Việt Nam áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết từ thời gian nào

Thị trường ngoại hối Việt Nam sau hơn 1 năm thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm

TS. Đinh Xuân Cường, TS. Nguyễn Thị Nhung1

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN] đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND và USD, tỷ giá tính chéo của VND và các ngoại tệ khác. Cơ chế tỷ giá trung tâm được chính thức thực hiện kể từ ngày 04/01/2016. Bài viết phân tích, đánh giá hiệu quả của cơ chế tỷ giá trung tâm sau hơn 1 năm được triển khai tại Việt Nam, từ đó, đưa ra một số đề xuất nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Thay vì tỷ giá bình quân liên ngân hàng sử dụng trước đây, từ ngày 04/01/2016 thị trường tài chính Việt Nam có tỷ giá trung tâm do NHNN công bố hàng ngày. Việc công bố tỷ giá trung tâm được đánh giá là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được NHNN thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cách thức điều hành tỷ giá mới được kỳ vọng là cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách
tiền tệ.

Cho tới nay, cơ chế tỷ giá trung tâm đã được đưa vào vận hành hơn 1 năm. Đây là thời điểm thích hợp để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngân hàng và nhà nghiên cứu đánh giá một cách hệ thống hiệu quả của cơ chế tỷ giá này. Mục đích của bài viết là phân tích, đánh giá thị trường ngoại hối Việt Nam kể từ khi được điều tiết bởi cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN, từ đó đưa ra một số đề xuất về giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

2. Cơ chế tỷ giá trung tâm

Trong nhiều năm, tỷ giá giao dịch trên thị trường Việt Nam được xác định trong biên độ nhất định so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng [BQLNH] do NHNN công bố hàng ngày. Trong từng thời kỳ, NHNN sẽ công bố mức điều chỉnh tỷ giá tối đa dự kiến. Các chuyên gia kinh tế nhận định, về bản chất, cơ chế tỷ giá của Việt Nam là cơ chế neo tỷ giá USD/VND cố định hoặc với biên độ được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn. Về lý do cần thiết thực hiện cơ chế tỷ giá này, có ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới luôn có nhiều bất ổn và biến động rất mạnh, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính và kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, trong khi đó hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam còn yếu kém, “dễ vỡ” trước bất cứ “thông tin xấu” nào, nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu các yếu tố đầu vào cho sản xuất, năng lực cạnh tranh thấp và gánh nợ nước ngoài của Việt Nam là rất lớn [Tuấn, 2015]. Với cơ chế tỷ giá này, trong nhiều năm tỷ giá trên thị trường Việt Nam khá ổn định, giảm được các chi phí giao dịch và rủi ro tỷ giá, củng cố niềm tin vào VND, ổn định tâm lý thị trường và thị trường ngoại hối, từ đó tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế [Trung, 2016].

Tuy nhiên, nghiên cứu của Anh P.T và cộng sự [2014] cho rằng thành công này là dựa trên nền tảng của sự cân bằng cán cân thương mại [một phần do suy giảm kinh tế] và môi trường lạm phát trong nước thấp [nhờ hạ thấp tăng trưởng cung tiền và tín dụng], chứ không phải là nhờ chính sách neo tỷ giá. Nghiên cứu của Trung N. Đ. [2016] cũng chỉ ra những nhược điểm của cơ chế tỷ giá “đồng Việt Nam [VND] được neo giữ với đồng USD” và yêu cầu phải thay đổi cơ chế điều hành trong giai đoạn mới. Theo đó, nhược điểm lớn nhất của cơ chế tỷ giá cũ là “tỷ giá do chỉ được điều chỉnh một chiều theo hướng tăng nên kỳ vọng cũng chỉ theo một chiều, thị trường thường đồn đoán về việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá vào một số giai đoạn mang tính mùa vụ hoặc bất cứ khi nào thâm hụt thương mại hoặc lạm phát gia tăng”. Điều này đã dẫn tới hiện tượng găm giữ, đô la hóa trong nền kinh tế, tạo ra sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh, làm phát sinh các rủi ro không thể phòng ngừa, nguy cơ tấn công tiền tệ cao, làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ [Tuấn, 2015].

