Tóm tắt bài thơ Sao không về Vàng ơi

  • 20/02/2018 | 12:49 GMT+7
  • 12.987 lượt xem

Các bậc U60, chắc ngày xưa ai cũng biết bài thơ mà cậu bé cùng thời với mình đã viết. Nhân năm Mậu Tuất, nhà thơ đã kể câu chuyện về bài thơ mà ông cho rằng con chó này đã "cõng lão Khoa đi chu du".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Chuyện cứ như hoang đường. Ấy là cái bài thơ tôi viết về con chó nhỏ của tôi. Năm ấy, năm 1967, tôi còn là một cậu oắt con. Và người bạn thân nhất của tôi chính là chú cún vàng, một nhân vật chính của bài thơ mà tôi đã viết. Nửa thế kỷ sau, tôi có mặt ở Thủ đô Paris, dự Liên hoan Thơ cùng với các nhà thơ thế giới.

Tôi rất ngạc nhiên khi các bạn đọc của Pháp trong một buổi giao lưu lại muốn nghe tôi đọc bài thơ: "Sao không về Vàng ơi?" bằng nguyên bản tiếng Việt.

Thú thực, trong thâm tâm, tôi không muốn đọc bài thơ đã quá cũ. Bài thơ viết trong chiến tranh, lại đọc ở thời bình, trong một bầu khí quyển hoàn toàn khác. Thêm nữa, một "lão già khú đế" lại đọc thơ của chú bé con, nghe lạc lõng thế nào. Tôi nói vui: "Bây giờ thì người bạn nhỏ thân thiết của tôi, chú cún Vàng đã chết. Mà chết từ rất lâu rồi. Chết không phải vì bom đạn mà vì… tuổi già sức yếu. Tôi không ngờ con cún Vàng đã chết cách đây nửa thế kỷ vẫn lẽo đẽo theo tôi, vẫn cõng tôi đi chu du khắp nơi, lại tới được cả xứ sở xa xôi này. Bây giờ thì tôi xin dắt nó ra đây vái chào quý ông, quý bà cùng tất cả các quý vị." Rồi tôi đọc bài thơ. Cả khán phòng cười ồ. Người Pháp rất yêu những con vật trong nhà. Cũng vì yêu con cún Vàng mà họ yêu thêm bài thơ của tôi.

Cũng không ít người tò mò hỏi tôi về chú cún này. Rất cám ơn bạn đọc vẫn còn nhớ đến cậu bạn của tôi, mặc dù cậu khuất núi cũng đã lâu rồi. Bây giờ nếu còn sống, chắc cu cậu cũng đã ở cái tuổi…sáu mươi. Nghĩa là cũng đã già khú đế, già như ông chủ của cậu.

Cún Vàng là bạn thân của tôi. Tôi và cậu Vàng luôn có nhau. Bạn hãy cứ hình dung như thế này nhé. Một chú bé 9 tuổi lũn cũn, nhem nhuốc, quần áo xộc xệch, nhoe nhoét mực xanh, mực tím. Sau lưng chú ta là con Cún Vàng.

Mẹ tôi rất yêu loài vật, coi chúng như thành viên trong nhà. Đặc biệt là chó. Bà không bao giờ đem bán hoặc giết thịt. Khi chó già, ốm chết, bà lấy những tấm áo cũ, bó lại rồi đem chôn ở góc vườn. Cũng như mẹ, mấy anh em tôi, tuyệt không có ai ăn thịt chó.

Con Cún Vàng của tôi rất khôn. Dường như hắn biết tất cả mọi chuyện. Biết mà không nói được. Thế mới khổ. Tôi thương hắn lắm. Và hắn cũng rất quý tôi. Có hôm, trời tối mò, nhà có canh cua, hoặc cá rán, mẹ tôi thường dành phần ngon nhất, cho vào cái liễn mầu da lươn, bảo tôi mang sang biếu bà ngoại. Bà ở với cậu, cách nhà tôi một đoạn đường. Con Cún Vàng lại lũn cũn theo tôi ra đi. Có hắn ríu rít bên cạnh, tôi không ngại bóng đêm, cũng không còn sợ ma nữa.

Có lần nửa đêm, mưa phùn lắc rắc, con Vàng cứ chõ mõm vào gầm giường tôi mà sủa. Tiếng sủa gấp gáp. Mẹ tôi giật mình: "Hay là có trộm chui vào gầm giường?". Bà luống cuống bật diêm. Hoá ra một con rắn cạp nong to tướng. Con rắn lao vào ngách buồng. Nhưng không thoát. Con Vàng bổ theo, ngoạm luôn con rắn rồi văng, rồi quật xuống đất. Một lát sau thì con rắn lả ra. Cậu Vàng trở thành ân nhân của cả nhà.

