Tại sao truyện Tấm Cám lại không được đưa vào trong nhà trường để dạy học

Việc giáo dục con trẻ phải là một quá trình bắt đầu từ khi chúng chỉ non nớt như những mầm cây. Đừng để những mầm mống ác độc len lỏi vào đầu con trẻ. Đừng chỉ giản đơn lên án những kẻ ác, biết đâu nguyên nhân của những ác độc lại nằm ở việc chúng thuộc nằm lòng truyện Tấm Cám từ thuở ấu thơ?

Truyện Tấm Cám và những suy nghĩ của một người mẹ

Là bà mẹ của những đứa con đang ở lứa tuổi hình thành và phát triển nhân cách, dạy dỗ cho các con nên người chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng, đơn giản đối với chúng tôi.

Một trong những điều chúng tôi làm cho các con mình mỗi tối, trước khi các cháu ngủ là đọc truyện cho các cháu nghe. Từ những thời khắc này, thế giới mộng mơ Cổ tích hằn in trong suy nghĩ của các cháu, góp phần không nhỏ trong việc hình thành những giấc mơ cổ tích là được làm những việc siêu phàm không tưởng đến việc làm phong phú thêm ngôn ngữ của các cháu.

Nhưng có điều, trong những sách gối đầu giường của các con tôi, chúng tôi thống nhất với nhau không để ”lọt vào mắt” các cháu truyện Tấm Cám và những dị bản tương tự, dẫu chúng tôi không phủ nhận trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có nhiều truyện có tác dụng giáo dục rất tốt đối với trẻ nhỏ từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Chúng tôi chủ động một cách có ý thức không cho các con mình tiếp cận với truyện Tấm Cám vì những ”bài học đạo đức” rút ra khi đọc xong truyện không phù hợp với những gì chúng tôi đã dày công dạy dỗ các con mình. Cụ thể, những điều không phù hợp ấy thể hiện ở ba điểm chính sau:

Thứ nhất, có phải mọi mối quan hệ mẹ kế con chồng đều là mối quan hệ thù địch đến đỉnh điểm, người này bằng mọi cách phải hành hạ người kia đến phi đạo đức, phi nhân tính?

Thứ hai, cách đối diện với những khó khăn trong đời của Tấm chỉ là ngồi khóc lóc để rồi một nhân vật Tiên, Bụt hiện ra ra tay giúp đỡ có phải là cái cách mà những con người hiện đại có trang bị kiến thức tốt nên trông chờ như một phương cách duy nhất khả dĩ?

Và cuối cùng là sự trả thù một cách tàn khốc những ai đã gây khốn khó cho cuộc đời mình như cách của Tấm là đáng lên án hoặc phải tránh xa hay là ”kim chỉ nam” cho trẻ khi đối diện với những kẻ xấu chơi tương tự chúng sẽ gặp trên đường đời?

Có thể nói không một thời nào lại không có mối quan hệ đặc biệt giữa người vợ sau của bố, người chồng sau của mẹ với những đứa con của cuộc hôn nhân trước cả. Và cũng không hiểu từ đâu người ta có một mặc định trong suy nghĩ rằng hễ cứ mẹ kế thì gọi là Dì ghẻ, mà đã là Dì ghẻ thì luôn ác độc đến mất hất cả nhân tính với con chồng. Để giải thích cho sự ác độc ấy người ta cho rằng đó là do ”khác máu tanh lòng”, đứa con riêng của chồng không phải do người mẹ kế sinh ra nên không thương không xót, thậm chí có ác độc cũng là …đương nhiên!

Không thể khẳng định mọi người mẹ kế đều tốt, nhưng mặc nhiên khẳng định mọi người mẹ kế đều ác độc thì thật không công bằng với những phụ nữ tốt bụng nhân hậu thương yêu và chăm sóc những đứa con chồng không kém gì những đứa con máu thịt của mình cả. Chính định kiến trong xã hội, chính miệng lưỡi ác độc của cái gọi là dư luận tạo ra sự nặng nề không đáng có giữa những thành viên trong gia đình có người cha đi bước nữa và tạo một sức ép tâm lý lên người đàn bà đến sau đến suốt cuộc hôn nhân của họ.

