Hướng dẫn khai lý lịch công chức

HƯỚNG DẪN KHAI LÝ LỊCH CỦA NGƯỜI XIN VÀO ĐẢNG

[Theo Hướng dẫn số 05/HD - TCTW ngày 26-2-2002

  về Hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên]

I. Yêu cầu:

Người vào Đảng tự khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong lý lịch; không tẩy xoá, sửa chữa và nhờ người khác viết hộ.

II. Nội dung khai lý lịch:

1. Họ và tên đang dùng: Viết đúng họ, chữ đệm và tên, ghi như trong giấy chứng minh nhân dân, bằng chữ in hoa. Ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.

2. Nam, nữ: là nam thì gạch chữ “nữ”, là nữ thì gạch chữ “nam”.

3. Họ và tên khai sinh: viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.

4. Bí danh: viết các bí danh đã dùng.

5. Ngày, tháng, năm sinh: viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh. Nếu không còn giấy khai sinh thì khai theo giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc theo các giấy tờ cần thiết khác chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại điều kiện theo quy định tại điều 29 Bộ luật dân sự.

6. Nơi sinh: Viết rõ thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, quận, thành phố theo tên hiện hành của hệ thống hành chính Nhà nước nơi cấp giấy khai sinh.

7. Quê quán: là nơi sinh sống của ông, bà nội, cha đẻ, trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ [nếu không biết rõ bố, mẹ]. Viết địa chỉ như chỉ tiêu 06 nêu trên.

8. Nơi ở hiện nay: là nơi đăng ký trong sổ hộ khẩu. Viết địa chỉ như chỉ tiêu 06 nêu trên. Nếu bản thân hiện nay đang tạm trú ở đâu thì viết thêm địa chỉ nơi tạm trú.

9. Dân tộc: viết tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường...[nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài].

10. Tôn giáo: trước khi vào Đảng theo tôn giáo nào thì ghi rõ: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo...ghi cả chức sắc trong tôn giáo [nếu có], không theo đạo nào thì ghi “không”.

11. Nghề nghiệp của bản thân hiện nay: viết rõ: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, thợ thủ công, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp...; nếu sống phụ thuộc gia đình thì ghi là học sinh, sinh viên hoặc chưa có việc làm.

12. Trình độ hiện nay:

- Giáo dục phổ thông: viết rõ đã học xong lớp mấy hệ 10 hay 12 năm, chính quy hay bổ túc văn hoá [ví dụ: 8/10 chính quy; 9/10 bổ túc văn hoá].

- Chuyên môn, nghiệp vụ, học vị, học hàm: đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật gì thì viết theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức. Cụ thể như sau:

+ Chuyên môn, nghiệp vụ: viết theo bằng cấp về chuyên môn nghiệp vụ [ví dụ: Công nhân kỹ thuật hàn bậc 3, Trung cấp Thú y, Cao đẳng Sư phạm, Đại học nông nghiệp...].

+ Học vị: viết rõ học vị theo bằng cấp về chuyên môn kỹ thuật [ví dụ: Tiến sỹ Toán học, Thạc sỹ Triết học, Cử nhân Luật, Kỹ sư cơ khí, Bác sỹ Ngoại khoa...theo đúng văn bằng] nếu có nhiều bằng thì ghi tất cả.

+ Học hàm: là danh hiệu được Nhà nước phong như: Giáo sư, Phó Giáo sư.

- Lý luận chính trị: viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân, hệ chính quy hay tại chức. Nếu đã học xong chương trình 2 năm ở trong nước trước đây, ở Liên Xô [cũ] và một số nước xã hội chủ nghĩa khác thì viết là cao cấp. Nếu đã học ở các trường đại học trong nước viết theo quy định của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.

 - Ngoại ngữ: viết theo văn bằng hoặc chứng nhận đã được cấp: Đại học Anh ngữ, Pháp ngữ, Nga ngữ...[nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ]. Đối với hệ bồi dưỡng ngoại ngữ thì ghi là: Anh, Pháp, Nga...trình độ A, B, C, D.

13. Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đoàn [chi đoàn, đoàn cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương].

14. Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất [nếu có]: viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng [chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện tỉnh hoặc cơ quan Trung ương].

