Chức năng của giao tiếp trong tâm lý học

MẠC VĂN TRANG

1. Khái niệm giao tiếp trong tâm lý học

Thuật ngữ “giao tiếp” [communication] được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau với hàm nghĩa rất đa dạng. Trong Tâm lý học cũng có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm giao tiếp.

            Nhiều nhà Tâm lý học theo quan điểm của A.N. Lêônchiep, coi giao tiếp là một dạng đặc thù của hoạt động, có cấu trúc tâm lý chung như hoạt động. Tán thành quan điểm này, A.A. Lêônchiep định nghĩa: “Giao tiếp là một hệ thống những quá trình có mục đích, có động cơ bảo đảm sự tương tác giữa người này với người khác trong hoạt động tập thể, thực hiện các quan hệ xã hội và nhân cách, các hoạt động tâm lý và sử dụng những phương tiện đặc thù, trước hết là ngôn ngữ”.  

            B.Ph. Lômôp coi giao tiếp là một phạm trù độc lập với phạm trù hoạt động. Ông cho rằng việc coi hoạt động là một “siêu phạm trù” bao trùm lên giao tiếp sẽ dẫn đến làm “giản lược tính nhiều mặt có thực của đời sống con người”. Giao tiếp và hoạt động là hai phạm trù đồng đẳng, chúng “khác nhau về chất”, nhưng không đối lập nhau mà “gắn bó mật thiết với nhau”, “chúng chuyển tiếp và chuyển hoá lẫn nhau từ mặt này sang mặt kia”; “Giao tiếp có thể đóng vai trò là tiền đề, điều kiện, là yếu tố bên ngoài và bên trong của hoạt động và ngược lại”; “Giao tiếp là hình thức độc lập và đặc thù của tính tích cực của chủ thể”. Không thể đồng nhất cấu trúc chung của hoạt động với giao tiếp. Các thành tố chủ thể, đối tượng, động cơ, mục đích, kết quả, điều kiện, chức năng … trong giao tiếp đều có tính chất khác với hoạt động. 

Chẳng hạn trong hoạt động học, thuyết hoạt động dường như chỉ chú ý đến hoạt động học của từng cá thể HS trong suốt quá trình tiến hành các hành động, thao tác để chiếm lĩnh đối tượng, ít quan tâm tới những gì liên quan khác. Hồ Ngọc Đại chỉ rõ: “… đối với trẻ thì cá thể hoá cho từng em, sao cho trong quá trình một bài học không ai ngăn cản ai và không bị ai ngăn cản…”. Rõ ràng trong hoạt động, điều cơ bản là chủ thể tập trung vào  đối tượng, tích cực tiến hành các hành động, thao tác với công cụ tương ứng để cải biến, chiếm lĩnh đối tượng, đáp ứng mục đích, động cơ của chủ thể. Giao tiếp xẩy ra chỉ là phương tiện hỗ trợ cho quá trình hoạt động.

Quan điểm giao tiếp với tư cách một phạm trù độc lập, coi chủ thể là sự tương tác liên nhân cách [đồng chủ thể]; sự trao đổi thông tin hay tác động tâm lý lẫn nhau, đem lại kết quả tâm lý [ở mức độ khác nhau] đối với tất cả các chủ thể tham gia quá trình giao tiếp. Giao tiếp phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố xã hội: môi trường, quan hệ, văn hoá, vai trò, vị thế, chức năng, điều kiện, phương tiện  tiến hành giao tiếp…

Nếu quan niệm giao tiếp là quá trình chủ thể tác động có ý thức, động cơ, mục đích … thì giao tiếp không có ở động vật hay trẻ em sơ sinh đến 3 tuổi. Trong khi đó ta thấy ở động vật, nhu cầu và khả năng truyền tin cho nhau được phát triển rất đa dạng. Sự biểu hiện tâm lý giữa các cá thể hay trong bầy đàn động vật khi chăm sóc con nhỏ, khi “tỏ tình” hay khi vui đùa … cũng cho thấy bản chất giao tiếp của chúng. 

