Những lá thư không gửi review

Ernest Morlaisse là một cậu bé ngoan ngoãn, đẹp trai và học giỏi, cậu bé sống cùng với bà nội đã ngoài 80 tuổi Precieuse và bà giúp việc Germaine. Nhưng bà nội cậu là một người mà, không hẳn là của thế kỉ trước cũng chẳng phải ở thế kỉ này, không hẳn là tư tưởng lạc hậu nhưng lại có rất nhiều những nguyên tắc dị biệt. Ernest đã phải sống cuộc sống tẻ nhạt và dập khuân như thế suốt mười năm đầu cuộc đời mình.

“Các ngày trong tuần, Ernest ngoan ngoãn thức dậy dù không có gì phấn chấn, ăn hai miếng bánh mì nướng quết mứt cam đắng, uống một cốc sữa ấm, thắt cà vạt, xếp sách vở vào cặp và đi tới trường. Trưa nào cậu cũng về nhà, vì cả Germaine và bà nội đều không tin tưởng đồ ăn ở căng tin trường. {…} Ernest không có đồ jean và cũng chẳng có đồ thể thao. Mỗi năm hai lần có người thợ may tới nhà đo và cắt may cho một bộ quần áo không thuộc mốt thế kỷ trước và cũng chẳng phải mốt thế kỉ này…”

Các ngày cuối tuần, cậu cũng không đi đâu ngoài ở nhà làm bài tập, và ngoài ra Ernest cũng không hề biết đến sự hiện diện của TV hay điện thoại nữa. Cuộc sống của cậu chỉ xoay quanh ở trường rồi về nhà, ở nhà rồi lại đến trường.

Thế nhưng, cuộc sống của cậu đã được viết lại hoàn toàn khi cô bé Victoire de Montardent chuyển đến lớp cậu và được xếp ngồi cạnh cậu. Nhờ có Victoire, cậu đã được trải nghiệm cuộc sống, đã có thêm rất nhiều những LẦN-ĐẦU-TIÊN trong cuộc đời mình.

Nhờ có Victoire, lần đầu tiên Ernest được bế em bé. Khi Victoire đưa Jeremie cho Ernest bế, “Jeremie khoái chí đã bám chặt như đỉa trên ngực Ernest. Cậu tự hỏi không biết đây có phải trận sấm sét đang chờ đợi cậu không, và bỗng nhiên một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ khiến khuôn mặt cậu thoáng rạng lên nụ cười. Cảm xúc ấy cậu chưa từng được biết đến.

Nhờ có Victoire, lần đầu tiên Ernest có bạn đến nhà chơi và rủ cậu đi học. Khi cô bé mang một túi bánh đến nhà, “Ernest cảm thấy trong lòng một cảm giác thú vị lạ kỳ, và ngượng chín cả người.”

Nhờ có Victoire, “lần đầu tiên Ernest bị nhắc nhở trong lớp. Cậu cảm thấy có chút tự hào. Như thể cậu đang được chú ý vậy.”

Nhờ có Victoire, lần đầu tiên Ernest được biết đến món ăn khác với những món ăn lặp lại hàng ngày của cậu; cũng nhờ có cô bé, lần đầu Ernest được đi thang máy.

Và cũng nhờ Victoire, cậu bé nhận ra được chân lý và cậu nói với bà: “Bà ạ, cần phái sống… trước khi chết.” Lần đầu tiên, hai bà cháu đi dạo; lần đầu tiên, hai bà cháu đến nhà hàng và ăn món couscous; và cũng là lần đầu tiên, hai bà cháu nói chuyện một cách nghiêm túc về cha của cậu bé…

Bằng sự ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, thông minh, tốt bụng nhưng cũng rất trẻ con và đáng yêu của mình, Victoire đã mang một sức sống mới làm thay đổi cuộc đời Ernest. Cô bé và gia đình gồm cha mẹ cùng với 14 đứa con của mình đã giúp Ernest cũng như bà của cậu bé tìm được cha của Ernest và sang Mỹ nghỉ hè với cha.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nhân vật Henriette- cô gái giúp việc trong thời gian bà Germaine bị ốm- với mái tóc đen bù xù, cái váy vàng cam bó sát ngắn cũn, đôi chân dài cùng bộ ngực đồ sộ mà Ernest cảm tưởng “như hai khẩu súng thần công”. Cô gái trẻ trung ấy đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi cuộc sống hai bà cháu Ernest. Chính cô là người đã mang đến căn phòng với những tấm rèm mới, những món ăn mới, chiếc điện thoại mới cùng với chiếc ti-vi mới.

“Những lá thư không gửi” là cuốn sách mà cách đây gần 4 năm, mình đã cảm thấy nó tẻ nhạt vô cùng, và thề rằng sẽ không bao giờ đọc lại nó nữa. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, mình lại càng cảm thấy quan điểm một cuốn sách nên đọc ít nhất hai lần để cảm nhận được cái hay của nó quả thật rất đúng. Lần đọc này khiến mình nhận ra được nhiều điều thú vị về cuốn sách, về ý nghĩa cuộc sống, thậm chí mình cảm thấy khá buồn khi truyện kết thúc sớm. Một cuốn sách với cốt truyện gần gũi, lối viết nhẹ nhàng, chân thực và dí dỏm chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai đọc nó sẽ thích.

