Nếu em được tham quan Quốc Tử Giám điều đầu tiên em suy nghĩ là gì

[TCTG]- Việc chọn nhân tài, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụngcác tài năng luôn được ông cha ta qua các vương triều chú trọng. Những người được chọn dạy trong Quốc Tử Giám là những người học rộng, tài cao và có nhân cách. Những người đỗ đạt trong các kỳ thi của Quốc Tử Giám đều được bổ nhiệm vào những vị trí tương xứng với tài năng của họ bất kể xuất thân từ những tầng lớp nào trong xã hội trừ những ngoại lệ được pháp luật của các Vương triều qui định

Những người được chọn dạy trong Quốc Tử Giám trước đây là những người học rộng, tài cao và có nhân cách. Ảnh minh tư liệu

Theo lịch sử ghi lại, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn thực hiện nhiệm vụ của trường đào tạo con Hoàng gia. Một trong những môn sinh đầu tiên của Quốc Tử Giám là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, người sau này trở thành vua Lý Nhân Tông kiệt xuất của triều đại nhà Lý. Năm 1076 Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu và vì thế Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể do sử liệu, cũng có thể do những bối cảnh lịch sử, trong triều đại nhà Lý chỉ có 6 khoa thi được tiến hành và được sử chép tại khoa thi đầu tiên là vào năm 1075, các khoa thi tiếp theo diễn ra vào các năm 1086, 1152, 1165, 1185, và 1193. Quốc Tử Giám có nhiều thay đổi qua các triều đại. Điều đáng chú ý là cung điện của các triều đại có thể bị tàn phá khi có sự thay thế các vương triều song Quốc Tử Giám vẫn trụ vững qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, qua không biết bao nhiều cuộc chiến giữa các vương triều. Quốc Tử Giám do Triều đại Nhà Lý dựng nên song Triều đại nhà Trần vẫn giữ gìn và phát triển. Sang thời Hậu Lê, Quốc Tử Giám được phát triển thêm một bước mới và có thể nói đây là giai đoạn phát triển đầy đủ nhất của Quốc Tử Giám và cũng là giai đoạn có nhiều sử liệu liên quan đến Quốc Tử Giám nhất.

Dưới Triều đại nhà Lê, những người đỗ các kỳ thi tiến sỹ được dựng bia đá vinh danh tên tuổi. Với 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng từ năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông đến tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779, lịch sử và quá trình đào tạo và tìm kiếm nhân tài được khắc họa một cách trung thực. Có thể tìm thấy trong 82 bia đá ở đây tên tuổi của của 1034 nhân tài an dân, trị quốc, trong đó có những người hoặc để lại những áng văn chương bất hủ, hoặc những quyết sách cải cách tiến bộ đáng ngạc nhiên xét trong bối cảnh lịch sử thời phong kiến, hoặc những đóng góp cho nhiều chiến thắng oai hùng của dân tộc chống lại các triều đại phong kiến Trung Quốc. Những sử liệu gắn với Quốc Tử Giám có giá trị rất lớn trong việc xác định hoạt động tìm kiếm, bồi dưỡng nhân tài của cha ông ta, những giá trị mà ngày nay, những người làm công tác hoạch định chính sách và thực hiện chỉnh sách đào tạo của đất nước cần suy ngẫm để đừng quên cả trong suy nghĩ và trong hành động.

Có thể nêu những bài học lịch sử từ Quốc Tử Giám như sau:

Thứ nhất, bài học lớn nhất mà lịch sử Quốc Tử Giám để lại mà hậu thế ngày hôm nay hình như bị lãng quên khá lâu: Trị quốc dựa vào nhân tài. Ngay ở tấm bia đầu tiên [khoa 1442] ông cha ta đã chỉ rõ "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế được mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Các bia của những năm sau đều nhắc lại bài học này dưới những cách thể hiện khác nhau. Điều này cho thấy từ các vị minh quân cho đến những bậc kỳ sỹ và những người dân bình thường đều nhận thấy quốc gia không thể hưng thịnh nếu không có những nhân tài phò trợ. Bài học này không chỉ được khắc trên bia đá. Khác với những gì mà chúng ta làm ngay hôm nay, bài học về nhân tài này được cha ông ta hiện thực hóa trong chính sách tuyển chọn và sử dụng quan lại. Đọc Lịch triều hiến chương loại chí chúng ta dễ dàng tìm thấy tư tưởng coi trọng và sử dụng nhân tài được thấm nhuần và xuyên suốt lịch sử của đất nước. Vua Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ 3 [1456] đã có chỉ dụ và điều đầu tiên trong chỉ dụ là vấn đề sử dụng nhân tài: "Phận làm tôi phải hết chức vụ. Đại thần thì giúp đỡ nhà vua, điều hòa âm dương, tiến cử người hay, loại bỏ người dở để mưu toan chính sự". Đoạn sau của chỉ dụ này là: "Các học quan thì theo đúng học qui, dạy bảo học sinh, cho được thành tài, không nên để phí thời giờ, chểnh mảng việc học”[1]. Vua Gia Tông, năm Đương Đức thứ 3 [1674] ban hành lệnh và nội dung đầu tiên của lệnh này cũng nó về tìm kiếm và sử dụng nhân tài. "Chức vụ tể tướng cốt tiến cử người hay, loại bỏ người dở. Vậy, bảo cử các chức phải lường tài mà trao chức, so đức mà định vị, khiến cho các khanh đại phu đều xứng đáng chức vụ, không được tư tâm tự ý che lấp người hiền, dung túng kẻ gian"[2] . Vua Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 12 [1751], trong lệnh ban hành, tiến hành xét định chức quan đã nêu rõ ở Điều 2 như sau: "Các ty văn võ trong ngoài đều nên xét đức tài, phẩm hạnh và công việc khi đương khi tại chức để định thứ bực cao thấp, nhiều việc ít việc. Người nào thanh liêm, mẫn cán, dũng cảm, tài lược có thể dùng được thì thì cất nhắc lên. Người nào tầm thường, hèn kém, không có gì đặc sắc thì lưu lại đổi ở trong kinh ngoài, ở nơi nhiều việc đến nơi ít việc hay cho những chức rỗi việc không có chức vụ. Người nào tham lam, gian nhũng có thực trạng rõ rệt thì nên chiếu lệ cũ đời trước gián truất nghiêm ngặt, không bao giờ được chọn dùng nữa. Người nào chưa từng được bổ dụng thì nên xét rõ nghi dung tài nghệ, cùng cách nói năng, cử chỉ, rồi kê xét sai làm, để xem hiệu suất làm việc có được không. Người nào chỉ dựa thế cầu cạnh tuy đã phụng mệnh sai bổ cũng phải biện đi bàn lại, kể ra những cớ không nên cho rồi đem tuyên bố trong ngoài mà gián truất"[3]

Có thể thấy, tư tưởng và chủ trương chọn nhân tài của cha ông ta dù ở triều đại nào cũng được thể chế hóa khá rõ ràng và cụ thể. Bài học để lại là việc sử dụng người tài không nên dừng ở "đầu môi, chót lưỡi" mà phải được chế định và có những biện pháp đảm bảo thực hiện. Có lẽ vì chính tư tưởng trọng người tài nên mặc dù có nhiều gian thần tìm cách hãm hại, Tư nghiệp Chu Văn An vẫn bình yên rời Quốc Tử Giám sau khi viết "Thất trảm sớ". Việc triều Lê cho thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An tại Quốc Tử Giám sau khi ông mất cho thấy sự đối xử rất đỗi trân trọng của người xưa đối với nhân tài. Có lẽ vì trọng nhân tài mà Quang Trung Nguyễn Huệ mấy lần mời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cho dù vị quan của triều Lê này không ít lần coi Tây Sơn là đại nghịch. Nếu không xuất phát từ tư tưởng coi trọng nhân tài, thì đại thi hào Nguyễn Du của dân tộc ta đã bị chém năm 1796 khi bị quân Tây Sơn bắt được trên đường trốn vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn .

Thứ hai, muốn có nhân tài phải lo tìm kiếm. Đó chính là bài học của cha ông ta để lại. Nhân tài có cốt cách riêng của họ và thường nhân tài thì không hay tự tiến mình. Chính vì vậy, việc phát hiện và tìm kiếm nhân tài là điều mà các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn làm. Vua Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất đã có chỉ dụ về việc tìm kiếm nhân tài như sau: "Ta nghĩ việc thịnh tri tất do dùng được người hiền, muốn có người hiền phải có người tiến cử nên người làm vua thiên hạ tất phải lấy việc ấy làm việc trước nhất. Nay ta gánh vác công việc nặng, ngày đêm lo sợ như đến chỗ vực sâu, chỉ vì tìm người hiền giúp nước chưa được người. Vậy hạ lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên mỗi người tiến cử một người hoặc ở chốn triều đình, hoặc ở chốn thôn quê, hoặc đã làm quan hoặc chưa làm quan, nếu có tài văn võ tri thức có thể cai trị được dân chúng, ta tùy tài bổ dụng. Người tài ở đời vốn là không ít, mà cách tìm người tài không chỉ có một đường, hoặc có người tài giúp nước mà khuất ở chức thấp không ai tiến cử, hoặc có người hào kiệt lẩn ở đồng quê, lẫn vào quân lính, nếu không tự đạt thì ta làm sao biết được. Từ nay các bậc quân tử ai muốn theo ta đều cho tự tiến”[4]. Trong chỉ dụ này Lê Thái tổ còn đặt ra các phần thưởng đối với những người tiến cử được người tài và hình phạt đối với người tiến cử người không đúng vì vụ lợi hay vì quan hệ thân thích.

Thứ ba, muốn có nhân tài "phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài". Mục đích ban đầu của việc mở Quốc Tử Giám là dạy dỗ các con cháu của Hoàng gia. Tuy nhiên, Quốc Tử Giám đã hoàn toàn vượt qua mục đích này và trở thành nơi đào tạo nhân tài cho đất nước kể từ khi thành lập. Quan điểm về đào tạo nhân tài của cha ông ta được Phan Huy Chú chép lại trong Lịch triều hiển chương loại chí. "Con đường tìm người tài giỏi trước hết nhà khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử"[5] Các triều đại phong kiến trong lịch sử đất nước đều sử dụng Quốc Tử Giám và các cơ sở đào tạo khác làm nơi đào tạo nhân tài với những triết lý và với những biện pháp thực hiện rất hiện đại ở trong bối cảnh của thời kỳ lịch sử đó Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ nhất [l334] ban hành chiếu định phép thi chọn kẻ sỹ. "Muốn chọn nhơn tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sỹ thưa như sao buổi sớm. Thái tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học nhưng lúc mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chí tiên đế, muốn cầu người hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Nay điều lệ khoa thi, hẹn tới năm Thiệu Bình thứ 5 thì thi hương ở các đạo, đến năm thứ 6 thì thi hội ở đô sảnh đường”[6] .

Với cách nhìn như vậy về đào tạo nhân tài, dù ở mức độ khác nhau, các triều đại phong kiến nước ta đều chú trọng khoa cử. Lịch triều hiến chương loại chí ghi chép rằng, dưới thời Lý Anh Tông đã mở thi đình với các qui chế, điều mục và đại cương đã gần đầy đủ[7]. Đến đời nhà Trần, các khoa thi được mở rộng cả về qui mô và tần suất. Sang đến thời Lê, chế độ khoa cử được phát triển đầy đủ hơn. "Kỳ thi đinh 3 năm một khoa, phép thi bốn trường khác nhau, phép ấy truyền thành qui mãi mãi. Đến đời Quang Thuận Hồng Đức, vận nước tươi sáng, do khoa mục xuất thân, nhân tài đầu dẫy, đủ để cung cho nước dùng”[8].

