Doanh thu bán lẻ hàng hóa việt nam 2023

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch. Riêng giá lợn hơi tiếp tục có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, một số địa phương xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, đồng thời nhu cầu giảm do nhiều người có thói quen ăn chay trong tháng Bảy Âm lịch… Do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước [giá bán lẻ đường trong nước ổn định ở mức cao], giá gạo trong nước tăng khá mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu [giá thóc, gạo tẻ thường ước tăng khoảng 500-1.500 đ/kg, tùy loại và địa phương], một số loại phân bón như SA, Kali nhích nhẹ [các loại khác giữ ổn định]. Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho lợn…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước [cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%], nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% [cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%]. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy sức mua đang chậm lại.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.

Công tác quản lý mặt hàng xăng dầu trong 8 tháng năm 2023

Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, cụ thể: Ngày 28/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng nên nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong tháng 8 năm 2023 và các tháng tiếp theo năm 2023 về cơ bản được đảm bảo.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Qua 03 lần điều chỉnh giá [ngày 01/8, 11/8 và 21/8], giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tháng 8/2023 [tại kỳ điều hành ngày 21/8] được điều chỉnh so với tháng trước [tại kỳ điều hành ngày 21/7] như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 23.339 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 24.601 đồng/lít, tăng 1.809 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.354 đồng/lít, tăng 3.165 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 22.309 đồng/lít, tăng 2.809 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.981 đồng/kg, tăng 2.256 đồng/kg.

Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, phát triển thị trường trong nước

Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước. Công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.

Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành.

Theo đó, trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.

Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành Giá để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới [khi giá thế giới tăng cao], góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời, tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.

Chủ Đề