Trong gia đình tôi, hình như cậu thân với tôi hơn cả. Tôi đi đâu, cậu cũng nhũng nhẵng theo sau, cứ như là cái đuôi của tôi vậy. Thế mà rồi, có một lần, cu cậu lại đột ngột bỏ nhà ra đi. Đó là chiều ngày 3/4/1967. Giặc Mĩ ném bom cầu Phú Lương rất dữ dội. Nhà chao như đưa võng. Dứt bom thì chẳng thấy con Vàng đâu. Rồi tối cũng không thấy. Mấy ngày hôm sau nữa cũng không thấy. Cả nhà đều buồn. Cô em gái tôi khóc sướt mướt. Bà chị tôi cũng khóc. Tôi không khóc, nhưng cả ngày chẳng làm được việc gì, cũng không học được. Người cứ chống chếnh. Mẹ tôi đêm nào cũng mở cửa, chờ con cún về. Nhưng chẳng thấy bóng dáng cu cậu đâu cả.

Đúng lúc ấy, nhà tôi lại có khách. Một đoàn khách của Ti Giáo dục Hải Dương, trong đó có bác Lê Hào - Trưởng ti. Thấy nhà tôi buồn như có tang, bác Hào bảo: "Cháu làm thơ về con chó Vàng mất đi". Thế là tôi viết. Tôi viết luôn vào cuốn sổ tay công tác của bác Hào. Bài thơ thoạt đầu có cái tên rất nôm na là Mất chó. Khi bài thơ kết thúc, tôi xoá cái tên cũ đi, mà rút nguyên một câu ra làm tên chung cho cả bài Sao không về hả chó?. Bài thơ được viết rất nhanh. Viết thẳng một lèo. Nghĩ sao viết vậy. Nhưng bác Hào khen lắm. Còn tôi, tôi chỉ thấy thương con chó thôi... Bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ, đăng nguyên văn, dưới bài còn "chua" thêm một dòng, đúng như nguyên bản ở trong sổ bác Hào: "Kỉ niệm ngày mất chó 3/4/1967", chỉ khác một chữ ở câu kết và một chút ở tên bài. Bài thơ của tôi là Sao không về hả chó?. Báo in là Sao không về Vàng ơi?. Và đoạn kết của tôi là: "Nghe bom thằng Mĩ nổ. Mày bỏ chạy đi đâu. Tao chờ mày đã lâu. Cơm phần mày để cửa. Sao không về hả chó? Tao nhớ mày lắm đó. Chó ơi là chó ơi!...".

Thực chất đây là bài thơ viết về bạn. Dù bạn là chú Cún Vàng. Nhớ bạn và khóc bạn. Ban biên tập báo Văn nghệ, sau này, tôi được biết là nhà thơ Phạm Hổ, người "cai quản" phần thơ lúc đó đã chữa cho tôi câu kết, và chữa thật hay "Vàng ơi là Vàng ơi!" Thế là thành tiếng khóc rồi. Cậu bé không tìm thấy chó thì khóc. Còn khóc bạn, dù bạn đúng là một chú chó, mà lại "Chó ơi là chó ơi!..." thì tai hại quá!

Bài thơ in được ít ngày thì con Vàng đột ngột trở về. Cu cậu về vào giữa đêm, khi cả nhà không còn ai chờ đợi cậu nữa. Cậu cào cào vào cánh cửa và sủa gọi. Tiếng sủa eo éo như tiếng mèo hoang. Nghe rất rợn. Tôi lập cập mở cửa. Đúng là cậu thật! Cậu cọ vào chân tôi, ngã dúi dụi.

Đêm ấy mừng quá, tôi viết tiếp bài thơ Chó về. Đây là bài tôi viết hoàn toàn tự nguyện, chẳng theo yêu cầu của ai. Nhưng bài thơ lại dở, và tôi đã loại bỏ ngay sau đó rồi.

Mới hay nghề văn chương thật "bí hiểm", càng viết càng chẳng hiểu nó ra làm sao.../.

