Tôn giáo dưới góc nhìn tâm lý học

Tình cờ thấy lại một bài tập hồi sinh viên năm 2 môn Tâm lý học Tôn giáo

Trong bài có 1 sự gò ép nhỏ vì được yêu cầu nhìn nhận tôn giáo dưới góc nhìn phân tâm

Và 1 sự gò ép to giữ tình cảm và môi trường.

Còn lại thì vẫn rất có giá trị tham khảo

Lời nói đầu:

Nhận được sự phân công của giảng viên Ts. Dương Ngọc Dũng, em xin phép chọn đề tài “tại sao con người lại theo một tôn giáo nào đó” và chọn Công Giáo làm ví dụ cụ thể vì dễ tiếp cận các nguồn tài liệu chính thống hơn. Do hạn chế về thời gian và tài liệu, nên bài viết không thể tránh khỏi thiếu xót, mong được sự góp ý, hướng dẫn thêm của Giảng viên.

_____

"Science without religion is lame, religion without science is blind."

- Albert Einstein

Câu nói của Einstein cho chúng ta thấy đời [cụ thể là khoa học] và đạo song hành với nhau, nhưng chúng liên kết với nhau tới mức nào ?

Điều đầu tiên chúng ta cần đê cập khi nói về tôn giáo là Niềm Tin, mà niềm tin thì không thể chứng minh là đúng hay sai, nó tồn tại như một thách thức về sự hạn hữu, bất lực trong khả năng nhận thức, chế ngự thiên nhiên, quản lý những việc ngẫu nhiên … của con người.

Niềm tin đó từ sơ khai nhất là vào “vật tổ” [Totem], đến vật hữu linh [như Thần Đạo của Nhật], đa thần như hệ thống thần của Hy Lạp và La Mã, khi xã hội phát triển hơn nữa chúng ta đi dần đến tôn giáo độc thần [chỉ một thần duy nhất].

Công giáo là một trong những tôn giáo độc thần - “mọi sự quy về Thiên Chúa, là Cha chí Thánh, đấng toàn năng và hằng hữu”

Tôn giáo như một “cái đệm” để lấp đầy những lo hãi của con người về những thứ con người chưa “quản lý” được …

“Mọi chuyện” có lẽ xảy đến vào khoảng khi chúng ta từ 3 tới 5 tuổi, khi chúng ta biết được rằng cái CHẾT là sự chia lìa, mang tính vĩnh viễn [không thể hồi lại] và chắc chắn sẽ xảy đến với mình … bất cứ lúc nào, lo hãi về cái chết lại kéo theo những câu hỏi mang tính hiện sinh “tại sao tôi lại sống”, cuộc sống đến từ đâu, đi về đâu, sự tồn tại của tôi trên đời này có ý nghĩa gì ? … Ai rồi cũng một lần trong đời tự hỏi mình như vậy và “phúc thay” cho những ai đã tìm được câu trả lời, bởi chắc bạn cũng biết ít nhất một người đang “loay hoay” tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời họ. Trớ trêu thay “câu trả lời” đó, [khi họ đã “tìm ra”] cũng không thể đem đúng-sai ra mà phân định mà đó cũng là một dạng niềm tin, tôi tin rằng cuộc đời tôi diễn ra thế này, thế này thì tôi đã sống một cuộc đời ý nghĩa.

Thế nên công việc đầu tiên của tôn giáo là “giải thích” bạn từ đâu tới, bạn đi về đâu, và hướng cho bạn một mục đích vừa chung vừa riêng để bạn tìm thấy hướng đi cho đời mình, để không cảm thấy “lo lắng” gì khi tự hỏi những câu hỏi hiện sinh trên mà có thể xác tín rằng, tui sẽ sống theo hướng như vậy … như vậy …

Tất nhiên bạn có thể tìm ra ý nghĩa đời mình mà không cần đến tôn giáo, dựa trên những hoàn cảnh sống của bạn, những sự kiện mà bạn trải qua, đúc kết kinh nghiệm mà quyết định.

