Học để làm việc làm người làm cán bộ. học để phụng sự nhân dân và tổ quốc

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Viện lịch sử Đảng chia sẻ với VnExpress vềquan điểm "học trước hết để làm việc, làm người" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Xin ông cho biết, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "học làm việc, làm người, làm cán bộ" ra đời trong hoàn cảnh nào?

- Ngày 14/9/1949, khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc [nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh] đóng ở Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong trang đầu sổ vàng truyền thống của trường:"Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Mạch Quang Thắng. Ảnh: Viết Tuân.

Tư tưởng đó được nêu ra khi đất nước còn đang trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc huấn luyện, đào tạo cán bộ từ rất sớm. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về việc học.

Từ năm 1946 đến hết năm 1949, Hồ Chủ tịch có thời gian đọc, nghiên cứu sách vở, tài liệu về xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền khi kháng chiến thành công, đồng thờidành nhiều thời gian viết báo để giáo dục tư tưởng về huấn luyện cán bộ, xây dựng chính quyền, rồi tập hợp in thành cuốn Sửa đổi lề lối làm việc.Trong đó, Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến việc huấn luyện cán bộ:"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".

- Theo giáo sư, học để làm người theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần được hiểu ra sao?

- Để hiểu quan niệm "học làm người" của Hồ Chủ tịch trước hết phải hiểu quan niệm của Chủ tịch về con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người".Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh con người phải có đủ những phẩm chất cơ bản ấy.

Cụ thể hơn, con người phải có tình yêu thương đồng loại, lòng nhân ái. Vậy nên trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên "phải có tình đồng chí thương yêu nhau".Hồ Chủ tịch từng nói, muốn cho xã hội tốt đẹp thì bản thân mỗi người phải nén lợi ích cá nhân, vì lợi ích cộng đồng. Bác không phủ nhận lợi ích cá nhân nhưng quan niệm lợi ích cá nhân hoà vào lợi ích chung hoặc đặt dưới lợi ích chung. Thậm chí, nếu vì cái chung tốt đẹp thì mình sẵn sàng hi sinh cả tính mạng.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ lý tưởng sống "vì mọi người" khi gắn quyền lợi cá nhân với lợi ích dân tộc. Dù là nguyên thủ quốc gia nhưng Hồ Chủ tịch có cuộc sống giản dị như bao người khác. Khi ra đi, tài sản cá nhân để lại là số không tròn trĩnh.

Hồ Chủ tịch cũng rất coi trọng đạo đức trong giáo dục làm người. Chủ tịch từng nói, sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, cây không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, nếu không có đạo đức cách mạng thì căn bản không làm nổi việc gì.

- Quan điểm "học trước tiên để làm việc, làm người" của Hồ Chí Minh theo giáo sư có ý nghĩa thế nào với giáo dục hiện nay?

- Dù quan điểm trên được Hồ Chủ tịch viết ra nhằm nhấn mạnh đến công tác huấn luyện cán bộ, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự lớn với nền giáo dục quốc dân.

Điều thú vị là năm 1996, tức 47 năm sau tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công bố Báo cáo Delors do hơn 10 chuyên gia giáo dục hàng đầu trên thế giới soạn thảo, trong đó nêu 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 là "học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau, học để làm người". Quan điểm giáo dục của UNESCO có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu từ năm 1949.

Theo Hồ Chủ tịch, giáo dục là để tạo ra con người có đức và có tài chứ không phải là lệch lạc một mặt nào đó. Điều khó nhất là phải học để làm việc, làm người rồi mới nghĩ đến làm cán bộ. Có như vậy thì mỗi cán bộ mới không trở thành "quan cách mạng".

Căn cứ vào luận điểm của Bác Hồ, có thể thấy mục tiêu giáo dục trước hết là phải đào tạo ra con người có ích cho bản thân và xã hội. Giáo dục là khơi dậy và phát huy khả năng sẵn có của học sinh thay vì cố gắng nhồi nhét kiến thức. Mục tiêu của Hồ Chí Minh là phát huy tiềm năng của mỗi người, thắp cho mỗi người một ngọn lửa trong cuộc sống thay vì cố gắng đổ đầy "bình dầu" cho họ.

Nhưng hiện nay, giáo dục Việt Nam đang bị lệch mục tiêu so với quan điểm trên. Vậy nên học xong chương trình phổ thông, học sinh vẫn không được trang bị những kỹ năng cơ bản để ứng xử với bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên... Từ đó hình thành lớp người giao tiếp văn hoá, ứng xử kém.

