Đổi quy chế thi đại học 2022

Trước lo ngại các trường đa dạng hình thức thi tuyển dẫn đến nhiễu loạn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các trường có mức điểm chuẩn dưới 22-24 điểm vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, trong kế hoạch, năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi này tương tự năm ngoái với 7-8 đợt trong năm.

Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8.2022.Các đợt thi chủ yếu diễn ra hàng tháng tại Hà Nội và rải rác ở các tỉnh.

Cách thức, nội dung thi sẽ không khác biệt so với năm 2021. Theo ông Thảo, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó - dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại.

Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông cũ và mới; chương trình đào tạo bậc đại học. Không giống kỳ thi thông thường ra đề và thi là xong, còn thi đánh giá năng lực thì có tính chất ổn định, lâu dài.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: VNU

Về mặt xét tuyển, ông Thảo cho biết, các bài thi đánh giá năng lực không có quy định về thời hạn sử dụng, tuy nhiên thông lệ quốc tế sẽ sử dụng kết quả của một bài thi không quá 36 tháng. Việc sử dụng kết quả trong mốc thời gian nào là do các đơn vị sử dụng quyết định.

Theo khoa học khảo thí, trong vòng 2 năm, nếu thí sinh không đầu tư, ôn tập thì mức điểm thi các đợt có thể dao động khoảng 5%, vì thế nếu thi lại sẽ không thay đổi nhiều trừ trường hợp thí sinh tiếp tục trau dồi, đào sâu, tự học, tự nghiên cứu, nâng cao. Sau 36 tháng, năng lực, kiến thức sẽ có thể bị mai một - ông Thảo phân tích sâu hơn.

Tránh tốn kém, lãng phí

Trước dự báo về nhu cầu dự thi đánh giá năng lực năm 2022, ông Thảo cho biết, trung tâm đã xây dựng kế hoạch mở rộng cho khoảng 50-70.000 thí sinh dự thi.

Đứng ở góc độ xã hội, vị chuyên gia này đưa ra 2 đề xuất.

Thứ nhất, không phải thí sinh nào cũng đi thi đánh giá năng lực và không nhất thiết trường nào cũng phải dùng kết quả thi này.

Điểm thi tốt nghiệp THPT hiện nay cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tuyển sinh của các trường. Những trường có mức điểm chuẩn dưới 22-24 điểm thì không nhất thiết phải sử dụng bài thi đánh giá năng lực.

Phòng thi đánh giá năng lực.

Về lo ngại nhiều trường tổ chức thi riêng, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu tổ chức thi một kỳ thi kiểm tra kiến thức giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không cần thiết, còn muốn hướng tới tìm kiếm năng lực của thí sinh phải tham gia bài thi đánh giá năng lực hoặc tư duy.

Để thiết kế được kỳ thi này là cả một quá trình đánh giá, nghiên cứu sâu và xây dựng lâu dài chứ không phải một năm hoặc mấy tháng có thể ra được bài thi. Đại học Quốc gia Hà Nội mất cả quá trình xây dựng, kế thừa và phát triển gần 10 năm qua, kể cả trong thời gian dừng vẫn nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện.

Tôi tin rằng sang năm sẽ vẫn nhiều trường lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển. Đối với những trường có một vài ngành hot, tỉ lệ chọi cao thì nên kết hợp lấy bài thi đánh giá năng lực đã được tổ chức chuyên nghiệp để tiết kiệm được nguồn lực xã hội. Thí sinh cũng không bị xáo trộn, tuyển sinh tương đối đảm bảo được chất lượng, ông Thảo cho hay.

Không cần luyện thi

Chia sẻ về việc nhiều thí sinh lo lắng, đi luyện thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, đây chỉ là do thí sinh mắc bệnh tâm lí. Nguyên nhân là do khi học trên lớp học sinh hoặc nhà trường thường đi theo trường phái xưa nay là xếp vào ban xã hội hay tự nhiên. Vì thế khi đề thi toàn diện thì cảm thấy lo lắng.

Trên lớp nên học bình đẳng cho tất cả các môn, thì không cần ôn luyện gì cả.

Ông Thảo nhấn mạnh thí sinh chỉ cần học tốt chương trình THPT trên lớp là có thể hoàn thành tốt kỳ thi.

Video liên quan

Chủ Đề