Ví như tôi có một người thầy, con trai ông bị tai nạn giao thông suýt chết, ông chợt nhận ra ý nghĩa đời mình là “để lại di sản”, là chăm sóc nuôi dạy những đứa con của mình nên người, là tâm huyết dạy dỗ cho những sinh viên của mình thế nào là “cái đẹp”, để sau này chính những “người con” này sẽ đem “cái đẹp” góp cho đời… đó chẳng phải là một cuộc đời ý nghĩa sao ?

Đó là một ví dụ cho một chuyển biến theo hướng tích cực từ sự kiện sống, lỡ như một người bị xã hội “vùi dập” quá nhiều, đời họ là một chuỗi những khổ đau, bị đánh đập, bỏ rơi, … ai có thể đảm bảo họ sẽ không hình thành nhân cách chống đối xã hội, rằng lý tưởng tự hình thành đó không phải là “trả đũa” những người mang lại đau khổ cho người đó hay tất cả những ai giống họ [Tài liệu tham khảo 4-5]

Với tôn giáo, bạn sẽ “rút ngắn” con đường đó khá nhiều. Với Công giáo, điều bạn được hướng đến là “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hốn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mền người thân cận như chính mình.” [Lc 10,27-28]

[ “người thân cận” ở đây khổng chỉ hạn hẹp ở máu mủ ruột thịt mà được giải thích trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành [Lc 10, 29-37] với một người bị nạn và “rơi vào” Bystander effect, bấy giờ người “chạnh lòng thương” mà cứu cho người gặp nạn đó tận tình, cũng được xem là người thân cận. Nói cách khác, người thân cận, chính là tha nhân, được bạn đối xử yêu thương, giúp đỡ như người thân của mình, như chính mình]

Khi nói yêu mến Chúa, không phải là một ý niệm mông lung, mà là chân-thiện-mỹ, để bạn phấn đấu, hướng tới việc hoàn thiện bản thân bằng động lực mạnh mẽ. Nếu bạn là người không theo Công giáo, chẳng sao cả, bạn có thể noi theo sự chân-thiện-mỹ của Đức Phật, hay thánh Ala. Nếu bạn không theo tôn giáo nào cũng chẳng sao cả, bạn có thể nói theo gương sống của các danh nhân, bạn có thể noi theo cha mẹ mình, ông bà hay anh chị em mình, có thể là thần tượng của bạn, của ông lão hàng xóm, hay bất kỳ tấm gương đạo đức mẫu mực nào, bạn cũng có thể lấy đức tính này của người này, và đức tính khác của người khác, học hỏi chọn lọc. Chỉ là, thay vì thần tượng một ca sỹ, họ có thể gây ra những vụ bê bối, hay ngày kia bạn có thể thấy ông lão mà bạn đang ngưỡng mộ đó, la mắng con cháu do ảnh hưởng của tuổi già [giảm trí nhớ, cáu gắt] bạn sẽ loay hoay mà tìm một hình mẫu khác. Trong khi những người có tôn giáo họ đã sẵn có [hay được dựng lên, chúng ta chưa kiểm chứng được] một Đấng tốt lành vô cùng, trung tín và hằng hữu.

Bạn lại hỏi: nếu tôi tự tìm mục đích sống cho mình ngoài sự tác động tôn giáo, tôi sẽ tự do chọn điều mình muốn cống hiến hơn là sự định hướng trước, bó buộc, ai cũng cùng một hướng như vậy ? Đúng, bạn hoàn toàn có thể, tôn giáo chỉ giúp bạn “rút ngắn” công việc [ giống như máy móc vậy, giúp đỡ con người làm việc, và tất nhiên bao gồm luôn cả những hệ quả khi con người quá phụ thuộc vào máy móc]. Quay lại với sự tự do chọn điều mình muốn cống hiến, định hướng của công giáo là Tình Yêu, yêu Chúa, yêu người [ phải kể đến Chúa Thánh Thần ở trong mỗi người], nhưng bạn vẫn có thể tùy vào hoàn cảnh, sức lực, tài năng của mình để cống hiến cho đời theo cách rất riêng thể hiện rõ trong dụ ngôn “những yến bạc” [Mt 25,14-30 hay Lc 19,12-27]