Trở lại truyện Tấm Cám, với mô tuýp mẹ kế hành hạ con chồng không phải là mô tuýp riêng có trong truyện cổ tích ở Việt Nam, nhưng viết và kể sao đó để người đọc hiểu đấy chỉ là trường hợp cá biệt, không phải bà mẹ kế nào cũng ác độc có lẽ cũng là điều nên lưu ý. Không gì đáng sợ bằng sự gieo vào lòng những thế hệ người đọc những mặc định không tốt đẹp về một dạng nhân vật trong truyện đồng thời cũng là một kiểu người trong xã hội. Những mặc định không những không lên án được cái xấu đồng thời cũng là sự phủ nhận những người mẹ kế tốt bụng, thản nhiên khoác lên họ cái áo của kẻ xấu mà họ rất khó có thể tự biện minh cho mình được.

Cho đến khi trưởng thành, nghĩ đến nhân vật Tấm, đọng lại trong tôi là những lần Tấm ngồi khóc than sụt sùi khi gặp khó khăn, và cứ khóc là Bụt lại hiện ra …. khóc là Bụt lại hiện ra như một điều tất yếu phải như thế. Dân gian có cách giải thích là do Tấm hiền lành ngoan ngoãn, do Tấm không đáng phải chịu bất công nên Bụt hiện ra để giúp đỡ. Thế hệ chúng tôi bằng lòng với sự lý giải ấy nên rất ít có ý kiến trái chiều đặt ngược lại vấn đề: Tại sao lại chỉ biết khóc than để trông chờ vào sự trợ giúp ở bên ngoài? Tại sao không thấy Tấm nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn và thử thách? Liệu có nên học cái cách của Tấm là cứ khó khăn một chút là khóc lóc để người khác mủi lòng thương giúp đỡ mình từ A đến Z hay không?….

Nếu chỉ giải thích theo lối một chiều như xưa nay vẫn thế, việc tạo ra những suy nghĩ thụ động, hay kêu ca than vãn, chỉ chăm chăm trông chờ ỉ lại vào người khác chắc chắn là điều không tránh khỏi. Điều này tạo điều kiện cho một cung cách, một lối sống rõ ràng là không tích cực, khi đối diện với khó khăn lớn nhỏ trong đời chỉ biết kêu ca than thở, đánh vào tâm lý dễ mủi lòng thương của người khác để hòng mong họ giúp đỡ v.v… và v.v….

Điều cuối cùng và có lẽ cũng là điều đáng nói nhất khi đưa đến một quyết định có nên đọc cho những đứa trẻ ngây thơ non nớt truyện Tấm Cám là những trả thù quá ác độc của Tấm dành cho mẹ con nhà Cám. Nếu gấp truyện lại, nhận xét một cách khách quan thì mặc dù bị cho là tai quái ác nghiệt thì cái sự ác của cả hai mẹ con nhà Cám không thấm vào đâu so với Tấm. Tấm ác đến mức mặc dù muốn dẫn ra những hành vi của Tấm để minh họa cho bài viết của mình mà người viết bài này cũng phải ngần ngại đắn đo vì sợ bóng đen của tột cùng ác độc làm hỏng đi bài viết của mình.

Có nên cho con đọc truyện cổ tích không?

Không muốn vội vàng quy kết cho nguyên nhân của những tội ác ngày càng leo thang trong xã hội, nhưng một câu hỏi cứ lơ lửng đeo bám tôi là: ”Phải chăng khi đã ngấm truyện Tấm Cám cũng như rất nhiều những luồng sách báo phim ảnh bạo lực, những kẻ nhẫn tâm lạnh lùng tước đoạt mạng sống của người khác có những ”hình mẫu”, có những ”tấm gương” cũng như những phương cách rất cụ thể để họ làm theo?

Không có một tổng kết nào cho biết có bao nhiêu ông bố bà mẹ đã từ chối đặt truyện Tấm Cám lên đầu giường các con của mình mỗi tối. Lại càng không biết được con số cụ thể những bậc phụ huynh cho qua việc nhìn nhận đánh giá lại truyện Tấm Cám nói chung và nhân vật Tấm nói riêng vì nhận thấy sự ác độc ngoài sức tưởng tượng và vô cùng phản giáo dục của Tấm.