Điều rõ rệt là, sự phát triển tâm lý của trẻ em từ  0 đến 1 tuổi, chủ yếu nhờ vào giao tiếp trực tiếp với người lớn, nên nhiều nhà Tâm lý học gọi đó là “hoạt động chủ đạo” cho sự phát triển tâm lý của trẻ ở giai đoạn này. 

D.B. Enconhin cho rằng: “… mới tháng thứ 2, trẻ đã nảy sinh nhu cầu với bản chất xã hội, chỉ riêng con người mới có, ấy là nhu cầu về người lớn, muốn có giao lưu với người lớn chăm sóc nó…” . Mà trẻ 0 đến 1 tuổi chắc chắn chưa có ý thức về động cơ, mục đích trong giao tiếp với người lớn. Đó là phản ứng tự nhiên xuất phát từ nhu cầu sống còn của trẻ. Như vậy các tác giả coi giao tiếp là quá trình có động cơ, mục đích ý thức rõ rệt, cần phải gắn với văn cảnh cụ thể, chứ không thể khái quát chung cho khái niệm giao tiếp. Hơn nữa ngay ở người trưởng thành, nhiều tình huống giao tiếp xẩy ra ngẫu nhiên, bất chợt hằng ngày, có phải bao giờ cũng xác định động cơ, mục đích…?

Cùng với hoạt động, giao tiếp là nhu cầu sống còn của con người, là phương thức tồn tại của con người. Hơn nữa, xét về quy luật phát sinh cá thể [ontogenese] giao tiếp còn xuất hiện trong đời sống con người trước hoạt động với đồ vật. Còn về phát sinh loài [phylogenese], Lewis Mumford từng cho rằng, loài người thậm chí đã dành thời gian cho các hình thức giao tiếp nhiều hơn cả thời gian để chế tạo công cụ…

Con người không chỉ say mê hoạt động, cắm cổ, hì hục học tập, nghiên cứu, lao động làm ra thật nhiều sản phẩm…, mà còn có nhu cầu giao tiếp hết sức phong phú, đa dạng: ngắm nhìn nhau, trò chuyện với nhau, vui đùa cùng nhau, chăm sóc yêu thương nhau, chia sẻ tâm tình, trao đổi thông tin, truyền đạt kinh nghiệm, liên kết cùng nhau…

Để viết bài này, tôi vừa đọc vài chục định nghĩa giao tiếp trong các tài liệu tâm lý học và ngạc nhiên thấy phần lớn đều coi “giao tiếp là quá trinh… có ý thức, động cơ… nhằm mục đích…”.  Vì vậy thấy tâm đắc với định nghĩa của Trần Trọng Thuỷ: “Giao tiếp của con người là một quá trình có chủ định hay không chủ định, có ý thức hay không ý thức mà trong đó các cảm xúc và tư tưởng được biểu đạt trong các thông điệp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ”.  

G.M. Andreeva phân tích rất hay về ba khía cạnh tâm lý của giao tiếp có quan hệ hữu cơ với nhau, đó là trao đổi, truyền đạt thông tin; tri giác lẫn nhau giữa con người với con người; tác động tâm lý qua lại lẫn nhau. 

Trong bài viết này có thể xác định: Giao tiếp là sự tác động qua lại giữa chủ thể và chủ thể, qua đó con người tri giác lẫn nhau, chia sẻ cảm xúc, truyền đạt thông tin, trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau… để đáp ứng nhu cầu của đời sống.

Định nghĩa này muốn chỉ rõ: Giao tiếp là sự tác động qua lại giữa chủ thể – chủ thể [khác với hoạt động: chủ thể – đối tượng]; sự tác động qua lại này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp; có thể bằng phương tiện ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ; có thể chủ định hoặc không chủ định; giao tiếp thể hiện sự phát triển theo các chức năng ngày càng cao: chức năng sinh- tâm lý, chức năng thông tin, chức năng giáo dục, chức năng xã hội. Định nghĩa này cũng nhấn mạnh: sự giao tiếp xuất phát từ nhu cầu của đời sống sẽ có sức sống sinh động, bền vững, còn những hình thức giao tiếp không xuất phát từ nhu cầu thực, sẽ ít hiệu quả, sớm lụi tàn.

Giao tiếp có các hình thức hết sức phong phú: giao tiếp giữa 2 người; giữa một người và nhiều người; giao tiếp giữa nhóm và nhóm; giữa nhiều người trong tổ chức hay trong một đám đông, trong cộng đồng…

2. Vận dụng Tâm lý học giao tiếp vào đổi mới PPGD

Trong quá trình giáo dục, người giáo viên [GV] cần nắm vững và vận dụng cả lý thuyết hoạt động lẫn giao tiếp vào thực tiễn sư phạm một cách linh hoạt. Riêng về giao tiếp cần lưu ý một số điểm. 

2.1. Cần thấy rõ giá trị đặc thù của giao tiếp trong giáo dục

            Trong thực tế, không ít HS/SV say mê, học giỏi một môn nào đó, hay nhà khoa học chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, nhưng lại gặp khó khăn, lúng túng trong giao tiếp xã hội. Thực ra đó là sự phát triển nhân cách phiến diện, do hạn chế của giáo dục. Karl Marx từng chỉ rõ: “Sự phong phú thực sự về tâm hồn của mỗi cá nhân hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự phong phú của những mối quan hệ hiện thực của cá nhân đó”. Quan hệ hiện thực của HS/SV ở nhà trường không chỉ với GV mà còn với các cá nhân bạn bè, với nhóm, với tập thể lớp, trường… Những mối quan hệ này phải được vận hành, hiện thực hoá thông qua các nội dung, hình thức giao tiếp đáp ứng nhu cầu của HS/SV để họ được chia sẻ, trải nghiệm và nhờ đó mà phát triển. Đổi mới PPGD không chỉ là thay đổi một số thủ thuật dạy trên lớp mà cần quan tâm đến đổi mới toàn diện các biện pháp tác động đến nhân cách và điều kiện phát triển của HS/SV trong nhà trường. 

            Đặc điểm của giao tiếp là khi chủ thể chia sẻ những cảm xúc, tri thức, kỹ năng của mình cho người khác thì những cái đó không mất đi mà lại phát triển phong phú lên. “Cho đi cũng là nhận được!”. Như trong hoạt động, giao tiếp cũng có “thử và sai”. Biểu hiện của giao tiếp [nói, viết, cử chỉ…] nếu “đúng”, được mọi người tán thưởng tất nhiên có tác động tích cực đến chủ thể; nhưng ngay cả những biểu hiện “sai”, bị phản ứng hay tự mình cảm nhận thấy, đều giúp chủ thể suy ngẫm, tự điều chỉnh. “Bất cứ quan hệ nào của con người đối với bản thân mình, đều chỉ được thực hiện, biểu hiện trong quan hệ của con người đối với những người khác”. 

Do vậy giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng trong tự điều chỉnh, tự giáo dục và phát triển các chỉ số xúc cảm [EQ] và chỉ số xã hội [SQ] ở HS/SV. Đó là những chỉ số mà gần đây người ta mới nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với con người trong xã hội hiện đại.

2.2. Phát huy các chức năng của giao tiếp trong giáo dục HS/SV

            Có nhiều cách phân loại chức năng của giao tiếp. Chúng tôi quan tâm đến bốn chức năng cơ bản sau đây.

            a. Chức năng tâm lý có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ cảm xúc, tâm trạng,  tư tưởng… Nhu cầu chia sẻ tâm tình được đáp ứng qua giao tiếp với thầy, cô, bạn bè, với cha mẹ, với chuyên gia tư vấn… Nếu những mối quan hệ giao tiếp này thực hiện tốt chức năng tâm lý sẽ giúp HS/SV tháo gỡ kịp thời những mặc cảm, ẩn ức, dồn nén bức xúc, tâm trạng nặng nề, thành kiến sai lệch … giúp các em vượt qua những khó khăn tâm lý, sống thoải mái, tích cực. Được như vậy, những hiện tượng bỏ học vì lý do tâm lý, xung đột, hysteri ngất tập thể hay tự tử, hành vi bất mãn, bạo lực… sẽ giảm đi trong nhà trường. Trạng thái tâm lý tích cực hay tiêu cực đều có sức lây lan, tạo nên bầu không khí tâm lý của nhóm, tập thể theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực…

            Những kỷ niệm sâu sắc nhất của thời HS/SV cũng chính là những ấn tượng về  tình người giữa thày trò, bè bạn… 

            b. Về chức năng thông tin. Sự công bằng, bình đẳng trong nhà trường trước hết là công bằng, bình đẳng về thông tin, về cơ hội, về sự đối xử. Cho nên trong nhà trường, các thông tin liên quan đến HS/SV cần được công khai, minh bạch, tạo cơ hội cho mọi HS/SV được tiếp cận thông tin như nhau. Những mờ ám, khuất tất về thông tin sẽ tạo nên nghi ngờ, làm xuất hiện những tin đồn, dư luận tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tâm lý các cá nhân, các nhóm… Thông tin về học tập ngày càng có nhiều phương thức trao đổi qua nhiều kênh đến với HS/SV.

c. Về chức năng giáo dục. Thực ra tất cả các chức năng giao tiếp khác đều có tính giáo dục. Chức năng giáo dục muốn nhấn mạnh đến các nội dung, hình thức giao tiếp chính khoá và ngoại khoá, cả trong và ngoài trường, được tổ chức có mục đích giáo dục rõ rệt. Thông qua các hình thức học nhóm, sinh hoạt tập thể, tổ chức tham quan, tham gia các ngày lễ tại trường, những “chiến dịch” truyền thông theo các chủ đề, công tác tình nguyện … những tri thức,  quan niệm, giá trị, kỹ năng sống … được chia sẻ, hình thành một cách tự nhiên ở HS/SV.

            d. Về chức năng xã hội. Đó là sự hình thành, phát triển, củng cố các mối quan hệ giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân khác, với nhóm, với tổ chức … tạo nên sự liên kết xã hội thành sức mạnh tập thể của HS/SV. Sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức xã hội phù hợp với HS/SV sẽ phát triển mạnh mẽ chức năng này.

            Trong thực tiễn, các chức năng trên đan xen nhau, nhưng về mặt khoa học, sự phân biệt là cần thiết.

2.3. Vận dụng sư phạm tương tác vào phương pháp dạy học [PPDH]

            Tôi được trực tiếp nghe hai đồng tác giả trình bầy về quan điểm sư phạm tương tác [SPTT] và đọc sách “Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác”, chỉ thấy nói sơ qua về giao tiếp. Tuy nhiên, cụ thể hoá quan điểm và các phương pháp của SPTT lại thấy “thấm đẫm” bản chất của giao tiếp. Vì vậy xin phép dùng “con mắt” giao tiếp để “nhìn” các PP của SPTT.

a.         SPTT quan niệm trong quá trình dạy học, phải coi trọng cả ba nhân tố: GV -HS/SV – MT [môi trường]: GV là người tổ chức, dẫn dắt, động viên, kiểm tra, điều chỉnh quá trình dạy học; HS/SV phải là người chủ động đi tìm kiếm tri thức cho mình; MT chủ yếu là bầu không khí tâm lý trong nhóm, lớp; mối quan hệ thày – trò và bạn bè giứa HS/SV với nhau. Người GV không trực tiếp “rót” kiến thức vào từng HS/SV mà phải biết dẫn dắt HS cùng làm việc với nhóm bạn để phát hiện, lĩnh hội đối tượng học tập. Cùng lúc HS/SV không chỉ có được kiến thức một cách tự nhiên mà còn biết cách làm việc với nhóm, biết bày tỏ  thái độ, chia sẻ quan điểm … về những điều lĩnh hội được. Đúng như các cụ xưa dạy: “Học thầy không tầy học bạn”. Khó nhất đối với người GV là có thái độ, tri thức và kỹ năng tạo dựng được một MT thân thiện, sẵn sàng chia sẻ, biết hợp tác, làm việc hiệu quả giữa các HS/SV trong mỗi nhóm nhỏ cũng như giữa các nhóm với nhau.

b. Một vài PPDH thường áp dụng 

– Làm việc cặp đôi. Thay vì nêu ra vấn đề và hỏi: “ai biết trả lời”, GV yêu cầu hai HS/SV ngồi bên nhau hãy trao đổi với nhau về câu trả lời. Như câu tục ngữ Nga: “một trí khôn đã tốt, hai trí khôn tốt hơn”, hai người bạn trao đổi sẽ giúp họ dễ dàng bầy tỏ ý kiến, quan điểm, bổ sung cho nhau để tự tin hơn trước khi trình bầy ý kiến cho GV và tập thể lớp nghe. Khi GV làm thành thạo việc này sẽ thấy nó có lợi ich giáo dục nhiều mặt.

–  Làm việc nhóm nhỏ tại lớp. Trong tiết dạy, GV cần biết đưa ra một vài bài tập/ vấn đề, yêu cầu nhóm nhỏ làm việc với nhau rồi từng nhóm trình bầy kết quả trước lớp. Đó có thể là thảo luận về một vấn đề, xử lý một bài tập tình huống, đóng một hoạt cảnh theo các nhân vật trong bài … Khi làm thạo, một tiết dạy GV có thể cho HS/SV làm việc nhóm 2 – 3 lần là bình thường. Các nhóm nên thay đổi sao cho mỗi HS/SV được làm việc, chia sẻ với nhiều bạn nhất và mỗi HS/SV đều được bầy tỏ ý kiến một cách tự do, bình đẳng. Những HS/SV nhút nhát, yếu kém càng cần được khuyến khích…

– Làm việc nhóm ngoài lớp. Đó có thể là những nội dung, hình thức làm việc giống như ở trong lớp nhưng HS/SV tự làm với nhau [không có GV bên cạnh] và thời gian rộng rãi hơn. Tôi đã thấy những bức tranh, sản phẩm thủ công của các nhóm HS lớp 1 – 2 của một trường của Pháp được đem bán trong Hội nghị cha mẹ HS để các em lấy tiền làm từ thiện; thấy một số “Báo cáo nghiên cứu” của các nhóm HS lớp 4 – 5 về đề tài môi trường, đề tài những trẻ em thiệt thòi trên thế giới … với những tranh ảnh rất sinh động và những phân tích của các em vừa sâu sắc, vừa cảm động…

– Hình thức xemine ở SV hay sinh hoạt chuyên đề ở HS  phổ thông cũng chủ yếu giúp HS/SV tự do bầy tỏ các ý kiến, thái độ, chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm… để có những trải nghiệm và tiếp thu được những hiểu biết chung của nhiều người… 

– Các hình thức tương tác nhóm khác ngày càng phát triển đa dạng bởi nhu cầu giao tiếp xã hội ngày càng gia tăng và các phương tiện hỗ trợ ngày càng hiệu quả. Do đó nhu cầu và khả năng phát triển các phương pháp SPTT là hết sức phong phú. Tuy nhiên phải luôn thấy được ý nghĩa, giá trị giáo dục sâu xa của các hình thức giao tiếp đó.

3. Kết luận

 Nghiên cứu con người, giáo dục con người nói chung và đổi mới PPGD nói riêng, tiếp cận nhân cách – hoạt động – giao tiếp là một quan điểm, một nguyên tắc cơ bản, đúng đắn. Việc tìm hiểu và vận dụng quan điểm này đã được đề cập khá lâu, tuy nhiên khi “phát động phong trào” đổi mới PPGD, chúng ta thường chỉ chú trọng đến những hình thức, biện pháp, kỹ thuật cụ thể. Vì vậy xin gợi lên một vài vấn đề Tâm lý học liên quan đến đổi mới PPGD, mong được cùng trao đổi.

Tháng 2/2009

PGS TS TLH Mạc Văn Trang đã đăng bài này trên tạp chí Khoa học GD số 3 năm 2009

Video liên quan

Chủ Đề