Cách tính hoàn thuế xuất khẩu theo Thông tư 130

Mục lục bài viết

  • 1. Hoàn thuế gia trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ?
  • 2. Hoàn thuế giá trị gia tăng và phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng ?
  • 3. Tư vấn kê khai hoàn thuế ?
  • 4. Những hóa đơn không được hoàn thuế ?
  • 5. Mức phí phải trả khi hoàn thuế GTGT khi người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam ?
  • 6. Ý nghĩa của việc hoàn thuế giá trị gia tăng là gì ?

1. Hoàn thuế gia trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ?

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định 100/2016/NĐ-CP và nghị định 12/2015/NĐ-CP. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2018. Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu theo nghị định này cũng được sửa đổi khác so với nghị định 100/2016/NĐ-CP và thông tư 130/2016/TT-BTC. Cụ thể:

Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng. Đây là quy định tại Khoản 2 Điều 1 nghị định 146/2017/NĐ-CP có sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định:

"3. Cơ sở kinh doanh trong tháng [đối với trường hợp kê khai theo tháng], quý [đối với trường hợp kê khai theo quý] có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan."

Trước đây, theo quy định tại thông tư 130/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu. Nhưng từ ngày 01/02/2018, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan và xuất khẩu ra nước ngoài đều được hoàn thuế, trừ trường hợp không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan.

Như vậy, từ ngày 01/02/2018, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu [thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan] nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết từ 300 triệu đồng đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT ngay trong tháng/quý.

Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. Trân trọng./.

2. Hoàn thuế giá trị gia tăng và phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng ?

Xin chào Luật sư! Tôi xin được hỏi: công ty tôi có làm hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng do chưa đủ điều kiên được hoàn thuế giá trị gia tăng, công ty gửi tờ trình xin rút hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng có được không? Doanh nghiệp tôi thuộc đối tượng kiểm tra trước hoàn thuế sau, nếu chưa đủ diều kiện được hoàn thuế thì số thuế giá trị gia tăng đó có được chuyển sang khấu trừ không ?

Luật sư tư vấn pháp luật thuế gọi: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Theo hướng dẫn tại Công văn 530/CT-TTHT về trả lời chính sách thuế thì công ty đã gửi hồ sơ hoàn thuế rồi thì cơ quan thuế phải thông báo cho Doanh nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ mà không trả lại hồ sơ cho Doanh nghiệ cụ thể:

"Căn cứ các quy định nêu trên nếu Doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế, sau khi kiểm tra hồ sơ nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 03 [ba] ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho Doanh nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ mà không trả lại hồ sơ cho Doanh nghiệp. Trường hợp sau khi đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế nhưng chưa có Quyết định hoàn nếu Doanh nghiệp phát hiện có sai sót thì được kê khai bổ sung theo quy định."

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Thông tư 156/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định:

"b] Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau [trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm c khoản này] thì chậm nhất là 40 [bốn mươi] ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp phải ban hành Quyết định hoàn thuế theo mẫu số 01/QĐHT hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu Ngân sách nhà nước theo mẫu số 02/QĐHT ban hành kèm theo Thông tư này và/hoặc Thông báo về việc không được hoàn thuế theo mẫu số 02/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư này gửi người nộp thuế."

Như vậy, nếu công ty bạn không đủ điều kiện được hoàn thuế thì cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo không được hoàn thuế chứ khong trả lại hồ sơ cho công ty bạn nhé!

Về chuyển sang tính thuế theo phương pháp hoàn thuế: Việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện hoàn thuế không ảnh hưởng gì đến việc công ty chuyển sang tính thuế theo phương pháp khấu trừ nếu công ty đủ điều kiện áp dụng phương pháp tính thuế theo phương pháp khấu trừ tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

"Điều 12. Phương pháp khấu trừ thuế

1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từbao gồm:

a] Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

b] Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

c] Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay."

Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế bao gồm: Khoản 3 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế:

“3. Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:

a] Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

b] Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

c] Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

d] Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

đ] Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã."

Nếu công ty bạn đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng phương pháp khấu trừ thì sẽ được đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ, không phân biệt có đủ điều kiện hoàn thuế hay không.

