Đánh giá công tác tiếp công dân

BÁO CÁO

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN,

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016

I.KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, NHẬN, XỬ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN

1. Công tác tiếp công dân

6 tháng đầu năm 2016, công tác tiếp công dân tiếp tục được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo và duy trì thực hiện có hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh và huyện duy trì tiếp công dân định kỳ theo lịch đã công khai; Ban Tiếp công dân của tỉnh, huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin đã có tiến bộ, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thông tin trong các buổi tiếp công dân [đặc biệt là các buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh]. 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp 2.783 lượt công dân[1], giảm 714 lượt so cùng kỳ [20,42%], cụ thể:

- Ở cấp tỉnh tiếp 197 lượt, trong đó: Khiếu nại 52 lượt, tố cáo 13 lượt, loại khác 132 lượt [giảm 160 lượt = 44,82% so cùng kỳ];

- Các sở, ngành tiếp 286 lượt, trong đó: Khiếu nại 13 lượt, tố cáo 03 lượt, loại khác 270 lượt [giảm 255 lượt = 47,13% so cùng kỳ];

- Các huyện, thành, thị tiếp 714 lượt, trong đó: Khiếu nại 08 lượt, tố cáo 12 lượt, loại khác 694 lượt [giảm 240 lượt = 25,16% so cùng kỳ];

- Cấp xã tiếp 1.586 lượt, trong đó: Khiếu nại 04 lượt, tố cáo 04 lượt, loại khác 1.578 lượt [giảm 61 lượt = 3,70% so cùng kỳ].

Số lượt công dân được thủ trưởng cơ quan tiếp là 1.512 lượt, chiếm 54,33% tổng số lượt công dân được tiếp, cụ thể: Lãnh đạo tỉnh tiếp 83 lượt; lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp cơ sở tiếp 1.391 lượt; lãnh đạo sở, ban, ngành tiếp 38 lượt.

[1] Số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của các cấp, các ngành là 2.783 lượt, số người tiếp lần đầu là 2.002, còn lại 781 lượt công dân đến nhiều lần hoặc vụ việc đang giải quyết nhưng công dân vẫn đến đề nghị đôn đốc giải quyết.

Những đơn vị tiếp nhiều là: UBND tỉnh; UBND các huyện: Phù Ninh, Thanh Ba, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Việt Trì.

Toàn tỉnh tiếp 20 lượt đoàn đông người [05 người trở lên; bằng số lượt đoàn so với cùng kỳ], trong đó:Cấp tỉnh 04 lượt; cấp huyện 08 lượt; sở, ban, ngành 08 lượt [03 vụ việc].

Nội dung các vụ việc đông người chủ yếu liên quan đến đất đai: Việc thu hồi, bồi thường, các chính sách hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm…khi thu hồi đất thực hiện các dự án [một số hộ khu 13, phường Gia Cẩm và khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì liên quan đến dự án đường Nguyễn Du và đường Hòa Phong kéo dài; 252 hộ khu Dữu Lâu, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì liên quan đến dự án của Công ty Cổ phần Kim Đức]; về lĩnh vực bảo vệ môi trường [một số hộ xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn]; về lĩnh vực an ninh trật tự [một số hộ xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao]...

2. Công tác nhận, xử lý, giải quyết đơn

2.1. Việc nhận, xử lý đơn

6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành trong tỉnh nhận 2.633 đơn, giảm 437 đơn so với cùng kỳ [14,23%]; trong đó: Khiếu nại 105 đơn, tố cáo 111 đơn, loại khác 2.417 đơn. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính và đủ điều kiện giải quyết là 52 đơn [khiếu nại 16 đơn; tố cáo 36 đơn], chiếm 1,97% trong tổng số đơn nhận được, số còn lại là đơn trùng, đơn không đủ điều kiện thụ lý hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp, thi hành án[3].

2.2. Việc giải quyết đơn

Các cấp, các ngành đã giải quyết xong 43/52 đơn, đạt 82,69% [khiếu nại 11/16 đơn; tố cáo 32/36 đơn], còn 09 đơn đang trong hạn giải quyết. Cụ thể:

- Đơn thuộc thẩm quyền cấp tỉnh: 03 đơn; đã giải quyết xong: 03 đơn = 100% [khiếu nại 02/02 đơn; tố cáo 01/01 đơn];

- Đơn thuộc thẩm quyền sở, ngành: 27 đơn; đã giải quyết xong 24 đơn = 88,89% [khiếu nại 06/08 đơn; tố cáo 18/19 đơn][4];

- Đơn thuộc thẩm quyền cấp huyện: 16 đơn; đã giải quyết xong 11 đơn, = 68,75% [khiếu nại 03/05 đơn; tố cáo 08/11 đơn];

- Đơn thuộc thẩm quyền cấp xã: 06 đơn; đã giải quyết xong: 05 đơn = 83,33% [khiếu nại 0/01 đơn; tố cáo 05/05 đơn].

Kết quả giải quyết cụ thể:

- Trong 11 đơn khiếu nại đã giải quyết [02 vụ công dân rút đơn], có:

+ Giải quyết lần đầu: 09 đơn, trong đó: Khiếu nại đúng: 01 đơn = 11,11%; khiếu nại sai: 08 đơn = 88,89%.

