môn thi của ngành mình.

Đề thi Văn, kể từ khi bắt đầu [1970], chỉ có một câu hỏi duy nhất, rất rộng, không bó hẹp trong khuôn khổ bài học.

Ví dụ: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, anh/chị hãy bình luận câu nói trên; hay “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Giải thích và chứng minh câu nói qua cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Hồ Chủ tịch”; hoặc: Bình luận 4 câu thơ sau đây trong bài Một khúc ca xuân của Tố Hữu: “Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Những năm sau khi thay đổi, đề thi có thể tăng lên hai câu, rồi ba câu, thêm câu hỏi nghị luận xã hội, hình thức có thể thay đổi, nhưng nội dung về cơ bản vẫn thế.

Đề thi cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, trong khi toàn bộ chương trình sách giáo khoa, cả 11 và 12, chỉ vẻn vẹn trong vài ba chục bài, những bài thường xuyên được lựa chọn còn hẹp hơn: chỉ trong khoảng 10 bài.

Trong khi đề thi bắt buộc phải thuộc chương trình học. Tới mức, có năm, trong khi chấm thi các thầy cô ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đã phải “sáng tác” hẳn một bài vè: “Nực cười thi cử nước ta/ Đầu vào Thị Nở đầu ra Chí Phèo/ Khối C thì huyện phố nghèo [Hai đứa trẻ]/ Khối D Tiếng hát con tèo [con tàu] lại ra/ Năm ngoái Ông lão Sông Đà/ Năm nay lại gặp ông già Nguyễn Tuân/ Đề thi như đèn kéo quân/ Ra đi ra lại luân luân hồi hồi”.

Còn đề thi cứ buộc phải bám theo chương trình, đến mức, có năm đề ra liên quan đến vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, có học sinh vì không nhớ bài học, đã viết những câu thơ “tếu táo” thế này: “Vũ Như Tô, Vũ Như Tô/ Cớ sao cháu khổ vì cô thế này/ Cháu ngồi cháu học ngày ngày/ Cớ sao chẳng thấy cô này ở đâu/ Cháu ngồi cháu học rất lâu/ Mà sao chẳng thấy ở đâu cô này?...”.

Thật khó tin nổi? Một học sinh đã viết được những câu lục bát chuẩn thế này, thì tư chất văn chương không đến nỗi tồi. Nếu đề thi không buộc học trò phải viết lại những bài văn đã học, mà chỉ cần một bài viết tự do, thì biết đâu em học sinh này vẫn có được kết quả tốt.

Từ năm 2015, đề thi vào đại học đã đa dạng hơn. Bên cạnh những dạng đề thi “cổ điển”, đã xuất hiện thêm hai dạng đề thi Đánh giá năng lực của hai đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và đề thi Đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tôi không dám lạm bàn sang môn Toán, mà chỉ đề cập môn Văn và Tiếng Việt, hình thức thi đã chuyển hẳn sang trắc nghiệm.

Người ta không sợ đề thi Văn hay tiếng Việt theo hình thức trắc nghiệm sẽ đánh mất khả năng viết tự luận của học sinh.

Tôi nghĩ, một bài thi tuyển sinh vào đại học, chỉ như một “khảo sát” nhỏ [tất nhiên dù “nhỏ” vẫn phải đảm bảo tính toàn diện], trong khi việc làm văn với họ đã gần như được thực hiện suốt gần 12 năm học rồi. Nỗi lo ấy là không cần thiết. Điều quan trọng nhất với một đề thi đại học là kiểm tra được năng lực tư duy của học trò. Viết một bài luận là câu chuyện của muôn thuở.

Trong khi, đề thi tuyển sinh đại học, kể cả Văn và Toán, ngoài yêu cầu kiểm tra kiến thức nền, nội dung của đề vẫn cần được nâng cao để học trò thi vào đại học phải thể hiện được năng lực riêng của bản thân mình.

Chỉ như vậy, chúng ta mới tuyển chọn được học sinh đủ năng lực, nắm vững kiến thức, có đủ năng lực vào học đại học chứ không phải phổ thông cấp 4…

Trần Hinh

Video liên quan

Chủ Đề