“hơn ba trăm năm sau” là con số chính xác hay ước lệ? vì sao? tác giả muốn nói gì qua con số này?

“Độc Tiểu Thanh kí”- Tri âm khao khát tri âm

     Nghệ sĩ thường có cảm giác cô đơn, đặc biệt đối với những người nghệ sĩ lớn thì điều ấy càng khó tránh khỏi. Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ lớn, tất yếu vướng vào định mệnh ấy. Tìm hiểu về cuộc đời ông, đọc thơ ông, ta bắt gặp những suy tư, trăn trở, những dày vò, đau đớn của một trái tim chan chứa yêu thương, một tâm hồn lẻ loi khao khát tri âm. “Độc Tiểu Thanh kí” là một bài thơ như thế. Thi phẩm này tựa như một “điệu hồn” tri âm “đi tìm những tâm hồn đồng điệu”.

       Cuộc đời của người được mệnh danh là có “con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời” [bài Tựa Truyện Kiều, Mộng Liên Đường chủ nhân] ấy thật lắm bất hạnh. Cuộc sống của một công tử sinh trưởng trong dòng dõi quý tộc nhanh chóng qua đi khi Nguyễn Du mất cha [năm 1776], rồi mất mẹ [1778], đem thân nương nhờ người anh cả là Nguyễn Khản thì cũng nhanh chóng bơ vơ vì người anh bị khép tội mưu loạn, bị bãi chức, bị bắt giam [1780], lại tiếp tục khăn gói nương nhờ… Những biến động dữ dội ấy, những trải nghiệm của “mười năm gió bụi” cùng “những điều trông thấy” trước ba động của cuộc đời đã hun đúc nên một Nguyễn Du thật cô đơn, cô độc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông phải thốt lên “Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào. Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường” [trích Truyện Kiều] khi nhận ra đời Kiều cũng như đời mình những năm tháng làm quan bất đắc chí; hay tâm sự “Vui là vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó mặn mà với ai ?” [Truyện Kiều]. Cô đơn là thế song trái tim ông luôn ấm nóng tình cảm với bao kiếp người nghèo khổ, đặc biệt là những phụ nữ tài sắc bất hạnh. Ông đã sưởi ấm cho Thúy Kiều, Đạm Tiên [Truyện Kiều], cho cô Cầm [Long thành cầm giả ca], cho mẹ con yếu ớt trong Sở kiến hành, cho nàng Tiểu Thanh đoản mệnh… Thương người rồi lại thương mình. Thấu hiểu, đồng cảm với những con người ấy nghĩa là Nguyễn Du đã trở thành tri âm của họ. Còn với bản thân lúc ấy, liệu ông có bắt gặp tri âm không khi băn khoăn “Bất tri tam bách”. Câu hỏi ấy là khao khát kiếm tìm của thi nhân, là sự thôi thúc bao lớp người hậu thế.

      Nguyễn Du cô đơn là thế, còn Tiểu Thanh thì sao? Cô gái Trung Quốc sống đầu đời Minh ấy nổi tiếng tài hoa, xinh đẹp. Nàng không chỉ có nhan sắc hơn người mà còn có tài năng nghệ thuật, tinh thông nhiều nghề, kể cả âm luật. Trớ trêu thay, nàng cũng không thoát khỏi định mệnh của “phận hồng nhan”. Năm 16 tuổi, cô phải làm vợ lẽ. Chồng cô, một công tử quyền quý nhưng ngốc nghếch, chẳng phải kẻ hào hoa phong nhã gì. Cô lại còn bị người vợ cả hay ghen hành hạ, bắt phải sống riêng trên núi Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Cô buồn khổ, uất ức, tấm lòng gửi cả vào thơ, rồi sinh bệnh và chết ở tuổi 18. Người vợ cả kia không chỉ hành hạ Tiểu Thanh cho đến chết mả còn đốt những bức tranh chân dung nàng, đốt cả những bài thơ của nàng, may mắn còn sót lại một số bài thơ. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt tên là phần dư. Trân trọng nhan sắc, quý mến tài năng của Tiểu Thanh bao nhiêu, Nguyễn Du càng cảm thông, thương xót cho số phận của nàng bấy nhiêu. Đó chính là nguồn cảm hứng để đại thi hào một lần nữa cất lên tiếng thơ vang động lòng người. Đó cũng chính là tiếng nói tri âm của Nguyễn Du giành cho cuộc đời bạc mệnh ấy. Sự thấu hiểu và đồng cảm với Tiểu Thanh không chỉ đến từ “con mắt”, “tấm lòng” mà còn đến từ những trải nghiệm của cuộc đời mịt mù gió bụi mà Nguyễn Du đã nếm trải suốt bao năm. Cuộc đời gặp cuộc đời, tấm lòng gặp tấm lòng, tuy số phận có khác nhau, tuy cách xa không gian, thời gian, thời đại, song không ngăn được sự tri âm của một bậc đại quan đối với một nữ nhi thường tình.

        Sự gặp gỡ của Nguyễn Du với Tiểu Thanh được thể hiện ngay trong nhan đề bài thơ: Chữ “Độc” được dịch là đọc, “Kí” là một thể văn dùng để ghi chép. Vậy có thể hiểu “Độc Tiểu Thanh kí” là đọc những ghi chép về Tiểu Thanh hoặc đọc những ghi chép của Tiểu Thanh. Dù hiểu theo cách nào thì ta cũng nhận thấy rằng tác giả bài thơ đã có những hiểu biết về đối tượng cảm thương của mình. Từ hiểu biết để rồi thêm lần nữa đau đớn, xót xa, tiếc nuối cho số phận bất hạnh của người phụ nữ, cho những giá trị tinh thần cao đẹp của con người bị vùi dập.

Hai câu thơ mở đầu đã cho thấy thi nhân và Tiểu Thanh đều lẻ loi, cô độc:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

[Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi,

Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.]

        Nếu chữ “độc” trong nhan đề bài thơ được hiểu là “đọc” thì ở câu thơ thứ hai được hiểu là “một mình”. Hai chữ “độc điếu” mà bản dịch thơ chưa chuyển tải hết ý một mình, cô độc đã cho ta thấy tâm thế của Nguyễn Du khi tiếp cận cuộc đời Tiểu Thanh. Cuộc đời của người con gái tài sắc bất hạnh ấy cũng chỉ được tái hiện qua “nhất chỉ thư”, qua những gì còn sót lại ít ỏi để người đời sau có thể hiểu. Vậy là cả người viếng và người được viếng đều cô đơn. Nghĩ về Tiểu Thanh, Nguyễn Du nhớ ngay tới Tây Hồ- nơi nàng đã sống từ khi lấy chồng, nơi đã gắn bó với Tiểu Thanh, cũng là nơi đã chôn vùi cuộc đời và nghệ thuật của nàng. Chữ “uyển” trong “hoa uyển” thường chỉ khu đất rộng, cảnh trí đẹp, dành làm nơi cho vua chúa ngoạn du, hoa nghĩa bóng là đẹp. Vậy là nhắc tới Tây Hồ là nhắc tới cái Đẹp, cái đẹp của không gian, cảnh sắc, cái đẹp của con người. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là bãi hoang. Chữ tẫn trong câu thơ chủ yếu là thanh bằng như kéo nặng câu thơ, với nét nghĩa là hết thảy, triệt để, đã cho thấy sức tàn phá, hủy diệt cái Đẹp của cuộc đời, qua thời gian. Trong câu thơ có giọng xót xa, tiếc nuối của nhà thơ trước cảnh đẹp Tây Hồ; mà thực chất là xót xa, nuối tiếc cho người con gái tài sắc mà mệnh bạc; xót xa cho cái Đẹp bị vùi dập, bị hủy hoại. Mạch cảm xúc thương xót ấy được tiếp nối trong hai câu thơ thực:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

[Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết

Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.]

          Chi phấn [son phấn] là hình ảnh chỉ người phụ nữ có nhan sắc, ở đây là Tiểu Thanh. Thần là hồn, là cái tinh anh còn lại sau sự mất đi của thể xác. Vậy là Tiểu Thanh có linh thiêng chắc hải xót xa vì những việc sau khi chết, vì chết rồi mà nàng vẫn không được yên. Nếu son phấn gợi sắc đẹp thì văn chương chỉ tài hoa, trí tuệ của nàng. Con người nàng đã sinh ra là phận đàn bà ắt phải chấp nhận số hồng nhan, cớ sao văn chương, thơ ca không có số mệnh, chẳng có tội tình mà cũng bị làm cho tan tành. Thảo nào mà không còn trên cõi đời này nữa nhưng Tiểu Thanh vẫn chưa được giải thoát, vẫn còn phải thổn thức cả sau khi chết. Sự thổn thức ấy phải chăng là của chính Nguyễn Du đang ai điếu cho một cuộc đời bi đát. Đó cũng chính là tiếng nói bất bình đối với một xã hội mà ở đó vẻ đẹp, tài năng của con người không được trân trọng và bảo vệ.

           Có thể thấy xót xa, đau đớn cho cuộc đời của những người phụ nữ có thân phận thấp, có tài năng và sắc đẹp, song bất hạnh là mạch cảm hứng lớn xuyên suốt đời thơ Nguyễn Du. Thương cảm bao nhiêu, thi nhân lại càng băn khoăn, day dứt bấy nhiêu khi đáng lẽ ra những người phụ nữ như thế phải được hạnh phúc. Vậy tại sao? Chất vấn, tự vấn nhiều để rồi tác giả phải chua chát thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” [Truyện Kiều], “Đau đớn thay phận đàn bà. Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” [Văn chiêu hồn]. Một lần nữa khi đứng trước cuộc đời Tiểu Thanh, Nguyễn Du không ngăn nổi mình trước câu hỏi ấy:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

[Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được

Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã]

         Hận là một trong những trạng thái cảm xúc đỉnh điểm trong cung đàn tình cảm, suy nghĩ của con người, khi điều gì đó không thể giải tỏa. Ai hận? Hận ai? Mối hận ấy không chỉ ở đây, trong tình huống này mà là từ xưa đến nay, của người xưa và của người nay. Người xưa có thể là Tiểu thanh và những người như nàng. Người nay có thể là những “hồng nhan bạc mệnh” cùng thời với Nguyễn Du. Hận xã hội phong kiến. Hận những qui luật nghiệt ngã. Hận hai chữ “tài mệnh tương đố”. Hận những nghịch lý mà chẳng thể thoát ra. Chỉ có hỏi trời để mong tìm đáp án cho lời chung ấy, bởi Trời là thượng đế, là đấng tối cao, là nơi duy nhất con người thời ấy tìm đến để bấu víu mỗi khi chênh chao. Song lại không thể hỏi trời vì trời cũng không có lời giải đáp và ta đành bất lực. Thực tế nghiệt ngã ấy là một nỗi “kì oan” mà tất thảy những ai phong nhã đều phải nhận lấy, chấp nhận nếm trải trong suốt cuộc đời. Đến đây, thêm một lần nữa Nguyễn Du đã khái quát được một vấn đề nhân sinh lớn lao.

         Tri âm với Tiểu Thanh, khóc thương cho nàng, cũng là khóc thương cho bao người chung số phận. Từ xúc cảm ấy, Nguyễn Du ý thức sâu sắc về giá trị của cái tài, cái Đẹp, về văn chương, về bao lớp người nghệ sĩ như ông. Có lẽ từ mối đồng cảm ấy và từ nhận thức sâu sắc ấy mà Nguyễn Du tự coi mình như người cùng hội cùng thuyền với những người như Tiếu Thanh [ngã tự cư]. Nỗi oan lạ lùng của Tiểu Thanh cũng là nỗi oan của ta. Ý thơ ấy toát lên sự đồng cảm, sự tri âm sâu sắc của đại thi hào đối với người con gái ấy. Vậy là từ thương người, thương đời rối thương chính mình, ý thơ đột ngột mà tự nhiên chuyển từ đối tượng cảm thương sang chính bản thân người cảm thương. Nguyễn Du tự thấy cuộc đời mình, số phận mình cũng có những nét bất hạnh như Tiểu Thanh. Và phải chăng tác giả còn muốn gửi gắm một điều phổ quát hơn thế, đó là thân phận bạc bẽo của lớp người tài hoa như ông trong xã hội phong kiến nhiễu nhương.

         Vậy là sống cách Nguyễn Du hàng trăm năm, xa Nguyễn Du vạn dặm, song Tiểu Thanh, người con gái có quãng đời tuổi trẻ sống lẻ loi nơi Cô Sơn, đã tìm được tiếng nói tri âm của mình. Còn Nguyễn Du, giữa cuộc đời này, có tìm được tri âm cho mình?. Bài thơ là một tiếng khóc cho người, rồi khóc cho chính mình, khi thi nhân cảm thấy đời mình không chỉ long đong, lận đận mà còn đơn độc, nên cứ mãi băn khoăn:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

[Không biết hơn ba trăm năm sau

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?]

      Hôm nay, mình khóc cho Tiểu Thanh, ngày mai, liệu có ai khóc cho mình? Câu hỏi ấy thể hiện sự cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời. Đó cũng là khao khát kiếm tìm tri âm, là hi vọng người gửi cả vào hậu thế. Khao khát ấy thật bình dị, song rất nhân bản. Ba trăm năm có lẻ là con số ước lệ chỉ khoảng thời gian rất dài. Dù thời gian rất dài vẫn không thể chôn vùi hi vọng ấy. Thời gian đã có câu trả lời, chẳng phải đợi đến ba trăm năm đã có biết bao người khóc thương cho đại thi hào dân tộc, có biết bao người đã trân trọng những di sản mà thi nhân để lại. Kính gửi cụ Nguyễn Du của nhà thơ Tố Hữu là một trong những minh chứng cụ thể cho điều đó.

      Độc Tiểu Thanh kí là một bài thơ thuộc thể tài tiếng nói tri âm. Vượt ra khỏi mối đồng cảm của một cá nhân với một cá nhân, bài thơ đã đặt ra nhiều vấn đề có tính phổ quát, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Phải chăng tất cả những điều ấy đã tạo nên sức sống cho một bài thơ ngắn gọn, chạm đến trái tim của bao lớp người.

Biên soạn: Nguyễn Thị Thương

Video liên quan

Chủ Đề