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ngoài Mỹ, các nước như Trung Quốc, Asean, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… là các thị trường lớn của Việt Nam và ngày càng trở nên quan trọng hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu vay nợ của Việt Nam không còn phụ thuộc nhiều vào USD. Các khoản vay nợ chủ yếu được định giá bằng đồng Yên Nhật [JPY], SDR, USD và EUR. Việc duy trì cơ chế neo tỷ giá USD/VND cố định hoặc với biên độ được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn không phản ánh đúng tương quan giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế đề cập nhiều tới lý thuyết Bộ ba bất khả thi của Mundell-Fleming [Mundell, 1963] [Fleming, 1962], theo đó một quốc gia không thể thực hiện cùng lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô bao gồm: ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập [Tuấn, 2015]. Hơn nữa, một khi tham gia ngày càng sâu rộng vào hợp tác kinh tế - tài chính quốc tế, tuy cam kết ổn định tỷ giá khi hội nhập quốc tế [như trong TPP] không phải là điều kiện cứng nhưng các nước đều phải hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá [Tín, 2015]. Vì vậy, Việt Nam phải thay thế chế độ tỷ giá mới linh hoạt hơn để thực hiện các cam kết về tự do lưu chuyển dòng vốn [Anh, P.T.; Minh, Đ.T., 2014].

Biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc là rất lớn và khó dự đoán. Bản thân nền kinh tế trong nước cũng bộc lộ nhiều vấn đề như thâm hụt cán cân thương mại, tỷ lệ lạm phát khó duy trì ở mức thấp… Nếu Việt Nam không thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá thì thị trường ngoại tệ sẽ thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, tỷ giá chịu áp lực lớn, áp lực lên dự trữ ngoại tệ cao. Do vậy, NHNN sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và đảm bảo thanh khoản cho toàn bộ hệ thống tín dụng trong nước [Trung, 2016].

Như vậy, xuất phát từ thực tế hội nhập kinh tế và thực trạng nền kinh tế quốc gia, từ ngày 04/01/2016, Việt Nam thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, theo đó NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày với biên độ +/-3%, bám sát diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỷ giá trung tâm được NHNN tính toán dựa trên 3 cấu phần, bao gồm: [i] Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam [gồm Nhân dân tệ [Trung Quốc], Baht [Thái Lan], SGD [Singapore], Euro [EU], Won [Hàn Quốc], TWD [Đài Loan], Yên [Nhật Bản] và USD]; [ii] Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước; và [iii] Các cân đối tiền tệ vĩ mô. Cân đối vĩ mô liên quan đến các vấn đề cả kinh tế trong nước lẫn quốc tế, bao gồm về đầu tư, thanh toán, thương mại. NHNN sẽ không can thiệp bằng tay một cách chủ quan lên tỷ giá [Tùng Lâm, 2016]. Có thể thấy, tỷ giá trung tâm mang tính thị trường nhiều hơn, linh hoạt hơn, có tăng, giảm và đứng yên, không thể hiện một xu hướng rõ rệt nào để có thể đầu cơ.

Cơ chế tỷ giá trung tâm đảm bảo tỷ giá được linh hoạt điều chỉnh theo cung - cầu trên thị trường và có sự điều tiết của NHNN [trong trường hợp thị trường có những diễn biến phức tạp]. Đây được xem là một bước tiến mới của NHNN trong việc điều hành thị trường ngoại hối theo diễn biến thị trường để dần hướng đến một cơ chế tỷ giá thả nổi. Việc neo theo một giỏ tiền tệ sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào kể cả đó là đối tác lớn, qua đó tránh được những cú sốc bất lợi từ thị trường, giúp giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo tính linh hoạt của chính sách, đặc biệt NHNN sẽ hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại hối để giữ ổn định tỷ giá.

Tính ổn định của thị trường ngoại hối còn thể hiện ở việc giảm bớt hành động “găm” ngoại tệ, đợi tỷ giá lên cao để bán. Sự biến động liên tục của tỷ giá phản ánh quan hệ cung - cầu trên thị trường sẽ gây khó khăn cho việc dự báo tỷ giá của giới đầu cơ, qua đó làm giảm hành động giữ ngoại tệ như trước đây.

Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá mới mang đến những thông tin rõ ràng hơn cho các chủ thể tham gia thị trường tài chính Việt Nam, từ đó giúp họ hoàn toàn chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của mình. Các chủ thể tham gia trên thị trường tài chính Việt Nam phải “làm quen” với việc tỷ giá giao động trong một biên độ nhất định. Thay vì trước đây được hưởng lợi từ việc tỷ giá hối đoái khá ổn định, các chủ thể của nền kinh tế đặc biệt là các ngân hàng, các doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với tỷ giá, phải trở nên năng động và hoàn thiện hơn cơ chế quản lý rủi ro của mình. NHNN khuyến khích các định chế tài chính và các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các công cụ phái sinh tại Việt Nam.

Ngoài ra, tính linh hoạt và phản ánh khách quan quan hệ cung-cầu trên thị trường của cơ chế tỷ giá trung tâm còn được xem là yếu tố tích cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vì khả năng dễ dàng chuyển đổi chính thức giữa ngoại tệ và VND [thay vì các giao dịch trên thị trường chợ đen như trước đây].

3. Thị trường ngoại hối Việt Nam giai đoạn 01/2016 - 04/2017

Xem hình 1

9 tháng đầu năm 2016 chứng kiến tỷ giá USD/VND khá ổn định. Tỷ giá bán ra tại nhiều NHTMít biến động và phổ biến vào khoảng 1 USD = 22.330 - 22.350 đồng. Các chuyên gia kinh tế đề cập tới 05 nguyên nhân chính như sau: [i] Cơ chế tỷ giá trung tâm mà NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 đã tạo bộ giảm chấn cho thị trường trong nước trước những tác động lớn từ bên ngoài; [ii] Thị trường không còn tâm lý đồn đoán về điều chỉnh tỷ giá, điều thường định hình như một điểm hẹn những năm trước, đặc biệt quãng cuối tháng 6; [iii] Những giá trị chính nương theo ổn định tỷ giá đang được ghi nhận; [iv] Mức độ phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu trở nên mờ nhạt, gần như không thể hiện trong sự ổn định 9 tháng đầu năm; [v] Sự ổn định kéo dài của tỷ giá USD/VND phản ánh một phần bộ mặt của kinh tế vĩ mô.

Bước sang quý 4, đặc biệt là từ tháng 11, với áp lực từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với phần thắng thuộc về ứng viên Donald Trump, FED tăng lãi suất trong tháng 12 và đi kèm lộ trình tăng lãi suất mạnh hơn trong năm 2017, dẫn tới giá USD tăng trên thị trường thế giới. Kể từ giữa tháng 8, tỷ giá tham chiếu trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng dần, đến cuối tháng 12, được niêm yết ở mức 1 USD = 22.155 đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2015.Ngoài ra, yếu tố mùa vụ thanh toán, tỷ giá tại hệ thống NHTM liên tục tăng và đến cuối tháng 12, phổ biến ở mức 1 USD = 22.790 - 22.800 đồng, tăng khoảng 1,1% so với cuối năm 2015.