[3] Tổng số đơn nhận nhiều [2.633 đơn], nhưng đơn thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính chiếm tỷ lệ thấp do một người có thể gửi đơn nhiều lần cùng một nội dung hoặc có trường hợp một nội dung nhưng gửi đơn đến nhiều cơ quan; đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp.

[4] Tất cả số đơn thuộc thẩm quyền sở, ngành là của Công an tỉnh [KN: 08, TC: 19]; các sở ngành khác có nhận được đơn tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng đều là đơn nặc danh, mạo danh, không đủ điều kiện giải quyết được chuyển sang xử lý theo quy định về phòng chống tham nhũng.

+ Giải quyết lần 2: 02 đơn, trong đó: Giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu: 01 đơn; sửa đổi biện pháp giải quyết: 01 đơn.

- Trong 32 đơn tố cáo đã giải quyết, có:

+ Đã ban hành kết luận giải quyết: 31 đơn, trong đó: Tố cáo đúng: 07 đơn = 22,58%; Tố cáo có đúng, có sai: 03 đơn = 09,68%; Tố cáo sai: 21 đơn = 67,74%.

+ 01 đơn phải rà soát lại, kết quả: Sửa một phần kết luận giải qyết.

Thông qua công tác giải quyết đơn đã kiến nghị khôi phục quyền lợi cho công dân với giá trị 176,45 triệu đồng.

 6 tháng đầu năm, công dân khởi kiện vụ án hành chính tại các tòa án hành chính là 23 vụ, trong đó: Khởi kiện quyết định hành chính 20 vụ; khởi kiện hành vi hành chính 03 vụ. Tòa án hành chính đã xét xử 13/23 vụ, trong đó: Bác đơn khởi kiện 08 vụ; công dân rút đơn 05 vụ và 10 vụ đang thụ lý giải quyết.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 2100/KH-TTCP NGÀY 19/9/2013 CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP, TỒN ĐỌNG

6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát 04 vụ việc phức tạp, tồn đọng [đã có văn bản giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định, nhưng công dân vẫn có đơn gửi các cơ quan của tỉnh và Trung ương]. Kết quả: Ban hành thông báo chấm dứt thụ lý 03 vụ việc; đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ rà soát: 01 vụ việc.

Ngoài ra, UBND tỉnh đang đôn đốc, chỉ đạo giải quyết 10 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp huyện nhưng chậm giải quyết gồm: Việt Trì 06 vụ việc, Phù Ninh 02 vụ việc, Lâm Thao 02 vụ việc.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

6 tháng đầu năm 2016, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

Ở cấp tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh duy trì lịch tiếp công dân chung ngày 10 hàng tháng; Ban Tiếp công dân tỉnh duy trì tiếp công dân thường xuyên các ngày làm việc trong tuần. Việc phân loại, xử lý đơn được tập trung một mối ở cấp tỉnh [04 Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và  UBND tỉnh], đã phối hợp hiệu quả, tạo được sự thống nhất trong xử lý, phân loại, hướng dẫn và trả lời công dân [kể cả việc báo cáo cơ quan cấp trên và trả lời cơ quan báo chí].

6 tháng đầu năm là thời điểm diễn ra hai sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; do làm tốt công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời khi mới phát sinh; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ảnh của công dân được coi trọng nên trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng, đặc biệt không có việc công dân lợi dụng các sự kiện quan trọng của tỉnh, của đất nước để tập trung đông người, gây rối... UBND tỉnh đã thành lập và chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị thành lập Tổ tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấpcác cấp trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp huyện, công tác tiếp công dân tiếp tục được duy trì và đã nâng cao về chất lượng; bộ phận tiếp công dân cấp huyện đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh; đã gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị của công dân nên nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời và được công dân chấp nhận, một số đơn vị làm tốt như: Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn... qua đó đã hạn chế việc công dân khiếu kiện vượt cấp.

Công tác giải quyết đơn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo rà soát để có biện pháp giải quyết dứt điểm như vụ việc của bà Nguyễn Thị Luyện [Việt Trì], bà Kiều Thị Vinh [Phù Ninh], bà Nguyễn Thị Thắm [Tam Nông]; công tác phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc giải quyết đơn của cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đã hạn chế đơn tái khiếu, tái tố và giảm đơn thuộc thẩm quyền cấp tỉnh [giảm 57,14 % so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2015 thụ lý 07 đơn, 6 tháng đầu năm 2016 chỉ có 03 đơn, giảm 04 đơn].

2. Những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân

Mặc dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2016 đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có chiều rộng, nhưng chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là về khiếu nại, giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ; vẫn còn tình trạng công dân gửi đơn nhiều nơi và chưa đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đã gây khó khăn trong việc theo dõi, xử lý, giải quyết đơn.

- Công tác tiếp công dân định kỳ và thường xuyên ở cấp huyện đã được duy trì nhưng chất lượng chưa cao; chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của công dân; một số vụ việc do phương pháp tiếp, giải thích chưa thuyết phục dẫn tới nhiều trường hợp công dân vượt cấp lên tỉnh.