Nhân vật cô Tấm được ”vẽ” lên trong con mắt của biết bao nhiêu thế hệ người đọc là một cô gái xinh xắn dịu dàng. Vậy mà cái vỏ bọc ”người tốt” ấy lại sở hữu một cái đầu lạnh lùng khi nghĩ ra những mưu sâu trả thù tàn khốc và một trái tim của một kẻ giết người không chút sợ hãi hay ăn năn.

Chỉ nghĩ đến vậy thôi đã thấy khủng khiếp rồi!

Hoàn toàn không lý thuyết khi nói rằng tất cả những gì đã in dấu trong đầu óc những đứa trẻ, sẽ theo chúng đến những năm tháng trưởng thành. Việc chọn lọc những gì lành mạnh, hướng thiện, khơi gợi và khuyến khích những hành xử đức độ, nhân hậu là việc của người lớn chúng ta – những người là cha mẹ ông bà trong gia đình, là cô giáo thầy giáo trong nhà trường và toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội, mà một trong những biểu hiện của quan tâm dạy dỗ trẻ là chọn những quyển sách phù hợp để đọc cho chúng nghe và để hướng dẫn chúng đọc hàng ngày.

Việc giáo dục con trẻ phải là một quá trình bắt đầu từ khi chúng chỉ non nớt như những mầm cây. Đừng để những mầm mống ác độc len lỏi vào đầu con trẻ. Đừng chỉ giản đơn lên án những kẻ ác, biết đâu nguyên nhân của những ác độc lại nằm ở việc chúng thuộc nằm lòng truyện Tấm Cám từ thuở ấu thơ?

Theo Saomai Pham

Chủ đề: Nhận địnhNuôi dạy con

    Và rất nhiều người đồng thuận với ý kiến “cô Tấm quá độc ác”! Thậm chí nhiều ý kiến gay gắt hơn cho rằng, đưa một câu chuyện như thế vào chương trình là “phản giáo dục”!

    Tôi thật sự hoang mang khi nhận được những nhận định từ các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn! Như vậy, tác phẩm đó cần hiểu ra sao? Nhân sinh quan của cha ông ta bao nhiêu đời đến nay đã sai? Tác dụng giáo dục trong những câu chuyện cổ nay bỗng nhiên “phản giáo dục”?

    Tôi cho rằng, Tấm không ác và truyện cổ tích Tấm Cám đầy tính giáo dục! Hãy hiểu đúng câu chuyện, dụng ý của tác giả dân gian và hành động của Tấm ở cuối truyện!

    Với kiến thức và sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin mạo muội đưa ra cách hiểu về tác phẩm Tấm Cám và lý giải về hành động của Tấm ở cuối câu chuyện, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để giúp cho cá nhân tôi cũng như các em học sinh có cách hiểu đúng đắn hơn về các tác phẩm và các nhân vật văn học!

  1. BẢN CHẤT “HIỀN” CỦA CÔ TẤM

    Trong phần đầu tác phẩm, từ hoàn cảnh xuất thân đến cuộc sống thường ngày, đến khi thử giày và trở thành hoàng hậu, bản chất hiền của Tấm có lẽ là điều không phải bàn cãi. Tấm hiền, quá hiền và như nhiều nhân vật cổ tích hiền lành đại diện cho cái “thiện” khác thì dân gian thường nói “hiền quá hóa đần”.

