Uống thuốc lao có bị rụng tóc không

Bỗng dưng... mất tóc!

Thuốc giúp chúng ta phòng chống bệnh tật nhưng đôi khi lại gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có vấn đề rụng tóc

Trong số những tác dụng phụ do thuốc gây ra, có một tác dụng mà ai cũng rầu dù là nam hay nữ, đó là tóc gió… thôi bay. Có rất nhiều loại dược phẩm gây xáo trộn sự tăng trưởng của tóc, thay đổi màu tóc, cấu trúc tóc, gây rụng tóc... Tuy nhiên, cũng thật may mắn, trong phần lớn trường hợp, tóc có thể hồi phục sau khi ngưng sử dụng thuốc.

Vì sao thuốc gây rụng tóc?

Thuốc làm cho tóc rụng bằng cách can thiệp vào chu kỳ tăng trưởng bình thường của tóc. Một sợi tóc sẽ trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn tăng trưởng kéo dài 3-4 năm, sau đó là giai đoạn sợi tóc trưởng thành và giai đoạn lão hóa kéo dài khoảng 3 tháng. Cuối giai đoạn này, tóc rụng và được thay thế bằng sợi tóc khác, chu trình cứ thế lại tiếp tục. Thuốc có thể gây ra 2 dạng rụng tóc: Một dạng do thuốc tác động vào giai đoạn tăng trưởng của tóc và dạng thứ hai ở giai đoạn trưởng thành và lão hóa của tóc [telogen phase].

Đa số thuốc gây rụng tóc thường tác động vào giai đoạn trưởng thành và lão hóa, hiện tượng rụng tóc sẽ xuất hiện sau khi dùng thuốc từ 2 đến 4 tháng. Thuốc sẽ làm cho nang tóc mau kết thúc giai đoạn trưởng thành khiến tóc rụng dễ dàng và nhanh chóng, mỗi ngày có thể mất đi từ 100 đến 150 sợi.

Một số loại dược phẩm lại tác động vào giai đoạn tăng trưởng của tóc, ngăn chặn sự sinh sản của các tế bào matrix có nhiệm vụ tạo ra tóc mới. Dạng thuốc này gây rụng tóc sau khi dùng vài ngày cho đến vài tuần, thường xảy ra đối với những bệnh nhân đang được hóa trị liệu [chemotherapy]. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể mất toàn bộ tóc, lông mi, lông mày và lông trên cơ thể.

Mức độ nghiêm trọng của sự rụng tóc do thuốc phụ thuộc vào dạng thuốc, liều lượng thuốc cũng như mức độ nhạy cảm của bệnh nhân đối với thuốc.

Cần rà soát lại tất cả dược phẩm mà bệnh nhân sử dụng. [Ảnh chỉ có tính minh họa]Ảnh: Hoàng Triều

Lưu ý các thuốc gây rụng tóc

Có rất nhiều thuốc gây rụng tóc, bao gồm: thuốc trị mụn có chứa vitamin A [retinoids], thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm, thuốc kháng trầm cảm, thuốc ngừa thai, thuốc chống đông máu, thuốc hạ cholesterol, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc trị ung thư nhũ hoa, thuốc trị bệnh động kinh, thuốc trị cao huyết áp như thuốc chẹn beta [beta-blockers] và thuốc ức chế ACE, liệu pháp thay thế hormone, thuốc kháng viêm không steroids NSAIDs, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc steroids, thuốc trị rối loạn tuyến giáp, thuốc giảm cân...

Riêng dược phẩm dùng cho hóa trị liệu có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư trong toàn cơ thể nên cũng sẽ gây tổn hại đến tóc; tóc thường bị rụng 2 tuần sau khi trị liệu và rụng ở tốc độ nhanh nhất sau 1-2 tháng trị liệu. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, sự rụng tóc rất phổ biến và nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân được hóa trị nhiều loại dược phẩm cùng một lúc. Những bệnh nhân chỉ được hóa trị liệu một loại thuốc thì mức độ rụng tóc ít nghiêm trọng hơn. Những loại thuốc dùng trong hóa trị liệu gây rụng tóc bao gồm: adriamycin, cyclophosphamide, cactinomycin, docetaxel, doxorubicin, etoposide, ifosfamide, irinotecan, paclitaxel, topotecan, vinorelbine...

