Bệnh viện nào có huyết thanh trị rắn cắn

1 giờ sau, em bắt đầu mệt, buồn nôn, nôn ói nhiều, sụp mi, yếu tứ chi và thở mệt. Gia đình đưa C đến thầy lang chữa rắn cắn gần nhà. Tuy nhiên, tình trạng quá nặng nên em được chuyển lên một bệnh viện ở Đồng Nai. Tại đây, em lơ mơ, bác sĩ đặt nội khí quản, bóp bóng và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ nghi trẻ bị rắn cạp nia cắn gây suy hô hấp, được thở máy và điều trị hỗ trợ. Do bệnh viện không còn huyết thanh kháng độc rắn, tình trạng không cải thiện nên C. tiếp tục phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, C. nhập viện khi đồng tử 2 bên giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm tính kèm suy hô hấp nặng phải bóp bóng qua nội khí quản. Ngay lập tức, bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ kháng sinh, vệ sinh vết rắn cắn.

"Khi đó là 19h, trẻ gần như tử vong, hai đồng tử đều giãn", PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ. Nếu có huyết thanh kháng độc rắn cạp nia, em chắc chắn được cứu. Thế nhưng, các bệnh viện ở miền Nam đã cạn loại thuốc giải này thời gian qua.

Một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra, các bác sĩ quyết định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá. Đó là 5 lọ huyết thanh kháng độc rắn hổ đa giá cuối cùng của Bệnh viện Nhi đồng 1. Huyết thanh này kháng độc 3 loại cạp nia, cạp nong, hổ mang; dưới dạng bột đông khô, thời giạn sử dụng 5 năm, được nhập khẩu từ Thái Lan. Sau khi truyền 5 lọ, cậu bé bắt đầu có đáp ứng với những cử động nhẹ ngón chân, ngón tay. Hai ngày sau, em đã có thể mở mắt, cử động tay chân, tiếp xúc tốt.

"Chúng tôi đã dùng đến những lọ huyết thanh kháng độc rắn đa giá cuối cùng. Một năm có thể chỉ dùng thuốc này vài lần, nhưng nếu không dự trữ, bệnh nhân sẽ rất thiệt thòi"

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1

Ngày 16/8, tức là sau 5 ngày thở máy, em có thể tự thở tốt và được bỏ máy thở. Trẻ tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ chi và các cơ hô hấp, không để lại di chứng thần kinh. Dự kiến bệnh nhi sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Thuốc giải rắn cắn là nỗi lo từ lâu của các bác sĩ chống độc. Ngày 15/8 vừa qua, một người đàn ông ở Bình Phước đã tử vong sau 3 ngày bị rắn hổ mèo cắn. Bác sĩ Phạm Văn Quang cho biết, hiện không có huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ mèo.

Hồi tháng 5, một bé gái 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ. Dù cấp cứu ngay, nhưng bệnh viện địa phương không có huyết thanh kháng độc. Liên hệ vào TP.HCM, các bệnh viện lớn cũng không còn thuốc giải. Bé gái tử vong sau đó.

Tháng 4/2021, bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị rắn cổ đỏ cắn. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM liên hệ khắp nơi nhưng không có huyết thanh kháng độc loại này. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi chảy máu toàn thân, suy hô hấp và tử vong.

Rắn cạp nia, một loại rắn độc nguy hiểm. Ảnh: BVCC

Hiện nay, các bệnh viện không chỉ cạn huyết thanh kháng độc rắn cạp nia mà loại đa giá cũng khan hiếm. Lý do doanh nghiệp không mặn mà vì đặt hàng ít, lợi nhuận thấp, dễ phải tiêu hủy. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đã liên hệ Hội chữ thập đỏ Thái Lan để đặt mua thêm.

Các bác sĩ cho biết, mặc dù huyết thanh kháng độc rắn là biện pháp tối ưu nhưng không phải duy nhất. Bệnh nhân có thể được điều trợ hỗ trợ, thở máy, lọc máu, thay huyết tương… Tuy nhiên, thời gian điều trị sẽ kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng nhiều, tốn kém tiền bạc, nguy cơ tử vong nếu đến bệnh viện muộn. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào thể trạng, lượng chất độc, vị trí rắn cắn…

Khi bị rắn cắn, người dân cần hết sức bình tĩnh. Nạn nhân cần rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Người dân không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Đồng thời, hạn chế buộc garo phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ bị hoại tử chi.

Bên cạnh đó, nạn nhân cần ghi nhận đặc điểm con rắn để giúp xác định chính xác loại đã cắn, giúp các bác sĩ quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp.

Lãnh đạo xã Phước Tân [huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên] thăm hỏi, chia buồn với gia đình cháu bé bị rắn cạp nia cắn chết - Ảnh: VTC

Không từ ngữ nào tả hết được nỗi buồn của anh Ra Lan Oát và chị Sô Thị Tú, cha mẹ bé N., trước sự ra đi quá bất ngờ của đứa con gái đầu lòng cũng là duy nhất của anh chị sau khi bé bị rắn cạp nia cắn.

