Cách nấu cháo đặc cho bé

Làm thế nào để “cháo nhà” nhanh nhừ, nở bung, thơm ngon như “cháo hàng” mà lại đảm bảo dinh dưỡng? Nấu cháo cho con ăn dặm tưởng dễ nhưng lại luôn là bài toán khiến nhiều chị em phải đau đầu, nhất là với những bà mẹ đang đi làm, không có nhiều thời gian ninh nấu mỗi ngày.

Chính vì vậy, ngay khi công thức nấu cháo ăn dặm cho con của Ngọc Thắm - một bà mẹ trẻ được chia sẻ trên mạng xã hội, nó đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của hàng nghìn chị em.

Chia sẻ về những “lời đồn” rằng người bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em luôn dùng hóa chất, gạo giả mẹ Ngọc Thắm tâm sự “Dạ dày em bé rất nhạy cảm, sức các bé còn yếu. Khỏe như người lớn ăn đồ nấu nướng không đảm bảo vệ sinh còn dễ ngộ độc, đau bụng nên trẻ con ăn nếu cháo không đạt tiêu chuẩn là biết liền, bị dẹp tiệm ngay.

Nấu cháo đơn giản nên mình thấy đa số các tiệm cháo dinh dưỡng người ta làm đều rất cẩn thận. Mình nói theo quan điểm của mình khi đã trải qua gần nửa năm trời tìm hiểu mới quyết định bán cháo”.

Dưới đây là cách làm của mẹ Ngọc Thắm:

Cách chọn gạo và dụng cụ nấu cháo cho bé:

Chọn gạo tấm loại ngon, hạt phải dẻo và thơm.

Nồi đun

Một bình ủ giữ nhiệt [Không nên dùng phích vì dễ bị vỡ].

Thực hiện:

1. Đun một nồi nước sối trên bếp, lượng nước nhiều hay ít tùy thuộc và khả năng ăn thô của bé, độ đặc hay loãng của cháo theo ý mẹ. Thông thường là vào khoảng 1 lạng gạo với 700ml nước.

2. Đợi nước sôi già, mẹ bỏ gạo vào nồi. Lấy cái giá [muôi] khuấy một chút để tránh cho gạo dính đáy nồi, dễ bị cháy.

3. Tiếp đến để lửa lớn cho sôi lại lần nữa. Lưu ý phần này: các bé ăn cháo nhừ thì nước sôi xong mẹ giảm lửa thật nhỏ để khoảng 5-7 phút rồi bỏ bình ủ. Còn bé ăn cháo hạt thì sôi xong mẹ tắt bếp ngay rồi bỏ vào bình ủ.

4. Theo tiêu chuẩn, mẹ bỏ gạo và nước sôi vào bình ủ trong khoảng 45 phút là có cháo để nấu cho con ăn rồi. Nếu để qua đêm tới sáng, cháo sẽ nở bung hết cỡ mà vẫn nóng hổi.

5. Cháo để trong bình giữ nhiệt tốt chỉ cần ngày chia 3 lần nấu. Mỗi khi nấu lấy cháo ra, cho rau củ và thịt vào nấu lại cho chín đồ ăn là được.

Hạt cháo nở bung, nhừ tơi sau khi ủ trong bình.

Mẹ Ngọc Thắm cũng lưu ý thêm:

- Khi bỏ rau củ vào nấu chung cháo cho bé ăn nên nấu lần nào ăn lần đó, không nên hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ mất rất nhiều chất.

- Nấu cháo không nên dùng nước hầm xương cho bé dưới 3 tuổi vì nước hầm xương tuy có vị ngọt hơn nhưng không có nghĩa là nhiều canxi, về lâu về dài không tốt cho trẻ nhỏ.

- Không nên ninh nấu quá nhừ mà nên tăng dần độ thô, đặc của cháo cho con. 

Là một giáo viên mầm non, chị Cao Kim Oanh [Hà Nội] đã tự trang bị cho mình từ sớm những kĩ năng nuôi con để đến khi chăm bé Túc An [tên thường gọi là Cherry, hiện 10 tháng 12 ngày tuổi] không còn bỡ ngỡ, thiếu sót.

Bé Cherry hiện 10 tháng 12 ngày tuổi ăn thô khá tốt.