Kỉ niệm ngày mất chó 3/4/1967.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Vàng viết hoa hẳn hoi vì là tên con chó vàng nhà em. Thì ra cái ngây thơ thuần khiết của tuổi mười một đã giữ cho tình cảm bài thơ hoàn toàn trong cõi tinh thần, không gợn một chút tiếc của nào. Bài thơ mang tâm lý thiếu nhi mà lại sâu sắc việc đời, người lớn khó viết được.

Bài thơ nói chuyện mất chó nhưng đoạn đầu, đoạn dài nhất trong ba đoạn của bài, lại nói chuyện lúc chó đang còn. Nói cái mất, cái không có dễ trừu tượng, nên phải lấy cái có để nói cái không, vẽ mây nẩy trăng vốn là thủ pháp thường gặp trong văn chương, ở đây em Khoa dùng rất đắc địa là chó, sinh động nhất, tình cảm nhất là lúc nó đón mừng chủ. Đó là hoàn cảnh điển hình để bộc lộ "tính cách điển hình'' của con Vàng.

Em Khoa [khi tôi viết lời bình này thì Trần Đăng Khoa đã ngoài ba mươi tuổi, tôi xin được gọi thế cho hợp với tâm lý bài thơ] đã chọn khung cảnh "Tao đi học về" như để diễn tả tình cảm quấn quýt của con chó với người chủ nhỏ. Chó là con vật có tình cảm và tình cảm ấy được bộc lộ, nó không yêu ghét để bụng như con người, nên tả tình cảm của nó là phải tả qua cách bộc lộ, không nên tả bằng cảm nhận của mình: ôi con chó nó mừng tôi lắm.

Tả thế người đọc không thấy chó, chỉ thấy một nhận xét. Làm thơ kị nhất là đưa nhận xét kiểu phê công văn như thế. Chúng ta hãy xem em Khoa quan sát và kể lại những cử chỉ của con chó lúc đón chủ. Trước hết, khi vừa thấy bóng chủ:

Sự mau ngắn vồ vập ấy con loài chó mới có, đó là chỗ tuyệt vời của chúng về mặt tình cảm.

Hình ảnh cậu bé với con cún Vàng

Hình ảnh sinh động như một đoạn phim. Ở đây có sự tinh vi trong bút pháp của nhà thơ nhỏ tuổi. Tả tình cảm con người, thường tả bằng nét mặt nụ cười, nhưng với chó, cái mặt ít gợi cảm tình, còn tả chó cười thì lại thành chó thui mất.

Em Khoa đã tinh ý nhận ra cái đuôi là chỗ biểu hiện tình cảm cao nhất ở loài chó. Em tả đuôi trước rồi mới ngược lên tả đầu, tả tứ chi. Và ở mỗi bộ phận cơ thể ấy em chỉ nói tới năng lực biểu hiện sự mừng rỡ: cái đuôi thì ngoáy tít, cái đầu thì lắc lắc, mũi khịt khịt, chân sau rún, chân trước chồm. Chúng ta đọc thấy sinh động vì đoạn thơ chứa nhiều động tác, Khoa đã quan sát kỹ không bỏ sót một động tác nào.

Nhưng có một chi tiết Khoa đã không tả đúng, em đã bịa ra, khi em nói con chó nó bắt tay em:

Thật ra thì em nắm chân trước của nó. Và nó theo em vào nhà. Nếu quan sát bằng mắt thì chỉ thấy thế thôi. Nhưng do cái tình của con chó mà tác giả tưởng tượng ra, nhân cách hóa con chó từ lúc nào không biết, nên mới tả nó bắt tay, mà bắt tay rất chặt [chó đâu có bàn tay], lại còn đưa chủ vào nhà như ta đón khách.

Đây cũng là một đặc điểm của tư duy con trẻ: quan sát và tưởng tượng lẫn vào nhau. Người đọc không mấy ai thấy các chi tiết ấy là vô lý, người ta chấp nhận dễ dàng vì nó đúng với tâm trạng. Đây là một thí dụ về cái phi lý được chấp nhận và hơn nữa cần có trong thơ.

Đoạn hai mới là tình cảnh mất chó:

Một cảm giác trống trải cái cổng rộng ra vì không còn hình và không còn tiếng con chó. Nhất là lúc đi học về, em bé Khoa thảng thốt:

Đây là một quy luật tâm lý mà em Khoa khi ấy đã hiểu được: trước đây con chó đã tạo cho chú bé lúc đi học về, một niềm vui lớn bao nhiêu thì giờ đây vắng con chó, chú bé lại buồn bấy nhiêu. Các chi tiết của kỷ niệm càng sinh động, nỗi nhớ càng sâu, Khoa đã dụng ý nhắc lại các chi tiết ở đoạn một để tả nỗi nhớ của chú bé.