Bất lực nhìn con chết

"Tôi đã biết con bị rắn độc cắn, cấp tốc đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm, đã đến bệnh viện lớn của tỉnh rồi mà cuối cùng vẫn bất lực không cứu được con" - chị Tú nức nở.

Ông Sô Minh Chiến - chủ tịch UBND xã Phước Tân - cho biết vợ chồng anh Oát, chị Tú mới ra dựng nhà sàn ở riêng, xung quanh thoáng đãng nhưng không hiểu sao rắn độc cạp nia lại lên được nhà lúc đêm tối và cắn bé N. đang ngủ. Khoảng hơn 0h ngày 16-5, chị Tú dậy đi vệ sinh thì thấy bé N. ói mửa, lơ mơ. Khi kéo chiếc màn thì thấy con rắn cạp nia đang ở ngay dưới chân con gái nên anh chị đánh chết rắn, đồng thời chụp lại ảnh con rắn để đưa cho bệnh viện biết.

"Biết đây là loại rắn độc, vợ chồng Oát thuê ôtô ở gần nhà chở ngay đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu. Ngay trong đêm, cháu N. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để cấp cứu và điều trị. Nhưng cuối cùng cháu không qua khỏi" - ông Chiến xót xa.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, bé N. được chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16-5 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, chừng 10 phút sau đó thì ngưng thở nên bệnh viện phải đặt nội khí quản ngay cho bé. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên chuyển bé N. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, tuy nhiên bệnh viện này cũng không có huyết thanh nên trưa 16-5 bé được chuyển lại Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để tiếp tục điều trị.

"Chúng tôi có liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển tuyến cho bé, nhưng hai bệnh viện trên cũng cho biết là không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để điều trị cho bé theo phác đồ của Bộ Y tế trong trường hợp không có huyết thanh kháng nọc rắn" - bác sĩ Phạm Văn Minh, giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, cho hay.

Đến tối 21-5, sau 5 ngày nằm viện, tình trạng của bé N. rất xấu khi suy gan, thận, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Thấy con khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện được đưa bé về nhà. Đến trưa 22-5, bé N. qua đời.

Huyết thanh không đắt tiền nhưng vẫn thiếu

Một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP [TP.HCM] cho biết hiện bệnh viện đang thiếu huyết thanh cạp nia và huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo.

Vì sao nhiều bệnh viện tuyến trên lại thiếu những loại huyết thanh này? Vị này cho hay do những loại huyết thanh này rất ít khi được sử dụng đến nên công ty nhập loại huyết thanh này thường ít nhập về.

Tại bệnh viện, có năm tiếp nhận điều trị 1 ca bị rắn cạp nia hay rắn hổ mèo cắn nhưng có năm không có bệnh nhi nào. Khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhi này mà hết huyết thanh thì sẽ hỏi mượn huyết thanh từ những bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Còn khi ngay cả hai bệnh viện này cũng hết huyết thanh thì bệnh viện cũng đành chịu.

Theo bác sĩ này, các loại huyết thanh đang thiếu này có giá thành rẻ như một loại thuốc thông thường. Nhưng do các bệnh viện không có nhu cầu lớn nên các công ty không muốn nhập về.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 [TP.HCM] - cho biết hiện bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia, nhưng vẫn có các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp... Tình trạng thiếu hai loại huyết thanh kháng nọc rắn trên xảy ra từ lâu.

Theo bác sĩ Phương, khi bị rắn cạp nong hoặc cạp nia cắn có thể điều trị theo triệu chứng, bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng tầm hai tuần, tiên lượng sống của bệnh nhân cao.

"Nguyên nhân của việc không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia chủ yếu là do rất ít trường hợp bị rắn cắn, loại rắn này có thể điều trị thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp", bác sĩ Phương nói.

TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy [TP.HCM] - cũng cho biết bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ một năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được, do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng theo TS Hùng, hiện nay bệnh viện thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa do chưa được nhập về.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu các loại huyết thanh, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP đề xuất Bộ Y tế phải đứng ra lo vì đây là những loại thuốc "cấp cứu" bệnh nhân. Còn sở y tế các tỉnh thành nên là đầu mối để các bệnh viện hết huyết thanh đều có thể gọi đến để lấy. "Chứ bệnh viện mượn huyết thanh của nhau nhưng lúc tất cả các bệnh viện đều hết thì cũng không có huyết thanh điều trị cho bệnh nhân" - vị này nói thêm.

Nhiều ca nhập viện vì bị rắn cắn

Theo một nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm [huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang], từ ngày 1-5 đến nay, trại rắn này đã tiếp nhận 139 ca bị rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ cắn. Trung bình mỗi ngày trại tiếp nhận từ 6-7 ca bị rắn cắn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An... chuyển đến. Nguyên nhân do vào mùa mưa nên số ca bị rắn cắn tăng. [H.THƯƠNG]

Chủ Đề