Mẹo nấu cháo nhanh nhừ, cánh gạo bung đều

Khi con nhỏ đến tuổi ăn dặm, chị Kim Oanh lựa chọn cho con ăn dặm theo phương pháp truyền thống xen kẽ ăn dặm tự chỉ huy BLW [Baby Led Weaning]. Chị Oanh hiểu rằng, để con đạt được sự phát triển tốt nhất, cần phải lên kế hoạch, có lịch trình sinh hoạt rõ ràng, như thế mẹ vừa nắm bắt được sự thích nghi của con lại có thể dễ dàng thay đổi cho phù hợp. Thông thường, lịch ăn trong ngày của bé Cherry sẽ được chị phân bổ như sau:

Cháo là món ăn không thể thiếu trong các bữa chính của Cherry bởi các món cháo sẽ tổng hợp nhiều nhóm chất dinh dưỡng từ thực phẩm mà hầu hết trẻ nào cũng cần phải đạt được.

“Hầu hết các bé sẽ không bao giờ cảm thấy chán ăn nếu như mẹ nấu cháo ngon, hấp dẫn và đa dạng. Vì thế, mình rất cẩn trọng trong việc nấu cháo cho Cherry.

Nhờ có một lần trò chuyện, học hỏi được bí kíp nấu cháo sánh miệng thần thánh của một bà bán gạo có thâm niên 30 năm nấu cháo lòng ở phố cổ Hà Nội mà các món cháo mình nấu trông đẹp mắt, sánh mịn, gạo bung đều, thơm ngon và Cherry ăn rất háu [cười]", chị Oanh chia sẻ.

Theo đó, bí kíp nấu cháo được chị Oanh chia sẻ như sau:

Bước 1: Vo gạo sạch rồi đổ nước để gạo khô lại khoảng 10-15 phút.

Bước 2: Nấu nước sôi già sau đó mới đổ gạo vào, nấu sôi bùng lên 5 phút [tuyệt đối không cho đũa thìa vào nồi cháo để khuấy].

Bước 3: Tắt bếp, đậy nắp để yên nồi cháo như thế trong 30 phút hoặc 1 tiếng, thậm chí lâu hơn.

Bước 4: Bật lửa nhỏ nấu lại nồi cháo đến khi cháo đạt độ đặc theo độ đặc của cháo con ăn thì được.

Lưu ý: Phải cho nước 2/5 phần gạo, ít quá thì hạt đặc nhưng không dẻo mà nhiều quá khi chín hạt gạo nhuyễn và loãng không thích hợp với các bé lớn đã ăn cháo nguyên hạt [thô].

“Sau khi nấu theo cách đó mình được nồi cháo [như hình trên] sánh dẻo, gạo nở bung mà không hề bị khê hay dính cháy đáy nồi dù nồi là nồi inox thường chứ không phải chống dính. Cherry ăn ngon miệng, mẹ đút không kịp”, chị Oanh vui mừng chia sẻ.

Cách nấu những món cháo siêu ngon, kích thích bé ăn không biết chán

Trong một bữa cháo nấu cho con, chị Oanh luôn cố gắng đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm đáp ứng đủ 4 nhóm dinh dưỡng [chất bột đường, chất béo, chất đạm và rau] và cân đo thực phẩm sao cho lượng chất phù hợp với độ tuổi của bé để bé hấp thu dễ dàng, tốt cho hệ tiêu hoá. Đặc biệt, quan trọng nhất là không bị thừa chất gây béo phì hay thiếu thì dẫn đến suy dinh dưỡng.

Dưới đây là công thức nấu những món cháo siêu ngon, đơn giản mà chị Oanh thường nấu cho con, các mẹ có thể tham khảo:

1. Cháo ếch Singapore

Nguyên liệu: 

- Ếch đồng, Nước dừa, Lá dứa, Gạo

- Rau: cải ngọt, mồng tơi... [không chọn rau có mùi sẽ át mất mùi lá dứa]

- Sả

Cách làm:

Bước 1: Nấu cháo trắng bằng gạo cháo gần chín cho lá dứa [cắt đoạn ngắn như trong bát cháo] đến khi cháo đạt độ sánh lỏng đặc tuỳ theo độ tuổi của bé thì tắt bếp đậy nắp để nguyên lá dứa trong đó cho thơm.

Bước 2: Chế biến ếch

Mua ếch còn sống, làm sạch -> rửa muối -> dùng dao thái nhỏ rạch bỏ các đường đen ở đùi ếch [đó là đường gân máu nhưng cũng dễ lầm với ấu trùng sán nên tốt nhất bỏ thừa còn hơn sót].

Bước 3: Nấu ếch Singapore: Cho nước dừa vào nồi để luộc ếch bằng nước dừa. Lưu ý luộc kĩ vì thịt ếch dù bổ nhưng nhiều sán phải luộc kĩ để loại bỏ sán.