Những ngày đầu năm 2017, thay vì áp lực đi lên như mọi năm thì qua 3 tuần đầu năm, tỷ giá chính thức của ngân hàng đã giảm gần 1% từ 22.790 đồng xuống 22.600 đồng, trong khi giá USD ngoài thị trường chợ đen giảm đến hơn 2%, từ mức 23.400 đồng xuống còn 22.700 đồng đổi 1 USD. Ngay sau đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường ngân hàng ghi nhận nhiều phiên giao dịch tăng vọt. Có thời điểm, giá USD bán ra của một số NHTM vọt lên mức 22.880 VND, sát với trần biên độ của NHNN. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng mạnh đầu năm xuất phát từ nguyên nhân do nhập siêu trong 2 tháng là 46 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ các năm trước, cán cân thương mại thường xuất siêu. Dữ liệu thống kê cho thấy, cùng kỳ năm 2016, 2015, 2014, 2013, xuất siêu lần lượt: 865 triệu USD; 61 triệu USD, 244 triệu USD và 1,67 tỷ USD.

Ngày 15/3/2017, Fed nâng lãi suất lần thứ 3 lên mức 0,75% - 1%, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn. Tại thời điểm ngày 24/3, tỷ giá đang giữ ở mức 22.789 giảm 39 điểm so với mức 22.828 của ngày 15/3. Có thể nhận thấy, thị trường không có cú sốc đối với quyết định này của Fed. Những kỳ vọng về thay đổi tỷ giá có thể đã phản ánh vào trong quá trình tăng tỷ giá từ trước đó. Và so với cuối năm 2016, tỷ giá USD/VND vẫn khá ổn định; giá USD bán ra của các NHTM hiện mới chỉ tăng khoảng 0,26%; tỷ giá trung tâm do NHNN cũng mới chỉ tăng 0,39%, tính đến ngày 6/3.

4. Kết luận và khuyến nghị

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, thị trường ngoại hối Việt Nam được xem là tương đối ổn định. Bên cạnh một số nguyên nhân như chính sách nhất quán đảm bảo giá trị của đồng tiền VND, hay nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào [dự trự trữ ngoại hối lên mức vượt mốc 40 tỷ USD vào cuối năm 2016], phải thừa nhận rằng cơ chế tỷ giá trung tâm là rất linh hoạt. Đây là nguyên nhân chính đảm bảo thị trường ngoại hối nước ta khá ổn định nhưng vẫn đảm bảo phản ánh tốt quan hệ cung - cầu trên thị trường trong thời gian hơn một năm qua. Trên cơ sở thực trạng thị trường ngoại hối trong thời gian qua, để phát huy hơn nữa những ưu việt của cơ chế tỷ giá trung tâm, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá trung tâm nhằm đạt mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối. Trong thời gian qua, cơ chế tỷ giá trung tâm đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Ngoài ra, dưới góc độ thị trường, khi tỷ giá được giữ ổn định thì việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cũng sẽ có cơhội hiện thực hóa. Trong thực tế, để giảm được lãi suất theo lạm phát, trước tiên cần hạn chế tình trạng găm giữ USD. Cách hiệu quả là không phá giá nhiều, bởi không thể vừa phá giá tiền đồng, vừa kêu gọi người dân nắm giữ VND với lãi suất thấp. Nói cách khác, ổn định tỷ giá là điều kiện cần để hạ lãi suất.

Thứ hai, cần phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều, nhất là phân tích kỹ hành vi của thị trường và sự nhạy cảm của nhà điều hành trước khi đưa ra quyết định có nên tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với USD hay không. Năm 2016, kiều hối về Việt Nam có sự sụt giảm và không đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do lãi suấtUSD bên ngoài đã hấp dẫn hơn [lãi suấtUSD tại Việt Nam vẫn duy trì 0%]. Mục tiêu của việc duy trì lãi suất 0% đối với USD là NHNN muốn chuyển tất cả giao dịch qua đồng nội tệ, để chống đô la hóa.Hiện đang có một vấn đề nổi lên và có ý kiến khác nhau của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học là có nên tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với USD hay không? Đây là vấn đề không đơn giản, vì nó có tác động không nhỏ đến thị trường, nếu phù hợp nó sẽ có tác động đến ổn định tỷ giá, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu chống đô-la hóa. Vì vậy, cần phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều, nhất là phân tích kỹ hành vi của thị trường và sự nhạy cảm của nhà điều hành trước khi đưa ra quyết định có nên tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với USD hay không.

