Khám thai bao nhiêu lần

Sau khi được bác sĩ khám, bà bầu được chỉ định siêu âm thai để đánh giá thai nằm đúng vị trí hay không, đánh giá tử cung và phần phụ, có thể siêu âm qua thành bụng hay qua đầu dò âm đạo, trên hình ảnh siêu âm thai, bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh túi thai trong buồng tử cung, có hình ovan, đo được đường kính túi thai ta gọi là GS chữ viết tắt: Gestational Sac khoảng: 10 – 12 mm, tương đương có tuổi thai khoảng 4 – 5 tuần, bên trong hình ảnh túi thai ta thấy được yolksac [+], đây là hình ảnh cúc phôi trong giai đoạn hình thành phôi thai. Điều này minh chứng cho rằng túi thai đã nằm hoàn toàn trong buồng tử cung và đang phát triển thành thai nhi.

Tham khảo: Bao nhiêu ngày thì thai vào tử cung

Việc khám thai lần đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cặp vợ chồng, đặc biệt các cặp vợ chồng mang thai bé đầu tiên .Qua siêu âm thai, Bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát của mẹ, xác định người mẹ có thai và chính thức có túi thai nằm trong buồng tử cung của người mẹ, phân biệt được thai có nằm ngoài tử cung không qua việc siêu âm thai bằng đầu dò âm đạo. Đồng thời cũng đánh giá được tình trạng thai qua việc quan sát túi thai phát triển tốt hay chưa tốt, biểu hiện vòng sáng xung quanh túi thai, có hiện tượng bóc tách túi thai hay không, vị trí túi thai nằm trong buồng tử cung ở vị trí bình thường hay vị trí thấp.

Khám thai lần đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ lập kế hoạch khám thai định kỳ cho người mẹ và người bố tương lai, tư vấn về chế độ ăn, chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, vệ sinh thân thể, thể dục thể thao, du lịch và sinh hoạt vợ chồng. Đặc biệt trong những trường hợp người mẹ có bệnh lý đi kèm hoặc tình trạng thai nhi qua việc đánh giá bằng hình ảnh siêu âm thai nhi không được khỏe thì việc điều trị ngay từ ban đầu là điều vô cùng thiết thực và ý nghĩa cho người mẹ mang thai.

Tham khảo: Sự phát triển thai nhi theo tuần

Siêu âm thai lần đầu có những bước nào?

Thăm khám tiền sử bệnh lý của mẹ

Lần đầu tiên khi siêu âm, các bác sĩ sẽ rất quan tâm đến sức khỏe tổng quan của mẹ. Điều này giúp cho việc siêu âm được thuận lợi và có kết quả chính xác hơn. Để thuận tiện, mẹ nên mang theo sổ khám sức khỏe khi siêu âm. Các mẹ có thể sẽ phải trả lời cho bác sĩ một số thông tin như bên dưới:

  • Trước đây mẹ đã từng mang thai chưa?
  • Trước khi siêu âm, mẹ có từng hay đang mắc bệnh gì không?
  • Mẹ có các vấn đề liên quan đến dị ứng hay không?
  • Chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mẹ như thế nào?
  • Mẹ có đang sử dụng thuốc không?
  • Mẹ có sử dụng các chất kích thích hay gây nghiện nào trước đây không?

Hỏi về kỳ mang thai

Các bác sĩ sẽ hỏi về thời điểm diễn ra chu kỳ kinh nguyệt gần nhất hoặc biểu hiện khi mang thai của mẹ.

Thăm khám về tình hình sức khỏe hiện tại

  • Đo chiều cao, cân nặng, huyết áp
  • Kiểm tra sức khỏe hệ hô hấp, tim mạch, khoang bụng và ngực
  • Kiểm tra xương chậu và cơ quan sinh sản

Tiến hành một vài xét nghiệm liên quan

  • Kiểm tra tiểu đường.
  • Xét nghiệm beta HCG
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm tiểu đường
  • Xét nghiệm máu xem mẹ có bị thiếu máu hay không
  • Xét nghiệm viêm gan B, AIDS

>> Tham khảo: Tiểu đường thai kỳ và điều bạn cần biết

Bác sĩ Bùi Thi Thu Hà lưu ý rằng: 