Chẩn đoán rụng tóc do thuốc

Khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó mà bạn thấy tóc rụng dần thì cần chuẩn bị trả lời những câu hỏi sau đây của bác sĩ:

1- Tóc bắt đầu rụng khi nào?

2- Tóc có rụng nhanh và nhiều?

3- Bạn có bị ngứa, rát da đầu không?

4- Trước đó 4 tháng, bạn sử dụng thuốc gì?

5- Bạn đang mắc bệnh gì?

6- Bạn có thay đổi chế độ dinh dưỡng?

Thông thường, thầy thuốc sẽ làm một số xét nghiệm để xem tuyến giáp có vấn đề không vì những rối loạn tuyến giáp có thể gây rụng tóc rồi xét nghiệm tóc, làm sinh thiết da đầu, xét nghiệm hormone...

Để tìm ra thuốc nào gây rụng tóc là việc khó khăn khi bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc, kể cả thuốc nằm trong “danh sách đen” gây rụng tóc. Vì vậy thầy thuốc dùng phương pháp loại suy, yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng một loại thuốc “nghi can” nào đó để xem tiến triển của tóc, tuy nhiên kết quả chỉ có thể biết được sau 2 tháng ngưng thuốc.

Cải thiện tình trạng rụng tóc

Thông thường, sự rụng tóc sẽ chấm dứt và tóc phát triển trở lại sau khi ngưng dùng thuốc. Nếu sau khi ngừng thuốc mà tóc tiếp tục rụng thì cần được bác sĩ kê toa những loại dược phẩm làm chậm quá trình rụng tóc.

Đối với những bệnh nhân đang hóa trị liệu, các thầy thuốc thường dùng một túi nước đá đặt lên da đầu vài phút trước khi vô hóa trị và nửa giờ sau khi vô hóa trị. Làm lạnh da đầu nhằm hạn chế lưu lượng máu [có chứa hóa chất] đi đến nang tóc. Làm lạnh da đầu cũng có tác dụng làm giảm các hoạt động sinh hóa, giúp nang tóc ít nhạy cảm hơn trước sự tàn phá của hóa chất.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Các loại rụng tóc

Mặc dù nhiều loại thuốc được ghi nhận có liên quan với tình trạng rụng tóc, nhưng mối quan hệ nhân quả thực sự chỉ được chứng minh với một số loại thuốc. Tùy thuộc vào loại thuốc, liều dùng của thuốc và tính nhạy cảm của người bệnh, thuốc có thể gây rụng tóc kiểu telogen, kiểu anagen, rụng tóc từng đám hoặc kiểu phối hợp. Rụng tóc do thuốc thường hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc, tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể gây rụng tóc vĩnh viễn.

Telogen là kiểu rụng tóc thường gặp nhất gây ra do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng tăng rụng tóc hằng ngày do tăng tỷ lệ tóc trong giai đoạn ngưng phát triển và bị gãy rụng. Rụng tóc thường xảy ra sau khi dùng thuốc khoảng 3 tháng, số lượng tóc rụng hằng ngày tăng lên và có thể đi kèm với dị cảm hoặc đau da đầu. Số lượng tóc rụng hằng ngày thường dao động trong khoảng 100 - 150 sợi, rụng tóc mức độ nặng với khoảng 200 - 300 sợi mỗi ngày tương đối ít gặp và hầu hết liên quan với các hóa chất chống ung thư, interferon, thuốc diệt virut và heparin.

Rụng tóc kiểu anagen đặc trưng bởi tình trạng rụng tóc lan tỏa do thuốc gây kìm hãm sự phát triển của tóc hoặc làm hư hại các sợi tóc đang trong giai đoạn phát triển, chủ yếu gặp sau dùng các thuốc gây độc tế bào và thường có liên quan với rụng tóc kiểu telogen. Rụng tóc kiểu anagen thường cấp tính và nặng, có thể gây mất toàn bộ tóc, lông mi, lông mày.

Trường hợp rụng tóc lan tỏa vĩnh viễn sau dùng thuốc do nang tóc bị phá hủy tương đối hiếm gặp, hầu hết là do sử dụng busulphan hoặc sau chiếu xạ để điều trị u.

Một số loại thuốc gây rụng tóc

Các thuốc chống đông: Rụng tóc kiểu telogen là một tác dụng phụ thường gặp của các thuốc chống đông, xảy ra ở gần một nửa số bệnh nhân sử dụng liều cao heparin và các dẫn xuất coumarin.

Các thuốc chống ung thư: Rụng tóc là tác dụng phụ trên da thường gặp nhất của các thuốc chống ung thư. Mức độ và tần suất xuất hiện của rụng tóc tăng lên khi dùng phối hợp đồng thời nhiều loại thuốc. Mức độ nhạy cảm đối với tác dụng gây rụng tóc của các thuốc chống ung thư có sự khác biệt lớn giữa các cá thể. Ví dụ, mức độ rụng tóc với cùng một phác đồ điều trị hoặc liều khởi đầu gây rụng tóc của mỗi loại thuốc là khác nhau giữa các bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân bắt đầu rụng tóc sau đợt hóa trị liệu thứ nhất hoặc thứ hai, tức là khoảng 4 - 8 tuần sau điều trị. Tóc thường mọc lại rất nhanh sau khi ngưng điều trị nhưng hình dạng và màu sắc của tóc có thể thay đổi.

Các thuốc diệt virut: Indinavir có thể gây rụng tóc kiểu telogen và mất tóc từng mảng ở khoảng 10% số bệnh nhân dùng thuốc, ngoài ra, lông ở chân, vai, ngực, nách và mu cũng thường bị rụng. Phối hợp điều trị indinavir với ritonavir có thể gây rụng tóc mức độ nặng do ritonavir làm tăng nồng độ của indinavir trong máu. Ngoài ra, dùng phối hợp giữa lopinavir với ritonavir cũng có thể gây rụng tóc trong một số trường hợp.

Thuốc tránh thai: Ngưng dùng đột ngột các thuốc tránh thai chứa estrogen thường gây rụng tóc kiểu telogen vì estrogen làm kéo dài giai đoạn phát triển của tóc và đồng bộ hóa chu kỳ phát triển của tóc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau 3-5 tháng dùng thuốc tránh thai dạng uống đã xảy ra tình trạng rụng tóc thoáng qua.

Các thuốc ức chế miễn dịch: Rụng tóc là biến chứng thường gặp nhất trong điều trị chống thải ghép với thuốc tacrolimus đường uống, xảy ra trong khoảng 28% các trường hợp dùng thuốc. Biến chứng này cũng được ghi nhận sau điều trị với một số thuốc ức chế miễn dịch khác như mycophenolate mofetil và leflunomide.

Interferon: Rụng tóc xảy ra ở gần một nửa số bệnh nhân dùng interferon, không liên quan với liều dùng và có thể hồi phục sau khi ngưng điều trị. Một số trường hợp tình trạng rụng tóc có thể hồi phục ngay cả khi tiếp tục điều trị. Sự thay đổi hình dạng và màu sắc của tóc cũng được ghi nhận sau dùng interferon.

Các thuốc tâm thần kinh: Lithium gây rụng tóc ở gần 20% trường hợp dùng thuốc kéo dài, nguyên nhân có thể do thuốc gây suy tuyến giáp dẫn đến rụng tóc. Valproic acid cũng có thể gây rụng tóc ở khoảng 12% số người dùng thuốc, mức độ rụng phụ thuộc liều dùng của thuốc. Fluoxetine, một thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin cũng được ghi nhận có thể gây rụng tóc kiểu telogen, thường xảy ra sau khi bắt đầu dùng thuốc một vài tháng.

Vitamin A và các dẫn xuất retinoid: Liều cao của vitamin A có thể gây rụng tóc, nhưng thường ở mức độ nhẹ. Dùng phối hợp với vitamin E có thể làm tăng độc tính của vitamin A. Các dẫn xuất của vitamin A như acitretin và isotretinoin có thể gây rụng tóc ở một tỷ lệ khá lớn số người dùng thuốc, mức độ rụng phụ thuộc liều dùng và có thể ảnh hưởng đến lông ở các vị trí khác.

Bên cạnh những thuốc kể trên, nhiều loại thuốc khác cũng được ghi nhận có thể gây rụng tóc ở một tỷ lệ nhỏ số người dùng thuốc, ví dụ thuốc levodopa trong điều trị bệnh Parkinson, tamoxifen trong điều trị ung thư vú…


Video liên quan

Chủ Đề