Còn việc sống cho đời này hay cho đời sau, có tốt cho bản thân không ? Nếu bạn tin rằng sẽ có kiếp sau [nếu bạn là Phật tử] hay bạn chờ ngày phán xét thì bạn sẽ có một cái “siêu tôi” về việc sống chan hòa, yêu thương người khác, hành thiện tích đức là điều tốt, điều nên làm. Còn việc có làm theo cái siêu tôi đó hay không lại là sự tự do chọn lựa của bạn, nhưng kết quả của sự chọn lựa đó sẽ ảnh hưởng “muôn đời”. Rõ ràng cái siêu tôi tạo ra với việc nó sẽ ảnh hưởng muôn đời phần nào “nặng hơn” chỉ ảnh hưởng đời này.

Nếu bạn nghĩ chết là hết, bạn sẽ dễ dàng bị lôi kéo vào suy nghĩ, thôi cứ hưởng thụ đời này, đi tìm vui thú của cuộc sống, tiền bạc, địa vị, bỏ qua những vấn đề nhân sinh, nỗi đau của tha nhân đâu-có-ảnh-hưởng-đến-tôi, ngay cả pháp luật cũng không buộc tôi phải giúp đỡ kẻ nghèo hèn, hay lập quỹ khuyến học, quỹ mổ tim, tổ chức chương trình vượt lên chính mình mà làm gì ? [hãy khoan bàn đến những nhiểu sự từ truyền hình thực tế mà nhìn vào nhân vật chính]

Tôn giáo chính là “công cụ” để bạn chủ động hay bị động - điều chỉnh những ý thức, hành vi đạo đức của mình, những hành vi mà pháp luật không thể chạm tới.

Quả thật, một người không phải Công giáo, có thể xem bác ái là một việc quan trọng và ý nghĩa, nhưng một người Công giáo đích thực sẽ xem bác ái là một việc gần như “bắt buộc” vì [Mt 25,34-40] viết

[Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những người bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han". Bấy giờ người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, trần truồng mà cho mặc ? có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà chúng con đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". ]

Bác ái là một hoạt động ở cấp độ giáo xứ [mỗi nhà thờ đều có ban bác ái] đây cũng là hoạt động “đóng góp xã hội” nhiều nhất, mang tính toàn diện mà Công giáo toàn cầu đều thực hiện, bạn có thể tìm hiểu thêm tại //caritasvietnam.org/ hay tài liệu đính kèm [1]

Tóm lược 1: niểm tin tôn giáo có thể giúp bạn sống hiện sinh, xây dựng cộng đồng, cống hiến cho xã hội với động lực và tinh thần vui vẻ, hòa đồng.

Niềm tin tôn giáo như đã đề cập từ đầu, không thể xét đúng sai, thế nên chúng ta sẽ đề cập đến tổ chức của một tôn giáo, các nghi thức, đền thờ. Nếu đặt mọi hoạt động tôn giáo dưới góc nhìn quan sát của một nhà tâm lý theo phái phân tâm bạn sẽ thấy nó [các hoạt động] như một chuỗi ám thị sâu sắc, được sắp xếp cực kỳ hợp lý nhằm xoáy bạn vào, làm gia tăng niềm tin của bạn. Thế nên, nếu bạn “thụ hưởng” một cách đầy đủ những hoạt động ám thị này, nhắm làm cho bạn tin rằng Chúa là có thật. Niềm tin của bạn sẽ rất vững chắc tới một mức độ nhất định, khi mà bạn không muốn thắc mác gì nữa và bỏ qua những ý kiến trái chiều, xác tín về sự tồn tại của Chúa, lúc đó chúng ta có thể gọi là Đức Tin.