Khác với lầm tưởng là một tuyển tập “những lá thư không gửi”, cuốn sách này viết về câu chuyện về cuộc đời cậu bé Enerst - trong những năm tháng có thể nói là biến động nhất cuộc đời cậu.

Nguồn ảnh: Zing

Hồi mười tuổi, chúng ta làm gì? Chạy đua cùng những con diều, lấp ló chơi trốn tìm, hồ hởi kéo nhau chơi đá bóng hay lén lút trốn học đi chơi. Dù ở Việt Nam hay ở Pháp thì những cô bé, cậu bé mười tuổi chắc chắn cũng trải qua những năm tháng đầy sắc màu sặc sỡ. Thế nhưng Ernest Morlaisse lại trải qua mười năm đầu tiên của cuộc đời trong một thế giới lặng thinh và nhàn nhạt màu khói.

Nhàn nhạt như cách cậu lặp đi lặp lại điệp khúc trường học - về nhà - trường học - về nhà, đến mức cậu còn chẳng mảy may biết đến vườn hoa rực rỡ chỉ cách nhà 300m. Nhàn nhạt như cái cách bữa trưa luôn luôn ăn táo và bánh mì, bữa tối luôn có món xúp quen thuộc của bà giúp việc Germaine. Nhàn nhạt như cái cách Ernest và bà nội - người đã ngoài 80 - chẳng mấy khi nói với nhau câu nào, dù cậu hết mực yêu thương bà, còn bà đã dốc hết sức lực tuổi già để chăm bẵm đứa cháu từ khi mới lọt lòng. Mẹ Ernest mất ngay khi cậu cất tiếng khóc chào đời, người cha thì bỏ đi khi cậu mới 3 ngày tuổi.

Mười năm, Ernest đã sống im lặng như một cái bóng, ngoan ngoãn đến khó tin, cậu sống trong một ngôi nhà không TV, không điện thoại, chỉ có những trang sách cũ kĩ và những lá thư thư được khóa kĩ trong chiếc tủ ly. Nhưng im lặng không có nghĩa là dừng lại, một cách lặng lẽ nào đó mà những tò mò về thế giới ngoài kia vẫn âm ỉ trong Ernest, chỉ chờ cánh cửa ngăn cấm chúng được mở ra là sẽ tuôn trào. Và chiếc chìa khóa mở cửa ấy mang tên Victoire - cô bé trong đại gia đình với 13 người anh em trai mới chuyển về gần nhà Ernest.

Nguồn ảnh: Nhã Nam

Victoire hào sảng mang đến một, hai, ba, rồi dần dần rất nhiều màu sắc mới mẻ đến thế giới ảm đạm của Ernest. Nhờ cô bé, Ernest và bà đã biến rất nhiều điều “chưa bao giờ”, thành “lần đầu tiên” như đi ăn nhà hàng, đi siêu thị, đi xem phim,...Ngôi nhà cũ kĩ như được hồi sinh với đồ đạc mới, món ăn mới, những cái tên mới, và cả tiếng nói cười mới mẻ. Cũng gián tiếp nhờ Victoire và gia đình mình, cuối cùng Ernest cũng tìm thấy bí mật về cha mình mà bà luôn tìm cách tránh né.

Điều đặc biệt của cuốn sách là mỗi chương được đặt tên theo một nhân vật trong truyện. Tuy mỗi chương nói về nhân vật khác nhau nhưng không hề sa đà vào kể lể, pha loãng mạch truyện mà trái lại giúp lật mở từng bí mật rất đỗi tự nhiên và tài tình, như cách chúng ta nhẹ nhàng mở phong bì thư để khám phá những con chữ trong đó.

Bắt đầu bằng màu sắc ảm đạm, nhưng câu chuyện không hề đem lại cảm giác u ám mà càng ngày càng điểm xuyết những đóm sáng tươi vui. Hệt cái cách chị Henriette thay những tấm rèm nặng nề màu tối bằng tấm rèm mới “có in hình hoa quả nhỏ xíu đủ màu trên nền màu vàng sáng”.

Bao trùm cả cuốn sách là hình ảnh về những lá thư, lá thư cụ cố gửi cho bà với những kí tự kì lạ mà đến tận cuối sách Ernest mới dịch cho bà được, lá thư của ông nội, lá thư của bố, lá thư Ernest viết, lá thư đầu tiên trong hòm thư đề người nhận là Ernest Morlaisse, thư của Victoire gửi thầy giáo, cả những bức thư của những cô bạn gái cùng lớp luôn thầm thì “Ernest cậu đẹp trai thật đấy”.

“Những lá thư không gửi” viết về một cậu bé mười tuổi, nhưng chắc chắn độc giả của Susies có thể ở bất cứ độ tuổi nào. Không đao to búa lớn, những thông thiệp của câu chuyện cứ nhẹ nhàng đan xen vào từng câu từ, nhưng cũng đủ để thỉnh thoảng người đọc dừng lại đôi ba phút để ngẫm nghĩ điều gì đó.

\=============

“Nào bà ơi, cứ khép kín mình trong căn hộ tối om thế này thật không bình thường chút nào.” Cậu nhắc lại lời nói của Victoire: “Sức lực cũng giống như cảm giác ăn ngon, nó đến trong lúc ăn”... “Bà ạ, cần phải sống...trước khi chết.”.

Chủ Đề