    Tấm bị mẹ Cám bắt làm tất cả mọi việc, cả ngày và cả đêm nhưng không hề có một lời kêu ca, than thở. Cám lừa trút mất giỏ tôm tép về để giành lấy phần thưởng là chiếc yếm đỏ, Tấm chỉ òa khóc. Con cá bống Tấm nuôi mà mỗi bữa phải nhường phần cơm của mình cho nó ăn bị giết mất, Tấm khóc. Mụ dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm ngồi ở nhà nhặt xong mới cho đi xem hội [nghĩa là không cho Tấm cơ hội được đi xem hội], Tấm cũng chỉ khóc. Không có quần áo đẹp để đi xem hội, Tấm lại khóc. Khoan bàn đến sự giúp đỡ của Bụt và cũng không nên quy chụp cách hiểu rằng, Tấm phản ứng như vậy vì lần nào Bụt cũng hiện lên giúp. Phải hiểu rằng, Tấm thân cô thế cô, đến một người bạn cũng không có nên sự yếu thế là rõ rệt. Tấm không thể phản ứng hay có cách phản ứng nào khác với cách cư xử của mẹ con Cám chỉ có thể lí giải rằng, do bản chất hiền lành và lương thiện của cô.

    Sau khi trở thành hoàng hậu rồi bị giết, trải qua các lần hóa thân… cá nhân tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng cô Tấm bị “tha hóa bởi quyền lực”, rằng chính Tấm “đẩy mẹ con Cám vào nghiệp ác”. Tôi vẫn cho rằng, cô Tấm vẫn hiền cho đến cuối cùng.

    Khi hóa thân thành chim vàng anh, Tấm bay vào cung vì lưu luyến với vua – người chồng, người duy nhất mang lại hạnh phúc cho mình. Tấm an phận và dường như không thể, không muốn tranh giành gì với Cám. Làm vua vui, quan tâm đến vua như một cách đền đáp ân tình vậy thôi! Lời nhắc nhở Cám phải chăng nên hiểu rằng đó chỉ là biểu hiện của thứ tình cảm đó, chăm lo cho vua mà thôi! Còn cách xưng “tao”, thì chỉ là một sự phản kháng, một mối bức xúc chứ chưa hẳn là căm hận gì ghê gớm. Bị giết một cách dã man, bị cướp mất cuộc sống và cả người mình yêu, nếu không phải một người hiền lành, lương thiện thì chắc mối căm hận ấy phải ngùn ngụt, phải là hóa thân thành gì đó dữ tợn, khủng khiếp để “trả thù” ngay chứ sao lại chỉ hóa thành con chim vàng anh, nhỏ bé, yếu ớt, chẳng làm hại được ai?!

    Hóa thân thành cây xoan đào như một sự nhún nhường của Tấm trước Cám. Tấm lặng thầm chăm chút cho người mình yêu thương. Không thể lại quy chụp rằng Tấm dồn Cám đến tội ác phải chặt cây xoan đào khi hành động của Tấm-cây xoan đào là đang lôi kéo vua về với mình! Và kể cả cho rằng Tấm đang lôi kéo, giành giật vua về phía mình thì cũng chẳng có gì sai hay ác! Không loại bỏ Cám, không trừng trị Cám, nếu có giành lại vua và trở lại làm hoàng hậu thì cũng chỉ là những thứ vốn là của Tấm và cô đáng có, đáng được hưởng. Hơn thế, Cám vẫn đang là hoàng hậu đó thôi, vẫn có, vẫn còn tất cả mà Tấm thì đang phải chơ vơ giữa trời mưa nắng. Vậy thì Cám giết Tấm chỉ là do bản chất độc ác, tàn bạo và muốn triệt đến tận cùng mọi mầm sống của Tấm mà thôi!

    Cây xoan đào bị chặt, đóng thành khung cửi. Đã quá 3 lần mẹ con Cám giết Tấm và cô phải cất tiếng cảnh báo, đe dọa. Gây ra tội ác thì phải đền tội và hết lần này đến lần khác Tấm đã tha thứ, không truy cứu, không oán hận nhưng nếu Cám tiếp tục thì rõ ràng, phải tự nhận lấy hậu quả cho việc làm của mình. Và mẹ con Cám phải chịu sự trừng phạt, sự trừng phạt ấy phải đích đáng, phải tương xứng với tội ác man rợ và chất chồng.

