Tại sao lương công chức thấp

[VTC News] – Do lạm phát cao, bộ máy hành chính hô hào tinh giản nhưng lại “phình to”, chính sách mang nặng tính bình quân.
 

Lương thấp nên “chân ngoài dài”

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện nay, lương của công chức chỉ đảm bảo nhu cầu tối thiểu về chi tiêu thực phẩm, chứ chưa đảm bảo các nhu cầu khác như nhà ở.

Vì vậy đã không thu hút nhiều người tài vào làm trong các cơ quan Nhà nước, hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực hiện nhiệm vụ công vụ, dẫn đến chất lượng xây dựng thể chế có phần bị hạn chế. Nhiều văn bản pháp quy phải sửa ngay khi ban hành.

Theo Bộ Nội vụ, một số người đã từ bỏ làm việc Nhà nước do chính sách đãi ngộ không đủ giữ họ ở lại.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng viện Lao động – Xã hội nhận định, có không ít người vào Nhà nước vì yếu kém về năng lực, không thể tìm được việc làm khu vực doanh nghiệp; có nhiều người là phụ nữ cần có việc làm ổn định, để có thời gian cho gia đình, cũng có những người vào bộ máy Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng…

 

 Nhà nước đang cố gắng để công chức phần nào được đảm bảo mức sống

Hệ quả nghiêm trọng về tiền lương thấp, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc công chức không chấp hành làm việc 8 giờ tại công sở diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp; do thu nhập thấp, cán bộ, công chức tìm mọi cách, mọi việc có thể làm để tạo ra thu nhập; nhiều người không chú trọng đến công việc chung, mà chỉ chỉ muốn làm các việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai…trực tiếp với dân, với doanh nghiệp để có điều kiện nhũng nhiễu, hạch sách.

Từ đó có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Nên dẫn đến tình trạng phân hoá giàu nghèo xảy ra ngay trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức. Xuất hiện nghịch lý “lương không đủ sống nhưng nhiều người sống đàng hoàng, lương thấp nhưng rất khó vào biên chế”…

Vì đâu?

Trước thực trạng trên, Bộ Nội vụ đã chỉ ra nhiều nguyên nhân hạn chế trong cải cách tiền lương:

Tuy đã có nhiều Nghị quyết về việc cải cách tiền lương nhưng việc thể chế hoá và tổ chức triển khai thực hiện vẫn chưa như ý muốn.

Nhất là khi khủng hoảng và suy thoái kinh tế làm kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, hiệu quả đầu tư chưa cao…nên lạm phát còn cao; làm giảm hiệu quả của những đợt tăng lương.

Mặt khác, các ngành, các cấp chưa quyết tâm theo mục tiêu chung mà còn chú ý đến lợi ích riêng của ngành nên không chú trọng tinh giản biên chế mà còn đề nghị tăng thêm tổ chức, số lượng cán bộ, công chức…dẫn đến đối tượng hưởng lương và trợ cấp ngày một tăng nhưng năng suất và hiệu quả hoạt động công vụ không cao.

Bên cạnh đó, việc giải quyết chính sách tiền lương còn dàn trải, bình quân, chưa tách được giải quyết chính sách bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi với người có công. Việc đổi mới tiền lương còn mang tính chắp vá, không đồng bộ.

Chính vì thế, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta nên cắt giảm 40% công chức – viên chức, để bộ máy Nhà nước tinh gọn và có điều kiện cải cách tiền lương.

Đón đọc Bài 2:"Hệ thống bảng lương mới của công chức, viên chức"

Hoàng Lan

Tăng năng suất lao động để giảm sức ép lên quĩ lương. Trong ảnh: Cán bộ, công chức trẻ Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM tham gia Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Q.L.

Thu nhập ngoài lương cao hơn lương

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chính sách tiền lương từ năm 2004 đến nay, theo đó lương của công chức đang quá thấp so với mặt bằng chung. 

Theo nhận định của UBND TP.HCM, hệ thống thang lương, bảng lương hiện nay còn nặng về bằng cấp, chưa theo trình độ, chất lượng công việc yêu cầu hoặc chức vụ đảm nhận. 

Mức lương cơ sở của công chức từ tháng 7-2017 được nâng lên 1.300.000 đồng, song vẫn là mức quá thấp, không đủ cho chi phí trong cuộc sống. 

Quan hệ tiền lương của cán bộ, công chức vốn đã bình quân, trong quá trình thực hiện càng thể hiện rõ điều này và không so sánh được giữa người làm tốt và chưa tốt

Hiện tại, các mức lương trong toàn bộ hệ thống bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn so với mức lương trên thị trường lao động.

Chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương hiện nay không gắn với khối lượng, tính chất công việc.

Các công chức, cho dù là những người tài, lao động trí tuệ, thì vẫn chỉ hưởng lương thấp nhất so với thị trường. 

Mỗi lần tăng lương chỉ từ 0,20 - 0,35 tương đương vài trăm ngàn đồng, mà 02 hoặc 03 năm mới lên được 1 bậc lương.

Ngoài thu nhập từ tiền lương, các cơ quan, đơn vị của thành phố vận dụng các quy định của Nhà nước đã bổ sung thu nhập có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức.