Muốn cháo có màu cánh gián đẹp như cháo ếch Singapore thì mẹ để nước dừa sôi lâu 1 tí cho nước dừa chuyển màu cánh gián thì bỏ ếch vào luộc.

Bước 4: Bắc cháo lá dứa lên nồi lại làm nóng rồi bỏ rau vào cho chín. Sau đó cho ếch đã nấu vào và tắt bếp đợi cháo còn 80 độ thì cho 1 thìa dầu. [Không dùng dầu cá hồi sẽ làm mất mùi lá dứa, nên dùng dầu óc chó]

2. Cháo kê thịt gà rau cải

Nguyên liệu:

- Hạt kê đã ngâm sau 8 giờ

- Thịt ức gà

- Rau cải thái nhỏ hoặc băm, rây theo độ thô của bé

- Củ gừng tươi nướng thơm

Cách làm:

Bước 1: Cho hạt kê vào nấu như nấu cháo độ đặc loãng tuỳ độ thô của bé.

Bước 2: Thịt ức gà đem hấp với gừng nướng cho thơm sau đó băm, giã hoặc xé tuỳ độ thô của bé.

Bước 3: Cho thịt gà đã chế biến vào cháo kê nấu 3 phút thì cho rau vào để lửa to 1 phút thì tắt bếp đợi cháo nguội 80 độ thì cho 1 thìa dầu ăn của bé vào.

3. Cháo tôm nước dừa

Nguyên liệu:

- Tôm đã bóc vỏ, bỏ đường chỉ đen trên sống lưng và dưới bụng, bỏ đầu

- Rau mồng tơi băm nhỏ hoặc rây theo độ thô của bé

- Cháo trắng

- Nước dừa tươi

Cách làm:

Bước 1: Luộc tôm chín 10ml nước dừa tươi + 1 ít nước lọc [không dùng nước daisy vì làm mất mùi vị nước dừa]

Bước 2: Tôm đã luộc xong giã tôm theo độ thô của bé.

Bước 3: Cho hỗn hợp tôm và nước dừa [ban nãy luộc tôm] vào khuấy cùng cháo trắng khoảng 2-3 phút sôi thì cho rau mồng tơi vào để lữa lớn 1 phút tắt bếp đợi cháo nguôi 80 độ cho 1 thìa dầu ăn của bé vào.

4. Cháo cá chép thì là

Nguyên liệu:

- Thịt cá chép lấy chỗ phần bụng cá để không có xương dăm.

- Rau thì là

- Cháo trắng

- Nước daisy rau củ

Cách làm:

Bước 1: Hấp cá chép với 1 ít gừng khử mùi tanh sau đó gỡ bỏ xương cá

Bước 2: Cho nước daisy, thịt cá đã gỡ xương vào cháo trắng nấu sôi tắt bếp cho thì là thái nhỏ vào đảo lên cho thì là chín dậy mùi, tắt bếp cho 1 thìa dầu ăn của bé vào. [Khuyến cáo không nên cho dầu mè sẽ là mất mùi thì là, nên cho dầu oliu hoặc óc chó]

5. Cháo cua bể bí đỏ

Nguyên liệu:

- Cua bể chọn cua thịt để thịt ngon ngọt chắc

- Bí đỏ hấp mềm

- Cháo trắng

Cách làm:

Bước 1: Cua bể hấp gỡ thịt

Bước 2: Cho thịt cua và bí đỏ đã hấp vào cháo

Bước 3: Dùng muỗng tán thịt cua và bí đỏ, nấu sôi trộn đều tắt bếp cho dầu mè vào.

[Bí kíp món này là cho dầu mè vào để làm mất mùi tanh của cua và thơm ngon hơn hẳn]

Xem thêm một số món ăn do chị Oanh chế biến cho bé Cherry:

6. Súp gà nấm bông cải xanh

7. Cháo gạch cua rau ngót

8. Cháo cua bể mồng tơi

9. Cháo tôm thịt

10. Yến mạch tôm rong biển 

11. Cháo cá hồi rong biển

12. Cháo tôm rau dền đỏ

13. Cháo sườn

14. Cháo tôm đậu Hà Lan

15. Tim + cá hồi + cải luộc

16. Cháo chùm ngây + thịt bò cuộn măng tây

>> XEM TIẾP: Cách nấu cháo cho con nhanh nhừ của bà mẹ “nhà bán cháo” nhận nghìn like

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. 

Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2 và thứ 5 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn.

Theo Chi Chi - Ảnh NVCC [Khám phá]

Video liên quan

Chủ Đề