  1. BẢN CHẤT ĐỘC ÁC CỦA MẸ CON CÁM

    Tôi không đồng ý với cách hiểu cho rằng, trong cuộc sống thường ngày cách cư xử của mẹ con Cám với Tấm chỉ là một sự bất công, hoặc có người còn cho rằng, đó là “thói thường”. Sự độc ác, dã man của mẹ con Cám ngay ở phần đầu câu chuyện đã có thể coi là tội ác không thể dung thứ rồi. Hãy nhìn vào bản chất của các sự việc:

    Tấm bị đày đọa, phải làm việc cực nhọc tất cả mọi việc… đành rằng đó là cách đối xử bất công. Nhưng ở sự việc thi bắt tôm tép với phần thưởng chiếc yếm đỏ là sự “gian manh” của Cám và sự “xảo quyệt” của mụ dì ghẻ! Có thể hiểu rằng, hai chị em đến tuổi cập kê và cần chiếc yếm để che chắn cũng như làm duyên, làm dáng. Mụ dì ghẻ không muốn cho Tấm chiếc yếm đỏ và bày trò ra cuộc thi chỉ là cách “che mắt thiên hạ” bởi mụ thừa biết con mụ không bao giờ thắng được nhưng nó có thủ đoạn để giành lấy phần thưởng. Chiếc yếm đỏ không đơn giản là một phần thưởng vật chất mà lớn hơn, cái dã tâm của mụ là không cho Tấm có cơ hội làm đẹp, không cho cơ hội được có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. [Điều đó có thể lý giải được vì sao Bụt cho Tấm con bống về nuôi và có những sự việc tiếp diễn sau này].

    Tấm bị cướp mất mọi giá trị vật chất do công sức lao động mình làm ra, thậm chí con đường, cơ hội đến với hạnh phúc tương lai đã bị mẹ con Cám rào lại. Con cá bống lúc này chỉ đơn giản là một người bạn, một nguồn vui, một niềm hạnh phúc nhỏ tạm thời của cô nhưng mụ dì ghẻ lại bày mưu để cùng Cám giết mất. Nghĩa là sự đầy đọa về thể xác chưa đủ, mẹ con Cám còn triệt bỏ nguồn vui tinh thần nho nhỏ, duy nhất. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc không cho Tấm nguồn sống nào nữa!

    Nhà vua mở hội, mụ dì ghẻ nghĩ ra cách để không cho Tấm đi là trộn thóc với gạo bắt ở nhà nhặt. Đi xem hội không đơn giản là một dịp vui chơi mà là dịp để nam nữ gặp nhau rồi nên duyên. Cơ hội để có thể được một chàng trai nào để mắt tới trong cuộc sống hàng ngày đã bị chặn đứng từ phần thưởng chiếc yếm, lần này là cơ hội để gặp gỡ, để nên duyên, để có hạnh phúc tương lai cũng bị tước mất. Không cho Tấm có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần dù đó hoàn toàn là công sức lao động, năng lực, vẻ đẹp của cô đã là điều đáng căm ghét lắm rồi, hơn thế lại không cho cơ hội, chặn đứng mọi khả năng để có thể có một cuộc sống hạnh phúc tương lai thì… Thiết nghĩ, đến đây thôi, hoàn toàn có thể kết luận rằng hành động của mẹ con Cám là những tội ác không dung thứ được!

    Giết Tấm và cướp ngôi hoàng hậu thì rõ ràng, lẽ ra mẹ con Cám phải bị trừng trị đích đáng rồi, nhưng không! Phải chăng cái ác của mẹ con Cám chưa bộc lộ hết đến tận cùng?

    Tình yêu thương của vua rõ ràng không bao giờ dành cho Cám, và Cám vào cung cũng không phải vì tình yêu đối với vua. Vậy thì con chim vàng anh hay cây xoan đào không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống và mục đích mà mẹ con Cám muốn đạt được. Cũng như việc giết con cá bống của Tấm, không thể đơn giản hành động đó chỉ là sự ganh ghét, đố kỵ được mà là bởi bản chất độc ác, tàn bạo của mẹ con Cám: tước đoạt mọi thứ của Tấm.

    Đến cái khung cửi bị đốt, bị đổ tro đi ra thật xa thì mẹ con Cám không chỉ chặn đường sống mà chặn cả con đường để Tấm có thể hồi sinh, có thể có mặt ở cuộc sống.