Thế nên việc ám thị không phải lúc nào cũng thành công, nếu xoáy vào thì sẽ vẫn cứ xoáy vào, nhưng có thể một xung động nhỏ trong cuộc sống, đôi khi sẽ khiến bạn “định hình” lại hệ thống nhận thức của mình. [Giáo hội cũng nhấn mạnh rằng không phải ai được mời gọi cũng có thể đi tới cùng, chỉ những người được ơn Chúa mới có thể có Đức Tin]

Có người hỏi rằng: “tin có lợi gì ? ăn được không ?”

Tin để không loay hoay chứng minh điều đó đúng hay sai, tin để từ đó mà tạo một bước đà, nhảy xa hơn. Tin vào những tiên đề Ơ-clit bạn mới có thể có hình học phẳng, mới có định lý Pytagos để làm tiền đề cho hình học không gian 3 chiều, mới phát triển dần đến thời giáo sư Ngô Bảo Châu chứng minh một giả thiết trong không gian n chiều. Nếu bạn đã từng học qua lớp 12 [nền giáo dục phổ thông Việt Nam đương thời] chắc bạn sẽ “cười khẩy” khi ai đó nói không gian và thời gian là bất biến và tuyệt đối, vận tốc không đổi và hệ quy chiếu đứng yên; nhưng hãy nhìn vào lịch sử phát triển vật lý, nếu người thời xưa không tin rằng có hệ quy chiếu tĩnh, không gian là tuyệt đối bạn sẽ không có ròng rọc, hệ thống đo lường chuẩn hay động học chất điểm.

Tin trong Y khoa có tác dụng “giả dược”; bạn tin rằng mình uống thuốc tăng hưng phấn bạn sẽ trở nên hưng phấn cho dù thật sự bạn đã uống viên bột mì hay vitamin C; Hệ thống kiểm định mù kép trong nghiên cứu hiệu quả thuốc hay phương pháp lâm sàng để xác minh xem nó có hiệu quả hơn giả dược hay không là minh chứng cho sự tồn tại của giả dược. Hiệu ứng giả được cũng là cách giải thích hợp lý cho việc “ơn chữa lành”, những điều kỳ lạ, kỳ diệu trong các ca bệnh; và cũng trớ trêu là người ta vẫn chưa tìm ra “cơ chế” của giả được.

Nghiên cứu của [Gayle Brewer, 10/2014] chỉ ra rằng hành vi sức khỏe được củng cố bởi thái độ tôn giáo tích cực và ngược lại. [Hành vi sức khỏe là yếu tố phòng ngừa các vấn đề sức khỏe [bao gốm bệnh thực thể và chuyển dạng các rối nhiễu tâm lý]]

Tóm lược 2: Niểm tin tôn giáo tạm thời “đẩy” nhận thức của bạn qua “khe núi nghi hoặc” để bạn có thể bắt đầu đi tiếp từ bờ bên kia.

Những hiệu ứng kèm theo của Công giáo [dưới góc nhìn người Công giáo]:

_ Chúa Cha: mang hình ảnh người cha

Theo Freud chúng vừa ganh tị với “quyền lực” vừa đồng nhất hóa mình với người cha hy vọng một ngày nào đó mình sẽ trở nên giống cha; và khi Chúa là Cha toàn năng thì những người “con” sẽ đồng nhất hóa bản chất của Cha nơi tình yêu rộng khắp bởi chúng ta có thể chống lại cha chúng ta “trên mặt đất” nhưng không cách nào chống lại Cha trên trời.

_ Chúa Con: Địa vị cao quý, danh hiệu trên mọi danh hiệu nhưng sinh ra trong cảnhtị nạn nghèo hèn, lớn lên trong cảnh nghèo hèn, bị hàm oan, bị phản bội, bị đánh đập, bị giết chết theo cách nhục nhã nhất của tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội.

Một hình ảnh đáy-của-đáy xã hội, vì thế dù bạn có gặp bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, chắc chắn rằng Chúa đã trải qua và thấu hiểu và nâng đỡ

_ Chúa thánh thần: Mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần

Nâng cao mức độ tự nhận thức, khi bạn làm điều không tốt Chúa Thánh Thần có thể sẽ là lý do khiến bạn nghĩ lại và hối hận; Khi bạn bị bách hại hay làm việc tốt Thánh Thần ở đó sẽ là niềm vui, nguồn an ủi.

_ Hội thánh: đời sống cộng đoàn

Chúng ta có một điều chung để “liên kết” với nhau, tin tưởng và yêu thương.

Cộng đoàn là sức mạnh hữu hình, rất nhiều người chung một mục đích chia sẻ tình yêu; bạn sẽ bắt gặp cộng đoàn chung tay phát cơm cho những người không có của ăn, bạn cảm thấy yên tâm khi người không quen đứng gần bạn làm dấu thành giá, bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự “hớ hên” của người bán hàng trong nhà thờ dám đưa bạn mặt dây chuyền bạc giá vài triệu rồi quay đi làm việc khác khi bạn đang xem hàng; minh chứng của việc tin tưởng lẫn nhau.

Tóm lược 3: Niềm tin tôn giáo mở rộng ngưỡng chịu đựng của bạn với các thách thức trong cuộc sống [ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội]

Thay cho lời kết, một câu hỏi “kinh điển” của thời đại này:

-        Có sự xung khắc giữa đức tin với khoa học không ?

Chẳng có sự xung khắc nào giữa đức tin và khoa học mà không giải quyết được, vì không thể có hai loại chân lý [sách giáo lý Hội Thánh Công giáo số 159]

Đức tin vừa cổ vũ khoa học khám phá thế giới tự nhiên và các quy luật của nó như món quà Thiên Chúa trao ban vừa nhắc nhở khoa học phải phục vụ thế giới vạn vật và tôn trọng phẩm giá con người.

“Chúng tôi không thầy có xung khắc nào giữa Thiên Chúa và khoa học. Cả hai bên không loại trừ nhau như ngày nay có người tin như vậy hoặc nghi ngờ như vậy, cả hai bổ túc cho nhau và chồng chéo lên nhau”

- Max Planck -

[1858-1947, nhà vật lý học, giải Nobel 1918, sáng lập lý thuyết các quanta].

Tài liệu đính kèm:

1.    Rev. Fred Kammer, SJ.  10 yếu tố làm cho Tổ chức Bác ái Công giáo thực sự mang tính Công giáo, Anna Thanh Huyền, FMA chuyển ngữ

//drive.google.com/file/d/0B8n5Q4o7M_-DUFQzVzMwQ1FISlE/view?usp=sharing

Tài liệu tham khảo:

1.    Kinh thánh Tân Ước

2.    Youcat Việt Nam

3.    Gayle Brewer. Sarita Robinson. et al, The Influence of Religious Coping and Religious Social Support on Health Behaviour, Health Status and Health Attitudes in a British Christian Sample. Journal of Religion and Health 10/2014 [PubMed]

4.    Jaegoo lee. Byungtheok Kang. et al, Community Risk Factors, Child Maltreatment, and Juvenile Crime in Georgia: Path Analysis. Society for Social Work and Research 14th Annual Conference

5.    Arthur Blair. The Three Primary Risk Factors that lead to Juvenile Crime in America. May 23rd 2014

P/s 1: Để giữ gìn độ chân thật ngây thơ hồi năm 2 của tác giả, tác giả up bài nguyên văn [tại được 9đ]

P/s 2: Tác giả vào năm 2 chưa thật sự "nắm" được về phân tâm [giờ cũng vậy] nên nếu được tác giả mong nhận được sự phản hồi tích cực

Video liên quan

Chủ Đề