  • Các xét nghiệm trên nên làm tại thời điểm thai 7 tuần, khi thai nhi đã có tim thai. 
  • Xét nghiệm Beta hCG chỉ làm khi bác sĩ có nghi ngờ, ví dụ như trễ kinh mà không thấy thai ở trong lòng tử cung hay có nghi ngờ thai trứng, thai lưu, thai sảy… 
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm xét nghiệm TORCH [T- Toxoplasmosis, [O- Other Agents, [R] Rubella], [C] Cytomegalovirus, [H]erpes Simplex], nhằm xác định miễn dịch đầu thai kỳ của sản phụ. Nếu mẹ đã có miễn dịch từ đầu thai kỳ [TORCH IgG dương tính], thì trong trường hợp mẹ mắc bệnh như sốt, phát ban,... hay bé chậm tăng trưởng trong tử cung, tỉ lệ dị tật sẽ giảm đi do loại trừ được khả năng nhiễm cấp nguyên phát. Tại một số bệnh viện, xét nghiệm TORCH sẽ được gộp chung với bộ sàng lọ trisomy 21[Combined test].

Bác sĩ giải đáp thắc mắc cho mẹ bầu

Sau khi thực hiện tất cả các bước trên, mẹ có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để giải đáp các thắc mắc về kết quả xét nghiệm cũng như các vấn đề liên quan khác.

Trong gia đình, ai cũng mong muốn sự ra đời của các cháu bé khỏe mạnh, thông minh, và trở thành người có ích cho xã hội. Việc có thai và sanh con là nhiệm vụ thiêng liêng, đồng thời cũng là quyền lợi đặc biệt của người phụ nữ. Thai nghén là một hiện tượng sinh lý bình thường, song có thể gặp thai bệnh lý hay bệnh lý đi kèm với thai, gây nguy hại cho mẹ và thai nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Tổ chức Y tế thế giới [WHO] đã phân chia thai nghén nguy cơ thấp và thai nghén nguy cơ cao, chứ không có thai nghén không có nguy cơ. Vì vậy việc khám, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi trong suốt quá trình thai nghén là vấn đề quan trọng và cần thiết chẳng những thai phụ mà gia đình và xã hội phải quan tâm.

Bs Phạm Bích Chi

Lịch khám thai định kỳ

 

Theo quy định của Bộ Y tế, một thai kỳ người mẹ phải được khám thai ít nhất ba lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên nếu khám đầy đủ thì phải 7 đến 10 lần đối với một thai kỳ bình thường. Những thai kỳ có nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp, đái đường thai kỳ vv… thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai.

Lịch khám thai định kỳ đối với một thai kỳ bình thường:

- 3 tháng đầu [tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày]: khám thai 1 đến 2 lần.

- 3 tháng giữa [từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày]: khám thai mỗi tháng 1 lần.

- 3 tháng cuối [từ tuần 29 đến tuần 40]:

+ Từ tuần 29 đến 32 : khám 1 lần

+ Từ tuần 32 đến 36 : 2 tuần khám 1 lần

+ Từ tuần 37 đến 40 : 1 tuần khám 1 lần.

Tầm quan trọng và nội dung khám thai 3 tháng đầu:

Tầm quan trọng: lần khám thai đầu tiên ở 3 tháng đầu rất quan trọng vì:

- BS chẩn đoán có thai hay không? Mấy thai?

- BS chẩn đoán loại trừ các trường hợp thai bệnh lý gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng mẹ như : thai trứng, thai ngoài tử cung, hay thai ngừng phát triển…vv.

- BS chẩn đoán tuổi thai và tính ngày dự sanh: các chị không nhớ kinh chót, kinh không đều, hoặc không có kinh… nên khám thai 3 tháng đầu sẽ được chẩn đoán tuổi thai và dự đoán ngày sanh chính xác hơn so với chỉ khám 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối.

- BS sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ đi kèm như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… từ đó sẽ tư vấn cho bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ, cách điều trị, cách dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo.

- BS sẽ phát hiện bệnh lý phụ khoa đi kèm như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung… từ đó tư vấn cho thai phụ cách xử trí thích hợp.

Nội dung khám: các bà mẹ sẽ được

- Khám toàn diện: tim, phổi, cân trọng lượng, đo huyết áp, khám gan, lách…

- Siêu âm thai

- Thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu

- Xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi [combined test], đo độ mờ da gáy khi thai được 11 đến 13 tuần 6 ngày. Nếu thai có nguy cơ cao sẽ được tư vấn sinh thiết gai nhau, hoặc lấy máu cuống rốn xét nghiệm.

Tầm quan trọng và nội dung khám thai 3 tháng giữa

 

Tầm quan trọng: khám thai ở 3 tháng giữa cũng rất quan trọng vì

- Xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi [triple test] đối với những trường hợp chưa thực hiện sàng lọc trong 3 tháng đầu

- Siêu âm chẩn đoán dị tật dị dạng thai nhi tuần lễ thứ 15 đến 19. Thai lớn hơn sẽ khó quan sát dị tật dị dạng hơn. Trường hợp dị tật nặng sẽ được tư vấn chấm dứt thai kỳ sớm, tránh ảnh hưởng tâm lý cho mẹ về sau.

- Phát hiện các bất thường của mẹ: hở eo tử cung, tiền sản giật, dọa sanh non… để có kế hoạch điều trị và theo dõi thích hợp.

- Theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của mẹ… từ đó có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt cho mẹ

- 3 tháng giữa là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và ít gây sanh non, như: khâu eo tử cung, bóc u xơ tử cung, bóc u nang buồng trứng…

Nội dung khám: các bà mẹ sẽ được

- Cân trọng lượng, đo huyết áp.

- Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.

- Khám âm đạo phát hiện cổ tử cung ngắn hay hở

- Chọc ối kiểm tra nhiễm sắc thể thai nhi đối với thai có nguy cơ dị tật cao

- Siêu âm để

+ Đánh giá tình trạng nhau, thai, và ối

+ Đo chiều dài cổ tử cung khi thai 16 đến 24 tuần

+ Siêu âm 3D, 4D phát hiện dị tật thai

- Xét nghiệm nước tiểu : tổng phân tích nước tiểu

- Tầm soát đái tháo đường thai kỳ khi thai 24 đến 28 tuần

- Tiêm ngừa uốn ván [sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần – tại BV PSN BD]

Tầm quan trọng và nội dung khám thai 3 tháng cuối

 

Tầm quan trọng: các tai biến sản khoa thường xảy ra trong giai đoạn này, do đó sản phụ cần được khám thai để

- Chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ, từ đó tiên lượng cuộc sanh sắp tới dễ hay khó , có nguy cơ gì?

- Phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao, cho nhập viện sớm trước ngày dự sanh để chăm sóc và theo dõi

- Cho nhập viện mổ sanh chủ động những trường hợp thai trưởng thành có nguyên nhân đẻ khó cố định như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ dưới 36 tháng…vv

- BS sẽ tư vấn cấp cơ sở y tế nào mà thai phụ nên chủ động đến sanh [xã, huyện, tỉnh…]

Nội dung khám:các bà mẹ sẽ được

 

- Cân trọng lượng, đo huyết áp.

- Đo bề cao tử cung, nghe tim thai

- Hướng dẫn cách đếm cử động thai.

- Hướng dẫn các dấu hiệu bất thường cần theo dõi;: ra huyết, ra nước âm đạo, đau bụng từng cơn, nhức đầu, chóng mặt…

- Xét nghiệm nước tiểu

- Siêu âm xác định ngôi thai, đánh giá sự phát triển của thai, vị trí nhau, lượng nước ối….

- Đánh giá sức khỏe thai và cơn co tử cung bằng máy Monitoring

- Xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng Streptococcus nhóm B âm đạo [thai 35 đến 37 tuần]

- Tư vấn dự trữ tế bào gốc cho con

Kết luận:

Một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ dù thấp hay cao, nên rất cần có sự hợp tác, phối hợp tốt giữa thầy thuốc sản khoa và thai phụ để thai kỳ được kết thúc tốt đẹp, “mẹ tròn con vuông”, từ đó mới giảm được tỷ lệ tử vong cho cả mẹ và con.

Chủ Đề