    Với tội ác khủng khiếp như vậy, rõ ràng mẹ con Cám phải nhận một sự trừng phạt đích đáng chứ không đơn thuần là một cái chết nhẹ nhàng hoặc như ai đó nói còn có thể “lại oán hận và hồi sinh qua các kiếp để trả thù Tấm” được! Như thế là trái đạo lý của đất trời, của lòng người!

  1. KHÔNG THỂ HIỂU HÀNH ĐỘNG CỦA TẤM LÀ SỰ “TRẢ THÙ”!

    Tại sao không có một cái kết “đẹp” như truyện Thạch sanh? Tại sao không có một cách giải quyết nào khác như ai đó đề xuất: một phiên tòa xét xử mẹ con Cám? Hay tại sao Tấm không “cảm hóa” mẹ con Cám để trở thành người tốt?

    Tôi cho rằng những cách giải quyết đó đều không thể!

    Truyện Thạch Sanh không ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Phật giáo và Thạch Sanh mới chỉ bị “mưu sát” chứ chưa từng bị sát hại. [Tấm bị giết đến bốn lần mà vẫn tha cho mẹ con Cám]. Thạch Sanh tha cho mẹ con Lý Thông nhưng Trời không tha và ra tay trừng phạt. [Mẹ con Cám không bị nhận bất cứ một sự trừng phạt nào!].

    Không thể có một phiên tòa bởi không nên mang tư duy hiện đại để vào không gian văn hóa dân gian của cổ tích. Lý giải theo cách hiểu rằng xã hội trong cổ tích có tổ chức, pháp luật… thì cũng sẽ không chấp nhận được tình tiết một bà hoàng hậu về giỗ bố lại đi một mình, lại trèo lên hái cau để bị chặt cây, dìm chết.

    Mỗi lần hóa thân phải chăng là mỗi lần Tấm đang cố cảm hóa Cám? Con chim vàng anh nhắc nhở Cám rằng: “chồng tao” – nghĩa là của “tao” đấy nhưng “tao” không đòi, không lấy lại, không kể tội, không trừng phạt gì, thôi thì cố gắng mà chăm chút cho tốt! Em muốn những gì là vật chất, vậy chị chăm chút những gì là tinh thần của chàng, mang tới niềm vui cho chàng, vậy thôi! Với người Việt xưa thì chuyện một người đàn ông lấy hai chị em một nhà về làm vợ là chuyện không ít, vậy tại sao Cám không chấp nhận được cho dù mình là người đến sau, cho dù mình không phải san sẻ quyền lợi gì? Vậy nên, khi hóa thân vào khung cửi, Tấm kể tội và cảnh báo về sự trừng phạt phải chăng cũng chỉ để Cám thức tỉnh? Bởi cái khung cửi thì làm được gì, làm sao có thể hành động tranh giành hay trừng phạt ai được?

    Tôi không đồng ý cho rằng hành động của Tấm là sự “trả thù” mà phải hiểu đó là sự “trừng phạt”. Tấm không hằn thù nhưng Tấm phải hành động bởi không còn cách nào khác! Trải qua bao nhiêu kiếp hóa thân rồi và hành động của mẹ con Cám với mục đích quyết liệt là không để Tấm có thể tồn tại trên cõi đời dưới bất kì hình thức nào từ một sinh vật sống, đến một cái cây hay một vật như vô tri là khung cửi! Bụt [Phật] không trừng phạt bởi vai trò của Bụt chỉ là cứu vớt và mang đến hạnh phúc cho những người hiền lành, lương thiện. Vua không trừng phạt bởi trong câu chuyện này, vua chỉ có vai trò là phần thưởng xứng đáng cho những gì Tấm đáng được hưởng.

    Vậy lúc này, không thể xem xét Tấm là một cá nhân, một bà hoàng hậu hay một người con mồ côi, một người chị cùng cha khác mẹ với Cám. Hành động của Tấm không thể và không được hiểu là mang ý nghĩa tư thù cá nhân! Tấm đại diện cho cái thiện đang đối diện, đối đầu với cái ác chất chồng như núi. Tấm đại diện cho công lý, lẽ phải và hình phạt đưa ra phải tương xứng với tội ác của mẹ con Cám. Đó là lẽ đời! Đó là lẽ công bằng ở đời!

