Thực chất của đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp là gì

NHẬN DIỆN, BÁC BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP - GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù trong mỗi thời kì lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển, cuộc đấu tranh giai cấp có những biểu hiện khác nhau, nhưng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp vẫn là vấn đề tất yếu, có tính quy luật của phát triển xã hội. Vì vậy, kiên định với lập trường giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận diện khách quan những đặc điểm trong cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhận thức đúng về cuộc đấu tranh giai cấp trong tình hình hiện nay là cơ sở quan trọng để củng cố lập trường, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên những phương diện khác nhau đã xuất hiện không ít những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có nội dung bác bỏ quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Thứ nhất, các thế lực thù địch cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của sự phát triển lịch sử, là tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp.

Trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp thì đấu tranh giai cấp giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị là một tất yếu lịch sử. Chủ nghĩa Mác-Lênin không coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội nói chung như một số người quan niệm, mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp mà thôi. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có giai cấp, nên chưa có đấu tranh giai cấp, và trong tương lai khi xã hội không còn phân chia giai cấp thì không còn đấu tranh giai cấp. Nghĩa là như C.Mác đã khẳng định, đấu tranh giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội.

Theo C.Mác, trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của giai cấp bị trị. Giai cấp bị trị không những bị chiếm đoạt kết quả lao động mà họ còn bị áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần. Bởi sự hình thành giai cấp cũng là sự hình thành các lợi ích khác nhau. Lợi ích giai cấp không phải do ý thức giai cấp quy định mà do địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp ấy tạo nên một cách khách quan. Giai cấp thống trị bao giờ cũng dùng mọi biện pháp và phương tiện bảo vệ địa vị giai cấp của họ, duy trì củng cố chế độ kinh tế, xã hội cho phép họ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi giai cấp. Lợi ích căn bản của giai cấp bị trị đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị - đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đấu tranh giai cấp. Vì thế, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản [năm 1848], C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại là những kẻ áp bức và những người bị áp búc, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau [1, tr.596 - 597].

Theo C. Mác, đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội chỉ có thể nổ ra trên cơ sở lực lượng sản xuất phát triển tới mức mâu thuẫn không thể giải quyết với quan hệ sản xuất đã lỗi thời trong lòng xã hội cũ. C.Mác gọi đây là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ chỉ làsự nghèo nànsẽ trở thành phổ biến; mà vớisự thiếu thốn tột độthì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để giành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây [2,tr. 49]. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới đấu tranh giai cấp, trongTuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích nguyên nhân cuộc đấu tranh giai cấp dẫn đến sự sụp đổ của chế độ phong kiến để hình thành nên xã hội tư bản: ... chúng ta đã thấy rằng, những tư liệu sản xuất và trao đổi, làm cơ sở cho giai cấp tư sản hình thành, đã được tạo ra trong lòng xã hội phong kiến. Những tư liệu sản xuất và trao đổi ấy, phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì... tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích. Phải đập tan những xiềng xích ấy... Thay vào đó là sự cạnh tranh tự do, với một chế độ xã hội và chính trị thích ứng, với sự thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản [1, tr.603 - 604].

Như vậy, sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản là tất yếu khách quan và là bước tiến vĩ đại trong tiến trình phát triển lịch sử - xã hội. Mặc dù quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã giải phóng lực lượng sản xuất, thực ra đó chỉ là sự thay thế chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của giai cấp địa chủ, bằng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản, thay thế phận làm thuê, làm mướn của người nông nô cho địa chủ bằng cuộc đời làm thuê của giai cấp công nhân cho giai cấp tư sản. Mâu thuẫn về lợi ích giữa giai cấp tư sản và vô sản tiếp tục diễn ra trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn này không thể giải quyết trong xã hội tư bản mà trở thành nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản. Chính vì vậy: những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản [1, tr.605 ]. Nghĩa là, lịch sử đã tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại và đến lượt nó lại trở thành vật cản của văn minh nhân loại.

Xét đến cùng, sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất để đáp ứng mọi nhu cầu của con người là nguyên nhân của thay đổi quan hệ sản xuất và chế độ xã hội. Có thể nói, con người phát triển lực lượng sản xuất là động lực vĩnh cửu của lịch sử. Nhưng chế độ xã hội lỗi thời không tự nó tan rã, giai cấp thống trị không tự nguyện rút khỏi vũ đài, mặc dù nó đã hết vai trò lịch sử. Để phát triển, lịch sử cần đến một động lực khác nữa, động lực đó là đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội. Không có đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân thì chủ nghĩa tư bản, dù đã hết vai trò lịch sử, cũng không tự động chuyển biến thành chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm khoa học về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là áp đặt mà phản ánh một thực tế khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, đó là sự đối kháng giữa các giai cấp: bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, áp bức và bị áp bức. Do đó, đấu tranh giai cấp trong các xã hội này là tất yếu khách quan, góp phần thúc đẩy cho xã hội vận động, phát triển lên những hình thái cao hơn. Chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp. C.Mác chỉ ra, ngoài đấu tranh giai cấp ra còn nhiều động lực khác như: đạo đức, tư tưởng, văn hóa, giáo dục vị trí, vai trò của mỗi động lực là khác nhau. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta sẽ tránh được tư tưởng tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp.

Thứ hai, có quan điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin coi bạo lực cách mạng là bà đỡ cho sự ra đời xã hội mới, là cổ vũ cho bạo lực, cho chiến tranh, không thể thúc đẩy xã hội phát triển.