Chế độ khoa mục được sử dụng trong lịch sử Quốc Tử Giám cho thấy qui trình tìm kiếm, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài của cha ông ta trước đây. Đó là qui trình tìm kiếm qua thi cử, bồi dưỡng qua học hành và sử dụng qua việc bổ nhiệm vào các vị trí thích hợp. Nhân tài được chọn qua các kỳ thi có thể có tên gọi khác nhau song danh hiệu trạng nguyên [chữ Hán …] là được sử dụng phổ biến để chỉ những người đỗ đầu trong các khoa thi tiến sỹ. Để tham gia vào việc thi kỳ thi chọn nhân tài ở Quốc Tử Giám, những người dự thi phải trải qua nhiều kỳ thi mà tên gọi và cách thức tổ chức có sự khác nhau ở mỗi triều đại lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Ví dụ, dưới thời Thánh Tông, năm Thiệu Long thứ nhất, nhà vua mở khoa thi lấy kinh trạng nguyên, trại trạng nguyên và 47 thái học sinh. Thi hội và thi đình được áp dụng khá phổ biến ở triều Lê. Dưới triều Hậu Lê mặc dù có những rối ren về chính trị, chế độ khoa bảng cũng vẫn được duy trì.

Thứ tư, bồi dưỡng nhân tài phải đảm bảo cơ chế tuyển chọn khách quan và tuyển được những người làm công việc đào tạo có tài, đức. Tuyển chọn nhân tài mà thiếu khách quan quan do dựa vào tiền mua chuộc, dựa và thanh thế của người dự thi thì triều định chỉ tuyển được những kẻ gian thần về sau. Chính với nhận thức như vậy, các vương triều trong lịch sử đất nước đã có những chính sách và những giải pháp hiệu quả để đảm bảo việc thi cử diễn ra khách quan, phản ánh đúng thực tài.

Vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 3 đã định lệ bảo kết thi hương với những qui định ngăn ngừa gian dối trong khoa cử như sau: "Cho quan bản quản và bản xã giao kết, người nào thực có đức hạnh mới được khai vào sổ ứng thi. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa dẫu có học vấn, văn chương cũng không được vào thi. Giấy thông thân cước sắc[9] của các cử nhân phải khai rõ xã, huyện, tuổi, chuyên trị kinh gì, cùng cước sắc của ông cha, không được giả mạo".

Tương tự, Vua Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 2 ra sắc dụ ban hành điều lệ về thi hội. Sắc dụ có qui định những biện pháp sau đây để ngăn chặn gian lận thi cử. "Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh nước mới thinh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng mở thì chân nho mới có. Cho nên đời khoa thi chọn người tài giỏi tất phải nghiêm ngặt về qui tắc trường thi, cẩn thận về việc gián tên giữ kín, có lệnh không được bảo nhau nghĩa sách, không được viết thư trao đổi nhau. Đó là cốt ngăn giữ kẻ thi gian, lấy được người thực học để giúp việc nước nhà. Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tin thì không lấy được người thực tài”. Những biện pháp đảm bảo thủ tục trường thi và xử lý hành vi gian dối trong khoa cử rất nghiêm khắc. Ví dụ, trước khi thi, giám quan công đồng phải tìm xét trong trường thi xem có chôn dấu sách vở gì không. Thí sinh vào trường thi phải kiểm tra kỹ ở ngoài cửa. Nếu ai đem theo những bản sao chép văn chương, sách vở hoặc đi thi hộ người khác thì bị bắt tra hỏi, bị sung quân ở bản phủ 3 năm và suốt đời sẽ không được đi thi. Cách tổ chức thi ở Quốc Tử Giám như được mô tả trong sử liệu, nhất là trong Lịch triều hiến Giấy ghi căn cước, chức nghiệp của từng người chương loại chí cho thấy sự nghiêm minh, khách quan trong việc thi tuyển chọn nhân tài. Chắc chắn, trong lịch sử Quốc Tử Giám không phải là không có những gian dối trong thi cử cho dù sử liệu không mô tả những sự kiện này. Tuy nhiên, có thể nói các khoa cử được tiến hành ở Quốc Tử Giám đảm bảo cho các Vương triều Việt Nam tuyển được nhân tài giúp nước. Lịch sử cũng có những giai đoạn mà gian thần lộng quyền, quan chức được mua bằng tiền bạc như dưới thời Lê Hiến Tông [1489 - 1504], thời Cảnh Hưng của Lê Hiển Tông [ 1740 - 1787] song chế độ khoa cử mà cha ông ta để lại đằng sau Quốc Tử Giám cho thấy sự nghiêm minh của việc chọn hiền tài cho đất nước. Sử gia Ngô Sỹ Liên đã luận như sau: "Chọn nhân tài bằng văn học không gì hơn phép này. Xem những người đỗ về các khoa cuối đời Trần thì Nguyễn Ức Trai là nhất, văn chương trí mưu của ông đã cho Triều Lê buổi đầu dựng nước. Sau nữa như Lý Tử Tân, Vũ Mộng Nguyên, Phan Phù Tiên, Nguyễn Thiên Túng đều là văn chương cự phách một thời”[10]