- Việc giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của một số đơn vị cấp huyện còn kéo dài, không kịp thời xử lý, thông báo kết quả xử lý, thụ lý đơn, để công dân phải gửi đơn vượt cấp đề nghị đôn đốc, chỉ đạo; nhiều trường hợp có vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng chưa tập trung tháo gỡ, giải thích cho người có đơn; việc thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết đã có hiệu lực pháp luật ở một số đơn vị cấp huyện còn chậm, hoặc một số vụ việc phức tạp, có vướng mắc trong quá trình giải quyết nhưng chưa kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo hoặc gia hạn thời gian thực hiện nên phải để UBND tỉnh đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần [Việt Trì, Phù Ninh].

- Ở cấp xã, một số đơn vị chưa coi trọng việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo lịch [chủ yếu là giao cho cán bộ Văn phòng hoặc Tư pháp]; nhiều cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân còn thiếu kinh nghiệm, năng lực hiểu biết pháp luật hạn chế, dẫn tới việc giải thích, hướng dẫn cho công dân chưa đủ sức thuyết phục; một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết còn kéo dài, gây bức xúc cho người có đơn như: Phú Lộc, Gia Thanh [huyện Phù Ninh], một số xã ở huyện Cẩm Khê.

* Nguyên nhân khách quan

Phần lớn số đơn khiếu nại, tố cáo đã giải quyết có liên quan đến đất đai và phát sinh trong giai đoạn đầu thực hiện Luật Đất đai năm 2013 nên hệ thống pháp luật về đất đai và pháp luật khác chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định, gây khó khăn cho việc thực hiện và áp dụng.

Qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy: Nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân về khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, thể hiện qua việc số đơn khiếu nại,  tố cáo sai chiếm tỷ lệ cao [khiếu nại 88,89%; tố cáo 67,74%].

* Nguyên nhân chủ quan

- Cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không ổn định [do điều động, luân chuyển, bổ nhiệm]; số cán bộ thay thế còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, đã phần nào ảnh hướng tới chất lượng công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền; ngoài ra một số cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị [chủ yếu ở cấp xã] chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.

- Công tác phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị cấp huyện còn hạn chế, chưa chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh và Ban Tiếp công dân tỉnh trong việc tham mưu, đề xuất xử lý, giải quyết những vụ việc có tính phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành.

- Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý và xử lý những tồn tại về đất đai. Việc thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn chậm, phải đôn đốc nhiều lần.

- Công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân tuy đã thực hiện nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; chưa chủ động phát hiện sai sót trong việc phân loại, xử lý, giải quyết đơn.

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016

Để duy trì trật tự, an toàn xã hội, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng cuối năm 2016 cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau: 

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 21/6/2013 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Chỉ thị số 31/CT-UBND ngày 01/11/2012 của UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn cho cán bộ làm công tác tiếp công dân ở cấp huyện và cấp xã.

Chính quyền các cấp tăng cường phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác dân vận, đối thoại, hòa giải nhằm hạn chế phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân với cấp trên trực tiếp nếu chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, để công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

3. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Việc giải quyết đơn phải đúng trình tự, thẩm quyền, nhất là những nội dung liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách xã hội…; gắn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở.

Các cơ quan chức năng căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương, tăng cường công tác quản lý đất đai; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất, đảm bảo đúng quy định, công khai, dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi. Quan tâm thực hiện tốt việc bố trí tái định cư, hỗ trợ, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi.

4. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành, thị phải thường xuyên chỉ đạo rà soát, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý để giải quyết kịp thời ngay khi mới phát sinh. UBND các huyện, thành, thị có dự án về khu đô thị cần phối hợp với sở chuyên ngành [Tài nguyên & Môi trường] đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án và cho các hộ trong khu vực dự án; kịp thời đề xuất, giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Quá trình giải quyết phải phân loại, xử lý đúng nội dung đơn; tăng cường đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Trước mắt, UBND các huyện, thành, thị cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm 10 vụ việc thuộc thẩm quyền mà UBND tỉnh đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc; trường hợp vụ việc phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền phải báo cáo cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Tiếp tục rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đặc biệt là các quyết định, kết luận giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. Các vụ việc liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được ưu tiên sửa sai trong thời gian sớm nhất để chấm dứt khiếu kiện.

5. Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện tăng cường thanh tra trách nhiệm, làm tốt chức năng tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng việc phát hiện, xử lý các trường hợp chậm phân loại, xử lý đơn, giải quyết kéo dài để công dân gửi đơn vượt cấp; kiến nghị thanh tra công vụ đối với các đơn vị chậm khắc phục những tồn tại. 

6. Tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng có liên quan, đặc biệt là thông tin về kết quả giải quyết các vụ việc giữa các cấp, các ngành trong tỉnh và Ban Tiếp công dân Trung ương nhằm tránh việc xử lý đơn không đúng, chuyển đơn lòng vòng.

Trên đây là báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh./.

Video liên quan

Chủ Đề