Có hôm tôi dẫn cháu đến trường, thì có một cậu bé cùng lớp chạy lại mượn điện thoại để gọi mẹ mang đồ đến trường. Nhưng gọi xong, cậu bé trả lại tôi rồi đi luôn, không nói một câu cám ơn. Đó là hệ quả của phương pháp giáo dục không coi trọng "làm việc, làm người".

- Làm thế nào để việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về học làm việc, làm người, làm cán bộ được vận dụng vào thực tế hiện nay một cách thiết thực?

- Xã hội Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện đáng lo ngại khi nhiều người chỉ chú trọng học để tiến thân, làm cán bộ, quan chức thay vì để làm việc, làm người. Họ phấn đấu bằng nhiều con đường khác nhau để có bằng cấp cao, được bổ nhiệm chức vụ cao hơn nhằm mưu cầu lợi ích cho bản thân, gia đình. Xã hội đang bị cuốn theo xu hướng học để có chức, có quyền. Từ đó sinh ra nạn chạy, mua bán bằng cấp, chứng chỉ, đi học thuê, học hộ...

Xu hướng này ngày càng nở rộ, làm cho xã hội mải miết đua chen, tính thiện ngày càng ít đi. Dù kinh tế luôn tăng trưởng nhưng xã hội luôn trọng tình trạng bất an, cái xấu, cái ác xuất hiện ngày càng nhiều.Vì vậy, muốn xã hội tốt đẹp hơn thì trước hết phải làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi trọng giáo dục làm việc, làm người.

Muốn vậy, trước hết, Đảng phải có các giải pháp cơ bản để ngăn chặn suy thoái đạo đức, làm gương cho toàn xã hội. Đất nước phải xây dựng được một thể chế quản trị đất nước đảm bảo cho xã hội phát triển văn minh, dân chủ, tiến bộ, lành mạnh. Phải xây dựng nhà nước pháp quyền nghiêm minh, mọi cá nhân đều đứng dưới pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Như vậy mới chặn được nạn chạy bằng cấp, chạy chức quyền, để mỗi người nâng cao ý thức học "làm việc, làm người".

Hiện nay cả ba không gian gia đình, nhà trường, xã hội đều đang khủng hoảng trong việc giáo dục thế hệ trẻ "học làm người". Trong gia đình hiện đại, mối dây liên hệ giữa các thành viên lỏng lẻo hơn, tình cảm cũng phai nhạt hơn trước, nên việc giáo dục tính thiện cho trẻ từ gia đình cũng không được chú trọng. Trường học quá nặng về bệnh thành tích. Xã hội đang bị xuống cấp đạo đức và ô nhiễm môi trường sống nặng nề.

Vì vậy, việc giáo dục trẻ em "học làm việc, làm người" nên bắt đầu từ cả ba không gian này.

Viết Tuân

Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

           Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam đã nói: tri thức không chỉ là nguồn ánh sáng nội lực mà còn là sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tổ chức, lãnh đạo quần chúng thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Vì lẽ đó, để có thể lôi cuốn quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ có phẩm chất chính trị vững vàng, tư­ cách đạo đức trong sáng, mà còn phải luôn phấn đấu vươn lên làm giàu vốn tri thức của chính mình bằng cách không ngừng học tập và rèn luyện.

          1. Từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng bền bỉ của mình, từ thực tế công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, đảng viên của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng, hiểu được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và năng lực lãnh đạo của cán bộ đối với sự phát triển của phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Cán bộ phải là những người vừa hồng, vừa chuyên. Song thực tiễn cho thấy, để người cán bộ đảng viên có đức vẹn tài, có vốn tri thức, có một năng lực trí tuệ nhất định, thì không thể không khổ công học tập, trau dồi và khổ luyện. Bản thân Người cũng không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng và cố gắng học tập, phấn đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ anh Văn Ba làm phụ bếp trên tàu đô đốc La Touche. sau những giờ làm việc mệt nhọc, vẫn cố gắng học tiếng Pháp, học hỏi anh em thuỷ thủ, cho đến khi trở thành nghiên cứu sinh, hoàn thành các môn học và làm dang dở bản luận án phó tiến sĩ với đề tài: “Cách mạng ruộng đất ở các nước Đông Nam Á” của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở nước Nga Xôviết, hay khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, Người vẫn không ngừng học tập để làm giầu tri thức, bởi “học thì không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi”.

          Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu lớn lao “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”. Dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, khi tìm thấy “cẩm nang thần kỳ”, Người quyết định trở về Tổ quốc, hoạch định lộ trình giải phóng đất nước và nhân dân khỏi kiếp nô lệ lầm than. Tuy nhiên, phương pháp “làm cho dân ngu để dễ trị” của thực dân Pháp đã làm cho đại đa số nhân dân ta mù chữ. Vì vậy, điều kiện xuất thân của phần lớn cán bộ, đảng viên thời kỳ đấu tranh giành chính quyền dường như chư­a hoặc ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù rất trung thành và nhiệt tình, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, như­ng “lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít. Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ phải tự giải quyết”[1], nên sự hạn chế về năng lực lãnh đạo đã làm cho một số cán bộ đảng viên lúng túng. Trong Thư gửi Ban phương Đông [16/1/1935], Người viết: “Đại đa số đồng chí của chúng tôi, trình độ lý luận và chính trị rất thấp. Hậu quả của tình trạng thiếu kiến thức về lý luận như vậy là gì? Hậu quả khá nhiều”[2], cho nên những vấp váp, sai lầm đã lộ diện. Bài học xư­ơng máu của một số cán bộ, đảng viên vì thiếu trình độ mà dẫn đến đổ máu, hy sinh đã không còn là cảnh báo. Vì vậy, khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mở ra một thời kỳ lịch sử mới với những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, bên cạnh việc chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng, Người còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao trình độ năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên.

        Thực tế sau khi nước nhà giành được độc lập, những quy luật vận động của thời kỳ xây dựng một chế độ xã hội mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới gắn liền với con ngư­ời mới đã hoàn toàn khác với những quy luật vận động của thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Vị trí của người làm chủ, yêu cầu cải tạo triệt để xã hội cũ, xây dựng toàn diện một xã hội mới là một sự biến đổi về chất trong phư­ơng thức lãnh đạo của Đảng. Để xây dựng, điều hành và quản lý một xã hội mới “dân chủ ngàn lần hơn dân chủ tư sản”, thì người cán bộ đảng viên ngoài đạo đức cách mạng, “được dân tin, dân yêu”, còn cần phải có tri thức và kinh nghiệm tương ứng với nhiệm vụ được giao để “được dân phục”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người cán bộ đảng viên có đức mà không có tài cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa, nên “đảng viên và cốt cán đều ước ao học tập để hiểu biết thêm, nâng cao thêm trình độ của mình. Cho nên dù khó khăn chăng nữa, họ cũng cố gắng học tập được”[3]. Từ nhiệm vụ thực tiễn, cách mạng yêu cầu: cán bộ đảng viên không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, mà còn phải lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương ấy. Vì thế họ “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng... 3. Phải tổ chức sự kiểm soát...”[4] và cán bộ đảng viên phải có năng lực lãnh đạo, [bao gồm cả năng lực trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện]. Yêu cầu này đã trở thành tiêu chuẩn, thước đo góp phần quan trọng vào vào việc đánh giá hiệu quả công việc của ngư­ời cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, muốn có đ­ược năng lực đó, dù đảm nhiệm cương vị công tác nào ng­ười cán bộ đảng viên cũng phải chịu khó học tập, rèn luyện, vì “cách mạng cũng là một nghề, làm nghề gì cũng phải học. Vậy làm cách mạng cũng phải học”[5].

         Dù bận nhiều công việc quốc gia đại sự, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên vừa hồng vừa chuyên. Khi đến thăm trường Nguyễn ái Quốc Trung ương, tháng 9/1949 [nay là Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh], Người ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường: “Học để làm việc, làm ng­ười làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng muốn có năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, người cán bộ đảng viên cần phải có “tài” ngang tầm với nhiệm vụ được giao, vì vậy mà cần phải học. Từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã nhấn mạnh cách học của mỗi cán bộ đảng viên: Đó là Huấn luyện lý luận, chính trị, văn hoá và nghề nghiệp. Yêu cầu đầu tiên là học lý luận khoa học Mác Lênin và đường lối quan điểm của Đảng để nâng cao trình độ, nắm vững quy luật biện chứng, quy luật về sự vận động và phát triển của xã hội trong mỗi bước chuyển của cách mạng, để không những cải tạo thế giới mà còn cải tạo chính bản thân mình, nắm tinh thần xử trí mọi việc, khoa học làm người. Việc này được thực hiện “trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”. Người cũng chỉ rõ cách học [huấn luyện] không phải theo lối áp đặt, nhồi sọ, bởi: sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác Lênin được. Hơn nữa, với mỗi người cán bộ đảng viên đại diện cho “trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc” thì học lý luận, học trong sách vở thôi chư­a đủ, còn phải học kinh nghiệm của nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có người cho là dân ngu khu đen. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi”[7].

           Không chỉ có vậy, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ dảng viên “không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn”[8], nên còn phải được huấn luyện về chính trị. Đó là việc “xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng”, là “thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng và Chính phủ”[9] và học những bài học kinh nghiệm của Đảng đư­ợc tổng kết qua mỗi kỳ Đại hội, vừa học vừa hành, đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, bổ sung những kết luận mới đư­ợc rút ra từ thực tiễn sinh động của quá trình lãnh đạo cách mạng. Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo, vì thế mà “sao nhãng việc học tập là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”[10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, học lý luận thôi chư­a đủ, “công cuộc xây dựng CNXH” đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật”, phải được huấn luyện về nghề nghiệp. Mỗi cán bộ đảng viên đều phải học, đặc biệt là “làm việc gì học việc nấy”, “cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy” để cùng với phẩm chất đạo đức tốt của người đảng viên cộng sản, trên nền tảng tư tưởng tốt, người cán bộ đảng viên còn phải là những nhà chuyên môn, quản lý giỏi. Mỗi giai đoạn cách mạng có yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ khác nhau, song “để thạo việc”, đủ năng lực lãnh đạo, có thể giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề do tình hình cách mạng trong nước và thế giới đặt ra, người cán bộ đảng viên không thể lãnh đạo chung chung đ­ược. Hồ Chí Minh từng yêu cầu: Cán bộ chính trị cũng phải giỏi chuyên môn, “không biết, chỉ nói chính trị suông, thì không thể lãnh đạo được”, vì vậy, họ phải có tri thức. Muốn đạt được điều đó, “tất cả cán bộ đảng viên của Đảng phải vì Đảng vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”[11] và việc học này phải được “huấn luyện lâu dài”, không phải một sớm một chiều.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện, tạo điều kiện để cán bộ đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, chỉ rõ việc phải chú trọng công tác huấn luyện cán bộ, lựa chọn cẩn thận người phụ trách công tác này: “Những người lãnh đạo cần tham gia việc dạy” và “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”, đề cao việc được học tập và tinh thần tự giác học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”[12].

 Gần 60 năm qua, từ khi Người lưu bút trong trang đầu cuốn sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đất nước ta đang từng ngày từng giờ tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế n­ước nhà theo những mục tiêu mà Đảng, Nhà nư­ớc và nhân dân ta đã đề ra. Nhiệm vụ lịch sử nặng nề mà đất nước tin tư­ởng giao phó đòi hỏi “đảng viên và cán bộ phải học: Học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách”[13]. Muốn có khả năng hành động độc lập, muốn có phư­ơng pháp làm việc khoa học, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành mực thư­ớc cho nhân dân thì mỗi cán bộ đảng viên phải chịu khó học hỏi. Và muốn sáng tạo, tránh giáo điều, giảm bớt sai lầm, vấp váp thì mỗi cán bộ đảng viên của Đảng phải làm giàu vốn tri thức của bản thân, phải trở thành một người cộng sản có văn hoá. Học tập và học tập không ngừng như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời sẽ giúp cho mỗi cán bộ đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tự tin vào bản thân mình, đồng thời nâng cao hơn nữa quyết tâm phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có học tập và kiên trì học tập, phấn đấu để trở thành người cộng sản có học thức mới biến quyết tâm đó trở thành những hành động thiết thực, để họ, những cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng vừa là ngư­ời lãnh đạo, ngư­ời đầy tớ trung thành của nhân dân như­ mong muốn của Người. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ, văn minh của nền kinh tế tri thức, khi UNESCO để ra 4 mục tiêu của việc học: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người thì những căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa càng trở nên có ý nghĩa biết bao. Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế thì mỗi cán bộ đảng viên nhất định phải tự hoàn thiện suốt đời và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà đồng thời còn là hành động thiết thực Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t5, tr.274

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.83

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.273

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.224

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.684

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.62

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.271

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.231

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.212

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.273

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.273

Video liên quan

Chủ Đề