Mày không bắt tay tao, tay tao buồn làm sao. Đây là câu thơ ngây thơ nhất và cũng tế nhị nhất của bài thơ. Nó gợi được hình ảnh chú bé nhìn xuống tay mình mà nhớ con chó, nhớ kỷ niệm cũ.

Còn tế nhị là ở chỗ: nỗi nhớ con chó dù thế nào cũng không thể như nỗi nhớ một con người. Nỗi buồn mất chó chỉ sinh ra từ hai lẽ: lẽ thứ nhất là mất của [chó là một giá trị kinh tế hoặc thực phẩm gì đó], lẽ thứ hai thuộc về phạm vi tình cảm. Nặng về nỗi buồn mất của sẽ ra người keo kiệt, mà quá nhấn mạnh đến tổn thất tình cảm cũng không ổn. Chó vẫn là chó. Trong bài thơ này, Trần Đăng Khoa chỉ nói tới tổn thất tình cảm nhưng em giới hạn mức độ:

Cái tay đại diện cho con người để bạn bè với con chó vừa là ngang cấp, vắng con chó, cái tay nó buồn. Tâm lý rất trẻ thơ mà lại hóa ra tinh tế. Em Khoa đã tả đúng nỗi lòng chú bé nên có được sự tinh tế ấy không phải do dụng ý của bút pháp. Bài thơ đến đây có thể kết thúc. Tác giả viết đoạn thứ ba để phát triển sang một chủ đề khác. Nói lý do mất chó, Khoa đã biến bài thơ mất chó thành bài thơ hạ không lực Hoa Kỳ, một yêu cầu thời sự của văn chương những năm sáu mươi. Bom Mỹ rơi chỉ có chó nó sợ, nó chạy, không thấy tác động gì khác tới làng xóm.

là đỉnh cao của tình cảm bài thơ, tưởng như thấy được chú bé đang mếu máo gọi chó, vác gậy chạy tìm khắp xóm.

[Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ]

Các bạn có thể xem video đọc bài thơ cùng những hình ảnh rất ngộ nghĩnh minh hoạ.

[Nguồn: Mèo con TV]

Một đề văn tưởng tượng cảnh cún Vàng bị chết do mảnh bom Mỹ

Để phát huy trí tưởng tượng của học sinh, một giáo viên đã ra đề văn:

Trong bài thơ "Sao không về vàng ơi?", anh Khoa rất nhớ tiếc con chó nhà mình bị lạc. Em hãy tưởng tượng và kể tiếp lại sự việc anh Khoa đi tìm chó… anh thấy con Vàng nằm chết giữa đồng vì trúng mảnh bom của giặc Mỹ.

Và đây là một bài làm của học sinh:

Thế là đã mấy chục năm qua rồi… Thuở ấy giặc Mĩ rất ác độc đã đem bom thả xuống những quê hương làng xóm yên bình ở miền Bắc. Quê anh Khoa cũng tiêu điều và lỗ chỗ những hố bom. Chiến tranh đã tàn phá những ao sen, đã giết chết cả những chú Dế Mèn đang ngồi bên gốc tre vuốt râu nhìn hoa phượng thắm. Và chiến tranh đã làm cho con Vàng của anh Khoa không trở về nhà nữa.

Hôm ấy, anh Khoa đang đi học, khi nghe tiếng máy bay quần rít ở phía đầu làng nơi có chiếc cầu qua sông, cô giáo giục mọi người vào hầm tru ẩn. Và đinh tai, nhức ốc, những tiếng bom nổ rung chuyển cả đầt trời. Cả căn hầm như muốn bay lên. Các bạn gái khóc thét mặc dù đã bịt cả hai tai. Thế nhưng anh Khoa lại ngồi im bất động khi đợt bom thứ hai làm cho không khí khét lẹt và nghe rào rào, xèn xẹt của những mảnh bom rơi trong lũy tre. Anh Khoa nói thành lời:

Chao ôi, không biết có ai buộc dây cổ con Vàng không? Nghe tiếng pháo Tết mà nó cũng chạy mất ba bốn ngày thì nghe tiếng bom kinh thiên động địa này nó có lẽ phải trốn đến cả năm…