Chủ nghĩa Mác-Lênin tuyệt đối không sùng bái bạo lực mà coi bạo lực cách mạng chỉ là một trong những phương thức để thể hiện sức mạnh của quần chúng, là bà đỡ để đưa xã hội mới [xã hội chủ nghĩa] ra đời trong lòng xã hội cũ [chủ nghĩa tư bản]. Còn xã hội mới [xã hội chủ nghĩa] trưởng thành, phát triển như thế nào thì chủ yếu là vấn đề xây dựng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, sở dĩ dùng bạo lực cách mạng là để chống lại bạo lực phản cách mạng của giai cấp tư sản cầm quyền. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đề cập đến khả năng dùng biện pháp hòa bình nếu giai cấp tư sản cầm quyền tự nguyện rút lui khỏi vũ đài chính trị, nhưng khả năng này rất hiếm.

Nói đấu tranh giai cấp mà không nói đến bạo lực cách mạng là không đúng với thực tế lịch sử. Ở thế kỷ XIX, nhân loại đã chứng kiến các điển hình về bạo lực cách mạng có tính giai cấp như vào các năm 1848,1870, giai cấp tư sản Pháp đã dìm hai cuộc khởi nghĩa của công nhân Pari trong biển máu. Giai cấp thống trị tư bản nhiều nước nắm những phương tiện bạo lực, sẵn sàng sử dụng chúng để đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh giai cấp để giải phóng khỏi áp bức bóc lột của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động nếu diễn ra trong hòa bình mà không cần đến bạo lực cách mạng là điều rất khó xảy ra. Bởi vì, chỉ có dùng bạo lực cách mạng thì giai cấp bị trị mới có thể thắng được bạo lực phản cách mạng của giai cấp thống trị, song bạo lực cách mạng là phương án lựa chọn cuối cùng.

Thứ ba, có một số ý kiến cho rằng, vận dụng quan điểm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là không phù hợp.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, việc nhận thức và giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện lịch sử - cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững lập trường cách mạng, trung thành với quan điểm về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta luôn xác định rằng, hiện nay và trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ở nước ta vẫn còn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đó là một thực tế khách quan. Song quan niệm đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay diễn ra trong điều kiện mới, nội dung và hình thức mới.

Trong điều kiện mới hiện nay, không được cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp, dẫn đến sự rụt rè, không dám đổi mới; đồng thời, không được coi nhẹ, xem thường đấu tranh giai cấp, dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác. Điều kiện quốc tế đã có nhiều thay đổi, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, vận mệnh dân tộc đứng trước những thời cơ mới và thách thức mới. Điều kiện trong nước, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế bình đẳng không bị hạn chế về cơ hội phát triển, nhằm tạo điều kiện để mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội có thể phát huy hết tiềm năng của mình, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đã hình thành một cơ cấu xã hội - giai cấp mới đa dạng, phức tạp, gồm nhiều giai cấp, tầng lớp. Đáng chú ý là thành phần kinh tế tư bản tư nhân trở thành một thành phần kinh tế lớn mạnh, được khuyến khích phát triển, không giới hạn về ngành nghề, quy mô, tốc độ.

Đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay, chủ yếu là đấu tranh để chiến thắng những thế lực cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hình thức đấu tranh giai cấp và xử lý quan hệ xã hội - giai cấp đa dạng, phong phú. Trong đó nổi bật lên những mối liên hệ sau: trong mối quan hệ giữa trấn áp và tổ chức xây dựng thì bạo lực trấn áp là cần thiết, tất yếu, song tổ chức xây dựng là chính, là quyết định; quan hệ giữa cưỡng chế với thuyết phục, giáo dục thì thuyết phục, giáo dục được đặt lên hàng đầu; quan hệ giữa đoàn kết và đấu tranh thì đoàn kết là chính, đấu tranh là cần thiết, song không phải để làm tăng thêm sự khác biệt mà là để giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội cần xem cả hai đều là mục tiêu chiến lược.

Về đấu tranh giai cấp, Ðại hội IX của Ðảng nhận định, cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội thì cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðại hội IX của Ðảng khẳng định: Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc [3, tr.86 ].

Tóm lại, trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đấu tranh giai cấp không những không mất đi mà còn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tư duy lý luận tốt, có khả năng phân tích, đánh giá tình hình nắm bắt quy luật vận động, củng cố lập trường giai cấp công nhân, có niềm tin khoa học, kiên quyết và sáng suốt đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Quan điểm về đấu tranh giai cấp trong lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin phản ánh đúng quy luật khách quan và vẫn giữ nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần nhận thức rõ tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp. Để bổ sung, phát triển một cách sáng tạo đúng đắn và khoa học quan điểm về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, mỗi thế hệ kế tiếp nhau sẽ dùng phương pháp biện chứng duy vật để không ngừng phát triển nó lên một trình độ cao hơn, yêu cầu đặt ra là cần phải nghiên cứu cẩn thận, nghiêm túc những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và quan điểm của Đảng ta, tránh rơi vào sai lầm khi xem thường, xóa nhòa đấu tranh giai cấp đi đến mơ hồ, mất cảnh giác, mắc vào âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động trên thế giới đang tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là cách tốt nhất để tăng cường sức sống và sức hấp dẫn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên đầy biến động và năng động hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác và Ph. Ăngghen, Tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội 1976.

  1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen:Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995.

3. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001.

Ths. Lương Thị Ngọc Hạnh Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Video liên quan

Chủ Đề