Máy bay Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

[QK7 Online] - Một trong những bí ẩn của cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt Nam là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng, một lực lượng không quân [KQ] hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ và một lực lượng KQ nhân dân Việt Nam sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Không nói về những khía cạnh chính trị, bài viết cố giải mã những bí ẩn của cuộc chiến tranh có quá nhiều bí ẩn. Ngay cả với những người trực tiếp cầm cần lái và nhấn nút phóng tên lửa trên máy bay.
 

Phi đội MiG chuẩn bị xuất kích.


Tháng 6-1971, Tổng thống Mỹ quyết định ném bom miền Bắc lần thứ II Ngày 8 tháng 5 năm 1971, Không quân Mỹ bắt đầu mở chiến dịch Linebacker I, kéo dài đến ngày 23 tháng 10. Trận đánh lớn nhất của Không quân Việt Nam là ngày 10 tháng 5 năm 1971, khi Không quân Việt Nam thực hiện 64 lần xuất kích, triển khai 15 trận đánh và bắn rơi 7 máy bay F-4 của Mỹ. Và, Không quân Việt Nam cũng mất 2 MiG-21, 2 MiG-17 và 1 J-6. Trong một trận không chiến vào ngày 10 tháng 5 năm 1971, Phi đoàn MiG-17 xuất kích để giải tỏa một sân bay quân sự đang bị KQ Mỹ không kích. MiG-17 của ta bí mật bay với độ cao thấp, ẩn nấp theo địa hình rồi bất ngờ tiếp cận đối phương và ngay trong lần không chiến đầu tiên KQ ta đã bắn hạ 1 máy bay F-4. Phi đội 2 MiG-17 quần chiến với 4 máy bay F-4 và ta bị bắn hạ một chiếc. Nhưng khi F-4 và MiG 17 của ta lăn xả vào vòng xoáy truy đuổi nhau thì từ sân bay đang bị phong tỏa xuất kích 2 MiG-21 của ta, nhanh chóng chiếm độ cao, ở khoảng cách 2 km MiG-21 của ta phóng tên lửa hạ 2 F-4 của địch. Ngày 11 tháng 5 năm 1971, hai MiG-21 của ta bay làm mồi nhử kéo 4 chiếc F-4 vào trận địa phục kích của 2 chiếc MiG-21 bay ở độ cao thấp, MiG -21 của ta bất ngờ tấn công và bằng 3 tên lửa, KQ ta đã tiêu diệt 2 máy bay F-4. Ngày 13 tháng 6, một phi đội MiG-21 đánh chặn một nhóm F-4 Phantom II. Lao vào giữa đội hình, 2 máy bay MiG -21 đã làm đội hình chiến đấu của F-4 tan vỡ, các máy bay Phantom hoảng loạn cơ động. Hai máy bay MiG-21 của ta phóng liền 2 tên lửa hạ 2 chiếc F-4. Ngày 18 tháng 5, KQ Việt Nam đã 26 lần xuất kích và triển khai 8 trận đánh, bắn rơi 4 máy bay F-4, KQ ta không có tổn thất. Trong một trận đánh cùng ngày, 2 máy bay MiG - 21 đánh chặn một phi đội F-4, chỉ huy trưởng phi đội, đại úy Ngự khi quay nửa vòng xoáy đã phóng tên lửa tiêu diệt một F-4 nữa của Mỹ.

Mùa hè năm 1972, số lần hoạt động của KQ Mỹ giảm xuống. Ngày 12 tháng 6 năm 1972, phi đoàn máy bay F-4 Phantom đụng độ với 2 máy bay MiG-21 và bị rơi một chiếc, ngày tiếp sau lại có hai cuộc không chiến giữa F-4 và MiG-21, KQ Mỹ mất thêm 2 chiếc F-4 nữa. KQ ta không có tổn thất.