Và, điều ấy đã không sai. Đi học về, không kịp ăn cơm, chỉ rửa mặt qua loa, anh Khoa bươn bả đi tìm Vàng. Linh tinh đã mách anh điều không may. Anh cứ đi, cứ đi lang thang hết vườn nhà này, sang những lùm cây nhà nọ. Anh vượt cánh động này đến cánh đồng kia? “Chỉ lo đợt bom thứ hai thôi, vì nó nổ gần, và lại Vàng lúc đó đã phát điên vì sợ hãi mà chạy ra gần bom chàng?” Anh Khoa nghĩ vậy và đi về phía đó, Giữa trưa nắng lúa như rẽ đường mách bảo cho anh. Phía xa xa giữa hai bờ lúa một màu vàng thân thuộc mà anh Khoa không thể không nhận ra. Anh chạy lại. Con Vàng của anh đang nằm vắt ngang đường bờ mẫu nhỏ xíu và thấp. Anh đứng nhìn nó, lặng người. Không nghi ngờ gì nữa, nó đã bị thương trong lúc chạy nạn.

Nó nằm nghiêng mặt quay về phía nhà nó, đôi mắt như đăm đắm hướng về phía có ngôi nhà thân yêu. Dường như nghe tiếng thét của anh Khoa "Vàng ơi, Vàng ơi!" nó khẽ quay đầu một chút nhìn chủ với đôi mắt đờ đẫn bất động. Anh Khoa ngồi xuống bên Vàng, vuốt bộ lông đã bết cục lại bởi bùn và máu. Mặt trời thì chọi gắt mà sào xung quanh anh cứ lạnh lẽo, thảm đạm. Bàn tay của anh không thấy ấm áp như ngày nào bắt Vàng nằm trước hiên nhà để giết bọ chét trên người nó.

Đôi mắt của Vàng ngày ấy sao ấm áp lóng lanh, long lanh như tinh nghịch, như cầu xin trước đừng trừng phạt nếu như mình phạm lỗi vì quá mừng khi chủ về. Giờ đôi mắt ấy ướt nhèm nhẹp và đang mỗi lúc một đờ đi, trông trắng dã. Cái đuôi như chiếc chổi lông múa may quay tít mỗi khi gặp chủ, giờ đây buông thõng xuống nhúng cả một đầu xuống nước và một chú cua nhỏ xíu đang bò trong cái chổi lạ kì này. Anh Khoa để tay vào cái mõm nó. Nơi cái mũi loáng đen trước đây thường huých vào chân chủ một cách vụng về mong chủ đang ăn ném xuống cho một cục xương thì nầy, nó lạnh ngắt, hai lỗ mũi ấy bầy nhày một thứ nước như nước mũi bị mặt trời thiêu đốt, nó sền sệt, tanh tanh và đám ruồi muỗi đã đánh hơi thấy đang kéo nhau đến.

Hơi thở của Vàng vẫn còn khò khè, vết thương nhỏ ở bụng Vàng đã làm Vàng chảy máu nhiều. Vàng chưa chết, dường như nó đang hôn mê trong cơn hấp hối. Nó không nhận ra chủ hay là cái đuôi của nó không đủ sức để mà rảy mấy con cua vô duyên để mà phe phẩy nói với chủ mình vẫn còn sống. Anh Khoa cứ ngồi vậy mà trầm ngâm Đồng lúa như buồn bã không còn rập rờn đuổi nhau đến tận chân trời nữa.

Anh cứ đặt tay lên mình Vàng, vừa khóc vừa kể lể:

– Vàng ơi, sao mày lại nỡ bỏ tao sao. Từ nay ai chờ tao nhiệt tình như mày mỗi lúc tao đi học về ? Từ nay mày làm sao có thể để cho tao bắt bọ chét ? Từ nay mày đâu còn được giỡn với con mèo Miu ở nhà ?…

Nhưng Vàng vẫn chẳng nghe gì. Anh Khoa đã phát hiện ra rằng Vàng đã tắt thở. Anh hi vọng Vàng đã nghe những lời sau cùng của anh.

Anh lặng lẽ ôm xác Vàng vào lòng trở về nhà. Trời đã bớt nắng và những đám mây đen ùn un kéo đến. Vừa chôn xong Vàng dưới gốc cây khế ngọt, thì trời cũng gầm lên những tiếng thống thiết xen lẫn tiếng mưa rơi ào ào hòa với tiếng anh Khoa đang thổn thức. Những bong bóng dưới dòng nước hiên nhà cũng vỡ ra, vỡ ra nức nở.

Video liên quan

Chủ Đề