    Mẹ con Cám chặt cây để Tấm chết dưới ao thì Cám phải bị chịu hình thức trừng phạt là chết dưới hố nước sôi. Dì ghẻ bảo Cám giết Tấm [con chim vàng anh] và ăn thịt, chặt cây xoan đào, đốt khung cửi… thì hình phạt của mẹ Cám phải là ăn thịt con mình [cũng như ăn thịt chính mình], ăn hết rồi chết! Đó là quy luật “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào thì gặt quả nấy” chứ chẳng phải sự trả thù độc ác hay một số người bênh vực lại cho rằng đó là sự “man rợ” trong xã hội xưa!

Tấm đã chịu thua thiệt, chịu nhún nhường, đã nhắc nhở, đã cảnh báo… nhưng Cám không dừng những hành động tội ác của mình lại và vì vậy, phải nhận lại tất cả những gì mình đã từng gây ra. Đó là lẽ bình thường bởi ngay cả dùng cách tư duy thông thường, trong xã hội hiện đại thì chắc chắn không bao giờ và không thể nào có một ai đó có thể chịu đựng chấp nhận đến hết lần này đến lần khác để cho kẻ khác cướp hết tất cả, thậm chí giết, ăn thịt mình.. như Tấm. Vậy nên đừng vận vào cái tư duy của xã hội hiện đại để nói rằng hành động của Tấm là tội ác, là không thể chấp nhận được!

    Tấm không ác bởi nếu kết luận Tấm ác cũng không khác gì kết luận tư tưởng Phật ác! Phật răn dạy con người ta sống thiện, không nên sống ác bởi kẻ sống ác sẽ bị trừng phạt, và hình phạt đó luôn tương xứng với tội ác mà người đó gây ra ở kiếp sống. Có những hình phạt là cắt xẻo các bộ phận cơ thể, nấu trong vạc dầu, bị lũ quỷ tra tấn hay đày xuống tận 18 tầng địa ngục, chịu mọi sự hành hạ, muôn kiếp không được siêu sinh… Tạo nghiệp thì trả nghiệp, làm việc ác như thế nào với người ta thì nhận lại đúng như thế cớ sao lại kêu người thi hành cái luật đó là ác?

   Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, truyện Tấm Cám sẽ làm nhân sinh quan của học sinh lệch lạc, cho rằng những hành động của Tấm là chấp nhận được! Đành rằng văn học phải gắn với cuộc sống nhưng một tác phẩm văn học cũng như một sinh thể và có môi trường sống của nó. Môi trường sống của cổ tích là một thế giới riêng chứ không phải là cuộc sống thực lại càng không phải cuộc sống hiện đại. Vậy nên, lôi tác phẩm ra khỏi môi trường ấy, ném vào môi trường cuộc sống hiện đại, dùng lối tư duy hiện đại để mổ xẻ… chính là giết chết nó. Hãy xem xét một sinh thể sống chứ đừng xem xét một tiêu bản bởi bạn sẽ không thấy được nhịp đập, hơi thở của nó mà chỉ thấy những bộ phận cứng còng, lạnh lẽo.

    Sự “trừng phạt” mẹ con Cám phải nhận mang một ý nghĩa răn dạy quyết liệt bởi nếu chỉ là một cái chết nhẹ nhàng, có lẽ nó không khiến những kẻ có dã tâm tàn độc phải run sợ, chùn tay. Làm nhiều việc ác sẽ phải nhận ở ngay sự trừng phạt ở kiếp sống chứ không đợi đến kiếp sau! Đó có lẽ là tư tưởng ngăn chặn quyết liệt cái ác của cha ông ta!

   Trên đây, cũng chỉ là ý kiến chủ quan mang tính cá nhân của tôi. Kính mong nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý vị độc giả, các thầy cô giáo, các em học sinh!

Thầy giáo: Lê Hồng khánh - Bộ môn Ngữ văn

Video liên quan

Chủ Đề