 


Xác máy bay Mỹ bị không quân Việt Nam bắn rơi 
 

Như vậy, mùa xuân và mùa hè năm 1972, có 360 máy bay Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Bắc và 96 máy bay của KQ hải quân Mỹ, đại đa số là máy bay F-4 mẫu nâng cấp cuối cùng. Không chiến với KQ Việt Nam gồm MiG-17, MiG-21 và J-6 với tổng số 187 máy bay, trong đó có 71 máy bay có khả năng tác chiến, có 31 MiG-21. Tháng 12 năm 1972, KQ Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc, tập trung vào các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, nhằm đạt được mục tiêu chính trị trên bàn hội nghị Pari. KQ Mỹ đã sử dụng hầu hết máy bay chiến lượng B-52 ở châu Á Thái Bình Dương vào cuộc hành quân này.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52, Mỹ đã tập trung một lực l­ượng quân sự lớn[1]. Nhà Trắng cho rằng, “Hà Nội sẽ không chịu đựng nổi sức mạnh của một Hi-rô-si-ma không có bom nguyên tử”. Nh­ưng thực tế kết quả Mỹ đã phải trả giá đắt: 81 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc máy bay chiến lược B-52 [có 16 B-52 rơi tại chỗ], 5 máy bay F-111, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Bị tổn thất lớn số lượng máy bay chiến lược B-52, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng cuộc tập kích, ngồi vào bàn Hội nghị, chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch Linebacker II với 8 trận không chiến, KQ Mỹ đã triệt để sử dụng kỹ thuật gây nhiễu tích cực, kỹ thuật này đã gây rất nhiều khó khăn cho các đài rađar dẫn đường của ta và các phi công MiG -21 trên màn hình rađar cũng hoàn toàn bị tín hiệu nhiễu phủ kín, các phi công Việt Nam phải bắn bằng kính ngắm thường và sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, nhưng khi sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn bị giảm sút và khoảng cách phóng cũng không chính xác. Đây cũng là điểm yếu nhất của MiG-21 do rađar bám và theo dõi mục tiêu bị nhiễu. Tuy vậy, trong 8 trận không chiến, KQ Mỹ cũng bị mất 7 máy bay, trong đó có 4 F-4. KQ Việt Nam cũng mất 3 chiếc MiG-21. Dù với lực lượng phi công đã được huấn luyện kỹ về các chiến thuật chống MiG-21, và với chiến thuật gây nhiễu dày đặc, bay đêm. KQ Mỹ vẫn bị tổn thất nặng nề. Để phục vụ cho mục tiêu chiến lược, biết được tâm lý sợ MiG-21 và tên lửa SAM của phi công Mỹ, các máy bay MiG thực hiện chiến thuật không tham gia vào không chiến tay đôi, MiG của ta được lệnh đánh chặn từ xa, bất ngờ tấn công phá đội hình đối phương sau đó nhanh chống thoát ly trở về sân bay, buộc các máy bay tiêm kích ném bom F-4 phải hạ độ cao cho hỏa lực phòng không dày đặc trên mặt đất bắn hạ. Mặc dù chiến thuật như vậy, nhưng MiG-21 vẫn chiếm ưu thế về tốc độ và khả năng cơ động trong những tầm bay trung bình và  bay thấp trước các loại máy bay F-4E và F-4J của Mỹ. Ngày 22 tháng 12 năm 1972, KQ ta đánh chặn cuộc tấn công của các máy bay Mỹ, phi đội 2 chiếc MiG-21 cất cánh; trong không chiến, một