Học sinh có được nghỉ hết tháng 3 hay không

Trong khi ý kiến phụ huynh phân tán trước đề xuất nghỉ học hết tháng 3 thì nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng "chưa cần thiết nghỉ".

Đọc tin TP HCM kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3, anh Lưu Đức Thiện ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12, lắc đầu. Anh hy vọng Chính phủ bác đề xuất của TP HCM và ngành giáo dục cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, sau một tháng nghỉ vì dịch corona [Covid-19]. 

"Đến hôm nay, Việt Nam chỉ còn một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, 15 bệnh nhân khác đã khỏi và xuất viện. Chẳng có lý gì lại cho nghỉ tới một tháng nữa?", anh Thiện nói.

Ông bố có hai con 11 và 2 tuổi phân tích, không cho học sinh đến trường không có nghĩa là phòng bệnh an toàn. Bởi nếu ở nhà, trẻ vẫn có khả năng tiếp xúc với người lạ ở khu phố, công viên. Chưa kể, nhiều vợ chồng nhờ người giúp việc, những người ít kiến thức và kỹ năng phòng dịch, trông nom con cháu thì chưa chắc đã an toàn hơn là đi học.

"Nếu chờ dịch chấm dứt hoàn toàn mới cho học sinh đi học thì không biết đến bao giờ. Hãy cho các cháu đến trường và siết chặt biện pháp phòng dịch", anh Thiện nói.

Có con năm nay thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Văn Bảo ở quận Thủ Đức, TP HCM, phân tích với đề xuất của TP HCM, học kỳ II kéo dài hết tháng 7, sau đó thi THPT quốc gia ngay là quá sức với học sinh lớp 12. Việc thi gấp sẽ không thể đạt kết quả tốt, trong khi kỳ thi này quyết định tương lai nghề nghiệp của các em.

"Chúng ta phải tranh thủ thời gian. Không để mọi việc không bị đình trệ", ông Bảo nói và cho rằng hãy tham khảo quốc tế. Hiện Hong Kong cho học sinh nghỉ đến 16/3, Trung Quốc cho nghỉ đến khi có thông báo mới. Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ khoanh vùng, nhóm học sinh, sinh viên có nguy cơ, còn lại vẫn đi học.

Nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội cũng nóng lòng được đi học, nhất là hôm qua thành phố thông báo lịch thi vào lớp 10 từ ngày 1/6, sớm hơn năm ngoái một ngày. 

Phạm Hồng Khánh, học sinh một trường chất lượng cao ở Nam Từ Liêm, kể: "Cả nhà em như ngồi trên đống lửa sau khi biết kế hoạch thi vào lớp 10. Nghỉ phòng dịch ba tuần, thành phố phải lùi lịch thi để chúng em ôn luyện chứ".

Thời gian nghỉ phòng dịch, Khánh làm bài tập thầy cô giao qua mạng và tự học nhưng vẫn không yên tâm. "Chưa bao giờ em mong quay trở lại trường như hiện nay.", nữ sinh nói.

Trái ngược với các ý kiến trên, vợ chồng anh Triệu Quang Châu [35 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng] ủng hộ cho nghỉ hết tháng 3. Con trai lớn học lớp 5, con trai nhỏ lớp 1, sau hai tuần vợ chồng luân phiên nghỉ trông con, anh Châu đã đưa cả hai về gửi ông bà nội ở Đồng Nai.

Đà Nẵng chưa có ca dương tính với nCov, 153 người nhập viện điều trị cách ly đã được về nhà. Tình hình dịch có dấu hiệu khả quan, nhưng anh Châu cho rằng nhiều gia đình đã quen với việc trông giữ con ở nhà nên nghỉ hết tháng 3 cũng "không sao".

Cũng nhất trí với đề xuất của TP HCM, ông Nguyễn Đức Tuyền [45 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai] chỉ ra thực tế dịch hạ nhiệt ở Việt Nam nhưng thế giới vẫn phức tạp. Với dân số gần 100 triệu, cùng với sự giao lưu quốc tế rộng rãi, không thể khẳng định dịch Covid-19 không quay lại Việt Nam.

Con gái lớn học lớp 12 song ông Tuyền không sốt ruột. "Lùi việc học, thi cử là bất đắc dĩ, nhưng mình cần nghĩ tới cái chung. Nếu ngành giáo dục vẫn cho đi học từ tháng 3, tôi xin phép cho con nghỉ tiếp, thấy an tâm mới cho đi", ông nói.

Học sinh tiểu học Bến Tre được hướng dẫn tăng cường rửa tay để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Nam

Phản hồi trước đề xuất của TP HCM, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương bày tỏ không đồng tình. Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, nói: "Việc học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học, kiến thức của học sinh. Cho học sinh nghỉ tiếp hay không phải tùy vào diễn biến dịch bệnh".

Cùng quan điểm, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đánh giá tình hình dịch bệnh tiến triển tích cực trên cả nước. Hầu hết tỉnh thành cho học sinh nghỉ hết tháng 2 nên còn 9 ngày để theo dõi diễn biến dịch bệnh. Theo ông, cuối tháng 2 là thời điểm phù hợp để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại.

Với 280.000 học sinh mầm non và các lớp từ 1 đến 11, tỉnh Bình Thuận có thể sắp xếp học bù, lịch các kỳ thi theo tiến độ chương trình. Nhưng với 11.000 học sinh lớp 12, lùi thi THPT quốc gia thì tiến độ chấm thi, công bố kết quả, tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều chậm, có thể lấn sang năm học mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, TP HCM với quy mô dân số lớn [hơn 9 triệu], đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 có thể hợp lý, nhưng với địa phương khác thì "chưa cần thiết". Việc lùi thi THPT quốc gia ảnh hưởng tới nhiều hoạt động, lấn sang cả năm học 2020-2021.

Lãnh đạo ngành giáo dục một tỉnh ở Tây Nguyên cũng cho rằng, hiện tại Chính phủ không nên đồng ý với kiến nghị của TP HCM. Lý do TP HCM đưa ra trong bản kiến nghị chưa thuyết phục, bởi tình hình dịch trên cả nước đang tốt lên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận cho hay,  Đà Nẵng sẽ theo dõi đến hết tháng 2.

Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP HCM có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu. Hơn 800.000 học sinh dự kiến đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Hiện, 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm nCoV đã xuất viện. 7 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm nCoV.

Mạnh Tùng - Thanh Hằng - Nguyễn Đông - Phước Tuấn

Ý kiến bình chọn của bạn đọc Tuổi Trẻ Online về kiến nghị của UBND TP.HCM

Khảo sát trên Tuổi Trẻ Online từ 10h15 đến 17h ngày 20-2, có hơn 18.000 bạn đọc cho ý kiến về kiến nghị của TP.HCM. Trong đó, có 4.734 ý kiến không đồng tình với kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3. Trong khi đó, số bạn đọc đồng tình với kiến nghị của TP lên tới 13.059 người, cao gấp gần 3 lần.

Sao phải nghỉ dài như thế?

Đây là thắc mắc của những bạn đọc không đồng tình với kiến nghị của UBND TP.HCM.

Một số bạn đọc cho rằng theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng đã khẳng định kiểm soát được tình hình, những ngày gần đây không còn tình trạng virus corona lây lan trong cộng đồng nên việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh là không cần thiết.

Bạn đọc Mạnh Cường bình luận trên Tuổi Trẻ Online: "Không đồng tình. Giữa hai học kỳ mà nghỉ 3 tháng học sinh sẽ quên hết kiến thức học kỳ 1. Sau này ép các em học bù học dồn thì các em còn nhỏ, trí não các em không đủ khả năng hấp thu hết lượng kiến thức quá lớn dẫn đến quá tải, ức chế tâm lý, gây tiêu cực đến tâm thần các em. TP.HCM dám chọn giải pháp cho học sinh đến trường ngay ngày 1-3-2020 thì mới đáng khen, còn chọn giải pháp đóng cửa trường học đến đầu tháng 4 thì ai làm chả được. Hãy hỏi chính các em học sinh là các em muốn đi học hay muốn ở nhà?".

Tương tự, một bạn đọc tên Thu dứt khoát: "Tôi không đồng tình. Dịch bệnh đã được kiểm soát thì nên cho học sinh học trở lại. Không nên quá cầu toàn như vậy".

Ngoài lý do lo con em mình nghỉ học quá dài sẽ quên bài, phần lớn những người không đồng tình cho rằng việc con em không đến trường khiến cha mẹ phải ở nhà trông nom, ảnh hưởng tới công việc. "Tôi không đồng tình, không cần nghỉ nhiều quá. Vợ chồng cứ thay nhau ở nhà trông con sắp bị thất nghiệp hết rồi..." - bạn đọc Đức Cường bình luận.

Bạn đọc Ngọc Lan nêu trường hợp của mình: "Tôi cũng muốn con mình an toàn nhưng tôi có 2 đứa con nhỏ đang học tiểu học, 2 vợ chồng phải đi làm, giờ nghỉ dài như thế này không có người trông nom biết làm sao đây? Trong khi đó theo dõi qua báo đài thì TP kiểm soát rất tốt, cũng không phải là vùng dịch nên lãnh đạo TP cần phải xem xét kỹ tình hình".

Nghỉ hè thì ai trông con?

Tuy nhiên, những lý do đó không thuyết phục được những bạn đọc ở "phe" ủng hộ kiến nghị của UBND TP.HCM. Bạn đọc tên Ly Hương cho biết mình có 2 con đang tuổi đi học, đành rằng nếu phải nghỉ 2 tháng ở nhà thì phải lo cơm áo gạo tiền đủ thứ, nhưng sẽ ra sao nếu chẳng may con đi học rồi bị nhiễm bệnh.

Tự học dựa vào Internet, con sẽ có cơ hội được học từ nhiều thầy cô khác nhau - Ảnh: H.NG.