15. Ngày và nơi công nhận chính thức lần thứ nhất [nếu có]: Viết như chỉ tiêu 14.

16. Người giới thiệu vào Đảng lần thứ nhất [nếu có]: viết rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác từng người lúc giới thiệu mình vào Đảng, nếu ban chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu thì viết rõ tên đoàn thanh niên cơ sở và tổ chức đoàn thanh niên cấp trên trực tiếp.

17. Lịch sử bản thân: tóm tắt quá khứ từ thời niên thiếu cho đến ngày tham gia hoạt động xã hội [như ngày vào Đoàn thanh niên, nhập ngũ], ngày thoát ly hoặc ngày vào hoạt động trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.

18. Những công tác, chức vụ đã qua: viết đầy đủ, rõ ràng, liên tục 9theo tháng] từ khi tham gia hoạt động xã hội đến nay, từng thời gian làm việc gì? ở đâu? Giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học, xã hội...[viết cả thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, tái ngũ, bị bắt, bị tù, bị đứt liên lạc hoặc không hoạt động nếu có...]

19. Đặc điểm lịch sử: Viết rõ lý do bị ngừng sinh hoạt đảng [nếu có]; có bị bắt, bị tù không [do chính quyền nào, từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu]. Có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài [làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu?].

20. Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: viết rõ đã học những lớp lý luận chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ nào, theo chương trình gì; cấp nào mở, tên trường, thời gian học, ở đâu; học chính quy hay tại chức; tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.

21. Đi nước ngoài: viết rõ thời gian từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào, đi nước nào, nội dung đi; do cấp nào cử đi.

22. Khen thưởng: viết rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng [từ bằng khen trở lên], cấp nào quyết định; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo ưu tú...

23. Kỷ luật: viết rõ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật [về kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên]. Cấp nào quyết định.

24. Hoàn cảnh gia đình: Viết rõ những người chủ yếu trong gia đình như:

- Cha, mẹ đẻ [hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ], cha, mẹ vợ [hoặc cha, mẹ chồng], vợ hoặc chồng: Viết rõ: họ và tên, năm sinh, quê quán; chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị của từng người qua các thời kỳ:

+ Về hoàn cảnh kinh tế từng người: Viết rõ thành phần giai cấp trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954 [ở miền Bắc] hoặc trong cải tạo nông, công, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh thành phố phía Nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản...[nếu có sự thay đổi thành phần giai cấp cần nói rõ lý do]. Nếu thành phần gia đình chưa được quy định ở các thời điểm nêu trên và hiện nay thì viết như nội dung hướng dẫn ở chỉ tiêu 11 nêu trên. Nguồn thu nhập, mức sống của gia đình hiện nay [viết tại thời điểm kê khai, bao gồm: Tổng thu nhập của hộ gia đình [trong 01 năm]: gồm lương, các nguồn thu khác của bản thân và của các thành viên cũng sinh sống chung trong một hộ gia đình về kinh tế. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh [viết rõ ngồn gốc: được cấp, đựoc thuê, tự mua, xây dựng, nhà đất thừa kế...tổng diện tích] của bản thân và của các thành viên khác cũng sinh sống chung trong một hộ gia đình [thành viên nào đã ra ở riêng thì không khai ở đây]. Hoạt động kinh tế: Viết rõ kinh tế cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, chủ trang trại...số lao động thuê mướn. Những tài sản có giá trị lớn: Viết những tài sản của bản thân và hộ gia đình có giá trị 50 triệu đồng trở lên.].

+ Về thái độ chính trị của từng người: Viết rõ đã tham gia tổ chức cách mạng, làm công tác gì, giữ chức vụ gì? Tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái nào... của đế quốc hoặc chế độ cũ; hiện nay, những người đó làm gì? ở đâu? Nếu chết thì ghi rõ lý do chết, năm nào? Tại đâu?

-    Anh, chị, em ruột của bản thân, của vợ [hoặc chồng]; các con: Viết rõ họ tên, năm sinh [tuổi], chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị qua các thời kỳ như trên.

-    Đối với ông, bà, nội ngoại, chú bác cô dì cậu ruột: viết rõ họ tên, tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp và thái độ chính trị qua các thời kỳ của từng người như trên.

25. Tự nhận xét: Viết những ưu, khuyết điểm chính của bản thân về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ quần chúng từ khi phấn đấu và Đảng đến nay; sự tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác đối với bản thân như thế nào?

26. Cam đoan và ký tên: Viết “Tôi cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng và chịu trách nhiệm trước Đảng về những điều đã khai trong lý lịch”; viết rõ ngày, tháng, năm, ký tên, ghi rõ họ tên.

11:54, 24/06/2017

Theo quy định hiện nay, Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức [CBCC] Mẫu 2c-BNV/2008 được sử dụng thống nhất thay thế mẫu Sơ yếu lý lịch 02a-BNV/2007. Việc kê khai thông tin CBCC được thực hiện theo hướng dẫn sau:

Mục lục bài viết

1. Họ và tên khai sinh:

Viết chữ in hoa đúng với họ và tên trong giấy khai sinh

2. Tên gọi khác:

Là tên gọi khác hoặc bí danh khác dùng trong hoạt động cách mạng, báo chí, văn học nghệ thuật,… [nếu có]

3. Sinh ngày: 

Ghi đầy đủ ngày, tháng năm sinh như trong giấy khai sinh

4. Nơi sinh: 

Nơi CBCC được sinh ra [ghi đúng như trong giấy khai sinh]. Nếu có thay đổi địa danh đơn vị hành chính thì ghi , nay là .

5. Quê quán: 

Ghi nơi sinh trưởng của cha đẻ/ông nội của CBCC Trường hợp đặc biệt có thể ghi theo quê quán của mẹ đẻ/người nuôi dưỡng mình từ nhỏ [nếu không biết rõ cha, mẹ đẻ].

6. Dân tộc: 

Ghi rõ tên dân tộc theo quy định của Nhà nước như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Ê đê, Kh’me,..       

7. Tôn giáo: 

Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cao Đài,… Nếu không theo tôn giáo nào, thì ghi là “Không”, không được bỏ trống.

8. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 

Ghi theo địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú

9. Nơi ở hiện nay:

Ghi theo địa chỉ nơi đang ở hiện tại

10. Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: 

Ghi rõ đã làm nghề gì để kiếm sống trước khi được tuyển dụng. Nếu chưa có nghề, sống phụ thuộc vào gia đình, thì ghi là “Không nghề nghiệp”.

11. Ngày tuyển dụng:

Ngày, tháng, năm có quyết định tuyển dụng

12. Chức vụ [chức danh] hiện tại: 

Chức vụ, chức danh công việc chính được phân công đảm nhiệm về chính quyền [hoặc Đảng, đoàn thể], kể cả kiêm nhiệm

13. Công việc chính được giao: 

Tên công việc chính được lãnh đạo phân công đảm nhiệm

14. Ngạch công chức [viên chức]:

Tên ngạch công chức hoặc viên chức được bổ nhiệm

15.1. Trình độ giáo dục phổ thông: 

Đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.
Ví dụ: Lớp 10/10 [đối với người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm]; Lớp 12/12 [đối với người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm]

15.2. Trình độ chuyên môn cao nhất: 

Trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai kèm theo chuyên ngành đào tạo.

VD: Người có nhiều văn bằng đào tạo như: kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại là: Tiến sĩ + chuyên ngành đào tạo.

15.3 Lý luận chính trị: 

Trình độ lý luận chính trị cao nhất đã được đào tạo, bồi dưỡng

15.4. Quản lý nhà nước:

- Chứng chỉ đào tạo tiền công vụ; chứng chỉ bồi dưỡng theo ngạch công chức, các văn bằng có giá trị thay thế các loại chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước.

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh công chức lãnh đạo Cấp Phòng và tương đương, cấp Sở và tương đương, cấp Vụ và tương đương, Thứ trưởng và tương đương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh; chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; chứng chỉ bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

15.5. Ngoại ngữ:

- Ghi tên ngoại ngữ + trình độ đào tạo A, B, C. Ví dụ: Anh C, Pháp B, Nga A,…;

- Trường hợp CBCC được đào tạo đại học hoặc trên đại học ở nước ngoài, có sử dụng ngoại ngữ của nước sở tại để học tập, nghiên cứu nhưng không được cấp bằng ngoại ngữ, thì được công nhận ngoại ngữ ở trình độ D. Ví dụ như: Nga D, Hungari D,…;

- Trường hợp CBCC đã có bằng ngoại ngữ từ trình độ cử nhân trở lên thì ghi tên văn bằng + tên ngoại ngữ. Ví dụ: Cử nhân Pháp văn, Thạc sĩ Anh văn,…

15.6. Tin học:

Ghi trình độ tin học cao nhất phù hợp với văn bằng, chứng chỉ của CBCC được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ví dụ như: Tin học Văn phòng A, B, C hoặc Kỹ sư, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

16. Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: 

- Ghi rõ ngày, tháng, năm được kết nạp vào Đảng;

- Nếu kết nạp Đảng lần thứ 2 mà tuổi Đảng được tính liên tục thì ngày vào Đảng tính từ lần thứ nhất;

- Nếu tuổi Đảng không tính liên tục thì ghi ngày vào Đảng lần thứ 2.

17. Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: 

Ghi ngày, tháng, năm tham gia tổ chức Đoàn, Hội,…và ghi rõ làm việc gì trong tổ chức.

18. Ngày nhập ngũ: 

- Ghi ngày, tháng, năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội hoặc công an [nếu có].

- Nếu có thời gian tái ngũ, thì ghi thêm ngày tái ngũ bên cạnh ngày nhập ngũ.

19. Danh hiệu được phong tặng cao nhất: 

Danh hiệu anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú,… [nếu có] và năm được phong tặng.

20. Sở trường công tác: 

Làm việc gì thì thích hợp nhất, có hiệu quả nhất [công tác Đảng, đoàn thể; quản lý kinh tế, hành chính, doanh nghiệp; sở trường nghiên cứu về…, giảng dạy về…; nghệ nhân gì, viết văn, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên, vận động viên,…].

21. Khen thưởng:

- Thời gian khen thưởng: tháng/năm.

- Nội dung và hình thức khen thưởng: khen thưởng về thành tích gì, hình thức như: Giấy khen, Bằng khen, Huy chương, Huân chương.

- Cấp quyết định khen thưởng.

22. Kỷ luật:

- Thời gian bị xử lý kỷ luật: tháng/năm.

- Lý do và hình thức kỷ luật như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.

- Cấp quyết định kỷ luật

23. Tình trạng sức khỏe: 

Tình trạng sức khỏe bản thân hiện tại [Tốt, trung bình, kém]; có bệnh gì mãn tính, ghi rõ chiều cao cơ thể, ghi rõ cân nặng cơ thể và nhóm máu gì.

24. Là thương binh hạng: 

Ghi rõ là thương binh hạng mấy trên mấy [nếu có]. Trường hợp là con gia đình thuộc diện chính sách, thì ghi rõ là con thương binh, con liệt sĩ, con người nhiễm chất độc da cam Dioxin,…       

25. Số CMND: 

Số CMND, ngày cấp và nơi cấp

26. Số sổ BHXH:

Ghi rõ các chữ số thể hiện trên sổ BHXH

27. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học:

Chỉ kê khai sau khi đã tốt nghiệp đối với các chương trình, đào tạo, bồi dưỡng đó.

28. Tóm tắt quá trình công tác

Ghi rõ các mốc thời gian [Tháng + năm] tương ứng với chức danh, chức vụ, đơn vị công tác:

29. Đặc điểm lịch sử bản thân:

Đảm bảo Kê khai trung thực và đầy đủ các thông tin liên quan đến bản thân và thân nhân của CBCC.

30. Quan hệ gia đình:

Nêu rõ mối quan hệ, kê khai tóm tắt những đặc điểm các thông tin chính.

31. Diễn biến quá trình lương của cán bộ, công chức:

Kê khai theo các thông tin yêu cầu: Tháng/năm, Mã ngạch/bậc, Hệ số lương

32. Nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức

Phần này do cơ quan cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng CBCC đánh giá.


Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:


  • Từ khóa:
  • Cán bộ công chức
  • Công chức viên chức

Video liên quan

Chủ Đề