Chẳng hạn như tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng cho người chủ trì hoặc tham gia đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, đề tài, thù lao báo cáo viên hoặc giảng viên kiêm nhiệm, tiền hỗ trợ ăn trưa...

Trong nhiều trường hợp các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, nhiều người, cho rằng đãi ngộ thấp nên không tập trung công việc mà dành thời gian đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Công chức muốn được lương như ở doanh nghiệp

Không chỉ lương thấp, các khoản phụ cấp, trợ cấp cho công chức, viên chức hiện cũng rất thấp. Mức phụ cấp lương thấp nên không đủ bù đắp hao phí sức lao động tăng thêm. 

Với mức thấp như vậy, người lao động làm công việc độc hại cả tháng cũng chỉ nhận được mức phụ cấp từ 130.000 đồng đến 520.000 đồng/tháng, không đủ bù đắp hao phí sức lao động tăng thêm do phải làm công việc độc hại, nguy hiểm.

Từ những thực tế nêu trên, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh chế độ hưởng lương của cán bộ, công chức, viên chức để thu hút nhân tài vào môi trường nhà nước. 

Cụ thể, kiến nghị tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc,… khuyến khích người trẻ cố gắng phấn đấu mà không bị ràng buộc bởi thâm niên công tác, tạo được động lực để có chuyên gia giỏi.

MAI HƯƠNG

Nhìn vào thang bảng lương của công chức, viên chức nhà nước hiện nay có thể thấy chính sách tiền lương hiện hành chưa tạo được động lực làm việc, cống hiến của công chức, viên chức và người lao động. Trong nhiều năm qua, khu vực hành chính, sự nghiệp, lương cơ bản thấp và chậm điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 1-7-2017, mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Ðảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở T.Ư, ở cấp tỉnh, huyện, xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng áp dụng cho khối doanh nghiệp tại khu vực I là 3,75 triệu đồng.

Có thể thấy, mức tăng lương hằng năm thuộc khối công chức, viên chức nhà nước chủ yếu bù đắp trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, hệ thống thang, bảng lương trong khối hành chính nặng về bằng cấp, chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng công việc hoặc chức vụ đảm nhận. Hệ số giãn cách giữa các bậc lương thấp.

Nếu một sinh viên tốt nghiệp đại học phải "chật vật" mới thi đỗ công chức, viên chức, nhưng khi được nhận vào làm, họ sẽ chỉ nhận được đồng lương quá eo hẹp, nhất là đối với bộ phận lao động ký hợp đồng. Nếu được xếp công chức loại A1, hệ số lương sẽ là 2,34. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm, công chức đó chỉ nhận được chưa đến ba triệu đồng/tháng. Sau ba năm được tăng lương, hệ số nâng thêm 0,33, tương ứng khoảng hơn 400.000 đồng. Có một thực trạng là những người làm việc trong các đơn vị hành chính nhà nước có mức lương thấp hơn những người làm tại các doanh nghiệp tư nhân. Tình trạng này dẫn tới việc nhiều cơ quan nhà nước không giữ chân được người giỏi. Những người chấp nhận ở lại thường là để "giữ suất", "đi làm cho vui" hoặc làm theo kiểu "chân trong, chân ngoài" mà không thật sự đam mê, cống hiến, tận tụy trong công việc. Nhiều người muốn kiếm tiền nhanh sẽ vi phạm luật, kéo theo việc sẽ gây khó khăn trong việc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Các chuyên gia cho rằng, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức cần được điều chỉnh để thu hút nhân tài vào môi trường Nhà nước, để công chức tận tâm và có trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, có một cái khó hiện nay là lương công chức đang phụ thuộc vào ngân sách, nếu tăng lương khu vực này lên cao quá, sẽ gây áp lực lớn cho ngân sách. Do vậy, việc điều chỉnh mức lương thế nào cho hợp lý là điều không đơn giản. Một số ý kiến cho rằng, không thể so sánh lương trong khu vực sự nghiệp và lương doanh nghiệp. Bởi, cán bộ, công chức nhà nước và lao động trong khu vực doanh nghiệp thuộc hai quan hệ lao động khác nhau. Nếu lao động phổ thông được trả lương theo quan hệ thị trường thì đối với công chức, ngoài tiền lương còn có rất nhiều chế độ ràng buộc. Lương tối thiểu của công chức còn được nhân với hệ số cấp bậc, chức danh và rất nhiều chế độ phụ cấp công vụ, thâm niên, nghề nghiệp khác.

Có thể thấy, để bảo đảm và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của công chức, viên chức nhà nước, việc tăng lương cho đội ngũ này là việc làm cấp bách nhằm giữ chân người tài, khuyến khích phát huy khả năng và hạn chế chảy máu chất xám từ khối Nhà nước sang khối tư nhân. Các nhà làm chính sách cho rằng, nhằm bảo đảm lộ trình tăng lương mà không gây áp lực lên ngân sách nhà nước, cần đi theo với lộ trình tinh giản biên chế. Khi điều chỉnh thang, bảng lương, cần chú ý tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương cần gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng, hiệu quả công việc, để khuyến khích những lao động trẻ cố gắng phấn đấu, không bị ràng buộc bởi thâm niên công tác.

PHÚC QUÂN

Video liên quan

Chủ Đề