Cứ địa cách mạng h9 ra đời từ năm nào

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk [1965 - 1975] nằm tại sườn núi Čư Yang Sin, huyện Krông Bông [H9] là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk từ năm 1965 đến năm 1975, đóng vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh, đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như một dấu son chói lọi, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc Đắk Lắk anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Khu căn cứ là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Đắk Lắk, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây; đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam.

Đặc biệt, Khu căn cứ còn là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III [7/1966] tại Ea Plây, buôn Đắk Tuôr, xã Čư Pui; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV [4/1969] tại núi Yang Mao, buôn M’Nang Dơng, xã Yang Mao và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V [10/1971] tại vùng núi cao Čư Dang Klơ, buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông.

Trải qua những thử thách gay go, ác liệt, nhất là đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn đánh phá của Mỹ - Ngụy, các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân ở Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk đã anh dũng, kiên cường xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến, giành dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh ủy Đắk Lắk lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, thống nhất nước nhà.

Với ý nghĩa đó, ngày 09 tháng 3 năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk [1965 – 1975] là một quần thể di tích có giá trị về văn hoá, lịch sử, khoa học và nghệ thuật. Bảo vệ, quản lý và phát huy các giá trị của di tích là một việc làm quan trọng nhằm góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của quân và dân các dân tộc huyện Krông Bông nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Nhân kỷ niệm 43 năm giải phóng Buôn Ma Thuột [10/03/1975 - 10/03/2018] và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 30/4/2018], chúng tôi có cuộc trò chuyện với những người săn “đại bàng” ở bầu trời H9.

Một ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, vượt qua quãng đường dài hơn 90km, chúng tôi đến thăm ông Y Grăng Niê [tên thường gọi Ama Dung], quê ở Krông Bông, hiện sinh sống tại Buôn Hai, xã Cư Mta Mdrăk. Sau cái ôm thân thiết, bắt tay chào hỏi, chúng tôi có dịp hàn huyên và nghe ông kể chuyện thời đánh Mỹ.

Ông Y Grăng Niê kể chuyện bắn rơi máy.

Ông kể: Đầu năm 1968, ông thoát ly vào T47 Đắk Lắk và được chuyển về C23, đơn vị 25. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn mỏng và ít, ông được đơn vị giao kiêm phụ trách thanh niên buôn Ngô [Hòa Phong] và buôn Dăk Tuôr [nay thuộc xã Cư Pui]. Là người hoạt động phong trào sôi nổi, hăng hái trên mọi mặt trận công tác nên Mỹ - Ngụy tuyên bố nếu bắt được Y Grăng sẽ chặt đầu để ra đường cái. Để đánh lạc hướng kẻ thù, đơn vị quyết định đổi tên ông thành Y Brăng Niê.

Vào khoảng 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 5/1969, trong lúc trên đường đưa thanh niên buôn Ngô đi tập văn nghệ chào mừng sinh nhật Bác tại buôn Dăk Tuôr, phát hiện máy bay Dakuta của địch đang bay ở tầm thấp rải chất độc khai quang, trong số 12 người chỉ mình ông có súng, lúc này ông suy nghĩ mình không bắn máy bay mà chạy thì sẽ chết, nếu không thì cũng bị bắt. Nghĩ sao làm vậy, khi máy bay rà thấp cách khoảng vài chục mét, ông dùng súng CKC nhắm thẳng vào máy bay bắn ba phát, thấy máy bay trúng đạn bốc cháy, sau đó rơi xuống vùng đất ở hướng Tây cách mười mấy cây số [địa điểm nay là cơ quan Công an huyện Krông Bông], ông sung sướng hô to: “Máy bay cháy rồi anh em ơi, máy bay cháy rồi anh em ơi”…

Sau chiến công này, ông được thăng quân hàm đại úy, đến năm 1972 được điều động về làm Phó bí thư Huyện đoàn H9 rồi được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, Quân khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trải qua nhiều công việc từ Đại đội phó Thanh niên xung phong huyện Krông Păk, rồi đến Phó trưởng phòng Phòng Nông Nghiệp huyện Mdrăk… Năm 1986, ông nghỉ mất sức nhưng đến năm 1988 ông được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát HTX Cư Du [một trong những HTX tiêu biểu của huyện Mdrăk]. Năm 1991, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã CưMta cho đến năm 1996.

Trong ký ức của ông Y Kriêng Bkrông, 87 tuổi, ở Buôn Ngô [Hòa Phong] vẫn không quên được trận đánh ngày 15/7/1969, sau khi nhận lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận B3, Đại tá Ama Phim tham mưu phó tỉnh đội Đắk Lắk đã giao nhiệm vụ cho 4 đồng chí trong lực lượng du kích của xã phục kích đánh địch đi càn vào hậu cứ, khi phát hiện chiếc máy bay C130 bay thấp chỉ cách mặt đất khoảng 300m, ông dùng súng CKC ngắm thẳng bắn trúng tên phi công, khiến máy bay của địch bị rơi.

Phong trào bắn máy bay địch lan tỏa khắp vùng căn cứ, theo lời giới thiệu của ông Trần Tiên, một người dân căn cứ Lễ Giáo, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hòa Lễ đã nghỉ hưu, tôi đến gặp ông Lỡ Văn Châu, 64 tuổi, thương binh 4/4, hiện ở thôn 1, xã Hòa Lễ. Bằng giọng trầm hùng, ông kể lại: Năm 1971, khi tròn 16 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ vào Huyện đội H9. Do nhỏ tuổi và nhỏ người, ông được biên chế vào trung đội trinh sát kiêm giao bưu. Tháng 3/1973, trong lúc giao tranh với địch tại Buôn Gà [Ea Kar], ông bị thương vào phần mềm, sau khi điều trị ông tiếp tục trở lại đơn vị với công việc của người lính trinh sát, giao bưu. Những tháng năm trong quân ngũ đã để lại cho ông biết bao kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm luôn theo ông trong suốt cuộc đời. Đó là vào tháng 4 năm 1974, ông được đơn vị cử đi từ H9 đến H7 để giao công văn hỏa tốc, khi vừa đi đến cầu Cư Phiăng [Hòa Phong] bị máy bay trực thăng của địch phát hiện, nó chĩa súng bắn thẳng vào, ông suy nghĩ nếu hy sinh cũng phải bảo vệ được công văn mật, nên nhanh trí nhảy xuống gầm cầu tìm vị trí ẩn nấp và độc lập tác chiến.

Ông Lỡ Văn Châu kể chuyện bắn rơi máy.

Thừa cơ hội máy bay hạ thấp, ông dùng súng AK bắn hết nửa băng đạn khoảng 15 viên thì máy bay bốc cháy, rơi cách đó ba cây số [xác máy bay tìm thấy nằm ở gần cánh đồng thôn 6 Hòa Phong hiện nay]. Năm 1979, ông phục viên với cấp bậc Thượng sỹ, chức vụ A trưởng. Với những thành tích tham gia kháng chiến, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba.

Chia tay ông Châu, tôi vẫn còn canh cánh bên lòng, là hiện nay với phụ cấp thương binh ít ỏi, ông chắt chiu nuôi con cái ăn học, nên mặc dù ngôi nhà gỗ đã xuống cấp nhưng vẫn chưa có điều kiện để cải thiện nơi ăn chốn ở.

Qua những câu chuyện bắn rơi máy bay ở vùng căn cứ H9 [Krông Bông] và những nhân chứng sống, một lần nữa khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập – tự do” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Chủ Đề