Dưới đây là các bài liên quan, bạn vui lòng tham khảo: Thủ tục hoàn thuế VAT-hàng nhập khẩu thực hiện như thế nào?

3. Tư vấn kê khai hoàn thuế ?

Xin chào luật sư, cho em hỏi: Doanh nghiệp bên em kê khai thuế qua mạng , trên tờ khai có mục [43 : Thuế VAT còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau ] của cuối năm cũ không chuyển sang năm mới thì em phải làm sao để mục đó được chuyển sang năm mới, để các tờ khai sau được hợp lệ.

Trên tờ khai VAT tháng 5 vừa rồi em khai trọn tại mục 22 không có số tiền hoàn thuế như mục 43 thì em có phải kê khai lại không và kê khai lại em có bị phạt gì không ?

Rất mong luật sư cho em biết. Cảm ơn luật sư rất nhiều!

- Đ.H

Luật sư tư vấn pháp luật thuế gọi : 1900.6162

Trả lời :

Kính chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ: Doanh nghiệp bên bạn kê khai thuế qua mạng , trên tờ khai có mục [43 : Thuế VAT còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau ] của cuối năm cũ không chuyển sang năm mới thì em phải làm sao để mục đó được chuyển sang năm mới, để các tờ khai sau được hợp lệ thì bạn phải xét theo:

- Nếu mục 43 >0 tức là tăng số thuế VAT được khấu trừ , vậy phải nhập số tiền thuế đó vào mục 38 của kì hiện tại.

- Nếu mục 43 < 0 tức là giảm số thuế vat được khấu trừ, vậy phải nhập số tiền thuế đó vào mục 37 trên tờ khai thuế vat của kì hiện.

Tiếp theo, Trên tờ khai VAT tháng 5 vừa rồi bạn khai trọn tại mục 22 không có số tiền hoàn thuế như mục 43 thì bạn phải thực hiện kê lại phần thuế đó, nhưng việc khai lại phải thỏa mãn vẫn còn trong hạn kê khai thì bạn chỉ cần lập lại tờ khai mới - tờ khai ban đầu [ số liệu đã điều chỉnh đúng] và nộp lại không dùng KHBS. Nếu khai thuế xong mà phát hiện sai sót nhưng đã hết hạn kê khai thì:

1] Khai điều chỉnh nhưng không làm thay đổi tiền thuế phải nộp hoặc khấu trừ thì các bạn chỉ cần lập lại tờ khai mới - tờ khai ban đầu [ các chỉ tiêu đã điều chỉnh đúng] và nộp lại không dùng KHBS.

2] Khai điều chỉnh làm thay đổi tiền thuế phải nộp thì:

a] Nếu khai điều chỉnh làm tăng thuế GTGT phải nộp [tức là khi khai điều chỉnh thì chỉ tiêu số 40 trên mẫu KHBS là số dương] thì chỉ cần khai KHBS lại tờ khai đã khai sai rồi nộp, đồng thời đóng tiền thuế tăng thêm và tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước là xong, không có gõ vào chỉ tiêu 37,38 của tờ khai tháng/quý hiện tại

b] Nếu khai điều chỉnh làm giảm thuế GTGT phải nộp [tức là khi khai điều chỉnh thì chỉ tiêu số 40 trên mẫu KHBS là số âm] thì chỉ cần khai KHBS lại tờ khai đã khai sai rồi nộp, không có gõ vào chỉ tiêu 37,38 của tờ khai tháng/quý hiện tại, số tiền giảm này sẽ bù trừ với số phát sinh sau [ nếu có] hoặc làm thủ tục hoàn.

2] Khai điều chỉnh làm thay đổi tiền thuế được khấu trừ thì:
a] Nếu khai điều chỉnh làm tăng tiền thuế được khấu trừ [ Tức trên mẫu KHBS chỉ tiêu 43 là số dương ] thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, các bạn phải gõ số tiền thuế tăng thêm ở chỉ tiêu 43 trên mẫu KHBS vào chỉ tiêu 38 của tờ khai tháng/quý hiện tại.

b] Nếu khai điều chỉnh làm giảm tiền thuế được khấu trừ [ Tức trên mẫu KHBS chỉ tiêu 43 là số âm ] thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, các bạn phải gõ số tiền thuế được khấu trừ giảm ở chỉ tiêu 43 trên mẫu KHBS vào chỉ tiêu 37 của tờ khai tháng/quý hiện tại.

c] Nếu khai điều chỉnh làm giảm tiền thuế được khấu trừ đồng thời làm tăng tiền thuế phải nộp [ Tức trên mẫu KHBS chỉ tiêu 43 là số âm, chỉ tiêu 40 là số dương ] thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, các bạn phải gõ số tiền thuế được khấu trừ giảm ở chỉ tiêu 43 của tờ KHBS vào chỉ tiêu 37 của tờ khai tháng/quý hiện tại. Đồng thời mang số tiền tăng thêm ở chỉ tiêu 40 nộp vào NSNN + tiền nộp chậm.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về thuế và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Minh Khuê. Trân trọng!

4. Những hóa đơn không được hoàn thuế ?

Kính gửi Luật sư công ty Luật Minh Khuê: Tôi là kế toán trưởng công ty Giầy A. Công ty tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ đầu tư là tổ chức ở nước ngoài. Công ty tôi đang làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng. Cục thuế tỉnh H về kiểm tra vướng mắc một vấn đề như sau:

Công ty tôi xin hoàn thuế theo dự án đầu tư. Có một số hóa đơn xây dựng cơ bản lỗi như sau: Mục người mua hàng ghi tên ông "Y.F.L"[ là tổng giám đốc công ty tôi]. Tuy nhiên phía dưới ký tên người mua hàng là bà " P.T.N" [ là trợ lý ông Y.F.L]. Cơ quan thuế tỉnh H kết luận là những hóa đơn này chúng tôi không được hoàn thuế. Tôi muốn hỏi cơ quan thuế kết luận như vậy có đúng không? Tôi mong anh chị tư vấn cho tôi căn cứ pháp lý.

Vì tôi thấy cơ quan thuế kết luận như vậy là không hợp lý. Bởi vì: Tất cả nội dung hóa đơn như tên công ty, mã số thuế, địa chỉ và nội dung quyết toán xây dựng bên tôi hoàn toàn chính xác và hợp pháp. Bên tôi cũng đã thanh toán chuyển khoản đầy đủ cho công ty xây dựng. Tôi mong công ty luật cho người liên hệ với tôi và tư vấn cho tôi trong ngày 15/07/2016 tức thứ sáu tuần này. Tôi xin trả chi phí tư vấn cho anh chị theo thỏa thuận. Tôi xin cảm ơn và mong được sự giúp đỡ từ anh chị công ty.

Tôi xin gửi 2 tấm ảnh giấy tờ hóa đơn và giấy ủy quyền để anh chị hiểu rõ hơn. Đồng thời tư vấn cho tôi cách để xử lý giấy tờ để những hóa đơn trên là hợp pháp theo luật kế toán và thuế. Nếu có thể tôi xin thuê bên công ty luật mình cử người đứng ra giải quyết pháp lý về vấn đề vướng mắc này cho công ty chúng tôi.

Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn pháp luật Thuế trực tuyến gọi:1900.6162

Trả lời


2. Nội dung tư vấn

Căn cứ quy định tại điều 7, Thông tư số 26/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là:

" 7. Sửa đổi, bổ sung điều 16 như sau:

a] Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, điều 16 [đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, điều 5, thông tư số 119/2014/TT-BTC như sau:

“b] Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động [trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất].

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống [nếu có]. Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.”

b] Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, điều 16 như sau:

“b] Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”

Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.

Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế [nếu có] thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày.

Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính”.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì trường hợp của bạn là tên người mua và người ký là 2 người khác nhau nhưng 2 người này đều cùng làm việc trong một công ty như bạn trình bày thì mã số thuế, tên công ty, nội dung quyết toán xây dựng hoàn toàn hợp pháp do đó, việc cơ quan thuế kết luận như vậy là không đúng theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

Như vậy cơ quan thuế nói hóa đơn của bên phía bạn là không hợp lệ là không đúng với quy định của pháp luật, tuy người mua hàng cũng là người của công ty bạn, nhưng nó không ảnh hưởng đến lợi ích của hai bên cũng như người mua hàng này đã được công ty kia ủy quyền. Trong trường hợp này, bạn phải đảm bảo giấy ủy quyền là hợp lệ, do người có thẩm quyền mua hàng [ ký kết trong hợp đồng mua bán ủy quyền cho họ ].

Để các giấy tờ trên là hợp pháp thì bên bạn và bên mua hàng cần phải lập biên bản điêu chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua và nộp cùng với hồ sơ hoàn thuế quy định tại điều 58, Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế đó là:

" Điều 58. Hồ sơ hoàn thuế

1. Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

a] Văn bản yêu cầu hoàn thuế;

b] Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.

2. Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.”

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

5. Mức phí phải trả khi hoàn thuế GTGT khi người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam ?

Kính chào Luật Minh Khuê! Tôi có một câu hỏi mong muốn được quý công ty giải đáp như sau: Tôi là Người Việt Nam định cư ở Úc. Tháng 05/2018, tôi có về Việt Nam thăm gia đình và có mua một số hàng hóa là quần áo, thực phẩm,...tại Việt Nam làm quà cho bạn bè tại Úc. Hiện tại, tôi chuẩn bị trở lại Úc và chuẩn bị làm thủ tục hoàn thuế GTGT đối với số hàng hóa đó.

Vậy, tôi xin hỏi, trường hợp của tôi có được hoàn thuế GTGT hay không ? Chi phí để được hoàn thuế GTGT là bao nhiêu và tính như thế nào ạ?

Trân trọng cảm ơn!

Luật Sư trả lời:

Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Khuê. Sau khi nghiên cứu trường hợp cụ thể của khách hàng, Luật Minh Khuê giải đáp trường hợp cụ thể này như sau:

Khoản 8 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT quy định:

"Điều 18. Đối tượng và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng

Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Việc hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh."

Như vậy, đối với trường hợp của bạn thuộc đối tượng Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.

Tuy nhiên, để được hoàn thuế GTGT, hàng hóa bạn mua cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 72/2014/TT-BTC. Bạn có thể tham khảo tại bài viết: Khách du lịch nước ngoài có được hoàn thuế GTGT khi mua hàng tại Việt Nam không ?

Bạn sẽ thực hiện hoàn thuế GTGT sau khi đã có thẻ lên tàu bay/tàu biển, hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã được cơ quan hải quan kiểm tra, đóng dấu xác nhận theo quy định tại Điều 17 Thông tư 72/2014/TT-BTC về hoàn thuế GTGT đối với người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh:

"Điều 17. Thời điểm hoàn thuế giá trị gia tăng

1. Thời điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh được thực hiện ngay sau khi người nước ngoài hoàn thành thủ tục kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế tại quầy hoàn thuế của ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế và trước giờ lên tàu bay/tàu biển của chuyến bay/chuyến tàu người nước ngoài xuất cảnh."

Để được hoàn thuế GTGT, bạn cần phải nộp một khoản phí dịch vụ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 72/2014/TT-BTC:

"Điều 12. Phí dịch vụ hoàn thuế, số tiền được hoàn thuế, đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng

1. Phí dịch vụ hoàn thuế ngân hàng thương mại được hưởng bằng 15% [mười lăm phần trăm] trên tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của số hàng hóa đủ điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu hoàn thuế.

2. Số tiền thuế giá trị gia tăng người nước ngoài được hoàn bằng 85% [tám mươi lăm phần trăm] trên tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của số hàng hóa đủ điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu hoàn thuế.

3. Đồng tiền hoàn thuế là đồng Việt Nam. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu được chuyển số tiền hoàn thuế từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ tự do chuyển đổi thì ngân hàng thương mại thực hiện bán ngoại tệ cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Tỷ giá chuyển đổi là tỷ giá do ngân hàng thương mại niêm yết tại thời điểm chuyển đổi và phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam."

Theo đó, bạn sẽ bị trích nộp 15% số thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện hoàn theo quy định của pháp luật.

Trong đó: Số thuế GTGT = Giá trị hàng hóa chưa bao gồm thuế * Thuế suất

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệLuật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.