MiG bị bắn hạ. Ngày 23 tháng 12, phi đội 4 chiếc MiG-21 cất cánh và bắn hạ 1 F-4, ngày 27 phi đội MiG-21 lại cất cánh và bắn rơi 2 F-4. Ngày 27 tháng 12, 2 máy bay MiG-21 trực chiến trên sân bay Nội Bài, cất cánh bay ở độ cao thấp 300 m so với mặt đất, bí mật tiếp cận mục tiêu, tăng tốc và lấy độ cao. Mục tiêu được phát hiện bằng mắt thường ở khoảng cách 8 km, được lệnh tấn công, MiG -21 bất ngờ tiếp cận mục tiêu, phóng tên lửa hạ 1 F-4. Chỉ huy đội bay khi quay về phát hiện thêm 2 F-4 đang bám phi công số 2 của ta, trong chớp nhoáng bằng 1 kỹ thuật cơ động điêu luyện số 1 đã phá đội hình đối phương, cắt số 2 khỏi tốp F-4 của địch. Vòng xoáy không chiến xảy ra giữa từng đôi MiG-21 và F-4 Phantom II, kết quả số 1 thoát khỏi truy đuổi của F-4 hạ cánh an toàn, số 2 khi thực hiện bất ngờ lên cao đã bắn hạ thêm một F-4, nhưng máy bay cũng bị thương nặng do tên lửa Sidewinder nổ gần với ống xả phản lực. Phi công ta nhảy dù an toàn. Trong đợt không kích của B52, do sợ MiG -21 tấn công, F-4 đã đóng vai trò mục tiêu giả và phục kích, phi đội F-4 bay với tốc độ hành trình và đội hình đi sát với nhau. Trên màn hình rađar mục tiêu tương tự như mục tiêu B52, khi MiG tấn công, F-4 sẽ bay tản ra, cơ động tấn công MiG-21. Trong các tài liệu của KQ Việt Nam không có nguồn tài liệu nào ghi lại một trận đánh như vậy. Nhưng 2 máy bay B-52 đã bị MiG-21 bắn hạ, một chiếc bị phi công anh hùng Phạm Tuân bắn hạ ở tầm bắn 2000 m. một chiếc bị phi công anh hùng Vũ Quang Thiều bắn trong tầm bắn gần, máy bay đã lao vào điểm nổ. Anh hùng phi công Vũ Quang Thiều hy sinh. Trong cả năm 1972, giữa KQ Mỹ và KQ Việt Nam xảy ra 201 trận không chiến. Phía Việt Nam mất 54 máy bay, trong đó có 36 máy bay MiG-21 và 1 máy bay huấn luyện MiG-21 US. Phía Mỹ thiệt hại 90 máy bay trong đó có 74 máy bay F-4 và 2 máy bay trinh sát RF-4C. Riêng MiG -21 diệt 67 máy bay của Mỹ. Chiến thắng kỳ lạ cuối cùng của người Mỹ trong cuộc chiến tranh KQ ở Việt Nam là máy bay F-4J Phantom II cất cánh từ tàu sân bay MidWay, chỉ huy Trung úy Victor Covalevski bằng một tên lửa Sidewinder bắn hạ một máy bay MiG -17, nhưng cũng sau hai ngày, chính chiếc F-4J này của Trung úy Victor Covalevski cũng bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam, nó cố lết ra biển và rơi, 2 phi công được cứu thoát. Như vậy, tỷ lệ 2/1 gần như được giữ suốt cuộc chiến tranh trên không giữa KQ Mỹ và KQ Việt Nam. Từ góc độ kỹ chiến thuật, có thể nhận thấy rằng: Mặc dù liên tục thay đổi chiến thuật và phương thức tác chiến, vũ khí trang bị, với những phi công dày dạn kinh nghiệm và có số lượng giờ bay hơn rất nhiều lần, nhưng KQ Mỹ cũng không thể tiêu diệt được lực lượng KQ Việt Nam, mà còn bị tổn thất nặng nề, với không gian thu hẹp của chiến trường miền Bắc Việt Nam, với gần 4000 máy bay của không lực Hoa Kỳ bị tổn thất, có thể nói. Người Mỹ đã thua trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.  

Về nguyên nhân thất bại của KQ Mỹ

  Phi công Mỹ phải chiến đấu trên 2 mặt trận: Vừa phải chống lại những phi công MiG điêu luyện của Việt Nam, vừa phải chống lại những khiếm khuyết kỹ thuật của F-4 nặng nề. Nếu phi công được huấn luyện cho phương thức tác chiến năng động, cơ động, nhưng lại phải điều khiển một máy bay tiêm kích bom kém cơ động. Đó là một vấn đề, F-4 chỉ có khả năng né tránh một cuộc công kích, mà không có khả năng phản kích do máy bay MiG-21 nhẹ hơn, góc ngoặt và khả năng tăng tốc cao hơn để chiếm vị trí thuận lợi cho tấn công. Trong điều kiện hộ tống máy bay ném bom chiến lược B52 đến mục tiêu cần đánh phá, nhiệm vụ đặt ra đã làm cho F-4 không có khả năng chủ động tác chiến tự do, cơ động và hỗn chiến cùng với máy bay đối phương, mà chỉ có khả năng chống trả và phòng ngự thụ động.   Khi xuất hiện nhóm tiêm kích “topgun” tình hình chiến trường có thay đổi, nhưng sức mạnh của tên lửa S-75 và lưới lửa phòng không mặt đất dày đặc đã khóa khả năng tác chiến của những phi công có trình độ chiến thuật cao. Do đó, với sự phối hợp giữa các đài rađar trinh sát dẫn đường, tên lửa phòng không và pháo phòng không với KQ đã tăng khả năng tác chiến của KQ Việt Nam nhiều lần.   Các phi công Việt Nam đã thành công trong việc áp đặt cách đánh đối với phi công Mỹ, kế hoạch phục kích và tấn công đã buộc KQ Mỹ rơi vào thế phòng thủ bị động, khi chuyển sang tấn công cũng thụ động và kém linh hoạt hơn. Mặc dù tỷ lệ tổn thất của máy bay Mỹ so với tỷ lệ tổn thất của MiG khá cao 2:1 nhưng rõ ràng khả năng tổn thất sẽ giảm hơn nếu những phi công Việt Nam có số giờ bay cao hơn, kinh nghiệm tác chiến cao hơn và sử dụng triệt để tính năng kỹ chiến thuật của MiG- 21. Bài học kinh nghiệm về cuộc chiến tranh KQ trên không phận Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, lực lượng KQ của Việt Nam đã thành công trong việc đối đầu với lực lượng KQ hùng mạnh, dày dạn kinh nghiệm của Mỹ. Có nhiều vấn đề còn phải bàn cãi, nhưng nếu KQ Việt Nam có được sự đầy đủ về vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh, kinh nghiệm tác chiến cũng như thời gian huấn luyện tác chiến, thì tổn thất của người Mỹ trong chiến tranh KQ này sẽ không dừng lại ở tỷ lệ 2/1 và chỉ có 2 B52 bị MiG-21 tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội. Chiến  tranh KQ ở Việt Nam đã khẳng định: tốc độ, sức cơ động với chiến thuật thông minh, nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện, đồng thời với sự chỉ huy năng động, sáng tạo, chặt chẽ từ cấp chiến lược, chiến dịch đến sự tuân thủ tuyệt đối của người phi công với người chỉ huy trực tiếp của mình quyết định sự thành bại trên chiến trường. Sức mạnh của lực lượng KQ trong các trận không chiến phần lớn phụ thuộc vào sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện hỏa lực, trinh sát, cảnh báo sớm và khả năng khai thác tuyệt đối tính năng kỹ, chiến thuật của phương tiện bay, đồng thời là sự năng động, sáng tạo, trình độ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của phi công trên cánh bay. Phối kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong đội bay và tuân thủ mệnh lệnh. Trong chiến tranh hiện đại, những máy bay tiêm kích đa dụng như F-16, F-18, MiG -29, SU-30MK có rất nhiều điểm mạnh, hệ thống rađar công suất lớn, tên lửa không đối không có khả năng tấn công từ xa, súng máy rất mạnh, tính cơ động rất cao. Nhưng cuộc không chiến dường như không phải đơn thuần là cuộc đối đầu về kỹ thuật. Mà còn là cuộc đối đầu về năng lực tác chiến, kỹ năng cơ động tấn công và phòng thủ, đặc biệt là kỹ năng phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, tránh tên lửa không đối không và các kỹ xảo bay phức tạp, cận chiến và thoát hiểm. Dù chiến tranh đã qua đi 45 năm, nhưng phân tích những bài học kinh nghiệm của các cuộc không chiến, những kỹ năng mà phi công cả hai bên thực hiện trong cuộc đối đầu không cân sức, những chiến thuật mà hai bên thực hiện, những chiến thắng và tổn thất vẫn là bài học quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Thiếu tướng Vũ Văn Kha,  Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ

Video liên quan

Chủ Đề