Ghi rõ là "gửi những phụ huynh không đồng tình", bạn đọc Quỳnh Phương bình luận: "Đi làm thì đi cả đời, học thì cũng học cả đời, tiền nhiều tiền ít cho đến lúc này không quan trọng bằng tính mạng. Ví dụ con bạn mắc phải bệnh nguy hiểm này phải bị cách ly cả gia đình thì lúc đó chắc công việc kiếm tiền, với tính mạng những người trong gia đình, lúc đó bạn thấy cái nào quan trọng hơn?".

Nhiều bạn đọc cho rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt là nhờ thời gian qua đã thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm, trong đó có cả việc ngưng cho học sinh đến trường. Trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc chưa được dập tắt, nguồn lây nhiễm vẫn còn phức tạp, việc lùi thời gian học là cần thiết.

Một bạn đọc bình luận: "Thầy cô giáo cũng có gia đình, con nhỏ. Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được, chẳng may có em học sinh nào ủ bệnh, ai đền con cho họ? Rồi một lớp sẽ lan ra bao nhiêu gia đình? Bao gia đình sẽ là bao nhiêu cơ quan? Lùi thời gian kết thúc năm học là quá hợp lý. Đừng vì mình không sắp xếp việc con cái rồi đòi đi học khi chưa chắc chắn dịch bệnh đã hết".

Thậm chí có bạn đọc cho rằng lý do con nghỉ học không có người trông là không hợp lý. "Không phải tự nhiên mà TP.HCM cho nghỉ dài hạn như vậy. Nghỉ để phòng tránh dịch bệnh. Nhiều phụ huynh cứ lên tiếng oán trách cho con nghỉ nhiều, ở nhà không ai trông nên phải nghỉ làm. Hóa ra nhiều người nghĩ giáo viên họ là người trông trẻ à? Vậy thời gian hè, học sinh nghỉ thì ai trông?" - bạn đọc Lucas viết.

Những bạn đọc đồng tình với kiến nghị của TP.HCM vì "nếu như tình hình dịch phức tạp, lây nhanh trong lúc cho đi học trở lại làm tăng số ca mắc trong trường học thì khi đó nghỉ còn dài hơn chứ đừng nói là một tháng 3. Đợi hết tháng 3 cho dịch được kiểm soát và lắng xuống là tốt nhất. Hi sinh nghỉ tháng 3, để đảm bảo an toàn cho hàng tháng sau!".

"Mặc dù hơi vất vả trông con và sẽ thiệt hại cho các trường nhiều lắm, nhưng tất cả hãy cố gắng vì lợi ích an toàn chung của chúng ta. Đừng chủ quan quá, cẩn thận một xíu không bao giờ thừa cả. Dịch bệnh chỉ mới kiểm soát được thôi chứ chưa chặn đứng hết hoàn toàn. Các thầy cô giáo, các trường và phụ huynh hãy chung tay cố gắng thêm, rồi tất cả sẽ ổn lại. Hãy chung tay vì sức khỏe chính chúng ta trước và sau đó là vì cộng đồng!" - bạn đọc Thu Nhan kêu gọi.

Ủng hộ đề xuất của TP.HCM

Là một giáo viên, tôi đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM, bởi đến thời điểm này diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên đề xuất Chính phủ đồng ý phương án của TP.HCM là năm học 2019-2020 của cả nước kéo dài đến hết tháng 7. Vì nếu giao việc quyết định thời gian nghỉ học cho UBND từng tỉnh, thành phố sẽ xảy ra mỗi tỉnh thành có khung thời gian năm học khác nhau. Nếu có tỉnh cho bắt đầu học lại từ đầu tháng 3 trong khi TP.HCM kéo dài đến đầu tháng 4 thì cũng phải chờ TP.HCM kết thúc năm học rồi mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đồng thời, theo tôi, năm học 2020-2021 nên bắt đầu từ đầu tháng 9 như trước đây. Khi đó cả nước khai giảng xong rồi mới bắt đầu học như ý nghĩa của từ "khai giảng".

Bên cạnh đó, bộ và các sở GD-ĐT nên nghiên cứu các hình thức dạy học trực tuyến như một số tỉnh thành đang áp dụng trong thời gian nghỉ vừa qua. Theo đó những môn có nhiều tiết như ngữ văn, toán, tiếng Anh… có nhiều tiết nên giảm dạy trên lớp 1-2 tiết, còn lại sẽ phát trên kênh truyền hình hay mạng xã hội. Các tiết thực hành của các môn lý, hóa, sinh... cũng có thể áp dụng hình thức này.

Việc thực hiện học trực tuyến sẽ giúp học sinh sẽ chủ động trong việc nghiên cứu môn học, tiết học… đó cũng là đổi mới phương pháp. Học sinh bây giờ rất năng động, chỉ cần giáo viên biết khơi gợi, các em sẽ làm rất tốt.

Thay vào đó, thời gian của những tiết dạy trực tuyến là các hoạt động như ngày đọc sách, ngày trồng cây, dạy kỹ năng… Ngành giáo dục đang chuẩn bị thay đổi sách giáo khoa với định hướng khả năng tự học, tự nghiên cứu thì việc biến cái khó lúc này thành điều kiện để thay đổi cái cũ là điều nên làm.

NGUYỄN DUY KHÁNH [GV Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang]

TP.HCM chính thức kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3

N.T

Video liên quan

Chủ Đề