Song song với việc chọn nhân tài, bồi dưỡng và đào tạo các tài năng tương lai cũng được của ông cha ta đặc biệt chú ý. Những người được chọn dạy trong Quốc Tử Giám là những người học rộng, tài cao và có nhân cách. Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Trương Hán Siêu... là những ví dụ. Sau các kỳ thi, các Vương triều đều chọn những người đỗ cao, có kiến thức uyên bác, có uy tín, có đức độ bậc nhất cả nước vào Hàn Lâm Viện và tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Trong lịch sử của Quốc Tử Giám, sau các khoa thi, rất nhiều người dự thi tuy chưa đỗ đạt nhưng do có tài nên được giữ lại Quốc Tử Giám để được tiếp tục dùi mài kinh sử. Ví dụ, khoa thi tháng 3 năm Hưng Long thứ 12 [1305], nhà Vua chọn trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và 47 thái học sinh. 300 thí sinh còn lại được lưu học[11]. Có thể đây được coi là một kiểu học bổng quốc gia của cha ông ta dành cho những người hiền trong tương lai vậy. Những việc như vậy được chép lại không ít trong sử liệu liên quan đến Thăng Long, Quốc Tử Giám.

nhân tài phải được sử dựng và được đối xử đúng với đóng góp và tài năng cũng là bài học mà cha ông ta để lại qua chế độ sử dụng quan chức của các vương triều Việt Nam. Những người đỗ đạt trong các kỳ thi của Quốc Tử Giám đều được bổ nhiệm vào những vị trí tương xứng với tài năng của họ bất kể xuất thân từ những tầng lớp nào trong xã hội trừ những ngoại lệ được pháp luật của các Vương triều qui định. Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trưng Ngạn, Đoàn Nhữ Hải, Phạm Sư Mạnh [triều Trần], Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sỹ v.v …[triều Lê] là những công thần xuất thân từ làng quê Việt Nam. Nhìn vào các bia tiến sỹ và nhìn vào danh sách các danh nhân của đất Việt được liệt trong kê trong Lịch triều hiến chương loại chí mới thấy được mối quan hệ khăng khít giữa việc tuyển chọn nhân tài và sử dựng nhân tài của cha ông ta.

GS, TS Lê Hồng Hạnh [*]

----------------------

[*] Trích đăng Bài tham gia Hội thảo 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với những sự kiện chính trị pháp lý trọng đại của đất nước, ngày 16/9/2010


[1] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 15, Quan chức chí.

[2] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 15, Quan chức chí.

[3] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 15, Quan chức chí.



[4] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 19, Quan chức chí.

[5] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 26, Quan chức chí.

[6] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 26, Quan chức chí.

[7] Tài liệu đã dẫn ở chú thích 6

[8] Tài liệu đã dẫn ở chú thích 6.

[9] Giấy ghi căn cước, chức nghiệp của từng người

[10] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 19, Quan chức chí

[11] Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 26, Quan chức chí



Video liên quan

Chủ Đề