6. Ý nghĩa của việc hoàn thuế giá trị gia tăng là gì ?

Hoàn thuế giá trị gia tăng [GTGT] là một trong những cơ chế vận hành của thuế GTGT. Đối với doanh nghiệp, cũng như đối với cả nền kinh tế, hoàn thuế GTGT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Luật sư tư vấn và giải đáp một số quy định pháp lý liên quan:

Một cách chung nhất, có thể hiểu hoàn thuế GTGT là việc ngân sách nhà nước trả lại cho đối tượng nộp thuế số tiền thuế GTGT đã nộp vượt quá nghĩa vụ đã thực hiện theo quy định của pháp luật. Số tiền thuế GTGT nộp vượt quá phát sinh khi có sự thay đổi giá trị của hàng hóa, dịch vụ hoặc thay đổi về mức độ điều tiết thuế qua các khâu lưu thông, khi đó số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra làm cho kết quả khấu trừ thuế đạt giá trị âm.

Căn cứ quan trọng để xét hoàn thuế là đối tượng nộp thuế phải nộp theo phương pháp khấu trừ, đây là phương pháp tính thuế đặc trưng của thuế GTGT. Phương pháp khấu trừ thuế cho phép chúng ta có cơ sở để so sánh và xác định sự chênh lệch giữa thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào. Nếu số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra, ngân sách nhà nước có nghĩa vụ trả lại số tiền thuế chênh lệch.

Mang tính chất ưu đãi, tài trợ của nhà nước, hoàn thuế GTGT có ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, hoàn thuế GTGT tạo tâm lý an tâm cho các doanh nghiệp khi thực hiện nộp thuế GTGT về sự đảm bảo của Nhà nước trong việc điều chỉnh hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo quyền pháp lý chính đáng cho các chủ thể nộp thuế. Quy định này giúp các nhà đầu tư an tâm về sự bảo đảm tích cực của nhà nước khi hoạt động kinh doanh, thúc đẩy hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, do thuế GTGT là thuế gián thu tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ nên cơ chế hoàn thuế giúp cho các doanh nghiệp tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Đồng thời cơ chế hoàn thuế cũng giúp hỗ trợ vốn, giúp điều hòa lượng vốn luân chuyển trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, cơ chế hoàn thuế GTGT có bản chất ưu đãi, hỗ trợ xã hội nên giúp thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển theo định hướng của nhà nước. Theo đó, thông qua cơ chế hoàn thuế, tùy từng giai đoạn nhà nước có thể quy định các trường hợp, đối tượng nào được áp dụng cơ chế hoàn thuế, coi đó như một biện pháp ưu đãi cho ngành, lĩnh vực cần phát triển. Từ đó nhà nước từng bước định hướng sự phát triển các ngành nghề cho phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu phát triển của xã hội, đảm bảo sự ổn định bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Thứ tư, chính sách hoàn thuế thể hiện rõ nét vai trò khuyến khích hoạt động xuất khẩu, bởi hàng hóa xuất khẩu cũng là đối tượng được hoàn thuế. Việc hoàn thuế này sẽ giúp cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, góp phần nâng cao sản lượng hàng hóa xuất khẩu, từng bước đưa nước ta trở thành một nước xuất siêu trong tương lai.

Thứ năm, cơ chế hoàn thuế GTGT giúp thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, mở sổ sách kế toán của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo quy định của pháp luật thuế GTGT, một trong những điều kiện để được hoàn thuế là doanh nghiệp phải có hóa đơn, chứng từ, sổ sách,.. chứng minh hoạt động kinh doanh thuộc diện được hoàn thuế. Do đó đã gián tiếp thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, các hoạt động của doanh nghiệp sẽ được phát triển một cách chuyên nghiệp, tạo sự thuận lợi cho cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng hóa đơn được coi như một công cụ của nhà nước trong việc quản lý thuế, đảm bảo công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước, góp phần xây dựng trật tự kỷ cương trong lĩnh vực tài chính.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Minh Khuê về “Ý nghĩa của việc hoàn thuế giá trị gia tăng?”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Thuế trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Thuế - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề