Cơ sở vật chất Đại học Mỏ - Địa chất

Văn phòng: Phòng 607 - Nhà C12 tầng, Trường Đại học Mỏ-Địa chất

Địa chỉ: Số 18, phố Viên, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: [84-4] 37525052

Email: 

Website: //env.edu.vn/

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập theo quyết định số 141/QĐ-MĐC ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Hiệu trưởng, trên cơ sở chuyển toàn bộ Bộ môn Địa sinh thái & Công nghệ môi trường thuộc Khoa Địa chất [nay là Khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất]. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo và phát triển của Khoa, tháng 5 năm 2010 thêm 2 bộ môn là Môi trường cơ sở và Kỹ thuật môi trường mỏ [nay là bộ môn Kỹ thuật môi trường] cũng đã được thành lập. Hiện nay, Khoa Môi trường có 03 bộ môn là bộ môn Địa sinh thái & CNMT, bộ môn Kỹ thuật môi trường và bộ môn Môi trường cơ sở.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Khoa Môi trường hiện có tổng số cán bộ - viên chức là 33 người. Trong đó có 03 PGS, 12 TS, 12 ThS. Số lượng cán bộ đang làm NCS ở nước ngoài là 02 cán bộ [Mỹ, Đức…]. Bên cạnh đó, Khoa còn có đội ngũ đông đảo các cộng tác viên khoa học và cố vấn là các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực Địa chất, Địa chất thủy văn, Địa chất công trình, Tìm kiếm thăm dò, Khoáng thạch, Khai thác mỏ hầm lò, Xây dựng, Trắc địa… đã và đang công tác ở các trường đại học, các trung tâm, Tổng công ty… thường xuyên tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn đồ án, nghiên cứu khoa học cho các sinh viên, học viên trong Khoa.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Khoa Môi trường là cơ sở đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành Kỹ thuật môi trường của Đại học Mỏ - Địa chất. Bắt đầu giảng dạy cho sinh viên từ K49 đến nay. Trung bình mỗi năm Khoa tiếp nhận trên dưới 200 sinh viên

Trong năm học 2015 - 2016, Khoa Môi trường có 772 sinh viên thuộc các chuyên ngành Địa sinh thái & CNMT, Kỹ thuật môi trường và một số sinh viên đang học hệ cao đẳng. 

Khoa Môi trường hiện có 01 phòng thí nghiệm Địa sinh thái - Địa môi trường do Bộ môn Địa sinh thái & CNMT quản lý. Đây là phòng thí nghiệm hiện đại với các máy móc phân tích có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Phòng thí nghiệm này đã đạt chuẩn quốc gia và có số hiệu VILAS 630.

Trong thời gian học tập tại Trường, ngoài được sử dụng các trang thiết bị của phòng thí nghiệm, sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường còn có nhiều cơ hội để giành được các suất học bổng du học, học bổng tài năng và các suất học bổng sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi do các công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài tài trợ. Những năm gần đây, sinh viên Khoa Môi trường thường giành được các suất học bổng du học toàn phần ở CH Liên bang Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... cũng như học bổng hỗ trợ từ các tập đoàn SPE, Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm, Trung tâm Quan trắc và Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia…

Bên cạnh các hoạt động đào tạo thường kỳ, cán bộ Khoa còn thường xuyên tham gia các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và thường xuyên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu Khoa học. Đến nay Khoa Môi trường thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước, 09 đề tài cấp Bộ trong đó có 3 đề tài cấp bộ trọng điểm, 14 đề tài cấp cơ sở, viết được 12 giáo trình, hơn 140 bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có hơn 22 bài đăng trên tạp chí quốc tế, có 7 bài SCI.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và sự phát triển của xã hội, dựa trên chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sự chỉ đạo của Đảng ủy-Ban Giám hiệu Trường Đại học Mỏ-Địa chất và trên cơ sở kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Về công tác chính trị, tư tưởng

  • Xây dựng Khoa thành một tập thể vững mạnh về tư tưởng, thống nhất về hành động. Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, xây dựng Khoa vững mạnh, phát triển đồng đều các loại hình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn yêu cầu. Khoa đã có 01 chi bộ trực thuộc Đảng ủy trường với 27 đảng viên phấn đấu xây dựng thành Đảng ủy Khoa với ít nhất có 03 chi bộ trực thuộc.

Về phát triển, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học

Phát triển, bồi dưỡng lực lượng cán bộ

  • Luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn của cán bộ thông qua các khóa đào tạo dài hạn, học ngắn hạn [nâng cao chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, quản lý], dài hạn [học thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ]. Phấn đấu đến năm 2025 toàn khoa có 20 TS, chiếm khoảng 60% tổng số CBGD, 4-6 PGS đạt 20% số CBGD.
  • Khoa đã và đang chuẩn bị đề nghị nhà trường thành lập Bộ môn Quản lý Tài nguyên môi trường, hoàn thiện chương trình đào tạo cao học để có thể tuyển sinh trong năm học tới.
  • Tăng cường và thường xuyên thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giảng viên về kỹ năng giảng dạy và kỹ năng quản lý cho cán bộ trong khoa

Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy

  • Phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Trường xây dựng các đề tài, đề án nhằm tăng cường năng lực của các Phòng thí nghiệm chuyên  ngành của Khoa. Tích cực cùng các phòng, ban chức năng trong Trường hoàn thiện thư viện, hệ thống số hóa các tài liệu chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

  • Tích cực, chủ động đề xuất các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển trên trường quốc tế và khu vực ASEAN. Duy trì và phát huy những kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên trong nhiệm kỳ qua. Chú trọng nâng cao số lượng các bài báo xuất bản trên các tạp chí/sách quốc tế bằng tiếng Anh. Hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa [2010-2020] đã nhận được 50 báo cáo khoa học từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
  • Nghiên cứu rà soát, củng cố các chương trình đào tạo của các ngành và chuyên ngành cho phù hợp với thực tế. Tập trung hoàn thành toàn bộ bài giảng, giáo trình thuộc các môn học theo học chế tín chỉ do Khoa quản lý và đã được Nhà trường phê duyệt đề cương chi tiết. Hoàn thành các đề án mở ngành đào tạo đại học và sau đại học, trước mắt là ngành đào tạo đại học Quản lý tài nguyên và môi trường, ngành đào tạo sau đại học Môi trường và An toàn lao động, các chương trình chất lượng cao ngành Kỹ thuật môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường.

5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị

Với các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, nhiều cán bộ đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiến sĩ thi đua cấp Bộ, cấp cơ sở và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, bộ, ngành.
 

BAN CHỦ NHIỆM KHOA

PGS.TS. Đỗ Văn Bình

Trưởng khoa

Video liên quan

Chủ Đề