Thứ ba, NHNN nên tăng cường công tác giám sát thị trường ngoại tệ và kịp thời có những biện pháp hợp lý điều tiết thị trường. Thực tế, thị trường ngoại tệ 3 tháng đầu năm 2017 cho thấy có nhiều áp lực tăng tỷ giá từ bối cảnh trong và ngoài nước. Đặc biệt, những chuyển biến trên thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại tệ nói riêng trong thời gian qua thể hiện mức độ hội nhập của thị trường ngày càng tăng và mức độ nhạy cảm - phản ứng trước các thông tin, chính sách của NHNN ngày càng nhanh. Điều này mang ý nghĩa tích cực vì cho phép NHNN chủ động định hướng thị trường theo mục tiêu đề ra, nhưng bên cạnh đó đặt ra vấn đề nhanh - kịp thời của các chính sách.

Thứ tư, NHNN nên cẩn trọng trong điều tiết để có thể lường đón những thách thức có thể diễn ra trên thị trường tài chính Việt Nam. Năm 2017 chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ từ nền kinh tế Mỹ và các quốc gia lớn như Trung Quốc như động thái tăng lãi suất của Fed… trong khi đó thị trường tài chính Việt Nam ngày một phản ứng nhanh trước những thông tin thị trường trong và ngoài nước, cũng như các chính sách của Chính phủ. Vấn đề đặt ra đối với NHNN là duy trì và phát huy lợi thế này trong bối cảnh diễn biến thị trường ngày càng phức tạp. Đó là phải đưa ra được các quyết sách phù hợp với quy luật vận động của thị trường, định hướng thị trường rõ ràng, kiên định. Theo đó, việc phân tích, dự báo thị trường trong nước và quốc tế cần phải đảm bảo được mức độ chính xác cao hơn và kịp thời hơn so với những năm trước đây. Ngoài ra, trước những thách thức và áp lực đến từ nền kinh tế, NHNN và Bộ Tài chính nên duy trì và tăng cường phối hợp hơn nữa để nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2017.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anh, P.T.; Minh, Đ.T. . [2014]. Chính sách tỷ giá hối đoái: Lựa chọn nào cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 210, 11-20.

2. Fleming, M. [1962]. Domestic Financial Policies under Fixed and Floating Exchange Rates’. IMF Staff Papers 9, 369-77.

3. Mundell, R. [1963]. Capital Mobility and Stabilization Policy under Fixed and Flexible Exchange Rates. Canadian Journal of Economics and Political Science, 475-85.

4. Tín, B. Q. [2015]. Chính sách tỷ giá nào phù hợp khi tham gia TPP? CAFEF. Được truy lục từ //cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/chinh-sach-ty-gia-nao-phu-hop-khi-tham-gia-tpp-20151011104641925.chn

5. Trung, N. Đ. [2016]. Cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam - Sự cần thiết điều chỉnh trước những thay đổi của môi trường kinh tế. Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, 44-47.

6. Tuấn, T. Đ. [2015]. Bài giảng 16: Cơ chế tỷ giá hối đoái nào cho Việt Nam. Trong Đ. T. Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Được truy lục từ //www.fetp.edu.vn/cache/MPP8-512-L16.2V-Co%20che%20ty%20gia%20hoi%20doai%20nao%20cho%20Viet%20Nam--Do%20Thien%20Anh%20Tuan-2015-12-01-14134040.pdf

7. Tùng Lâm. [2016]. Cơ chế tỷ giá mới: Hiểu sao cho đúng? Tri thức trẻ. Được truy lục từ //cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/co-che-ty-gia-moi-hieu-sao-cho-dung-20160113115839994.chn

*1 Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề